Thí sinh nên xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường, vào ngành mà mình có sở trường

09:06 21/01/2024

Hiện hơn 40 trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Nhiều ngành nghề mới cũng đã xuất hiện trong đề án cho thấy sự nhạy bén, "đón đầu" xu thế của nhiều cơ sở đào tạo. Chọn trường, chọn ngành như thế nào để phù hợp với năng lực và giành được cơ hội trúng tuyển cao nhất luôn là câu hỏi được thí sinh quan tâm. Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật tuần này của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm định hướng, tư vấn giúp cho thí sinh trúng tuyển được ngành, nghề yêu thích…

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, hiện đã có hơn 40 trường đại học công bố đề án tuyển sinh với nhiều phương thức xét tuyển. Bà có lưu ý gì giúp thí sinh đăng ký được đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực cá nhân?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Dù xét tuyển theo phương thức nào, cách đánh giá nào cũng đều dựa trên tiêu chí, yêu cầu về kiến thức nền tảng, năng lực cốt lõi, khả năng học tập của người học (những năng lực cần thiết cho các ngành, chương trình đào tạo; đã được định hướng, lựa chọn từ sớm khi các em vào học THPT, chứ không phải chỉ mới xác định trong thời gian ngắn).

Tôi lưu ý thí sinh xem xét nghiên cứu kỹ lưỡng đề án tuyển sinh của các trường đã công bố. Thực chất các thí sinh đều đã có thời gian khá dài để chuẩn bị chứ không phải chờ đến học kỳ cuối cùng của năm lớp 12 mới bắt đầu chuẩn bị. Năm nay, hầu hết các trường vẫn giữ ổn định các phương thức xét tuyển của năm trước, có thể thay đổi phân bố số lượng chỉ tiêu cho từng phương thức nhất định. Các thí sinh nghiên cứu kỹ thông tin này để đăng ký xét tuyển cho phù hợp. Mặt khác, các em cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT - là điều kiện cần để vào học ở bậc đại học. Cùng với đó các em cần chuẩn bị cho các phương thức xét tuyển mà các em có lợi thế, hoặc đã nghiên cứu theo đuổi từ trước; chuẩn bị đúng các hồ sơ, đáp ứng về quy trình và thời hạn mà các trường công bố (nhất là khi các trường có tổ chức xét tuyển sớm).

Tôi lại tiếp tục lưu ý các em là cho dù các em có tham gia xét tuyển sớm và có kết quả trúng tuyển sớm thì vẫn cần đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển đó trên Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT thì nguyện vọng đó mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.

Nguyên tắc trong xét tuyển là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh: Các em được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng xét tuyển và không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển, mà chỉ chọn ngành/trường xét tuyển để đăng ký. Hệ thống sẽ hỗ trợ sắp xếp các nguyện vọng, sử dụng tất cả các kết quả, dữ liệu có thể dùng để xét tuyển đã được cung cấp, để sao cho các em trúng tuyển vào xét tuyển ưu tiên nhất trong số các xét tuyển mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.

Các em không nên tập trung các nguyện vọng xét tuyển chỉ vào một số ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh đều ở mức cao (tránh rủi ro là không đạt một nguyện vọng nào vì mức độ cạnh tranh quá cao).

Cách đơn giản nhất, mà lại tốt nhất, hiệu quả nhất cho thí sinh là xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường, vào ngành mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực nhất lên trên, vì các em trúng tuyển mà không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng, thì thí sinh nào có năng lực cao hơn sẽ được chọn trúng tuyển trước. Đây chính là tính ưu việt của Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.

PV: Trong đề án tuyển sinh năm nay của nhiều trường có rất nhiều ngành mới, trong đó nhiều trường kinh tế thì mở thêm ngành công nghệ, nhiều trường kỹ thuật mở thêm ngành xã hội. Bà có đánh giá gì về "hiện tượng" này?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Các trường đại học hiện rất nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia. Trong năm nay, nhiều trường đã và sẽ mở các ngành, các chương trình đào tạo liên quan tới thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn; nhiều trường bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… Tôi cho đây là tín hiệu tích cực. Các ngành liên quan tới AI, Robotics, Fintech, Khoa học dữ liệu,… sẽ đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học hiện nay.

Mặt khác, theo dõi công tác tuyển sinh trong 3 - 5 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy các ngành như: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục, được thí sinh khá ưa chuộng.

Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Chúng tôi thấy khá lo ngại về vấn đề này. Những nhóm ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên nhiều khi các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả. Do vậy, cần đẩy mạnh truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ hơn.

PV: Hiện đã có hàng chục trường đại học thông báo xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) THPT. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển này vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng dễ xảy ra tình trạng "làm đẹp học bạ", không đảm bảo công bằng cho thí sinh. Ý kiến của bà về vấn đề này ra sao?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Kết quả học tập ở bậc THPT của các thí sinh (phản ánh cả quá trình học tập, không chỉ qua 1-2 kỳ thi) là một trong các kênh thông tin quan trọng để đánh giá năng lực, khả năng học tập, tiếp thu kiến thức và triển vọng tiếp tục học tập ở các bậc học cao hơn.

Quy chế tuyển sinh yêu cầu các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó, các trường cũng cần có phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm theo các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khác nhau.

Vừa qua, một số trường đại học cũng đã công bố một số phân tích đối sánh và phân tích tương quan để xem xét các phương thức tuyển sinh (ví dụ bằng học bạ, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT…) có tương quan như thế nào với kết quả học tập của các em sinh viên khi vào học ở trình độ đại học. Kết quả phân tích này sẽ đưa đến việc các trường điều chỉnh các phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu dành cho các phương thức… một cách hợp lý, khoa học, có căn cứ.

Tôi được biết, có trường đại học vừa công bố tỉ lệ sinh viên trúng tuyển bằng học bạ ra trường đạt loại xuất sắc và giỏi nhỉnh hơn nhóm trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp. Do đó, tuyển sinh dù bằng phương thức nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng đầu vào của thí sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo và đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh ứng tuyển.

Đối với các trường đại học đào tạo các ngành không cạnh tranh quá cao, thì việc các thí sinh đạt một ngưỡng kết quả học tập (thể hiện qua điểm thi tốt nghiệp THPT hay học bạ) là có thể vào học được và các em cũng không gặp phải khó khăn gì khi theo học.

Đối với các trường ĐH, các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, các trường cần có sự đối sánh công bằng, cần một mặt bằng chung tin cậy ở mức cao để xét tuyển, từ cao xuống thấp. Do vậy, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc cần 1 kỳ thi tuyển sinh riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực, hoặc các trường đào tạo các ngành đặc thù thì cần các kỳ thi năng khiếu riêng…

Thí sinh cần nghiên cứu kỹ phương thức xét tuyển mà các em có lợi thế.

PV: Nhưng bên cạnh việc nhiều trường sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển thì vẫn có một số trường đại học từ chối xét tuyển bằng học bạ và ưu tiên chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác. Điều này có ảnh hưởng gì tới việc tham gia xét tuyển của thí sinh không, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Việc một số trường có sử dụng hay không sử dụng một số phương thức tuyển sinh nhất định cho các ngành đào tạo nhất định là việc bình thường, không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh của trường khác, không ảnh hưởng tới cả hệ thống.

Việc lựa chọn, điều chỉnh là dựa trên kết quả tuyển sinh của từng trường, dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm, như tôi đã nói ở trên.

PV: Theo bà, các trường đại học cần phải đổi mới tuyển sinh đầu vào như thế nào để người học có thể theo học tốt ở bậc đại học?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Các trường cần xem xét, cân nhắc việc sử dụng các đợt xét tuyển sớm, phương thức xét tuyển sớm. Theo tôi, đối với những trường quan tâm nhiều đến chất lượng và sự công bằng đối với thí sinh thì phương thức xét tuyển sớm không mang lại hiệu quả nhiều lắm, mà lại khó đảm bảo sự công bằng. Việc dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm có thể làm bỏ lỡ mất các thí sinh giỏi khi các em đặt nguyện vọng trong Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung.

Các trường cần ưu tiên việc phân tích so sánh tương quan kết quả học tập ở bậc ĐH với các phương thức xét tuyển đầu vào; từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh, phù hợp với các đặc trưng riêng của nhà trường. Các trường cũng nên tránh sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển không cần thiết, có thể gây khó khăn, rắc rối đối với thí sinh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương (thực hiện)

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文