Thực trạng bạo lực học đường ở nhiều quốc gia (bài 1)
Thời gian qua, nhiều tỉnh thành cả nước xảy ra không ít vụ đánh nhau ở lứa tuổi học trò. Cả trong năm học và khi nghỉ hè vẫn diễn ra các vụ bạo lực gây bức xúc cho các bậc phụ huynh và dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Với từ khóa "bạo lực học đường", chỉ trong khoảng 0,6 giây Google cho ra 28.200.200 kết quả về những vụ việc. Con số trên đã quá đủ để minh chứng cho tình trạng đáng báo động của hành vi bạo lực ở lứa tuổi học sinh hiện nay.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 150 triệu thanh, thiếu niên trên thế giới bị bạo lực học đường. Hơn một nửa thanh, thiếu niên trên toàn thế giới ở độ tuổi từ 13-15 phải chịu một thời gian dài học tập trong môi trường không đảm bảo về sự an toàn.
TS tâm lý Đào Lê Hòa An, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tổ chức giáo dục Go Global, Ủy viên BCH TW Hội Tâm lý học Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, pháp luật về thanh, thiếu nhi của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, những em nhỏ bị bắt nạt dưới nhiều hình thức khác nhau luôn luôn lo sợ, bất an vì không được bảo vệ, một số em đã tìm con đường giải thoát cho mình bằng cách tự tử. Nơi cổng đóng then cài vào các buổi học tưởng an toàn thì những đứa trẻ yếu đuối, hiền lành thường bị hành hạ đau lòng nhất.
Giám đốc điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore phát biểu về vấn đề này: "Giáo dục là chìa khóa để xây dựng xã hội hòa bình, tuy nhiên, đối với hàng triệu trẻ em trên thế giới, chính trường học lại là nơi không an toàn".
Ở Đức, bạo lực học đường vẫn đã và đang là một thách thức với hệ thống giáo dục, đồng thời còn được người dân ở đây coi là một tệ nạn. Đại học Tổng hợp Leuphana Lüneburg đưa ra một số liệu nghiên cứu: hơn 30% số học sinh ở Đức đã từng bị bạo hành, 9% bị xâm hại đến thân thể do học sinh trong trường gây ra. Trong số nạn nhân, 10,6% là nam và 9,8% là nữ. Cũng trong nghiên cứu này, 37,2% học sinh thú nhận đã từng đánh bạn của mình, 15% thừa nhận xâm hại nghiêm trọng thân thể bạn. Một nghiên cứu khác cho thấy, qua phỏng vấn 9.350 học sinh và phụ huynh, cứ 6 học sinh thì có 1 bị bạo hành ảo, 1/3 trường học ở Đức xảy ra bạo hành ảo 1 lần trong một tuần.
Một công trình nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy có khoảng 23% học sinh bị bắt nạt trong lớp. Trong đó, có 15 - 20% học sinh là từ Bắc Âu tới. Hầu hết, phụ huynh các em cho biết con cái mình bị bắt nạt vì học sinh ở đây kết bè với nhau thường theo quốc tịch và rất dễ xung đột với các nhóm học sinh thuộc dân tộc khác.
Ở Mỹ, gần đây trên mạng có những thông tin về nạn bạo lực nhà trường gia tăng. Nhiều học sinh rất lo lắng khi tới trường bởi đã xảy ra những vụ hành hung giữa các nhóm học sinh, gây nên tử vong.
Tại Nhật Bản, nơi có một nền giáo dục được coi là tiên tiến, nhưng bạo lực học đường cũng đang là vấn đề nhức nhối. Người Nhật đang phải chung sống với nạn này. Nhà giáo Ce Phan chia sẻ một bài viết: "Bắt nạt học đường là một vấn nạn toàn cầu. Nó xảy ra ở khắp nơi kể cả các nước có nền giáo dục tiên tiến. Nhật Bản là một ví dụ điển hình khi mà UNICEF cho thấy việc bắt nạt trong nhà trường tại Nhật ở mức cao trong nhóm các nước phát triển”.
Ở Hàn Quốc, bạo lực học đường tệ hại bởi người dân cho rằng, nó gây sang chấn tinh thần có khi cho cả một tập thể. Nhiều học sinh, sinh viên bị đánh đập, hành hạ về thể xác phải im lặng không dám cho cha mẹ hoặc thầy cô giáo biết để được thoát những sự hành hung tàn bạo hơn.
Ở Thái Lan, nạn bắt nạt trong trường đại học thường xuyên xảy ra theo kiểu "Ma cũ bắt nạt ma mới". Ở quốc gia này có nghi lễ Sotus, sinh viên các khóa trên đón chào sinh viên nhập học. Trong buổi đón đàn em, về ý nghĩa là rất hay, song trên thực tế, có nơi đàn anh bày trò bắt nạt, buộc đàn em phải làm theo ý muốn, có khi sinh viên cũ còn lạm dụng tình dục với sinh viên mới.
Một nghiên cứu tiến hành trên 9.000 học sinh 5 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, cứ 10 học sinh có 7 em đã từng trải nghiệm bạo lực học đường. Nặng nề nhất về bạo lực này là Indonesia, nhì là Việt Nam, rồi đến Campuchia và cuối cùng là Pakistan. Có 3 hình thức bạo lực phổ biến: bạo lực thể chất (đấm đá, túm tóc, tát...), bạo lực tinh thần (đe dọa, sỉ nhục, bắt nộp phạt, đặt điều...), bạo lực tình dục (tin nhắn với nội dung tình dục, sờ mó, hôn hít, lạm dụng...).
Có thể thấy, "Nói không với bạo lực học đường" là khẩu hiệu được nhiều quốc gia giương cao và kèm theo đó là những hành động cụ thể.
Hàn Quốc phát động chiến dịch "Hope in class", kêu gọi học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động chống bạo lực học đường, có tới 5 triệu học sinh, sinh viên hưởng ứng. Nhiều gia đình ở Hàn Quốc đã thuê người bảo vệ con mình trong giờ học tại trường. Chi phí này khá cao, song cách làm này cũng ngăn chặn được nhiều vụ việc bạo lực.
Để kiểm soát được nạn bạo lực học đường, Nhật Bản đã dựa vào trí thông minh nhân tạo (AI) để phát hiện dấu hiệu học sinh bắt nạt nhau, qua đó giúp giáo viên ngăn chặn kịp thời trên nền tảng những dữ liệu do AI cung cấp. Thành phố Otsu là thành phố đầu tiên của Nhật Bản ứng dụng công nghệ này.
Ở Thái Lan, người ta phải thành lập Trung tâm giám sát trẻ vị thành niên. Nhà trường liên hệ chặt chẽ với trung tâm này để ngăn chặn những sự việc mang tính bạo lực trong trường học. Những học sinh hành hung bạn phải "điều chỉnh hành vi" bằng cách xin lỗi bạn, vì không được xử tạm đuổi học một thời gian. Bộ Tư pháp Thái Lan cho rằng, kỷ luật nghiêm khắc với người có hành vi bạo lực là cần thiết.
Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, ở Việt Nam, chúng ta cần có những nghiên cứu để ứng dụng có hiệu quả trong đối phó với bạo lực học đường. Trong đó, Ban giám hiệu có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học an toàn cho học sinh. Một môi trường học tích cực và hỗ trợ có thể tạo ra hành vi tích cực từ học sinh, trong khi một môi trường tiêu cực có thể tạo ra các hành vi bạo lực. Việc thực hiện các hoạt động và chính sách như đào tạo kỹ năng xã hội, giải quyết xung đột có thể giúp học sinh học hỏi cách thực hiện các hành vi tích cực và không bạo lực.
“Bằng cách tạo ra một môi trường tích cực và hỗ trợ, chúng ta có thể tạo ra một cảm giác của tự chủ, tự trọng, giúp học sinh phát triển và cảm thấy an toàn, hạnh phúc hơn”, TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ.