Trò chuyện Chủ nhật

Thí sinh phải hiểu bản thân mình để đưa ra quyết định chọn ngành chính xác

06:20 16/07/2023

Từ 10/7 đến 30/7, thí sinh trên cả nước sẽ đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023 trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Đây là giai đoạn cân não, thí sinh phải có tính toán cẩn trọng để giành được cơ hội trúng tuyển, chọn được ngành đúng sở trường, năng lực, nhất là trong bối cảnh nở rộ các ngành nghề đào tạo.

Để giúp thí sinh có thêm thông tin, chọn được đúng ngành, đúng trường yêu thích, PV Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy.

PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, công tác đăng ký xét tuyển năm nay có điều gì thí sinh cần lưu ý?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Để hỗ trợ thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển, tránh sai sót không đáng có do đăng ký nhầm tổ hợp và phương thức xét tuyển, năm nay Bộ GD&ĐT đã cập nhật một số yếu tố kỹ thuật trên hệ thống. Thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học mà không đăng ký phương thức xét tuyển, hay tổ hợp xét tuyển.

Thực tế mỗi ngành học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, các trường đại học sẽ dùng tất cả những kết quả các em có (và đăng ký trên hệ thống) để xét tuyển tốt nhất giúp các em trúng tuyển vào ngành đó. Thí sinh chỉ cần đăng ký ngành mình mong muốn ứng tuyển và có kết quả các tổ hợp phù hợp phương thức xét tuyển cho ngành học đó là được xét tuyển. Như vậy, thí sinh được ưu tiên tối đa, sẽ trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có. Ví dụ thí sinh muốn đăng ký vào ngành kế toán thì chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển. Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết, phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ. Việc này sẽ hạn chế tối đa những lỗi mà thí sinh có thể mắc phải khi đăng ký trên hệ thống.

PV: Theo quy chế, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường dẫn đến có thí sinh đăng ký đến vài chục nguyện vọng, gây khó khăn cho các trường và gây khó khăn cho chính các em trong việc chọn ngành. Vậy theo bà, đăng ký nguyện vọng thế nào là thông minh và hợp lý?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Tôi có một lời khuyên là thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, ngược lại cũng không nên đăng ký quá ít, đặc biệt đừng bao giờ chỉ đặt duy nhất một nguyện vọng để tránh rủi ro.

Thí sinh cần có lựa chọn thông minh và nên mạnh dạn đăng ký những nguyện vọng mình yêu thích, những ngành học mà mình đam mê thì đặt ngành đó lên thứ tự đầu tiên. Việc này rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học các em cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4. Không thể có việc thí sinh đã đỗ nguyện vọng 1 nhưng sau đó lại mong muốn vào học ở nguyện vọng 2-3.

PV: Những mùa tuyển sinh trước vẫn xảy ra trường hợp thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học. Vì sao lại có tình trạng này, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Nguyên nhân từ hậu kiểm. Vì thế, thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường để tìm hiểu kỹ các điều kiện sơ tuyển. Năm nay, minh chứng về ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã được rà soát từ khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp nên đã góp phần giảm thiểu những rủi ro, sai sót về đối tượng khu vực và ưu tiên.

PV: Gần đây, những ngành nào chiếm ưu thế, được thí sinh ưa chuộng? Những ngành nào có ít thí sinh đăng ký xét tuyển, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Theo dõi công tác tuyển sinh trong 3 - 5 năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy các ngành có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và nhập học cao nhất gồm: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Nhân văn, Sức khỏe, Khoa học Xã hội và hành vi, Khoa học giáo dục.

Tuy nhiên, cũng có những nhóm ngành đang thiếu sức hút đối với thí sinh. Đó là các nhóm ngành, lĩnh vực về Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Chúng tôi thấy khá lo ngại về vấn đề này. Những nhóm ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm cho thí sinh, cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tuy nhiên nhiều khi các em chưa nhận thức được và chưa có sự định hướng đúng đắn; do chạy theo trào lưu, hoặc do cảm nhận ngành nghề này khó, vất vả. Do vậy, rất cần tăng cường công tác truyền thông, định hướng nghề nghiệp cho thí sinh để các em có nhìn nhận đầy đủ, đúng đắn.

Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một số ngành thiếu sự hấp dẫn về cơ hội việc làm cũng sẽ tuyển sinh kém. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, các địa phương cùng chung tay giải quyết mới có thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho sự phát triển kinh tế xã hội.

PV: Bà có dự báo gì về những ngành nghề có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn, đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0?

Thí sinh cần thận trọng trước khi đăng ký xét tuyển, không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Tôi cho rằng các ngành liên quan tới AI, Robotics, Fintech, Khoa học dữ liệu,… sẽ đều là những ngành tiên phong, cần thiết và có sức hấp dẫn cao đối với người học hiện nay.

Tuy nhiên, tất cả lĩnh vực, ngành nghề chúng ta đang đào tạo đều rất cần cho nền kinh tế - xã hội của đất nước, không phải vì cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta chỉ đào tạo những ngành vận dụng, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, cần có sự cân bằng giữa nguồn nhân lực trong các lĩnh vực.

Thực ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực nào cũng rất thiếu, vì tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta còn cách xa nhiều nước khoảng 10 - 20 năm về tiếp cận giáo dục đại học.

Những lĩnh vực liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng rất cần thiết, nhưng bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới việc đào tạo những ngành nghề liên quan tới vật liệu mới, công nghệ sinh học, khoa học sự sống - là những ngành ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Lĩnh vực xã hội nhân văn, đào tạo giáo viên, đào tạo bác sĩ, văn hóa nghệ thuật,… cũng không thể lơ là hay bỏ qua.

Như vậy, chúng ta cần sự chung tay của các bộ, ngành để có được dự báo chính xác về nhu cầu nguồn nhân lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Từ đó, có kế hoạch đào tạo cũng như phát triển những điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp nhất, bắt kịp, đáp ứng được nhu cầu phát triển chung.

PV: Thưa bà, có phải cứ vào được một trường đại học top đầu, theo học ngành hot là thí sinh mới chạm tới thành công hay không?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Câu hỏi này luôn là trăn trở của các thí sinh, phụ huynh. Việc lựa chọn ngành học trước hết phải dựa vào thế mạnh của mỗi thí sinh. Các em có thế mạnh, có niềm yêu thích, đam mê thì mới có thể theo đuổi lâu dài nghề nghiệp mình lựa chọn. Như vậy, theo tôi, các em hãy chọn ngành trước khi chọn trường.

Ngoài những yếu tố cá nhân như trên, khi chọn ngành, thí sinh cũng phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả tốt nhất.

Về vấn đề có phải cứ chọn học trường top mới thành công hay không, như tôi vừa chia sẻ, chọn đúng ngành quan trọng hơn rất nhiều, vì đây mới là yếu tố định hướng việc phát triển cá nhân.

Tôi muốn nhắn nhủ tới các em rằng, sự thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân của các em rất nhiều. Nếu đủ nỗ lực, kiên trì, kiên định, không mệt mỏi để phát triển toàn diện cá nhân thì ở môi trường nào, chúng ta cũng thành công.

Tôi muốn chia sẻ thêm rằng trong việc chọn ngành, những lời khuyên, lời tư vấn của người xung quanh rất có giá trị; việc lựa chọn đi theo ngành học giàu tiềm năng cũng là điều tốt. Nhưng chính các em phải là người hiểu bản thân mình và đưa ra quyết định.

PV: Ngày 18/7, các địa phương sẽ đồng loạt công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, vậy điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển này liệu có biến động không, thưa bà? Bà có thể tư vấn cho thí sinh về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Hiện nay, chỉ riêng với 2 khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ do Bộ GD&ĐT công bố. Đây là 2 khối ngành đặc biệt - đào tạo ra 2 người thầy (thầy thuốc và thầy giáo) nên chất lượng đào tạo phải đáp ứng được mức tối thiểu. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT mới công bố ngưỡng điểm này.

Còn lại điểm sàn, điểm chuẩn của các ngành khác thuộc về quyền tự chủ quyết định của các trường. Điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh, tức là mức độ thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào từng ngành cụ thể.

Do đó, điểm chuẩn các em nhìn thấy trong các đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo, không có nghĩa là điểm chuẩn năm nay sẽ như thế, hoặc thậm chí điểm chuẩn có thể khác biệt.

Tuy nhiên, những chỉ dấu mà thí sinh có thể theo dõi và đưa ra phương hướng là điểm chuẩn nếu có khác biệt cũng sẽ không lệch quá nhiều. Khó có sự đột biến quá lớn chỉ sau 1 năm. Nhìn vào số liệu điểm chuẩn của 3 năm gần nhất, các em đã có thể dự báo được xu hướng điểm.

Tôi nhấn mạnh rằng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT không cản trở các em khi đặt những nguyện vọng cao. Trường hợp không đỗ được những nguyện vọng cao nhất, các em cũng không bị thiệt thòi gì khi xét tuyển ở những nguyện vọng đặt ở vị trí thấp hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Thu Phương (thực hiện)

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文