Sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại an toàn
Ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các khu vực có dịch ở cấp độ 1, 2 trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội sẽ được đến trường học trực tiếp sau gần một năm học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, cùng với việc phun khử khuẩn trường lớp, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh kiểm tra sức khỏe học sinh tại nhà, đón các em từ cổng trường, cũng như việc tuân thủ 5K trong suốt quá trình học tại lớp. Đặc biệt, các tình huống khi có ca nhiễm COVID-19 đều được lên kịch bản chi tiết, đảm bảo xử lý theo đúng quy định.
Xây dựng kịch bản đón học sinh đến trường học trực tiếp
Cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường cũng đã xây dựng xong thời khóa biểu, kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho từng khối lớp, từng đối tượng học sinh, nhất là học sinh khối lớp 9.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chuẩn bị 3 phòng học đáp ứng việc dạy học trực tuyến dành cho những học sinh không thể đến trường học trực tiếp vì các lý do như cha mẹ chưa sẵn sàng cho con học trực tiếp hoặc học sinh gặp vấn đề về sức khỏe, bảo đảm để các em không bị chậm tiến độ chương trình.
Thầy Nguyễn Thế Hảo- Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông thông tin, nhà trường đã đầu tư 4 máy quét hiện đại để đo thân nhiệt khi học sinh đi học trực tiếp. Học sinh ngồi mỗi người một bàn, so le để đảm bảo khoảng cách an toàn. Cùng đó, nhà trường cũng tổ chức diễn tập các tình huống bất ngờ như xuất hiện F0, F1 trong trường học để cán bộ, giáo viên và học sinh làm quen, có phương án xử lý đúng.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Kế hoạch tổ chức dạy học từ ngày 8/2 đối với học sinh từng khối lớp đã được thông báo cụ thể. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng phương án chi tiết, phù hợp và có kịch bản xử lý tình huống nếu có F0, F1 tại lớp học, trường học để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho học sinh. Công tác chuẩn bị cũng cần được triển khai nghiêm túc nhằm đảm bảo đầy đủ điều kiện tốt nhất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường an toàn.
Để quá trình tổ chức dạy học trực tiếp diễn ra thống nhất, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động rà soát, sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản.
Chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình của từng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều chỉnh kế hoạch môn học/hoạt động giáo dục của từng nhà trường, từng giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế, chất lượng học tập của từng học sinh.
Khi học sinh mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh chuyên trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường chỉ thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.
Quan tâm hỗ trợ tâm lý cho học sinh sau thời gian dài học online
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nhìn chung, trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập, vui chơi giao lưu cùng thầy cô, bạn bè sau thời gian dài học trực tuyến. Tuy nhiên, cũng có những em hụt hẫng sau thời gian quá dài học trực tuyến và nghỉ Tết.
Do vậy, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh; trò chuyện với trẻ về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt, sắp xếp sách vở, góc học tập, những kế hoạch học tập sẽ diễn ra như thế nào để con có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và thích nghi dần.
Đặc biệt, sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Vì vậy, cha mẹ cũng cần tăng cường nhắc nhở con biện pháp tự bảo vệ, duy trì các thói quen phòng dịch, tuân thủ nghiêm thông điệp 5K mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, các bậc cha mẹ phải chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học ở nhà nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh đường hô hấp.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chia sẻ: Đối với học sinh, do thời gian học trực tuyến kéo dài, nhiều em đã tự cô lập mình vì các kỹ năng xã hội tương tác với người thật ở trong môi trường học tập trực tiếp bị cùn mòn.
Kỹ năng sống của các em bị giảm xuống, bị “chuội” đi nên khi quay trở lại trường sẽ dễ bị choáng ngợp. Các em sợ hãi với việc phải dậy sớm, phải tiếp xúc với người này người khác, phải đối diện với bắt nạt học đường, đối diện với sự kỳ thị, với các bài kiểm tra. Điều này đòi hỏi hệ thống tư vấn học đường cần được kích hoạt trước khi mở cửa trường để giúp học sinh được giải tỏa băn khoăn, được hỗ trợ tâm lý sau giai đoạn ở nhà dài.
Bên cạnh đó, nhà trường phải xây dựng được các kịch bản cụ thể, giúp các con ứng xử đúng với các tình huống bất ngờ trong trường học; lên kế hoạch kết nối cô-trò, tổ chức các buổi sinh hoạt chung để “kích hoạt” lại các kỹ năng tương tác thực sau thời gian dài học trực tuyến. Nhà trường cũng cần khuyến khích giáo viên chủ nhiệm tăng cường trao đổi, chia sẻ để phụ huynh, học sinh thấy nguy cơ chỗ nào cũng có dù là ở nhà hay ở trường.
Tuy nhiên, nếu học sinh thực hiện theo các nguyên tắc an toàn, được trang bị các kĩ năng cần thiết, các quy định buộc phải tuân thủ cho các con khi trở lại trường thì nguy cơ sẽ được giảm thiểu và các con hoàn toàn có thể được bảo vệ khi đi học trở lại.
Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2
UBND TP Hà Nội đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD&ĐT tại Tờ trình số 302/TTr-SGDĐT về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã thuộc khu vực ngoại thành trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 10/2. Trong đó, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường học mà ở nhà học trực tuyến, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy học cho các em; không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 12 quận nội thành tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.