Quảng Nam ngăn ngừa ma túy xâm nhập học đường
Việc triển khai mô hình dân vận “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” tại các trường THCS, THPT, phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có ý nghĩa thiết thực. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên lĩnh vực phòng, chống ma túy (PCMT), góp phần ngăn ngừa ma túy xâm nhập vào học đường.
Thượng tá Huỳnh Tấn Mười, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng về số vụ và quy mô tội phạm, năm sau luôn cao hơn năm trước. Toàn tỉnh hiện có 168/241 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy. Trên địa bàn cũng đã hình thành các đường dây phạm tội về ma túy liên tỉnh, liên huyện phức tạp và hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam hiện có 779 người nghiện, 526 người sử dụng trái phép chất ma túy và 189 đối tượng bị quản lý sau cai nghiện. Số người nghiện ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 30% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa; người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, khó lường.
Trước tình hình trên, với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên lĩnh vực PCMT; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy với nội dung mang tính thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế,… Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã báo cáo và được Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam đồng ý cho phối hợp với Phòng Công tác chính trị và học sinh - sinh viên thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam xây dựng, đưa vào hoạt động mô hình dân vận “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” tại các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh.
Từ tháng 10/2024 đến nay, mô hình này đã được triển khai tại 19 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Điển hình, trong sáng 25/11, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Phòng Công tác chính trị và học sinh - sinh viên thuộc Sở GD&ĐT tổ chức ra mắt mô hình dân vận “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” tại Trường THPT Thái Phiên (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Tại lễ ra mắt mô hình, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật PCMT; kiến thức về các loại ma túy và tác hại; kỹ năng, biện pháp PCMT... để đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh, học sinh nhà trường chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường. Đồng thời, công bố quyết định thành lập mô hình; quyết định thành lập và quy chế tổ chức, hoạt động của Tổ tự quản PCMT “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” tại Trường THPT Thái Phiên.
Thượng tá Lê Tự Pháo, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam đánh giá, “Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường” là mô hình cụ thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tập trung chủ yếu là cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong PCMT. Từ đó các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, kiên quyết không để tội phạm, tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học.
“Để mô hình đi vào hoạt động và phát huy được hiệu quả, chúng tôi đã đề nghị Phòng Công tác chính trị và học sinh - sinh viên tham mưu lãnh đạo Sở GD&ĐT chỉ đạo Ban Giám hiệu 57 trường THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh lựa chọn nhân sự, ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Tổ tự quản PCMT tại đơn vị”, Thượng tá Lê Tự Pháo chia sẻ.
Bên cạnh đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Công an các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu triển khai thực hiện mô hình này tại các trường THCS, các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Thời gian triển khai thực hiện từ tháng 9/2024 đến ngày 15/12/2024. Theo kế hoạch dự kiến, vào trung tuần tháng 12/2025 sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá nếu hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo.