CBCS Trại giam số 5 vững tay chèo, đưa người lầm lỗi về nẻo thiện
Trong từng giai đoạn cách mạng, đơn vị đã cụ thể hoá và đề ra các biện pháp quản lí, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân phù hợp, từng bước giúp những người lầm lỗi dần lấy lại tinh thần và an tâm cải tạo, có ý thức tuân thủ pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập, trại có 13 đồng chí, trong đó có 5 đảng viên, 3 thanh niên cứu quốc nhưng đã làm tốt nhiệm vụ quản lý, giam giữ tù nhân, đặc biệt là các đối tượng phản động đội lốt tôn giáo.
Năm 1953, thực hiện chủ trương của Bộ Nội vụ, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá bàn giao Trại cải tạo Lam Sơn về lực lượng Công an quản lý. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào xây dựng CNXH. Để thuận tiện việc quản lý, giam giữ, Công an liên khu IV đưa các phân trại về khu trung tâm Trại Lam Sơn.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, mặc dù cơ sở vật chất của trại hết sức nghèo nàn, khó khăn nhưng công tác quản lý giam giữ giáo dục cải tạo phạm nhân vẫn đảm bảo tốt và được Bộ khen ngợi.
CBCS Trại giam số 5 ôn lại truyền thống 70 năm |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quán triệt đường lối xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, Ban giám thị đã kiên quyết xử lý mạnh mẽ đối với bọn tội phạm phản bội Tổ quốc làm tay sai cho đế quốc, bọn phản động trong các tôn giáo, dân tộc câu kết với các phần tử phản động hòng lật đổ chính quyền, xử lý thích đáng những tên gây rối, chống phá, trốn trại. Vì thế, từ năm 1979 đến 1985, trại đã ngăn chặn được hàng trăm vụ phạm nhân có ý đồ trốn trại.
Từ năm 1986 đến nay, đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, tội phạm gia tăng, tính chất nguy hiểm như băng nhóm hoạt động kiểu “xã hội đen”, các đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia, các loại tội phạm về kinh tế, loại trọng án cướp của giết người, loại lưu manh chuyên nghiệp tăng lên, nhưng CBCS Trại giam số 5 luôn vững “tay chèo”, cảm hoá, giáo dục những phạm nhân này trở thành người có ích.
Như trường hợp Mai Đức Vượng (tức “Tộ tích”), 36 tuổi, trú ở Gia Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng là một trong những đại ca có số ở đất Cảng. Vượng cầm đầu một nhóm đối tượng hình sự, chuyên cầm đồ, cho vay nặng lãi, bảo kê. Vượng chủ mưu, chỉ đạo và trực tiếp gây ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người...
Do Vượng có chứng nhận tâm thần nên dù phạm tội, Vượng không phải đi thi hành án mà được đi bắt buộc chữa bệnh. Điều trị bệnh tâm thần, nhưng Vượng thường xuyên trốn ra ngoài, tụ tập đàn em ăn chơi và chỉ đạo các hoạt động phi pháp.
Sau nhiều năm kỳ công thu thập tài liệu, chứng minh Vượng khoẻ mạnh, nhận thức tốt, cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng đã đề nghị giám định lại bệnh tâm thần đối với Vượng. Kết quả, bệnh của Vượng đã ổn định nên việc xử lí hình sự đối với Vượng mới thực hiện được.
Nắm rõ lai lịch về Vượng, CBCS Trại giam số 5 qua nghiên cứu phát hiện “điểm yếu” nhất của Vượng chính là mẹ, vợ và các con của anh ta. Chính vì vậy, các cán bộ đã dùng tình cảm gia đình để phân tích, động viên Vượng cố gắng cải tạo để sớm về với gia đình; đồng thời tạo điều kiện để Vượng có thể gặp gỡ gia đình.
Theo đó, khi cải tạo tốt, khá, Vượng được cán bộ cho gặp vợ ở buồng hạnh phúc, được trò chuyện với mẹ lâu hơn (mẹ Vượng là cán bộ nhà nước về hưu, bị nhiều bệnh tật nên Vượng rất thương mẹ). Khi Vượng vi phạm, các cán bộ kiên quyết xử lí, không cho thăm gặp ở phòng riêng nên Vượng thấy rõ được giá trị của việc yên tâm cải tạo. Nhờ đó, việc cải tạo của Vượng ngày càng tiến bộ.
Hay như trường hợp Trần Văn Mạnh, 41 tuổi, ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội (Mạnh là em trai “Khánh trắng”) thi hành án về tội giết người. Nhìn ánh mắt sắc lạnh của Mạnh, ai cũng hiểu đối tượng này là người như thế nào.
Thế nhưng, đối với CBCS Trại 5 thì nhiệm vụ quan trọng nhất đó là giáo dục, cảm hoá anh ta biết hướng thiện, cải tạo tốt để được khoan hồng. Từ mục tiêu đó, các anh thường xuyên động viên Mạnh yên tâm cải tạo, phân tích rõ cho Mạnh chỉ có con đường duy nhất để trở về đó là tự biết quay đầu. Thấm dần sự chân tình, nghiêm khắc của cán bộ, Mạnh dần cải tạo tốt hơn...
Cảm hoá những đối tượng côn đồ, cộm cán đã khó nhưng điều khó nhất đối với CBCS Trại giam số 5 đó là giáo dục, cảm hoá các đối tượng phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia (ANQG).
Chia sẻ về công tác quản lí, giáo dục các đối tượng phạm tội liên quan đến ANQG, Thượng tá Lê Văn Cứu, Giám thị Trại giam số 5 cho biết, sau khi tiếp nhận đối tượng, chúng tôi đã lập kế hoạch để quản lý, giam giữ, giáo dục.
Theo đó, chúng tôi thường xuyên nắm diễn biến tình hình, tư tưởng phạm nhân, tổ chức cho học tập 4 tiêu chuẩn thi đua và 15 điều nội quy; chú trọng công tác giáo dục chung, giáo dục cá biệt để nắm diễn biến tư tưởng, tình hình phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp; động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp phạm nhân sớm ổn định tư tưởng, nhận thức được hành vi sai trái, từ bỏ hoặc giảm thái độ chống đối.
Một trong những thành công nữa của CBCS Trại giam số 5 đó là qua công tác đấu tranh khai thác phạm nhân phục vụ công tác phòng ngừa tội phạm ngoài xã hội và đảm bảo an ninh, an toàn trại giam, đơn vị đã cảm hoá, thuyết phục nhiều đối tượng khai báo các vi phạm pháp luật khác ở ngoài xã hội. Từ đó, giúp lực lượng chức năng đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm nguy hiểm.
Bên cạnh đó, CBCS Trại giam số 5 không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân, thường xuyên tổ chức cho phạm nhân học tập văn hóa, xóa mù chữ, giáo dục chính sách pháp luật, giáo dục công dân, tăng cường phổ biến thông tin thời sự định hướng tư tưởng, tăng cường công tác giáo dục riêng, giáo dục cá biệt, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Đồng thời, trại thường xuyên quan tâm đến công tác dạy nghề và truyền nghề cho phạm nhân. Hằng năm, Trại đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Thanh Hóa đào tạo, dạy nghề và cấp chứng chỉ cho hàng trăm phạm nhân, qua đó đã góp phần tạo việc làm ổn định cuộc sống cho phạm nhân sau khi hết án tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng phạm nhân tái phạm.