Chuyện về Anh hùng, Liệt sĩ Công an Lê Thanh Tùng
- Người liệt sĩ Công an kiên cường: Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
- Tri ân những Liệt sĩ Công an của vùng quê đất Mỏ
Một ngày cuối tháng Tư lịch sử, chúng tôi gặp chị Lê Thị Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị, mới hay, trong bia ghi danh các anh hùng, liệt sĩ đơn vị T65 tình báo CAND, có bố ruột của chị Hương là Anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Tùng (bí danh Thư), quê ở làng An Thái, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Chị Hương ngậm ngùi nói: “Chị nhớ nhất là ngày đầu vào lớp 1, có nhiều bạn có cả ba, mẹ đưa đón. Từ nhỏ, chị sống với chỉ mình mẹ đã quen, nhưng không hiểu sao hôm ấy lại cảm thấy chạnh lòng và buồn tủi. Lớn lên chút nữa, khi nghe mẹ hay kể về ba, chị lại càng khao khát được trông thấy hình ảnh của ông, được ôm ba một lần dù chỉ trong giấc mơ!…”.
Theo nội dung giấy báo tử, Liệt sĩ Lê Thanh Tùng (còn gọi Lê Văn Tùng) hy sinh vào giữa tháng 1/1973 ở địa bàn xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chị Hương tâm sự rằng, theo lời kể của mẹ chị, hai người quen biết và nên duyên vợ chồng khi bà làm ở Nông trường Quyết Thắng, phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Sau lễ mừng cưới không lâu, ông Tùng chia tay vợ vào chiến trường chiến đấu.
Chị Hương tự hào kể về người cha thân yêu của mình. |
Chiến tranh ác liệt, ông Tùng rất ít khi về thăm vợ được. Mãi đến 5 năm sau, hai người mới có con. Khi chị Lan lên 4 tuổi, mẹ chị bàng hoàng nhận tin dữ, ông Tùng chiến đấu và hy sinh trong một trận chống giặc càn quét.
Ông Tùng không để lại cho vợ con kỷ vật gì ngoại trừ tấm chân dung bé tí, nước ảnh đã phai màu. Phần mẹ chị Hương cũng chỉ biết chồng mình đi bộ đội, chiến đấu hy sinh đến hơi thở cuối cùng, chứ cũng không rõ ông Tùng ở đơn vị nào, đồng đội những ai còn sống để nhờ đi tìm hài cốt ông về. Mãi đến 29 năm sau giải phóng, gia đình chị Hương mới được cấp trên của ông Tùng thông tin, ông Tùng thuộc tổ T65 tình báo CAND.
Tổ T65 được thành lập vào năm 1965 trên cơ sở sáp nhập tổ tình báo Z17 và A5. Trước đó, Z17 được Bộ Công an triển khai từ năm 1958 với nhiệm vụ đứng chân ở tuyến lửa Vĩnh Linh nhằm tổ chức đường dây giao thông qua lại giới tuyến để liên lạc với cơ sở miền Nam, thu thập tin tức tình báo, xác minh phục vụ chiến đấu. Câu chuyện ông Tùng cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu và hy sinh cũng được rõ hơn.
Năm đó, sau khi cùng đồng đội và dân quân du kích địa phương đánh trả địch trong một trận càn, ném bom ác liệt, ông Tùng bị thương nặng ở khu vực chân núi Răng Cưa, xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc.
Đồng đội đã thay nhau cõng ông lên đỉnh núi Răng Cưa để đưa về hậu cứ cứu chữa, song do thương tích quá nặng, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đây. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh của ông sau này đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng, Liệt sĩ CAND…
Trong suốt nhiều năm, chị Hương cùng mẹ, người thân và đồng đội trực tiếp chôn cất ông Tùng, nhiều lần tổ chức đi tìm kiếm hài cốt ông về quê chôn cất cho ấm cúng. Song dù đã làm dấu, chiến tranh qua đi làm nhiều cảnh vật đã thay đổi, nên việc tìm kiếm rất khó khăn.
Hành trình tìm kiếm hài cốt của ông Tùng tưởng chừng phải dừng lại. Song với sự mong muốn vô bờ và sự quyết tâm tìm cho bằng được, gia đình và đồng đội cũng đã tìm lại được hài cốt của ông vẫn còn khá nguyên vẹn trên đỉnh núi Răng Cưa. Hài cốt của Anh hùng, Liệt sĩ CAND Lê Thanh Tùng được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.