Gặp lại Thượng tá Lê Đức Đoàn - công dân ưu tú Thủ đô

10:26 20/08/2015
Gần 40 năm công tác trong ngành, nhiều năm cắm chốt trên cầu Chương Dương, người chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) ấy đã làm tròn bổn phận của một người lính giữ bình yên nhịp sống giao thông nơi cửa ngõ Thủ đô. Không chỉ thế, anh còn có “chỗ đứng” đặc biệt trong lòng người dân.

Tôi cảm phục sự tận tâm, nhiệt huyết của người chiến sỹ không quản nắng mưa bám trụ tại một vị trí gần hai thập niên. Thượng tá Lê Đức Đoàn – công dân ưu tú Thủ đô giờ đã nghỉ hưu. Đầu cầu Chương Dương giờ vắng bóng anh, nhưng người chiến sỹ CSGT đặc biệt này  vẫn có mặt trong các cuộc tôn vinh người chiến sỹ Công an. Mà mới đây là Đại hội thi đua vì an ninh Tổ quốc toàn lực lượng.

Hình ảnh đẹp trong lòng dân

Con đường đi làm gần 20 năm qua của tôi ngày nào cũng phải qua cầu Chương Dương. Một sớm mai, có cái gì đó trống vắng, thiêu thiếu khi tôi qua đây. Không có hình ảnh người Thượng tá già với nước da đen sạm nhiệt tình hướng dẫn giao thông. Không có những ánh mắt nhìn anh trìu mến, không có cái gật đầu, vẫy tay thân thiện như mọi khi. Cũng không có câu nhắc vội: “Đi cẩn thận cho an toàn em nhé!”. Tôi chợt nhớ, hôm ấy là ngày đầu anh nghỉ hưu sau bao năm cống hiến. Thay vị trí của anh, giờ là những chiến sỹ trẻ. Dù vẫn là bóng chiếc áo vàng, vẫn chiếc mũ Cảnh sát uy nghiêm, nhưng không còn sự quen thuộc. Có lẽ lại phải một thời gian nữa, tôi và nhiều người hay qua đây mới quen với sự thiếu vắng anh. Có dịp gặp anh, tôi đã nói ra suy nghĩ này của mình và anh kể: “Cũng có nhiều người nói với tôi như thế”.

Hình ảnh quen thuộc của Thượng tá Lê Đức Đoàn trên cầu Chương Dương khi còn công tác.

Tôi hẹn gặp anh sau cuộc gặp mặt gương người tốt việc tốt của Bộ Công an nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7). Anh bảo, bây giờ anh là “tỷ phú thời gian” rồi. Nên, “em ở đâu thì anh sẽ đến”. Rồi anh ào đến quán cà phê trước cổng cơ quan nơi tôi hẹn với chiếc xe máy Wave alpha cũ kỹ. Tròn 7 tháng sau ngày anh rời mặt đường nóng bỏng. Vẫn là gương mặt khắc khổ với nhiều nếp nhăn, nhưng nước da anh sáng hẳn lên. Những kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời người lính luôn tràn đầy nhiệt huyết ấy được tái hiện.

Năm 2005, Lê Đức Đoàn được tăng cường vào Đội CSGT số 6, địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thời điểm đó lực lượng Công an Hà Nội đang tập trung đấu tranh khám phá nhóm cướp đập gậy trên một số tuyến quốc lộ.

Lúc 0h ngày 19/5/2005 anh cùng đồng đội tuần tra trên quốc lộ 3 thì phát hiện nhóm cướp giật tài sản của một phụ nữ đi theo hướng Thái Nguyên – Hà Nội. Nghe tiếng hô “cướp”, anh lao ra… Nhóm đối tượng chừng 10 người dùng tuýp sắt dài cùng gạch đá chống trả quyết liệt. Khi đồng đội đến hỗ trợ, anh đã bị vỡ xương mặt, gẫy mũi. Hai đối tượng trong nhóm bị bắt tại chỗ. Còn anh thì vào viện nằm đủ 3 tháng. Ra viện anh nhận nhiệm vụ mới tại chốt cầu Chương Dương. Bước ngoặt mới trong cuộc đời người chiến sỹ CSGT và cũng là thương binh bắt đầu…

Tổ chức phân công cho anh về đây, để anh được nhàn nhã hơn cho phù hợp với sức khoẻ. Thế nhưng, có đứng chốt mới biết, ngày hè nắng rát mặt, ngày đông rét cắt da cắt thịt. Người đi đường chỉ mong nhanh qua con đường “mặt tiền” ấy, còn anh thì bám trụ ở đó nhiều giờ. Vết thương trên khuôn mặt anh trở chứng theo sự thay đổi của thời tiết nên đau nhức.

Mặc kệ những cơn “trở chứng”, anh vẫn đứng chốt để điều hành giao thông. Làm việc ở vị trí này, anh còn hay nhận tin báo có sự cố giữa cầu như: xe chết máy hay ai đó định… nhảy cầu. Mỗi lần như vậy, anh vội nhảy lên ô tô buýt hoặc lên chiếc xe máy nào đó đang đi qua. Cũng bởi xuất hiện kịp thời, nên anh đã kịp kéo những người đang có ý định nhảy… ùm xuống sông để quên hết sự đời trở về với thực tại. Và số người được anh “đưa về với cuộc sống” là hàng chục. Đấy còn chưa kể đến số người bị thương phải đưa đi cấp cứu, số lần đưa trẻ lạc về nhà...

Theo quy định của lực lượng Công an, lính tráng như anh, quân hàm kịch khung là Trung tá. Ấy thế mà, người lính Lê Đức Đoàn lại đeo hàm Thượng tá. Anh được gắn thêm sao là bởi bảng thành tích đặc biệt. Thế nên, anh là người lính đặc biệt. Và cũng hiếm có một Cảnh sát nào được cộng đồng Facebook lập một địa chỉ riêng mang tên “Hội những người hâm mộ Thượng tá Lê Đức Đoàn” để cập nhật, bình luận về từng chiến công, từng hành động đẹp của anh.

Lời gửi gắm

Đề cập đến một thực trạng mà lực lượng CSGT cần phải nhìn nhận lại để chỉnh sửa, đó là việc người dân đang thiếu thiện cảm với CSGT, Thượng tá Lê Đức Đoàn suy nghĩ: “Lớp trẻ hiện được rèn luyện trong môi trường tốt, được quan tâm nên nếu phát huy tốt điều kiện sẵn có thì thế hệ trẻ sẽ có nhiệt huyết, sẽ phát huy được. Đâu đó còn chuyện nọ chuyện kia, có trường hợp gây phiền hà, bức xúc cho người dân khi thực thi công vụ thì chỉ là một vài con sâu. Trong khi đó có hàng ngàn CBCS đang phải làm nhiệm vụ dưới thời tiết khắc nghiệt để đảm bảo cho các tuyến đường thông suốt, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông”.

Với câu hỏi: “Thế hệ sau cần lời khuyên gì của người đi trước?” -Thượng tá Đoàn thẳng thắn: “Đó là cách ứng xử. Người CSGT thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, khi xử phạt vi phạm cũng là động chạm trực tiếp đến quyền lợi của từng người dân. Bởi thế, văn hóa ứng xử cần phải được đề cao. Tôi nghĩ, để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ trên đường giao thông, có một phần lỗi ứng xử của người CSGT. Mỗi CBCS CSGT cần hưởng ứng và thực hiện tốt cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

Cuộc sống sau khi rời bục giao thông

- Được nghỉ ngơi, không dãi nắng dầm mưa, da anh đẹp hẳn lên?

 Khi tôi còn làm việc trên cầu Chương Dương – “mặt tiền của mặt tiền” đương nhiên là nắng cháy da, cháy thịt, mưa thì táp như kim châm. Nay không còn “chường mặt” ra đường nữa thì da cũng … trắng hơn.

- Những ai qua cầu Chương Dương thường xuyên cũng đều bắt gặp hình ảnh người dân thân thiện với anh? Có phải vì anh là công dân ưu tú Thủ đô?

- Tôi rất vinh dự khi được nhận danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô. Đó là Đảng bộ thành phố, là nhân dân tặng cho lực lượng CSGT Thủ đô mà tôi chỉ là một hạt cát góp sức trong thành tích chung. Tôi cũng hiểu, đó là tình cảm đặc biệt mà nhân dân dành cho tôi.

- Chính người dân Thủ đô đã ghi được những hình ảnh đẹp của anh trong thời gian công tác. Đó là hình ảnh người CSGT mưu trí trong tình huống dừng xe gây tắc đường để bắt tên cướp định tháo chạy, hay hình ảnh anh khuyên nhủ một cô gái định nhảy cầu tự tử như một người cha khuyên nhủ con mình. Anh đã ngăn được bao nhiêu người thoát khỏi dòng nước sông Hồng trong gang tấc ấy?

- Có lẽ là con số khoảng 40, tôi không nhớ hết. Có người sau này qua cầu thỉnh thoảng vẫn dừng lại chào và gọi tôi là bố. Cũng có anh chở vợ đi qua, tạt vào cảm ơn: “May có bố cứu vợ con”. Bây giờ tôi đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhận điện thoại hỏi thăm của mọi người.

- Đang bận rộn, vất vả sớm hôm, nay nhàn nhã, thảnh thơi. Chia tay với công việc đủ thời gian để “ngấm” sự thay đổi, anh có thấy buồn không?

- Tôi không buồn, chỉ bâng khuâng thôi. Thú thật, cuộc chia tay về nghỉ hưu của tôi xúc động lắm. Hôm đó đồng chí Trưởng phòng (Đại tá Đoàn Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đến tận chốt đầu cầu Chương Dương tặng hoa chia tay, tôi thấy thật ấm áp và hiểu rằng, mình đã làm tròn bổn phận, hoàn thành nhiệm vụ, giờ vui vẻ nghỉ ngơi, không còn băn khoăn hay ân hận điều gì.

- Nhưng nghe nói, khi còn công tác anh xử phạt vi phạm giao thông được rất ít?

- Đúng là tôi xử phạt ít. Nhiều người ngoại tỉnh đi xe máy, ô tô về Hà Nội không thông thuộc đường sá, họ vô tình mắc lỗi chứ không cố tình. Người đi thăm thân, người đi bệnh viện khám bệnh, người thì đưa con đi thi đại học... Cứ tưởng tượng mình về địa phương của họ thì cũng thế thôi. Trường hợp đó tôi chỉ nhắc nhở để họ biết mà lần sau đi không phạm lỗi. Nhắc nhở và hướng dẫn, tôi nghĩ cái đó có giá trị nhân văn và động lực thúc đẩy người dân chấp hành tốt luật pháp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy, lúc cần thiết vẫn phải kiên quyết xử lý vi phạm.

- Một ngày của anh khi đã nghỉ hưu thường diễn ra thế nào?

- Tôi có cháu nội rồi. Tôi thường làm “xe ôm” đưa nhà tôi đi trông cháu rồi đón bà về. Thời gian rảnh rỗi tôi làm việc gia đình, đôi khi gặp gỡ bạn bè. Nhân tiện cũng khoe một chút. Tôi vừa đi Đà Nẵng gặp các lưu học sinh ở Nga về.

- Anh từng học ở Nga?

- Tôi học chuyên ngành Luật ở Trường Đại học Lukianopva, thành phố Oriol từ 1980 đến 1985. Gặp lại bạn cũ đã từng du học cùng nhau trên đất Nga, vui lắm em ạ!

Việt Hà

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文