Tuyển thủ Judo Văn Ngọc Tú: “Khát vọng lớn nhất của tôi vẫn là thi đấu!”
- Văn Ngọc Tú giành vé dự Olympic Rio 2016
- Văn Ngọc Tú thất bại tại vòng 1/32 giải vô địch judo thế giới
- Văn Ngọc Tú giành vé dự Olympic London 2012
- Văn Ngọc Tú dự giải vô địch Judo thế giới
Mong một sự đổi đời
Từng tuyển thủ khoác áo lính trong đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Văn Ngọc Tú (judo) thì mỗi người có một số phận khác nhau. Vậy nhưng, Văn Ngọc Tú là một sự khác biệt.
Khác bởi vì cô mới chỉ được tuyển dụng vào Quân đội chưa lâu và hiện vẫn mang danh cán bộ công nhân viên quốc phòng. Trước ngày đi Olympic 2016, Văn Ngọc Tú giãi bày rằng, bản thân mình rất quyết tâm đạt được một vị trí nào đó để rồi thành tích ấy có thể là một bằng chứng chứng tỏ năng lực của cô thì khả năng được xét tuyển là quân nhân chuyên nghiệp sẽ triển vọng. Chỉ khi ấy, cuộc sống của một tuyển thủ như Văn Ngọc Tú không còn hồi hộp lo lắng.
Thực tế, hiện tại đơn vị quản lý Văn Ngọc Tú là Trung tâm Thể dục Thể thao quốc phòng 4 (Cần Thơ) có những chế độ đãi ngộ không thấp cho riêng tuyển thủ này. Nhưng như các cụ nói, con người phải “an cư” thì mới “lạc nghiệp”.
“Tôi đã trải qua nhiều đơn vị nhưng trên hết, tôi luôn mong mỏi một sự ổn định để rồi cống hiến hết khả năng với judo khi không còn sức lực”, Tú đã nói. Lịch sử judo nữ Việt Nam từng biết về cựu võ sĩ Cao Ngọc Phương Trinh rất thành danh trước kia.
Thế nhưng, Văn Ngọc Tú dù ở thế hệ sau nhưng lại là người được nhắc nhiều nhất và có thành tích đáng kể nhất. Tú cũng là nữ tuyển thủ judo được nhiều đơn vị quan tâm nhất (cô từng thuộc thể thao Sóc Trăng, Gia Lai, Nam Định và giờ là Quân đội).
Con người nhỏ nhắn tưởng như mạnh mẽ và có những cú quật đòn hiệu quả nhất judo nữ Việt Nam như Văn Ngọc Tú hóa ra trong lòng rất mềm yếu. Cô kể, sự nghiệp với mình là một quyết định gắn trọn cùng thể thao.
Trên hết, lúc này, Tú cũng muốn làm tròn nhiệm vụ của một người con trong gia đình để phụng dưỡng người thân bởi trong một năm, thời gian mà cô có mặt ở nhà quá ít ỏi. Trong thời gian tập luyện chuẩn bị cho Olympic, Tú gặp chuyện buồn khi mẹ ruột của cô đã qua đời.
Dù thế, Tú rất mạnh mẽ vượt nỗi buồn bản thân, vẫn lao vào tập như chưa bao giờ sung sức đến như thế. “Olympic 2016 là kỳ thi đấu Olympic cuối cùng của tôi, nhưng nó là cột mốc đáng kể nhất sự nghiệp. Một chiến thắng tại Olympic ở Rio de Janeiro (Brazil) là điều tôi ước mong nhất và thành sự thật”, Tú nói thêm.
Trở về sau Olympic 2016, Văn Ngọc Tú gần như ít xuất hiện trong các lễ trao thưởng của các cơ quan quản lý, trừ những buổi không thể vắng mặt. Bởi vì, võ sĩ này lại tiếp tục lao vào tập luyện để chuẩn bị tranh tài Đại hội thể thao bãi biển châu Á 5-2016 tổ chức ở Đà Nẵng.
Đại hội này, Tú là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam trong môn kurash (môn võ có cách thi đấu giống judo). Tại Đại hội bãi biển châu Á 4-2014, Tú đã giành Huy chương Vàng môn kurash nên không lý gì cô bỏ qua cơ hội có thể thành danh trên sân nhà.
Văn Ngọc Tú trong ngày được thể thao Quân đội trao thưởng. |
Tương lai là một người thầy
Văn Ngọc Tú chia sẻ ấp ủ muốn làm một lò võ huấn luyện của bản thân mình ở quê nhà. “Hiện tại mọi thứ đều chưa thể thực hiện nhưng nếu có cơ hội và tài chính, tôi vẫn tin mình sẽ làm một lò huấn luyện để thỏa ước truyền đạt kinh nghiệm lại cho những người phía sau”, Văn Ngọc Tú cho biết.
Trước đợt thi đấu Olympic 2016 vừa qua, chuyên gia người Trung Quốc của Văn Ngọc Tú đã kết thúc hợp đồng làm việc. Chính thế, cô bị... bơ vơ không có người thầy ruột khi đi tranh tài Olympic 2016.
Câu chuyện trên đã được lãnh đạo Tổng cục TDTT và đoàn thể thao Việt Nam chia sẻ trên báo giới rất nhiều. Dù vậy, Tú nói rất thật, đó là tìm được một người thầy theo sát mình không dễ.
Từ khi cô lên góp mặt tại đội tuyển judo quốc gia (năm 2003) tới nay, vị chuyên gia kia là người đồng hành huấn luyện Văn Ngọc Tú. Giai đoạn quan trọng nhất cần cho một tuyển thủ đi thi đấu Olympic thì thật tiếc nhà quản lý đã không giữ được chuyên gia.
Cô đã cho biết, “chính vì thế, tôi hiểu vai trò huấn luyện viên có ý nghĩa như thế nào. Tương lai, nếu tôi trở thành huấn luyện viên, tôi chắc chắn tập trung hết sức cho huấn luyện và tìm ra những người học trò kế nghiệp mình”.
Chia tay Tú khi cô chuẩn bị rời Hà Nội trở lại nơi tập huấn ở Đà Nẵng để cho Đại hội thể thao bãi biển 5-2016, nữ tuyển thủ này không quên hẹn, khi trở lại Hà Nội sẽ có nhiều chia sẻ hơn về nghề, về sự nghiệp judo của mình.
Trao thưởng cho các vận động viên Quân đội tham dự Olympic 2016 Ngày 30-8, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức tuyên dương, trao thưởng cho các VĐV Quân đội tham gia Olympic Rio 2015. Tại Olympic, trong thành phần tham gia của đoàn thể thao Việt Nam, Quân đội có 3 VĐV góp mặt là Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Văn Ngọc Tú (Judo). Trong đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã lập nên kì tích cho thể thao Việt Nam khi xuất sắc mang về 1 tấm HCV ở nội dung 10m súng ngắn hơi và HCB nội dung 50m súng ngắn tiêu chuẩn. Đây cũng là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử tham gia Olympic của Việt Nam. Nhân dịp này, Tổng cục Chính trị đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc tại Olympic Rio 2016 là Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Ánh Viên và VĐV Văn Ngọc Tú (Trung tâm Thể dục Thể thao quốc phòng 4, Quân khu 9). Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) cũng trao thưởng 50 triệu đồng cho Đại tá Hoàng Xuân Vinh, 10 triệu đồng cho Đại úy Nguyễn Thị Ánh Viên và 10 triệu đồng cho VĐV Văn Ngọc Tú. H. Ly |
Tính ổn định là trên hết
Trao đổi ngày 30-8, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - ông Vương Bích Thắng xác nhận có biết về thông tin lá đơn do một số cựu cầu thủ bóng đá gửi tới Bộ VH-TT&DL để nói về câu chuyện Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Ở góc độ nhà quản lý, ông Thắng khẳng định quan điểm từng người là khác nhau. Thế nhưng, ông Thắng cho biết: “Một liên đoàn hay hiệp hội thể thao là tổ chức xã hội nên luôn cần sự ổn định để thực hiện công việc của mình. Tất cả những liên đoàn, hiệp hội thể thao trên thế giới muốn vững mạnh phải có sự ổn định. Chúng tôi là người làm nghề luôn cầu thị những góp ý và sự phản biện nhưng phải đúng trên thực tế”. Trước đó, khi đề cập về những vấn đề nổi cộm của công tác trọng tài hay quản lý của Ban tổ chức giải V-League 2016, lãnh đạo Tổng cục TDTT khẳng định, luôn có sự giám sát và thường xuyên giao ban công việc nắm bắt tình hình với lãnh đạo VFF. Chính thế, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì Tổng cục TDTT đều yêu cầu giải quyết đúng người đúng việc, tránh không để dư luận xấu. Tuy nhiên, VFF là cơ quan tách biệt hoàn toàn với Tổng cục TDTT nên liên đoàn này là cơ quan giải quyết xử lý cao nhất những khúc mắc và tồn tại về bóng đá Việt Nam. D.P. |