Lực lượng thông tin liên lạc CAND:

65 năm phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

10:43 19/11/2010
Ra đời trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng CAND đã nhanh chóng phát triển về mọi mặt, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân. Một bộ phận hết sức quan trọng của CAND, là công tác thông tin, liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Công an các cấp được tập trung, thống nhất, ra đời ngày 25/11/1945.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, lực lượng Thông tin liên lạc CAND từng bước hình thành; mới đầu thô sơ, chỉ có 1 tổng đài từ thạch 49 số tại Hà Nội và 1 tổng đài loại nhỏ tại Hải Phòng. Phương thức liên lạc thời kì này chủ yếu sử dụng giao thông liên lạc hoặc phương tiện thông tin của các cơ quan Đảng và Bưu điện.

Trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng Công an đã sử dụng máy thu phát tự lắp ráp hoặc tổng đài thu được của địch; nhưng chưa tổ chức thành hệ thống riêng. Để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đánh địch, đầu năm 1954, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã trình Chính phủ đề nghị được lập hệ thống thông tin liên lạc riêng. Từ đó, các đài thông tin vô tuyến điện được tổ chức sắp xếp lại, các tổng đài đầu tiên tại cơ quan Bộ và một số đơn vị được xây dựng.

Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Bộ Công an đề nghị và được Sở Bưu điện giúp đỡ xây dựng 2 tổng đài điện thoại từ thạch đặt tại Cục Cảnh vệ tháng 11/1954 (20 số) và cơ quan Bộ năm 1956 (100 số). Năm 1962, các tổng đài từ thạch đã dần được thay thế: ở Bộ tổng đài cơ khí từng nấc GWN dung lượng 600 số (dùng cho cả Công an Hà Nội), Cục Cảnh vệ tổng đài SK350 tự động dung lượng 70 số và Công an vũ trang tổng đài GWN dung lượng 200 số (ba tổng đài Bộ, Cục Cảnh vệ và Công an vũ trang được liên lạc tự động 2 chiều).

Để đảm bảo việc liên lạc trong mọi tình huống và đề phòng những trường hợp đột xuất xảy ra, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo xây dựng mạng điện thoại tự động, điện thoại dã chiến để liên lạc giữa Bộ Chính trị, Bộ Công an, Công an vũ trang và Quân đội. Với việc thành lập mạng liên lạc hữu tuyến mới đã kịp thời phục vụ lãnh đạo Bộ liên lạc thường xuyên với Bộ Chính trị, Phủ Thủ tướng và chỉ huy công tác, chiến đấu của toàn lực lượng Công an.

Đối với thông tin Vô tuyến điện, để phục vụ công tác của An ninh miền Nam, từ tính chất, đặc điểm và sự phát triển của đầu mối thông tin liên lạc ở miền Bắc và chiến trường miền Nam, đầu năm 1961, Bộ đã chỉ đạo thành 2 tổ thông tin chuyên phục vụ liên lạc với An ninh miền Nam và đối với các đài của các đơn vị trong Công an, phục vụ công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng ở miền Nam, Bộ Công an đã quyết định chi viện cán bộ và 36 bộ máy thu phát sóng ngắn có công suất từ 15W đến 50W cho Ban An ninh các cấp. Từ năm 1960 đến đầu những năm 1970, bằng các phương thức liên lạc A1, A3, TELEX, tại cơ quan Bộ đã tổ chức liên lạc với 28 đài vô tuyến điện của An ninh miền, Trung ương Cục miền Nam; tổ chức phát điện 1 chiều phục vụ các đối tượng phái khiển hoạt động trong lòng địch, các đầu mối tình báo ở trong và ngoài nước; tổ chức đảm bảo liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ với Công an các tỉnh, thành miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, các chuyên án đấu tranh chống gián điệp, biệt kích.

Giữ vững thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, chiến đấu của lực lượng CAND.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, để quản lý và chỉ đạo thống nhất công tác thông tin liên lạc trong toàn lực lượng Công an, ngày 12/3/1976, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định chuyển toàn bộ nhiệm vụ và tổ chức của lực lượng Thông tin liên lạc thuộc Văn phòng Bộ sang Cục Kỹ thuật II và cho phép Cục Kỹ thuật II thành lập Phòng Thông tin hữu tuyến và Phòng Thông tin sóng ngắn.

Ngày 18/6/1981, do nhu cầu phát triển của công tác thông tin liên lạc, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập Cục Thông tin liên lạc, nhằm thống nhất tổ chức quản lý, điều hành bộ máy và định hướng các hoạt động của lực lượng Thông tin liên lạc từ Bộ đến các đơn vị và Công an các địa phương trong giai đoạn mới. 

Tiếp đó, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ công tác bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ Công an đã quyết định thành lập Cục Khoa học Viễn thông - Tin học, sau đó thành lập Tổng cục Khoa học - Kỹ thuật và Công nghệ, Tổng cục Kỹ thuật và hiện nay là Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, trong đó có Cục Thông tin liên lạc.

Căn cứ Nghị quyết 49/CP ngày 4/8/1993 của Chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ Công an có Chỉ thị 06/CT-BNV ngày 5/5/1994 về phát triển công nghệ thông tin trong lực lượng Công an đến năm 2000, với yêu cầu trọng tâm, cấp bách là: Xây dựng nền móng ban đầu vững chắc cho một kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin trong lực lượng Công an có khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thông tin trong công tác quản lý Nhà nước; lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu và trong các hoạt động nghiệp vụ của Công an các cấp; đồng thời tích cực xây dựng công nghệ thông tin thành một công cụ - vũ khí mũi nhọn của lực lượng Công an, góp phần bảo vệ vị trí xứng đáng của nước ta trong khu vực khi bước vào thế kỷ XXI...

Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, của Bộ, trang thiết bị kỹ thuật của mạng thông tin liên lạc lực lượng CAND đã được đổi mới, hiện đại hoá, đồng bộ. Mạng thông tin hữu tuyến đã được trang bị các tổng đài điện tử số, đa dịch vụ, hoà mạng tự động với mạng viễn thông quốc gia, toàn bộ hệ thống chuyển mạch và truyền dẫn của lực lượng Công an đã được số hoá; đã có 3 hệ thống tổng đài vùng của Bộ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM thực hiện kết nối tự động với tất cả tổng đài Công an các tỉnh, thành phố.

Nhờ có mạng lưới điện thoại chuyên dùng của toàn ngành, lưu lượng thông tin hữu tuyến truyền trên mạng đã tăng nhanh chóng và đảm bảo an toàn, các dịch vụ phi thoại cũng được ứng dụng và phát triển mạnh, phục vụ tốt công tác Công an như FAX, truyền số liệu, thư tín điện tử, truyền hình nghiệp vụ…

Mạng thông tin vô tuyến được quy hoạch, đầu tư, đổi mới về phương thức liên lạc, trang bị thiết bị đồng bộ, thống nhất, hiện đại, cự ly liên lạc xa, phù hợp với mọi địa bàn và khả năng tác chiến của các lực lượng Công an, đồng thời là mạng thông tin dự phòng chiến lược phục vụ các yêu cầu đánh địch đột xuất.

Với thực trạng trang thiết bị của hệ thống thông tin liên lạc của lực lượng Công an đang được khai thác, sử dụng hiện nay, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thông tin nhanh chóng, chính xác, bí mật, an toàn và thông suốt, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, chỉ huy, chiến đấu trước tình hình và nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là hệ thống thông tin chiến lược dự phòng nóng trong các tình huống đặc biệt, bất thường xảy ra.

Nhìn lại quá trình xây dựng, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Thông tin liên lạc CAND đã không ngừng lớn mạnh về tổ chức lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống, phục vụ có hiệu quả sự chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu trong toàn lực lượng Công an.

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Cục Thông tin liên lạc - Bộ Công an đã được Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Quân công hạng nhì (1985), 1 Huân chương Quân công hạng nhất (2005); 4 đơn vị cấp Phòng được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Những chiến công, thành tích xuất sắc của lực lượng Thông tin liên lạc CAND đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ

Lưu Vinh - Duy Hiển

Hơn 40 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ đã nỗ lực dập tắt đám cháy tại nơi tập kết vật liệu tranh tre trong xưởng chế biến gỗ của doanh nghiệp ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文