Tìm giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên
Sáng 24/3, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tham dự hội nghị có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Nguyên và lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hội nghị nhằm bàn sâu và đánh giá tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên. Qua đó, góp phần quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 cho thấy, trong những năm qua, chất lượng giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đã có nhiều bước chuyển mới. Chính quyền địa phương các tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên và cả nước. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh. Quy mô học sinh, các loại hình trường lớp phát triển ổn định, đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng.
Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được duy trì và phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ văn hóa cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến tích cực.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa; bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục...
Đến nay, về cơ bản toàn vùng Tây Nguyên đã đạt mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Bên cạnh đó, 40% đơn vị cấp tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và 74,2% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 cùng với 94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tuy nhiên, bênh cạnh những kết quả đạt được, giáo dục vùng Tây Nguyên vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định. Điển hình như về quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu, việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự khoa học, hiệu quả, chưa đảm bảo môi trường học tập cho trẻ em, học sinh. Vẫn còn nhiều trường có quy mô nhỏ, cấp tiểu học, mầm non còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, việc đưa học sinh về học tại các điểm trường chính ở một số nơi còn gặp khó khăn. Trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập còn thiếu, nhiều thiết bị đã cũ, bị hỏng, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy - học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hạ tầng công nghệ thông tin khó khăn, có nhiều điểm lõm về sóng viễn thông, internet…
Về chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Trong đó hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của các nước và các khu vực khác. Tỷ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học, giáo viên xin nghỉ việc còn cao hơn trung bình cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là nhân lực các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục…