Người có duyên mở hàng cho thể thao Việt Nam
- Gặp cô gái vàng Wushu Công an nhân dân
- Người “truyền lửa” cho Đội tuyển Wushu gặt hái nhiều huy chương
- "Nữ hoàng wushu" Thuý Hiền: Vinh quang và cay đắng luôn đi cùng tôi1
Cô gái vàng của Wushu Việt Nam
Dù còn rất trẻ nhưng Dương Thuý Vi đã sở hữu cho mình một bảng thành tích hoành tráng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ học, Wushu đã đến với Vi từ lúc còn rất nhỏ.
24 tuổi với 17 năm gắn bó với Wushu, trong đó có 14 năm thi đấu chuyên nghiệp, Thuý Vi sở hữu cho mình hàng chục tấm Huy chương vàng (HCV) các giải đấu cô tham dự. Những tấm HCV từ Giải trẻ, Giải vô địch toàn quốc cho tới chức vô địch ở Giải trẻ thế giới, HCV Giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, ASIAD, Sea Games... lần lượt được Vi chinh phục.
Gặp gỡ Thuý Vi bên sàn tập, cô vừa trở về sau một giải thi đấu quốc tế tại Nga cùng với 1 HCV. Dáng người bé nhỏ cùng nụ cười rạng rỡ, đây là một Thúy Vi thường ngày rất khác, cởi mở và vui chuyện. Lau giọt mồ hôi trên trán, Vi chia sẻ: Cuộc sống thường ngày của cô là tập luyện – thi đấu, lại tập luyện và thi đấu, không ngừng nghỉ.
Dương Thúy Vi với cú đúp HCV tại SEA Games 29. |
Giới thể thao thường gọi Dương Thúy Vi là “cô gái vàng” bởi cô rất có duyên “mở hàng” dành HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Điều này bắt đầu từ một chiến công vang dội năm 2013, Dương Thúy Vi giành HCV Giải Wushu vô địch thế giới ở nội dung thương thuật. Chính tấm HCV danh giá này đã mở ra hàng loạt thành công sau đó của cô.
Sea Games 27 năm 2013, Thuý Vi xuất sắc đem về HCV đầu tiên cho đoàn Việt Nam, khởi đầu cho 1 kỳ đại hội thành công của thể thao nước nhà. Nhớ lại giây phút đó, Vi chia sẻ: “Em chỉ nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo. Đến lúc biết tin mình là người đầu tiên của đoàn Việt Nam giành HCV niềm vui lại được nhân lên gấp bội”.
Việc Thuý Vi dành HCV ở Sea Games 27 không quá bất ngờ với giới chuyên môn bởi với khả năng của mình, Vi hoàn toàn xứng đáng. Nhưng để dành được tấm HCV năm đó, Vi phải chịu một áp lực rất lớn, bởi khi Vi thi đấu, hàng loạt vận động viên tên tuổi khác của đoàn Việt Nam đều thất bại trong việc dành HCV. Đáng khâm phục hơn vào lúc đó, Vi còn bị chấn thương ở chân, cô phải nén đau để thi đấu.
Tại ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc) năm 2014, vượt qua các đàn anh, đàn chị đi trước, Dương Thuý Vi là người đầu tiên “giải cơn khát vàng” ở nội dung biểu diễn thương thuật và kiếm thuật, cơn khát này đã kéo dài suốt 24 năm của Wushu Việt Nam. Đó cũng là tấm HCV duy nhất của thể thao Việt Nam ở Hàn Quốc năm ấy.
Tại Sea Games 29 cách đây không lâu, Dương Thuý Vi tiếp tục cái duyên là người mở hàng HCV cho đoàn thể thao Việt Nam với tấm HCV Wushu ở nội dung kiếm thuật. Cái duyên "mở hàng" đã theo cô từ năm 2013 đến nay.
Với cô gái trẻ này, mỗi một tấm huy chương là sự ghi nhận thành công của cô trên con đường theo nghiệp võ. Wushu là một phần cuộc sống của cô. Thuý Vi cũng là vận động viện đầu tiên của Việt Nam được tham gia chương trình “Từ người thường đến người hùng” của Kênh truyền hình CNN. Mới đây, Thuý Vi cũng được vinh danh là công dân ưu tú Thủ đô năm 2017
Phía sau thành công
Sẽ không có một nhà vô địch Dương Thuý Vi nếu như trước kia gia đình không ủng hộ cô đi tập võ. Năm Vi lên 8 tuổi, gia đình cô đối mặt với một quyết định khó khăn đó là chiều ý con đi học võ Wushu hay cho con đi học văn hoá. Từ nhỏ Vi đã có những tố chất rất phù hợp với môn võ này.
Nói về những ngày đầu tập Wushu, Vi cho biết, hồi 7 tuổi cô chỉ theo anh họ đi tập võ cho khỏe, chưa có khái niệm Wushu là gì. Cô cứ nghĩ tập võ sẽ phải đấm đá chứ không phải bẻ, uốn dẻo cơ thể như Wushu. Những ngày đầu rất đau nên cô về bảo mẹ không muốn đi tập nữa. Nhưng sau những cơn đau, Vi lại đòi đi tập.
Dù biết con gái có khả năng nhưng cha mẹ Thuý Vi cũng không cam lòng cho con đi theo nghiệp võ. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, bởi bố mẹ Thuý Vi đều là những người từng học võ khi còn trẻ nên họ hiểu được sự khắc nghiệt của nghề võ. Gia đình Thuý Vi có điều kiện kinh tế rất khá, cô lại là con một trong gia đình nên bố mẹ đã từng vạch sẵn tương lai cho con gái để có một công việc nhẹ nhàng và ổn định.
Ông Dương Văn Thắng, bố của Vi chia sẻ: "Tôi đắn đó vì suy nghĩ liệu con mình có theo được thể thao chuyên nghiệp không. Vào chuyên nghiệp rồi có duy trì được đỉnh cao không? Đến thời điểm đó mà bỏ dở thì sẽ rất mất thời gian". Cuối cùng, như phần đông các ông bố khác, người cha cũng chiều lòng cho con gái đi tập võ. Người mẹ dù lo lắng nhưng cũng không ngăn cản được quyết tâm của con.
Quãng thời gian tuổi thơ của Thuý Vi lẽ ra phải là lúc được bố mẹ chăm bẵm chu đáo thì cô lại bắt đầu xa nhà, tập luyện hết sức mệt nhọc. Những ngày gò lưng đạp xe đi đến nhà thi đấu tập luyện hay những phút giây ngủ quên trên xe buýt đã trở nên quen thuộc với cô. Theo đuổi môn Wushu, Thuý Vi phải chấp nhận cuộc sống xa nhà. Những chuyến tập luyện ở Trung Quốc diễn ra thường xuyên. Thời gian Vi sống cùng các đồng đội ở đội tuyển còn nhiều hơn thời gian sống ở gia đình.
Con đường đến với thành công của Thuý Vi không hề dễ dàng. Để cha mẹ ủng hộ, cô đã phải chứng minh rất nhiều nhưng để trở thành nhà vô địch, Vi càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Thể hình bé nhỏ, lại hay đối mặt với nhiều chấn thương nhưng nó không đánh gục được tình yêu của cô.
Năm 2008, trong một lần biểu diễn ở Indonesia, khi tiếp đất, Thúy Vi đã bị trật cổ chân. Dù đau và biết mình không thể giành huy chương trong bài thi lần này, nhưng Vi vẫn kiên cường hoàn thành phần thi. Sau đó, cô phải nhờ đồng đội bế ra khỏi sàn đấu. Hình ảnh này đã làm nhiều người không cầm được nước mắt.
Nhưng ấn tượng hơn cả, tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), dù bị chấn thương dai dẳng nhưng Vi vẫn chịu đau để thi đấu, và chính cô đã giành tấm HCV duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam. Ngay trong kỳ SEA Games 29 tại Malaysia vừa qua, Vi cũng thi đấu trong tình trạng vừa sốt cao, vừa chấn thương. Vậy mà cô gái ấy vẫn xuất sắc giành HCV với 9,67 điểm, hơn VĐV nước chủ nhà 0,4 điểm.
Hằng ngày, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức như ngôi nhà thứ 2 của Vi, bởi đấy là nơi cô tập luyện, được sống với niềm đam mê của mình. Chia sẻ về dự định sắp tới, Vi cho biết, đang tập trung cao độ để tập luyện để tham dự ASIAD năm 2018.
Dù còn rất trẻ, với tố chất bẩm sinh và tình yêu mãnh liệt dành cho Wushu, Dương Thuý Vi đang là một trong những vận động viên Wushu xuất sắc của Việt. Sau thời kỳ của những Thuý Hiền, Trà My, thể thao Việt Nam mới sở hữu một vận động viên khả ái và tài năng như thế.
Cô gái vàng của thể thao Việt Nam tin tưởng chỉ cần giữ vững được đam mê, thành công rồi sẽ đến. Cô sẽ tiếp bước đàn chị, làm rạng danh Wushu Việt Nam trên đấu trường quốc tế.