“Rộng cửa” vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước

09:33 22/12/2022

Không chỉ sử dụng các loại chứng chỉ ngoại ngữ do các tổ chức khảo thí nước ngoài cấp như IELTS, TOEIC, TOEFL, từ năm 2023, một số trường đại học (ĐH) của Việt Nam sẽ sử dụng chứng chỉ tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (gọi tắt là chứng chỉ VSTEP) do chính các trường trong nước cấp.

Việc các trường ĐH đưa chứng chỉ này làm chuẩn đầu vào và đầu ra của sinh viên được kỳ vọng sẽ mở thêm cơ hội vào ĐH của học sinh, góp phần thúc đẩy nhu cầu học, thi và nâng cao uy tín của chứng chỉ “nội” từng bị “lép vế” ngay trên sân nhà.

Trường đại học đầu tiên sử dụng chứng chỉ “nội” để xét tuyển

Là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước sử dụng kết quả bài thi VSTEP để xét tuyển vào đại học từ năm 2022, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN thông tin sẽ tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển này trong năm 2023.

Theo PGS.TS Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, năm 2022,VSTEP được trường tuyển sinh ngang hàng với các loại chứng chỉ quốc tế khác như A-Level, SAT, ACT, IELTS, TOEFL iBT. Đối tượng xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT, đạt hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT, có kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại ngữ quy định, có chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Chứng chỉ này do Trường ĐH Ngoại ngữ tổ chức riêng dành cho xét tuyển đại học đạt trình độ từ B2 trở lên (tương đương bậc 4) và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi THPT năm 2022 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn). Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm Tiếng Anh, kết quả bài thi VSTEP phải đạt trình độ từ C1 trở lên (tương đương bậc 5).

5a2e5048-6789-4d44-a4cd-f76a8b88a466.jpeg -0
Năm 2023, nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ tiếng Anh VSTEP làm chuẩn đầu vào và đầu ra cho sinh viên. (Ảnh minh họa)

Cũng theo bà Hà Lê Kim Anh, từ trước đến nay, phụ huynh và học sinh thường quen thuộc với chứng chỉ IELTS, TOEFL vì đây là các chứng chỉ quốc tế và có lịch sử lâu đời, đặc biệt là đối với các bạn đi du học thì có chứng chỉ này gần như là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, VSTEP là một bài thi được xây dựng khoa học, công phu, rất đáng khuyến khích và nên được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Điều này cũng thể hiện được năng lực khảo thí của Việt Nam thay vì lệ thuộc vào bài thi quốc tế.

“Qua  xét tuyển năm đầu tiên, nhà trường nhận thấy, về cơ bản, kết quả tuyển sinh khá ổn, đối chiếu với kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT của học sinh đều rất tốt. Năm 2023, nhà trường sẽ tiếp tục sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển vào trường”- PGS.TS Hà Lê Kim Anh cho biết.

Theo đại diện Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, từ khóa tuyển sinh năm 2023, trường sẽ sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển. Trước đó, từ tháng 4/2021, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM được Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP. Nhà trường sử dụng chứng chỉ VSTEP trong xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã ban hành công văn gửi các trường thành viên về việc sử dụng chứng VSTEP trong tuyển sinh, đào tạo và công nhận tốt nghiệp tại các trường thành viên.

Hiện nay trong hệ thống ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị được Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP bậc 3-5. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ duy trì tổ chức kỳ thi tiếng Anh VSTEP bậc 3-5 hằng tháng cho học sinh, sinh viên có nhu cầu.

ĐHQGHN cũng vừa ban hành Quy chế đào tạo bậc ĐH áp dụng cho các khóa tuyển sinh từ năm 2022 trở đi. Đáng chú ý, quy chế mới quy định đối với chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, ĐHQGHN áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gọi tắt là chứng chỉ VSTEP với chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3, hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo bên cạnh các chứng chỉ có giá trị tương đương khác.

Nâng chất lượng, uy tín chứng chỉ nội

Từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT quy định về Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ ngoại ngữ “made in Việt Nam” này đã được biết đến rộng rãi hơn. Tính đến tháng 8/2022, toàn quốc có 25 trường đại học, học viện được Bộ GD&ĐT công nhận được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên, ưu điểm lớn nhất của chứng chỉ này là có chi phí rẻ, nằm ở mức từ 1,5-1,8 triệu đồng, thấp hơn so với mức khoảng 4,6 triệu đồng của IELTS.

Cùng với đó, nguồn tài liệu và khóa ôn thi nhiều, dễ dàng tìm thấy trên mạng với mức phí rất rẻ; lịch thi linh động và có nhiều điểm thi, thời hạn sử dụng lâu dài. Ngoài ra, các yêu cầu của bài thi cũng khá khó vì đánh giá toàn diện 4 kỹ năng, yêu cầu thí sinh phải có nền tảng kiến thức, kỹ năng nhất định. “Nếu so với đề IELTS thì dạng thức bài thi của VSTEP giống khoảng 70%. Về độ khó, kỹ năng nghe, đọc tương đương IELTS, còn nói và viết dễ thở hơn”, chị Bùi Ngọc Lan, một người từng thi VSTEP chia sẻ.

Tuy vậy, hạn chế của VSTEP là chỉ có giá trị tại Việt Nam, chưa được quốc tế công nhận; bài thi VSTEP chủ yếu mới chỉ sử dụng cho tuyển dụng ở các cơ quan công lập và chuẩn đầu ra ở bậc đại học, học sau đại học. Do đó, học sinh có nhu cầu đi du học hoặc xét tuyển vào các trường đại học, người đi làm vẫn chuộng các chứng chỉ quốc tế hơn.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia giáo dục từng chấm thi VSTEP, chất lượng, kỹ thuật tổ chức thi và chất lượng khảo thí gồm chấm thi, người chấm thi chưa thực sự đảm bảo tính công bằng như thi quốc tế. VSTEP cũng không ghi thời hạn của chứng chỉ, tức có giá trị lâu dài nhưng trên thực tế thời hạn sử dụng của chứng chỉ lại chủ yếu phụ thuộc vào đơn vị sử dụng. Chính những yếu tố này đã và đang khiến cho chứng chỉ nội kém hấp dẫn hơn so với chứng chỉ ngoại tương đương.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc ngày càng có nhiều trường ĐH sử dụng chứng chỉ VSTEP làm chuẩn đầu vào và đầu ra trong tuyển sinh, đào tạo đại học là xu hướng cần khuyến khích, tạo cơ hội cho chứng chỉ ngoại ngữ nội có điều kiện phát triển, có thể cạnh tranh với chứng chỉ ngoại ngay trên sân nhà. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là việc bảo đảm chất lượng, độ tin cậy của kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT cần có sự kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo khi quy mô mở rộng, các cơ sở tổ chức thi vẫn bảo đảm sự đồng bộ về cơ sở vật chất; tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi; tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm túc để tăng độ tin cậy, uy tín đối với người thi và toàn xã hội.

“Trước mắt, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, xem xét sử dụng kết quả bài thi VSTEP để miễn thi môn ngoại ngữ cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, khuyến khích các trường sử dụng chứng chỉ này làm chuẩn vào, chuẩn đầu ra trong đào tạo đại học; có chiến lược lan tỏa bài thi đánh giá năng lực Tiếng Anh của Việt Nam trong khu vực để khi tuyển học sinh Việt Nam, các trường có thể công nhận bài thi này thay cho IELTS hay TOEFL” - một cán bộ của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN nêu ý kiến.

Huyền Thanh

TP Huế có 1.132 căn nhà ở của các dự án (DA) bất động sản thuộc diện tồn kho. Thị trường bất động sản ở địa phương vẫn ảm đạm khi lượng giao dịch đất nền, nhà ở không tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn rất cao.

Từ mẫu ADN của các thân nhân, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở xã Nga An và xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là kết quả bước đầu, minh chứng hiệu quả  của Đề án thu nhận mẫu ADN các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt do Bộ Công an triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Cùng với ông Nguyễn Quốc Thận, Trưởng phòng Kinh tế xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng đi thực tế tại bờ sông Côn đoạn qua thôn Tân An, xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng, PV Báo CAND ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nơi đây diễn ra rất nghiêm trọng.

Chiều 7/7, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số địa phương.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết ông tin rằng bất đồng giữa Iran và Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, song nhấn mạnh lòng tin giữa hai bên hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng sau các cuộc tấn công quân sự từ phía Mỹ và Israel.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm (7/7), khu vực Tây Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ có mưa to cục bộ với lượng mưa nhiều nơi trên 50mm như: trạm Trường Xuân (Đồng Tháp) 125.6mm, trạm Nhơn Hòa Lập (Tây Ninh) 62.2mm, trạm Pha Long (Lào Cai) 66.6mm, trạm Yên Thượng (Phú Thọ) 57.4mm…

Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an) vừa qua có quyết định về việc cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Nhiên King Green (Công ty King Green).

Liên quan đến vụ án Mr Pips Phó Đức Nam, tại buổi họp báo của Bộ Công an tổ chức chiều 7/7, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đã bắt giữ vợ của Lê Khắc Ngọ, tức Mr Hunter, đồng thời thu giữ nhiều tài sản, bất động sản của liên quan đến vụ án.

Trả lời câu hỏi của báo chí về vụ án xảy ra tại Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) và các đơn vị liên quan, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an cho biết, hiện đã khởi tố nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của PJICO.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.