Xử lý nghiêm tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất
Chỉ trong cao điểm hè tháng 7/2022, lượng hành khách và cất hạ cánh tại sân bay này đã tăng trưởng “nóng”, vượt so với cùng kỳ cao điểm hè năm 2019 (là vượt kỷ lục vượt 123.000 lượt khách).
Chính vì lượng khách đi lại ở sân bay này tăng đột biến nên các đơn vị vận tải thiếu người, thiếu xe. Các hãng taxi lớn tại thành phố hiện chỉ hoạt động bằng 1/3 so với trước đây đã gây ra tình trạng giao thông bát nháo tại sân bay này. Có thời điểm xe công nghệ phải đón khách ở trên tầng dẫn đến chuyện người dân phản ứng…
Dù việc thiếu xe chỉ xảy ra vào một số khung giờ cao điểm chứ không phải lúc nào cũng thiếu, nhưng do nhu cầu đi lại tăng cao, cầu vượt cung cộng với tình trạng một số tuyến đường quanh sân bay thường rơi vào cảnh ùn tắc khiến taxi, xe công nghệ không thể vào sân bay, khách phải chờ lâu hơn nên tình trạng này càng thêm trầm trọng. Tình trạng này đã nảy sinh nhiều vấn đề như “chặt chém” lấy quá giá, lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt, trộm cắp tiền, tài sản của hành khách, chèo kéo hành khách khi đi xe ở sân bay gây mất ANTT, trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Từ ngày 1/9/2019 đến ngày 31/7/2022, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan chức năng đã lập biên bản 577 trường hợp taxi các hãng hoạt động tại cảng hàng không vi phạm. Tất cả các trường hợp vi phạm được lập, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã gửi bảng tổng hợp cho từng hãng, yêu cầu các hãng kiểm tra xử lý và gửi phản hồi kết quả.
Cụ thể, đã tạm giữ, lập biên bản và bàn giao cho Đồn Công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Đội 8 - Thanh tra giao thông xử lý 837 trường hợp chèo kéo, đón khách sai quy định, 563 trường hợp ôtô dừng, đỗ sai quy định, 43 trường hợp xe ôm, 39 đối tượng bán hàng rong trái phép…
Qua theo dõi, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phát hiện hơn 300 trường hợp có hiện tượng chèo kéo khách nên đã lập biên bản giao cho Công an quận Tân Bình xử lý. Nhiều trường hợp trộm cắp tài sản tại sảnh công cộng của cảng hàng không này cũng bị phát hiện, chuyển giao Đồn Công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất xử lý…
Trước thực trạng như trên, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an quận Tân Bình, Đồn Công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất... tổ chức phân luồng điều phối giao thông, đảm bảo an ninh, không để ùn tắc, mất ANTT khu vực bãi xe, nhà ga, xử lý các trường hợp xe ôtô dừng, đậu trái quy định trước nhà ga quốc nội, quốc tế... duy trì ổn định tình hình trật tự công cộng, TTATGT trong khu vực cảng, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể phối hợp với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất trong việc đảm bảo ANTT, TTATGT.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Đồn Công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, CSGT phối hợp Thanh tra giao thông tăng cường các biện pháp rà soát nắm tình hình, tổ chức điều tra cơ bản địa bàn, phối hợp xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp tài xế taxi, xe dù, các loại xe công nghệ, xe hợp đồng có hành vi chèo kéo khách đi xe, lấy quá giá, lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt, trộm cắp tiền, tài sản của hành khách đi xe từ cảng hàng không. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng thường xuyên vi phạm đã bị lực lượng kiểm soát an ninh hàng không phát hiện, chuyển giao xử lý nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách, đảm bảo ANTT.
Ngoài ra, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an quận Tân Bình và các lực lượng liên quan còn tăng cường lực lượng duy trì ANTT trên đường Trường Sơn tại khu vực cây xăng, tòa nhà SASCO đối với các trường hợp xe ôm, xe dù, bán hàng rong tụ tập gây mất ANTT, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng biện pháp nghiệp vụ (Cảnh sát hình sự).
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết đã dán đường dây nóng khắp nơi trong sân bay, yêu cầu dán trên cả trong và ngoài xe để hành khách phản ánh. Đối với các doanh nghiệp vận tải vi phạm, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có quy chế nếu vi phạm sẽ tạm ngưng hoạt động và xem xét không được phép hoạt động ở sân bay…
Theo lãnh đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, mấy năm trước từng có đề xuất xe trung chuyển khách ra công viên Hoàng Văn Thụ hoặc có đơn vị cũng đề xuất làm cáp treo ra hai công viên Hoàng Văn Thụ, Gia Định, Bến xe Miền Đông hoặc vào khu vực trung tâm (để kết nối với mạng lưới giao thông thành phố). Tuy nhiên, đến nay các ý tưởng này chưa được triển khai thực tế. Dù phương án giải tỏa khách ra các khu vực lân cận bằng xe trung chuyển là phương án tối ưu và theo thông lệ quốc tế.