Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cao nhất trong vòng 3 năm qua

06:18 02/08/2024

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2024, cả nước có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Con số này tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nếu so với năm 2022 và 2023 thì năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đạt tỷ lệ cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2023, cả nước có hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trước đó, năm 2022, Bộ GD&ĐT cũng đã ghi nhận hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển đại học, chiếm tỉ lệ 64,1% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Như vậy, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm 2024 cao hơn 2,6% so với năm 2023 và cao hơn 4,4% so với năm 2022.

Với số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng, phổ điểm các khối xét tuyển đại học cũng tăng so với năm 2023, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể sẽ tăng so với năm 2023 từ 0,2 đến 2 điểm tùy ngành, tùy trường.

Thông tin về công tác tuyển sinh đại học năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi, hệ thống vận hành ổn định. Các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời. Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển. Từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.

Cán bộ tuyển sinh tư vấn cho thí sinh về chọn ngành, chọn trường.

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu hệ thống cũng như gây khó khăn, vướng mắc cho xã hội; hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Đặc biệt khi đưa vào hệ thống Hemis, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học, sự kết nối của cơ sở dữ liệu này đã giúp các trường đại học, các cơ quan quản lý tiếp cận dữ liệu nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, năm nay, công tác tuyển sinh giảm áp lực hơn so với năm ngoái. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các thí sinh không cần lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần chọn ngành và trường mà mình mong muốn. Đây là bước tiến rất đáng ghi nhận, gây áp lực cho phần mềm xét tuyển nhưng lại tạo điều kiện thuận lợi lớn cho thí sinh.

Chia sẻ cuộc họp Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định: Công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non trong những năm gần đây ngày càng ổn định, theo hướng giảm áp lực, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường. Quy trình tuyển sinh ngày càng đơn giản nhưng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tự chủ của các trường. Quản lý Nhà nước đi vào nền nếp và ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả.

Đặc biệt, sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học đã góp phần tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh, có nhiều thay đổi tích cực. Trong đó, nổi bật là công tác tuyển sinh ngày càng thuận tiện, đánh giá được năng lực học tập của học sinh. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào tuyển sinh đã giảm phiền hà cho thí sinh và cơ sở đào tạo; tạo công bằng, minh bạch với xã hội.

Liên quan tới vấn đề xét tuyển sớm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu, mỗi đơn vị cùng nhìn nhận rõ vấn đề, thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu. Đặc biệt, chú ý đến những nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.

Huyền Thanh

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文