Thấy gì từ bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên công bố

07:36 18/02/2023

Sau hơn hai năm nỗ lực làm việc trong khuôn khổ hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận, nhóm thực hiện VNUR (Viet Nam's University Rankings) đã chính thức công bố kết quả xếp hạng 100 trường đại học (ĐH) tốp đầu trong Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam năm 2023 (VNUR 2023). Đây cũng là lần đầu tiên một bảng xếp hạng “nội” do một tổ chức trong nước thực hiện và được công bố trên lãnh thổ Việt Nam.

Đại học công lập vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo

Bảng xếp hạng VNUR 2023 đã tiến hành rà soát 237 cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam thông qua việc xử lý dữ liệu thông tin rất lớn bao gồm các báo cáo ba công khai, các đề án tuyển sinh, các dữ liệu về xếp hạng, kiểm định, định hạng vào năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, QS, THE, QS Stars, UPM, dữ liệu của Web of Science trong giai đoạn 5 năm (2018-2022), dữ liệu về hoạt động khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều thông tin được tham khảo có chọn lọc trên các trang website có liên quan. Tổng cộng có 191 trường có đầy đủ số liệu để thực hiện xếp hạng.

Bảng xếp hạng VNUR 2023 được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu về thông tin cho học sinh trước ngưỡng cửa vào đại học. Ảnh minh hoạ

Việc xếp hạng được thực hiện thông qua chỉ số gồm 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí được lựa chọn, phản ánh khá toàn diện các chức năng hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục ĐH như đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Trong đó, tiêu chí chất lượng được công nhận chiếm tỷ lệ 30%, các tiêu chí dạy học chiếm 25%, công bố bài báo khoa học 20%, nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế 10%, chất lượng người học 10%, cơ sở vật chất chiếm tỷ lệ 5%.

Trong lần đầu công bố, vị trí số 1 thuộc về ĐH Quốc gia Hà Nội (100 điểm). Những cái tên nằm trong top 5 tiếp sau là ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (95 điểm), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (89,8 điểm), ĐH Bách khoa Hà Nội (86,9 điểm), Trường ĐH Duy Tân (79,7 điểm). Trong top 10 còn có sự hiện diện của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh (70,1 điểm), Trường ĐH Cần Thơ (69,2 điểm), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (68,2 điểm), ĐH Đà Nẵng (67,9 điểm), ĐH Huế (67,5 điểm).

Trong top 100 trường ĐH của VNUR, trường công lập chiếm đa số với tỷ lệ là 84%, trong khi đó các trường tư thục chỉ có tỷ lệ 16%. Mặt khác, nếu so với tổng số các trường công lập của cả nước, thì 62% số trường này nằm trong top 100, trong khi trường tư thục chỉ có tỷ lệ 29%. Tuy nhiên, VNUR cũng cho thấy có hiện tượng một số ít trường ĐH tư thục có vị trí thứ hạng cao không thua kém các trường ĐH công lập nổi tiếng. Chẳng hạn Trường ĐH Duy Tân là trường ĐH tư thục song có thứ hạng thứ 5 trong top 100 của VNUR, thuộc nhóm 11 trường đại học “tinh hoa” của Việt Nam. Trong 50 trường hàng đầu của Việt Nam ta còn thấy các đại diện ĐH tư thục như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (thứ hạng 19), Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (thứ hạng 32) và Trường ĐH Phenikaa (thứ hạng 41).

Bên cạnh đó, theo phân tích của nhóm nghiên cứu, hiện trạng của các bảng xếp hạng ĐH trên thế giới đều chỉ ra rằng, các trường ĐH có thứ hạng cao thường có tuổi đời lâu năm hơn cả. Bảng xếp hạng ĐH của Việt Nam cũng có kết quả tương tự. Cụ thể là tuổi đời trung bình của trường ĐH để lọt vào top 100 là 34 năm, số tuổi khá cao trong bối cảnh nền giáo dục đại học khá non trẻ của Việt Nam vốn được bắt đầu từ năm 1945. Tuy nhiên, có sự phân hóa khá rõ nét là nhóm 1/3 các trường có thứ hạng cao nhất có tuổi đời trung bình là 48 năm, nhóm 1/3 ở giữa là 30, còn nhóm 1/3 ở cuối top 100 là 23 năm.

Trong xu thế chung như vậy, có một số ngoại lệ, chẳng hạn như có một số trường ĐH có có tuổi đời thấp nhưng có thứ hạng cao như: Trường ĐH Thủ Dầu Một (13 năm, thứ hạng 15), Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội (8 năm, thứ hạng 34), Trường ĐH Phenikaa (4 năm, thứ hạng 41), Học viện Tòa án (7 năm, thứ hạng 93). Ngược lại, có một số trường có tuổi đời cao, song dường như có thứ hạng chưa tương xứng như: Trường Đại học Y Hà Nội (77 năm, thứ hạng 29), Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (75 năm, thứ hạng 49), Trường ĐH Hải Phòng (63 năm, thứ hạng 78), Trường ĐH Lâm Nghiệp (53 năm, thứ hạng 90).

Tư liệu tham khảo cần thiết cho học sinh trong việc chọn trường

Theo nhóm nghiên cứu, VNUR là bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam, dựa vào các tiêu chuẩn và tiêu chí phù hợp với thực tiễn cũng như các định hướng về chuẩn mực và chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam cũng như các nguyên tắc xếp hạng quốc tế. VNUR sẽ giúp các em học sinh phổ thông có những thông tin thân thiện, dễ hiểu và đáng tin cậy về các trường ĐH Việt Nam. Ưu điểm lớn nhất của bảng xếp hạng ĐH nói chung và của VNUR nói riêng là đáp ứng một nhu cầu lớn về thông tin của học sinh, phụ huynh và công chúng nói chung.

Trước hết, bảng xếp hạng VNUR dùng để định hướng cho các em học sinh phổ thông cùng với phụ huynh của Việt Nam và nước ngoài có thể chọn trường ĐH Việt Nam phù hợp để theo học. Đây cũng là một trong công cụ đánh giá mà các doanh nghiệp, các trường ĐH trong và ngoài nước có thể sử dụng để lựa chọn trường ĐH cụ thể để liên kết và hợp tác. Thông tin tại đây cũng giúp cho các sinh viên ĐH có thông tin chính xác để cân nhắc việc điều chỉnh ngành nghề học tập và nếu cần thiết thì lựa chọn lại trường cho phù hợp hơn với năng lực và điều kiện của cá nhân.

Cùng với đó, VNUR giúp các giảng viên tìm các vị trí giảng dạy cụ thể hoặc đưa ra quyết định hợp tác với trường ĐH. Lãnh đạo các trường ĐH có thể dùng VNUR để đánh giá mức độ cạnh tranh của mình với các trường ĐH khác trong nước, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp để cải thiện toàn diện tính cạnh tranh của trường. Mặt khác, VNUR có thể là công cụ giúp các nhà quản lý giáo dục ĐH Việt Nam đánh giá và định hướng phát triển cho hệ thống này.

“VNUR luôn nhận thức rằng mục đích chính của các bảng xếp hạng, trong đó có VNUR là giúp các học sinh phổ thông đưa ra quyết định tốt nhất khi chọn trường ĐH. Hơn nữa, việc so sánh các tổ chức học thuật đa dạng trên một bộ chuẩn dữ liệu chung là một thách thức. Đó là lý do chúng ta nên coi các bảng xếp hạng chỉ là một phần trong quá trình ra quyết định của sinh viên tương lai. Các bảng xếp hạng tạo ra sự tiện lợi do trình bày các dữ liệu so sánh một cách tập trung và đơn giản. Nhờ vậy các em học sinh sẽ sử dụng thông tin được cung cấp trong bảng xếp hạng nhằm thu hẹp quyết định về nơi nộp đơn học, cũng như có những bước tìm hiểu sâu hơn và cụ thể hơn” - nhóm nghiên cứu VNUR cho biết.

Huyền Thanh

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Để hiểu rõ hơn về những nội dung cơ bản và những điểm mới mà dự thảo luật đề cập nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác PCCC và CNCH hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Hoàng Ngọc Huynh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an.

Tại các địa phương trong cả nước không tồn tại các cơ sở băm gỗ dăm trái phép thì ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, các cơ sở băm gỗ dăm trái phép mọc lên như nấm sau mưa, trong đó Nghệ An chiếm số lượng lớn nhất và “công khai” nhất. Ai đã đứng sau “chống lưng” cho các cơ sở này hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực?

Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa thông qua “tặng quà tri ân” gần đây lại rộ trở lại theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. Các đối tượng giả mạo nhân viên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và một số thương hiệu để gọi điện thoại thông báo và gửi quà tặng quà tri ân miễn phí. Sau đó, từng bước tiếp cận và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua hình thức làm nhiệm vụ online.

Dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Theo đó, nhiều “nút thắt” trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ.

Theo dự báo, khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ hôm nay có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm).

Kết quả kiểm tra hiện trường tàu trật bánh của các cơ quan chức năng tại khu gian thuộc địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), bước đầu cho thấy đoạn tuyến xảy ra nhiều vụ tai nạn đi qua khu vực có địa hình đồi núi, bình diện tuyến xấu, có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau. Tại ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn, chưa đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tôi biết bút danh Nguyễn Khắc Trường đầu tiên gắn trên trang bìa tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài.

Ngày 5/10, gia đình sản phụ K'H (SN 1995, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), đã có đơn đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ này sau 11 ngày mổ sinh con.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文