Siết điều kiện xét tuyển bằng học bạ để đảm bảo công bằng

07:36 08/12/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hiện đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo yêu cầu đối với trường hợp trường đại học (ĐH) sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông (THPT) để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Quy định này đã và đang nhận được sự đồng thuận từ dư luận xã hội.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong 2 mùa tuyển sinh năm 2023 và năm 2024, cả nước có hơn 100 trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT, trong đó có nhiều trường quy định sử dụng kết quả học tập của 4-5 kỳ, gồm 2 năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I của lớp 12. Đáng nói hơn, mặt bằng điểm trúng tuyển bằng học bạ của các trường cũng đều cao ngất ngưởng, thậm chí có một số ngành gần đạt hoặc đạt điểm tuyệt đối.

Siết điều kiện xét tuyển bằng học bạ để đảm bảo công bằng. (Ảnh minh họa)

Thực tế này đã khiến dư luận nghi ngại về việc có hay không tình trạng các trường THPT tìm cách “làm đẹp” học bạ cho học sinh. Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành cũng đã có độ “vênh” nhất định tại nhiều địa phương.

Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Và việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào ĐH là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội. Trong bối cảnh đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục Mầm non quy định đối với trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển, thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, tức 6 kỳ thay vì 5 kỳ như hiện nay. Quy định này đã nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

Nêu ý kiến tại Tọa đàm lấy ý kiến về Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 6/12, bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Việc yêu cầu các trường ĐH sử dụng học bạ cả 3 năm học THPT, trong đó có cả năm lớp 12 nhằm đảm bảo đánh giá kiến thức của thí sinh trong toàn cấp THPT và tránh được hiện tượng học lệch, hoặc bỏ không học một số môn ở học kỳ II năm lớp 12.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc THPT. Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cũng cho rằng, trên thực tế, có không ít trường ĐH chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên mới có chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa. Điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện ở bậc THPT.

“Chúng tôi ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả, đảm bảo tin cậy, công bằng”, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng bày tỏ. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc xét học bạ THPT phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 sẽ đảm bảo đánh giá toàn diện kiến thức của học sinh ở cấp THPT, tránh hiện tượng học lệch hay bỏ một số môn ở học kỳ 2 lớp 12.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND, nhiều chuyên gia còn đề nghị cùng với việc yêu cầu sử dụng kết quả học tập của 6 học kỳ, Bộ GD&ĐT cần tính cả đến việc khống chế chỉ tiêu đối với phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ nhằm hạn chế những bất cập của phương thức xét tuyển này.

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông cho rằng, vấn đề bất cập nhất của xét tuyển sớm hiện nay chủ yếu nằm ở phương thức xét tuyển học bạ. Do đó, Bộ GD&ĐT nên khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm 20% đối với các trường dùng kết quả học bạ để xét tuyển. Còn việc xét theo kết quả thi THPT thì các trường cũng không được để thấp hơn 20% chỉ tiêu, để các thí sinh giỏi không có điều kiện thi đánh giá năng lực, tư duy và các kỳ thi chuẩn quốc tế bị đỡ bị thiệt thòi.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nêu quan điểm: Bộ GD&ĐT nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào như xét tuyển bằng học bạ, thay vào đó chỉ nên xem học bạ là điều kiện sơ tuyển ban đầu và phải kèm theo những điều kiện kết hợp khác nữa. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần bổ sung quy định các ĐH, trường ĐH cần đưa ra một tỉ lệ hợp lý cho phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính công bằng cho các đối tượng học sinh khó khăn, không đủ điều kiện tham gia dự thi lấy các chứng chỉ quốc tế và các kỳ thi riêng của các ĐH, trường ĐHtổ chức.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ rất khó khăn cho các em sau này khi vào đại học. Ngoài ra, cũng cần xác định quan điểm là làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục, đó là công bằng, bình đẳng và chất lượng.

Huyền Thanh

Chiều ngày 14/12, Ban diễu hành, diễu binh của Bộ Công an đã tổ chức Lễ tiếp nhận gần 1.700 CBCS, học viên từ các đơn vị trực thuộc Bộ Công an tham gia huấn luyện diễu hành, diễu binh Kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 -30/4/2025.

Sau sắp xếp, sáp nhập số đầu mối của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải, có thể sẽ giảm từ 42 đơn vị đầu mối xuống còn 25 – 27 đơn vị (giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối). Đây là thông tin được Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải Vân chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành tổ chức ngày 14/12.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng trên phần đất liền thổ với Nhà lưu niệm Đại tướng ở xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Nhà lưu niệm được thiết kế theo kiến trúc nhà cổ, xây dựng bằng vật liệu truyền thống đặc trưng gồm đá xanh, gỗ lim...

Chỉ vài giờ sau khi quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội và đình chỉ chức vụ tổng thống, ông Yoon Suk-yeol đã có bài phát biểu trên truyền hình. "Tôi sẽ ghi nhớ mọi sự ủng hộ, động viên và cả những lời chỉ trích. Tôi sẽ cống hiến hết sức vì đất nước đến phút chót", ông Yoon Suk-yeol khẳng định.

Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp tục duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất đối với hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định. Đồng thời, tăng cường cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng.

Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, mới đây Cơ quan CSĐT Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 đối tượng về các tội: “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…

Hôm 13/12 (giờ địa phương), ông François Bayrou (73 tuổi), lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ Pháp (MoDem), đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron, được bổ nhiệm giữ cương vị thủ tướng Pháp. Theo The Guardian, tân thủ tướng tự nhận mình là "người đàn ông của vùng đồng quê".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文