Sắp khai giảng, nhiều địa phương vẫn chưa chốt số lượng sách giáo khoa

05:31 30/08/2023

Chỉ còn ít ngày nữa là học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Tuy vậy, hiện các nhà xuất bản (NXB) vẫn đang rơi vào thế bị động, gặp khó do ngày khai giảng đã cận kề nhưng một số địa phương vẫn chưa “chốt” được số lượng sách giáo khoa (SGK), tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ về số lượng SGK mới lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Trước thực tế trên, các NXB đang phải tập trung nguồn lực vào công tác in ấn nhằm đảm bảo cung ứng đủ SGK mới trước ngày khai giảng.

Nhà xuất bản gặp khó khi địa phương chậm trễ trong việc “chốt” số lượng SGK

 Sáng 29/8, chúng tôi có mặt tại một số cửa hàng bán sách giáo khoa (SGK) trên địa bàn TP Hà Nội như hệ thống Adcbook ở Linh Đàm (Hoàng Mai), hệ thống cửa hàng Ebdbook tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), hệ thống Edubook tại phố Vọng (Hai Bà Trưng), SGK các cấp học, đặc biệt là SGK theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018 đều được bày bán đầy đủ trên các kệ sách, không xảy ra tình trạng khan hiếm SGK. Tuy nhiên, số người đến tìm và hỏi mua SGK trong buổi sáng rất ít.

Phụ huynh, học sinh Hà Nội tìm mua SGK, sách tham khảo trước thềm năm học mới. Ảnh: CTV

Anh Hoàng Văn Đạt ở Linh Đàm, phụ huynh có con năm nay vào lớp 6 cho biết: “Hôm nay tôi cùng con trai đi tìm mua một số cuốn sách tham khảo để giúp con rèn luyện, nâng cao kiến thức. SGK lớp 6 của con gia đình tôi đã đặt mua tại trường cho thuận tiện vì trường chọn nhiều đầu sách từ các bộ SGK khác nhau, nếu mình tự tìm mua cũng sẽ phức tạp, mất công”.

Theo nhân viên của hệ thống cửa hàng Abcbook Linh Đàm, đối với SGK theo chương trình GDPT mới, do các trường thường lựa chọn SGK các môn học ở các bộ SGK khác nhau nên cửa hàng không đóng thành bộ như trước mà bán lẻ tất cả các đầu sách của tất cả các NXB để phụ huynh lựa chọn.

Chia sẻ với PV Báo CAND về tình hình xuất bản và cung ứng SGK cho năm học mới 2023-2024, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), đơn vị chiếm thị phần lớn nhất về SGK hiện nay cho biết: Tính đến ngày 27/8, NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho SGK tất cả các lớp. Đối với SGK tái bản gồm lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình 2000) đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch, tương ứng 24,8 triệu bản. SGK các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 theo chương trình GDPT mới đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch, tương ứng 84,6 triệu bản.

Riêng đối với SGK mới lớp 4, 8, 11, hiện NXBGDVN đang gặp khó khăn lớn khi các địa phương chậm có quyết định lựa chọn và đăng kí số lượng SGK các lớp 4, 8, 11 để làm cơ sở cho NXB triển khai in ấn, cung ứng đủ sách. Trước thực tế đó, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là cung ứng đủ SGK trước khai giảng năm học mới, NXBGDVN đã phải bám sát, nắm bắt thông tin tại từng địa phương để dự kiến sản lượng nhằm sớm tổ chức công tác in, đồng thời liên tục cập nhật để điều chỉnh, bổ sung đáp ứng nhu cầu của địa phương.

NXBGDVN đã xây dựng kế hoạch in dự kiến là 51,41 triệu bản và đã thực hiện nhiều giải pháp để huy động tối đa năng lực của các nhà in trong cả nước nhằm có đủ sách phục vụ học sinh trước khai giảng năm học mới. Đến ngày 14/8, NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch in dự kiến nói trên.

“Tuy vậy, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều địa phương chưa gửi số lượng đặt hàng SGK, một số địa phương tiếp tục điều chỉnh số lượng đặt sách, do đó NXBGDVN phải gấp rút tổ chức in gấp, nhập nhanh để đáp ứng nhu cầu kịp phục vụ khai giảng năm học mới.

Đến ngày 27/8, NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản SGK lớp 4, 8, 11 mới phát sinh. Cho đến nay, khi ngày khai giảng đã cận kề, một số địa phương tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ, NXBGDVN đang rất nỗ lực để in ấn và cung ứng đủ SGK trước ngày khai giảng”, đại diện NXBGDVN cho hay.

Nhận diện SGK giả bằng cách nào?

Trước thềm năm học mới, tình hình in và phát hành SGK giả sử dụng trong năm học 2023-2024 tại một số tỉnh, thành và địa phương vẫn đang có diễn biến phức tạp. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm đầu SGK bị in lậu, đặc biệt là SGK Tiếng Anh của NXBGDVN.

Mới đây, ngày 26/8, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5, Cục QLTT Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan đến việc Công ty TNHH Sách và Thiết bị giáo dục Duy Ngân kinh doanh hơn 3.000 quyển SGK giả sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một thụ lý, tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.

Để tránh mua phải sách giả, sách “lậu”, NXBGDVN khuyến cáo phụ huynh, học sinh một số dấu hiệu để nhận diện như sau: Thứ nhất, sách in lậu là sách do các cá nhân hoặc đơn vị tự chụp ảnh, scan từ các sách thật rồi in lại với nội dung và cách trình bày giống sách thật.

Chính vì vậy, nhiều cuốn sách in lậu không thể đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Thứ hai, sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn so với sách thật.

Các sách in lậu được đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thậm chí là thiếu trang. Thứ ba, sách in lậu có chất lượng in kém hơn so với sách thật; loại giấy mà sách lậu sử dụng thường là giấy in chất lượng thấp.

Để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, phần lớn các đơn vị làm sách lậu không sử dụng các công nghệ in đặc biệt như ép nhũ, cán mờ… mà chỉ scan/phô tô, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật, không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà.

Từ đó, dẫn đến việc phần chữ dù được xử lý lại nhưng quan sát kĩ vẫn thấy bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh thì không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều.

Việc sử dụng SGK chứa các hình ảnh, nội dung bị nhòe, mờ, không rõ nét trong thời gian dài có thể dẫn đến việc thị lực của học sinh bị suy giảm. Bên cạnh đó, một số nội dung trong sách in lậu được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt như sách thật, có thể làm sai lệch kiến thức trong quá trình học tập của học sinh.

Huyền Thanh

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文