Sẽ thẩm định các luận án tiến sĩ được phản ánh
Mạng xã hội, báo chí những ngày gần đây xôn xao chia sẻ về những tên đề tài luận án tiến sĩ (LATS) mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn. Từ đây, rất nhiều câu hỏi lại đặt ra về chất lượng chuyên môn của các LATS, về quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Hình ảnh trang bìa LATS "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được lan truyền trên mạng xã hội đã “làm nóng” dư luận, đặc biệt là trên các diễn đàn học thuật. Theo nhìn nhận chung của dư luận và đánh giá của một số nhà khoa học, đề tài trên “chưa đủ tầm” của một LATS. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt bởi cũng với chủ đề này, có tới gần 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công LATS liên quan đến môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước. Trong đó, có một số đề tài có tiêu đề gần giống nhau như: “Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho học sinh THPT TP Tuyên Quang"; đề tài “Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên Đại học khối các trường kỹ thuật TP Thái Nguyên"...
Tương tự, một loạt đề tài LATS về tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương cũng được chỉ ra. Sự na ná về đề tài, chỉ thay tên tỉnh, huyện... khiến các chuyên gia đặt câu hỏi đây là LATS hay báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương? Trong danh sách này có thể kể đến một số đề tài LATS như "Chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015"; "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010"; "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012"; "Chuyển biến kinh tế - xã hội huyện Từ Liêm, TP Hà Nội dưới tác động của quá trình đô thị hóa từ năm 1996 đến năm 2013"; "Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội từ năm 1993 đến năm 2014"…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất, các tiến sĩ là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, vẫn còn những nơi “buông lỏng” dẫn đến chất lượng đầu ra chưa cao. Đây cũng chính là một trong những lý do giải thích vì sao dù đào tạo tiến sĩ có quy chuẩn chung nhưng trong cộng đồng khoa học vẫn ngầm có sự phân biệt giữa tiến sĩ đào tạo tại cơ sở này với cơ sở khác. Nói cách khác, đang có độ “vênh” về chất lượng tiến sĩ giữa các cơ sở đào tạo.
Bình luận về chất lượng chuyên môn của một số LATS đang gây tranh cãi, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản khác quy định, trong giáo dục đại học có hai định hướng là nghiên cứu (mang tính hàn lâm, học thuật và sáng tạo ra cái mới) và hướng ứng dụng. Đối với hướng nghiên cứu, có thể đào tạo từ trình độ cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Tuy nhiên, đối với hướng ứng dụng, chỉ đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ, không đào tạo trình độ tiến sĩ.
“Đề tài nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức tỉnh Sơn La” chỉ mang tính ứng dụng và không thể là một LATS được. Rất khó có thể chấp nhận một đề tài như vậy lại được bảo vệ thành công bởi chúng ta đã có quy trình bảo vệ LATTS. Đáng lo ngại hơn, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện những đề tài như thế. Câu chuyện này cho thấy, một số cơ sở đào tạo tiến sĩ không đúng với Luật và những chuẩn mực đánh giá đối với LATS đang bị giảm sút rất nhiều”-ông Khuyến nêu quan điểm.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, ở Việt Nam hiện nay, có không ít người theo học tiến sĩ, chạy theo học vị chỉ vì hư danh, để đạt mục đích “thăng quan tiến chức”, để làm quản lý, lãnh đạo. Trong khi đó, học vị tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu để làm việc ở vị trí giảng dạy tại các trường đại học theo định hướng nghiên cứu hoặc làm việc ở các viện nghiên cứu khoa học, đó là tiêu chuẩn tối thiểu để xem xét tuyển dụng tại những đơn vị này.
“Cần có sự chấn chỉnh trong công tác đào tạo tiến sĩ, từ việc sàng lọc đối tượng học tiến sĩ, đưa ra những điều kiện, yêu cầu để đảm bảo đào tạo tiến sĩ đúng mục đích, đúng đối tượng; cán bộ hướng dẫn, Hội đồng bảo vệ cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Bộ GD&ĐT cũng phải làm tốt vai trò quản lý nhà nước, đưa ra các quy định kiểm soát chặt chẽ quy trình đào tạo tiến sĩ, có thẩm định đối với các đề tài LATS được bảo vệ, tránh để lọt những đề tài thiếu tính nghiên cứu như đã xảy ra”- ông Khuyến nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn, hiện là giáo sư y khoa tại Đại học New South Wales, người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia cũng cho rằng: Câu chuyện LATS "nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức" xảy ra có thể xem là một sự thất bại trong việc “gác cổng” học thuật. Thất bại đó bắt nguồn từ sự ngộ nhận về tri thức khoa học, về bản chất của một LATS, đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực hay cơ chế dung dưỡng việc "làm đẹp" cho cái ghế bằng những học vị, học hàm. Nhưng đó cũng là một cơ hội để Việt Nam tăng cường cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ đúng với chuẩn mực quốc tế.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với những LATS có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, trong Quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ GD&ĐT quy định, luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể. Việc đánh giá luận án trải qua 3 bước: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; Gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập; Bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện. Bộ cũng yêu cầu người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án cũng có những yêu cầu rất khắt khe về trình độ, chuyên môn.
"Khi luận án sai sót, trước hết, trách nhiệm thuộc về cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo"- bà Thủy nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các đơn vị đào tạo tiến sĩ phải tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một LATS gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý. Nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá LATS, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án.