Hệ lụy từ việc bàn giao mặt bằng thi công đường vành đai 3 trên giấy
Báo CAND ra ngày 9/6 có bài phản ánh về tình trạng "giải phóng mặt bằng trên giấy" của các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh đối với công trình trọng điểm là dự án đường vành đai 3, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh. Ngày 13/6, ông Lê Xuân Bắc, Trưởng ban điều hành dự án đường vành đai 3 (Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông thành phố) đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương hỗ trợ đảm bảo ANTT để phục vụ thi công.
Theo đó, ông Lê Xuân Bắc đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BBT GPMT) huyện Bình Chánh, UBND xã Phạm Văn Hai và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ bảo đảm an toàn cho việc thi công tại khu đất của 4 hộ nhận khoán. Mặc dù các đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng, nhưng ông Bắc yêu cầu Liên danh nhà thầu thi công gồm 5 công ty phải có trách nhiệm đo đạc, xác định phạm vi công trường ngay trong ngày 13/6 và tập kết phương tiện, thiết bị, nhân lực và vật tư để sẵn sàng triển khai thi công ngay trong buổi sáng ngày 14/6.
Thậm chí để phục vụ thi công, ông Bắc còn đề nghị BBT GPMB huyện Bình Chánh cử cán bộ hỗ trợ về pháp lý bồi thường, thu hồi đất tại các vị trí hộ nhận khoán. Trong khi đó, gói thầu XL9 xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh có chiều dài gần 9km, đến nay thực tế còn khoảng 60 hộ nhận khoán chưa bàn giao mặt bằng với tổng diện tích lên đến 60ha.
Tìm hiểu về nguyên nhân khiến các hộ nhận khoán đất canh tác của Công ty Cây trồng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng phục vụ thi công đường Vành đai 3, chúng tôi được biết, thời điểm năm 2017, khi thời gian nhận khoán đất trong 20 năm của nhiều hộ bắt đầu hết hạn, ngày 2/8/2017 ông Hứa Văn Hưng, Giám đốc Công ty Cây trồng thành phố đã có văn bản gửi các hộ dân nhận khoán về hướng giải quyết đối với hợp đồng đến hạn.
Tại văn bản này, sau khi phân tích tình hình thực tế, ông Hưng đề nghị hộ nhận khoán tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất như thường lệ, phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng đã ký. Căn cứ vào đó, các hộ nhận khoán đã yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất, nộp tiền thuế khoán hàng năm đầy đủ cho công ty đến năm 2024 này.
Theo nhiều hộ nhận khoán, các điều khoản trong hợp đồng giao khoán đất vẫn được 2 bên thực hiện cho đến nay. Dù vậy, khi ra quyết định về phương án bồi thường cho các hộ nhận khoán bị ảnh hưởng từ dự án, UBND huyện Bình Chánh cho rằng các hộ nhận khoán đã hết hạn hợp đồng nên không được hỗ trợ "chi phí đầu tư vào đất còn lại". Từ đó, việc hỗ trợ cho các hộ nhận khoán chỉ ở mức "tượng trưng" cho phần cây trồng trên đất khiến nhiều người không đồng tình.
Nhiều hộ nhận khoán cho biết, khi họ về nhận khoán đất sản xuất nông nghiệp tại Nông trường Phạm Văn Hai (nay là Công ty Cây trồng), nơi đây chỉ là khu đất trũng, nhiễm phèn, hoang hóa. Chưa tính đến công giữ đất, để có thể canh tác, các hộ nhận khoán đã đầu tư không ít công sức, tiền của, thậm chí là cả gia tài cho việc bồi lấp hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn m3 đất; cải tạo đất nhiễm phèn, làm đường, kéo điện… tại khu đất đã nhận khoán để tạo lập nên khu vực sản xuất nông nghiệp trù phú hiện nay. Từ đó, nhiều hộ dân bức xúc đặt vấn đề: Căn cứ vào đâu để các cơ quan chức năng đưa ra mức bồi thường chỉ có 50 nghìn đồng/m2 đối những hộ có hợp đồng nhận khoán còn thời hạn?
Tham mưu với UBND TP Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp do người dân thuê đất hoặc nhận khoán để sản xuất nông nghiệp tại nông trường Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh vào năm 2017, Hội đồng Thẩm định bồi thường (HĐTĐBT) thành phố nêu rõ: Ngày 1/2/1997, UBND TP Hồ Chí Minh có quyết định về việc xây dựng một loạt các khu kinh tế mới như Phạm Văn Cội, Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân… thành nông trường quốc doanh. Sau nhiều lần làm việc với các sở ngành liên quan và phân tích cơ sở vận dụng chính sách bồi thường chi phí "đầu tư vào đất còn lại" của các hộ nhận khoán đối với phương án hỗ trợ bằng tiền, HĐTĐBT thành phố đề xuất mức hỗ trợ thêm bằng 100% so với mức hỗ trợ của các hộ đủ điều kiện. Thẩm quyền quyết định mức hỗ trợ thêm này thuộc UBND thành phố.
HĐTĐBT thành phố cũng đề nghị đây là việc vận dụng pháp luật vào tình hình cụ thể của Nông trường Láng Le nhưng cần xem xét để chấp thuận áp dụng chung cho tất cả các trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận khoán hoặc thuê đất từ các nông, lâm trường trên địa bàn. Phương án trên sẽ được đa số người dân đồng thuận nên sẽ không phát sinh khiếu nại phức tạp. Tuy nhiên, những đề nghị này đã không được xem xét, áp dụng đối với việc thu hồi đất phục vụ dự án đường vành đai 3 từ những người nhận khoán đất của Nông trường Phạm Văn Hai.