Vì sao sinh viên ra trường kém tính "thực chiến"?

13:47 02/11/2024

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

Ngày 2/11, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã diễn ra hội nghị Công giới 2024 và Tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, với sự tham gia đông đảo doanh nghiệp và sinh viên.

PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và cơ sở đào tạo tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo gắn kết thực tiễn, tạo sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và thị trường lao động nói chung. Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc. Chính sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc, tạo cơ hội cho sinh viên/học viên có thể hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết và bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động.

Tọa đàm thu hút đông đảo các doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên tham gia.

Ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports chia sẻ, đừng để rơi vào tình trạng, sinh viên đến doanh nghiệp cho có, làm sao để trong thời gian thực tập ngắn ngủi đó, sinh viên phải có động lực thực sự, khao khát vươn lên. Nhiều em đến doanh nghiệp rất có khát vọng, mong muốn phát triển, nhưng các em lại nhanh chán. “Phải đốt cho các em một thứ rất quan trọng, đó là nghị lực. Ở đâu có nghị lực, ở đó có con đường. Trong hành trình chia sẻ của thầy cô, bên cạnh kiến thức mới (tiếng Anh, Tin học), có một cái lõi, chính là nghị lực và một khao khát chiến thắng”, Phan Minh Chính cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc Công ty Fiin Group mong muốn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và nhiều cơ sở đào tạo phải trở thành “platform” (nền tảng) để tạo bệ phóng cho tương lai, không chỉ là các hoạt động đào tạo truyền thống, mà còn gắn với thực tiễn, gắn với chuẩn đầu ra của sinh viên. Nhưng hiện chuẩn đầu ra chưa chú trọng đúng mức đến kinh nghiệm thực tế của sinh viên, sau 4 năm học, sinh viên có bao nhiêu ngày học ở công sở, ở doanh nghiệp, nhưng hiện chuẩn đầu ra chưa có quy định này. Nhiều sinh viên ra trường rất lơ ngơ, không nắm được làm việc trong công sở sẽ như thế nào, hệ thống quản trị nhân sự ra sao, làm việc với cấp trên, đồng nghiệp, cộng sự, kỷ luật công sở như thế nào. Thêm nữa, kỹ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thiếu, vì AI là xu thế không thể đảo ngược. Trước chúng ta học kỹ năng tin học văn phòng như Word, Excel nhưng giờ những thứ đó lỗi thời rồi. Vậy năng lực vận dụng AI như thế nào để tăng năng suất, tạo hiệu quả cho xã hội, là những thứ chúng ta phải nghĩ đến.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Bùi Huy Nhượng và ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports điều hành thảo luận tọa đàm.

Tại tọa đàm, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam Nguyễn Thị Dung nêu thực trạng, đa số các doanh nghiệp đều “khát” nguồn nhân lực trẻ, tuy nhiên, đáng buồn là hiện vẫn còn nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đang khóc ròng vì không tìm được việc làm ổn định. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số, hội nhập kinh tế, sinh viên cần tham gia “thực chiến” tại các doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tiếp cận các mô hình kinh doanh, ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn để phát triển bản thân, nâng cao chất lượng lao động cho doanh nghiệp. Do đó, bà Nguyễn Thị Dung đề xuất, chương trình học của các trường ĐH phải gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn; các môn học phải được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động; tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên (như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian); tổ chức cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp sớm hơn; nhà trường phải tạo điều kiện cho sinh viên thử sức với các dự án khởi nghiệp…

Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam Nguyễn Thị Dung cho biết, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi không tìm được việc làm ổn định...

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Nông sản Bảo Minh cho rằng, “cần phải trau dồi thêm cho sinh viên đạo đức, nghị lực và trí tuệ”, ba yếu tố này rất quan trọng vì có tình trạng, doanh nghiệp rất cầu thị chào đón các em sinh viên, nhưng làm giữa chừng dự án thì nhiều em đã bỏ cuộc. “Chúng tôi khuyên các em, khi đi làm, lĩnh lương thì phải làm rất nghiêm túc. Tôi đã bị “gãy” 2 dự án khi trao cho các em, khiến tôi rất trăn trở”, bà Hiếu bày tỏ. Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hải, Manager của Công ty TNHH LCFoods đề xuất, cần phải có cam kết giữa doanh nghiệp và sinh viên; đầu tư nguồn lực về tiền và con người để tăng cường sự gắn kết; nhà trường cần tăng thời lượng cho giáo viên gắn kết với doanh nghiệp, hiện giáo viên chỉ “gắn” với doanh nghiệp ở phần nhập môn là coi như xong nhiệm vụ, sẽ không hiệu quả.

Cũng tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị các cơ sở đào tạo cần phải đào tạo ra những sản phẩm mà xã hội và thị trường cần. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 chỉ ra, nhiều nơi đào tạo chưa có lộ trình, kể cả đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng chưa rõ mục tiêu. Do đó, theo ông Tuấn, cần coi sinh viên đầu vào như một khách hàng và coi sinh viên đầu ra là một sản phẩm đặc biệt. Các nhà trường cần thay đổi giáo trình đào tạo, tư duy đào tạo và giáo viên cũng phải thay đổi, mới đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập…

Tại tọa đàm, TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, trước ý kiến của nhiều doanh nghiệp/tổ chức tuyển dụng cho rằng cần “tăng cường tính “thực chiến” của người học”, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) học phần “Chuyên đề thực tế - 04 tín chỉ” để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo. Tiếp tục duy trì và tăng cường nguồn lực và phân cấp cho các khoa/viện đào tạo tổ chức các chuyến tham quan thực tế, trải nghiệm cho sinh viên (mỗi năm ít nhất 1 lần). Xây dựng mạng lưới liên kết rộng rãi với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức thực tiễn thông qua các hoạt động định kỳ, thường niên như: Ngày hội thực tập; ngày hội việc làm dành cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn đưa vào tất cả các chương trình đào tạo đại học chính quy áp dụng từ khóa 66 (tuyển sinh năm 2024) môn học “Khoa học dữ liệu cơ bản trong kinh tế & kinh doanh - 03 tín chỉ” trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho sinh viên về dữ liệu, công nghệ, kỹ thuật. Xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo các khóa đào tạo ngắn hạn “Khoa học dữ liệu và AI cơ bản”; “Phân tích dữ liệu kinh doanh”; “Báo cáo và trực quan hóa dữ liệu kinh doanh”. Nâng cao chuẩn đầu vào; nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên trước khi tốt nghiệp phải đạt 5.5 với các CTĐT chuẩn tiếng Việt; 6.0 & 6.5 với các chương trình đào tạo tiên tiến-chất lượng cao&POHE và các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh...

Thu Phương

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文