Trò chuyện với hai nữ vận động viên CAND gặt "vàng" tại ABG5
Thể thao CAND tham dự ABG5 với 12 VĐV, 1 HLV, 2 trọng tài. Các VĐV thi đấu ở 6 bộ môn gồm vật, võ cổ truyền, muay Thái, thể hình, kurash, sampo. Kết thúc Đại hội, thể thao CAND giành được 3 HCV, 3 HCĐ. Các VĐV giành HCV là Bùi Thị Hải Yến (muay hạng 60kg), Nguyễn Thị Ngọc (muay 63,5kg), Nguyễn Minh Hiếu (võ cổ truyền hạng 70kg).
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại quê lúa Thái Bình, Nguyễn Thị Ngọc trở thành cái tên sáng giá của đội tuyển muay khi sở hữu nhiều thành tích khủng: HCV giải vô địch thế giới 2012, HCV châu Á 2012, HCV sinh viên Đông Nam Á 2012, HCĐ giải vô địch thế giới 2012, HCV SEA Games 2013, HCV giải vô địch toàn quốc từ 2011 tới nay.
Ngọc đến với thể thao CAND từ năm 2009, trong một lần HLV Mai Thế Lâm về Thái Bình tuyển VĐV trẻ.
"Thầy Lâm là người đã phát hiện ra em và đưa em về trung tâm. Hằng ngày, buổi sáng em đi học, buổi tối lại đi tập. Trường cách trung tâm huấn luyện khoảng 4km nên đi lại không quá vất vả. Lúc đầu em tập boxing, về sau được các thầy tạo điều kiện cho đánh muay Thái. Môn này có tính độc lập cao, đòi hỏi sự bản lĩnh, ý chí thi đấu rất lớn.Những ngày đầu chưa quen, em bị đau khắp người, chân tay thâm tím, lúc ấy chỉ muốn bỏ cuộc. Nhờ được các thầy động viên, em lại cố gắng tập luyện chăm chỉ" – Ngọc kể lại.
VĐV Nguyễn Thị Ngọc giành Huy chương vàng tại ABG5. |
Chiến thắng luôn dành cho người biết cố gắng. Chỉ 3 năm sau, Ngọc giành HCV thế giới. "Đó mãi là khoảnh khắc tuyệt vời nhất với em. Lần đầu tiên em được bước lên bục cao nhất, được hát quốc ca Việt Nam giữa nước bạn, hạnh phúc tới mức rơi nước mắt. Hồi đó, em được thưởng 20 triệu. Em mang số tiền này về biếu bố mẹ để sửa sang nhà cửa. Bố mẹ em vui lắm" – Ngọc chia sẻ.
Cuộc đời thi đấu của một VĐV luôn song hành bởi vinh quang và cay đắng. Và điều đó cũng xảy ra với Ngọc. Thất bại đau đớn nhất của cô gái này là tại giải vô địch muay thế giới 2014 diễn ra ở Malaysia. Dù được kì vọng sẽ bảo vệ thành công ngôi vương nhưng Ngọc lại để thua ở ngay trận đấu vòng loại.
Ngọc trải lòng: "Lúc đó em nuối tiếc và thất vọng về bản thân vô cùng. Em không có huy chương, không hoàn thành được nhiệm vụ trong khi các thầy quan tâm, tạo điều kiện rất nhiều. Đối thủ của em là người Ukraine, họ hơn hẳn cả về thể trạng và kĩ thuật. Thể thao luôn không nói trước được điều gì".
Muay là môn có tính đối kháng cao nên trong quá trình tập luyện và thi đấu, VĐV thường gặp chấn thương.
"Nhiều khi thi đấu xong, em không dám về nhà, sợ bố mẹ nhìn thấy chân tay thâm tím sẽ lo lắng. Trước đây, bố mẹ ủng hộ em theo thể thao nhưng giờ thấy em gặp chấn thương nhiều nên cũng không vui. Em vừa học xong Đại học Thể dục thể thao ngành huấn luyện. Mục tiêu của em là phấn đấu vào ngành để cống hiến lâu dài cho thể thao CAND" – Ngọc tâm sự.
Cô gái sinh năm 1997, ABG5 là đấu trường châu lục đầu tiên mà Bùi Thị Hải Yến được tham dự. Dù bị choáng ngợp trước quá nhiều đối thủ mạnh song cô gái bé nhỏ ấy đã làm được điều kì diệu khi bất ngờ đánh bại đối thủ trong trận chung kết để giành HCV cho thể thao Việt Nam.
Yến cho hay: "Lúc lên khán đài, em run lắm. Chưa bao giờ em được tham dự một giải đấu lớn như thế. Nhờ được các thầy động viên, trấn an, em mới có thể bình tĩnh để thi đấu. Khi biết mình giành HCV, em quá sung sướng, lấy ngay điện thoại để gọi về cho bố mẹ. Trước khi thi đấu, em chỉ nghĩ sẽ cố gắng đến mức cao nhất chứ không nghĩ có thể giành HCV. Đối thủ của em trong trận chung kết rất mạnh, thể lực rất tốt. Em lại được đôn lên thi đấu hạng 60kg trong khi cân nặng thực chỉ có 55kg nên thể trạng kém hơn rất nhiều".
Bùi Thị Hải Yến đến với muay Thái như một cái duyên. Yến kể: "Hồi đó, trong một lần các thầy ở Trung tâm Huấn luyện thể thao CAND về quê em (huyện Lương Sơn - Hoà Bình) tuyển người, thầy Nguyễn Văn Chung hỏi em có muốn theo võ thuật hay bắn súng. Em chỉ nghĩ, mình là con gái nên biết chút võ để có thể tự phòng thân. Vậy là em chọn học võ. Lúc đó, em mới học lớp 9".
Một ngày tập luyện của Yến tại Trung tâm Huấn luyện thể thao CAND bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 5h chiều. Vào cuối tuần, Yến lại tranh thủ về quê thăm bố mẹ.
Hiện tại, cô gái này đã thi đỗ vào trường Đại học Thể dục thể thao, chuyên ngành huấn luyện. Mục tiêu trước mắt của Yến là giành HCV tại SEA Games vào năm sau.