Chuyện về những "cô giáo" ở Trường Giáo dưỡng

10:00 08/03/2011
Một nhành hoa dại mọc quanh sân trường, một vật phẩm xinh xắn được làm bằng đôi bàn tay cần cù, tỷ mỷ của các em học sinh… tất cả đều có thể trở thành quà tặng các cô giáo Trường Giáo dưỡng số 2, trong Ngày Quốc tế phụ nữ (8-3). Để có được tình cảm đó của các em, những "cô giáo" mang cảnh phục Công an ở đây đã tốn bao công lao, chăm sóc, dạy dỗ…

1. Chuông đồng hồ điểm mười hai tiếng, báo hiệu một ngày mới sắp bắt đầu, Đại úy Nguyễn Thị Hằng, giáo viên chủ nhiệm Đội học sinh nữ, Trường Giáo dưỡng số 2 mới về đến nhà. Nhìn mâm cơm giờ đã nguội lạnh, được sắp xếp gọn gàng trên bàn ăn, chị chạnh lòng thương hai con gái phải quen với sự tự lập từ nhỏ.

Vốn là con một cán bộ Công an, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Thị Hằng rời quê lúa Thái Bình theo nghiệp cha. Sau thời gian làm công tác thông tin liên lạc, làm bảo vệ cách đây 4 năm, chị trở thành giáo viên chủ nhiệm Đội học sinh nữ của trường. Đại úy Hằng bộc bạch: Những năm trở lại đây, số học sinh nữ trong đội luôn dao động khoảng từ 34 đến 35 em, song các trường hợp đưa vào đây đều thật sự cá biệt. Mỗi em là một cảnh ngộ với những diễn biễn tư tưởng rất khó nắm bắt.

Đó có thể là một trường hợp đua đòi "dạt" nhà đi chơi; song cũng có khi là một cô gái sinh ra trong một gia đình không bình thường; có em bố đi tù, mẹ cũng đi tù... Phần lớn trong số đó, sống bất cần, buông thả, không định hướng về tương lai, một số em đã mang theo nhiều căn bệnh xã hội, hậu quả của những chuỗi ngày lang thang, sống "bụi đời".

Đại úy Hằng kể cho chúng tôi về em Nguyễn Thị Q., ở Hà Nội. Mười ba tuổi, Q. đã bị bố dượng mất nhân tính "đánh cắp" tuổi thơ. Ba năm dòng dã, Q. sống trong câm lặng chịu đựng nỗi đau khổ. Rồi một ngày, do không chịu đựng được sự đầy đọa đó, Q. đã bỏ nhà lang thang và gặp một người bạn trai có cùng cảnh ngộ.

Trong một cuộc xô xát, người bạn trai của Q. bị bắt giữ về hành vi cố ý gây thương tích, còn Q. được đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2. Tuổi thơ với nỗi tủi nhục khiến cô bé 16 tuổi luôn sống trong hận thù cùng nỗi khiếp sợ. Có nhiều đêm, Q. hoảng loạn, gào thét trong giấc mơ… Thông cảm với hoàn cảnh của Q., Đại úy Hằng đã gần gũi, chăm sóc, động viên em phấn đấu vươn lên.

Đại úy Vũ Thị Quý và các học sinh Trường Giáo dưỡng số 2.

2. Đưa chúng tôi xem các tấm ảnh chụp vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, Đại úy Vũ Thị Quý, nói về các em học sinh của mình một cách trìu mến: "Em H. quê ở Hà Giang có một gia đình muốn nhận làm con nuôi; em N. ở Hà Nội giờ đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình…". Ánh mắt ngân ngấn lệ, "cô giáo" Quý dừng lại thật lâu trước cậu bé có gương mặt tròn trĩnh ưa nhìn, giọng trở nên buồn buồn: "Em Nguyễn Văn T., quê ở Hưng Yên. T. ra trường vào ngày 1/3, nhưng lại bị gia đình hắt hủi. Em vừa gọi điện thoại cho tôi, tôi thương quá, nhưng chỉ biết động viên em cố gắng nghe lời bố và mẹ kế, tiếp tục sống".

Gần chục năm làm giáo viên dạy văn hóa, năm 2009, Đại úy Quý được lãnh đạo đơn vị phân công chủ nhiệm lớp học sinh nhỏ. Công việc của một giáo viên chủ nhiệm, đòi hỏi chị phải quán xuyến mọi việc, từ nếp ăn, nếp ở, ý thức học tập và chấp hành kỷ luật của tất cả các em học sinh… Rèn rũa và dạy dỗ một con người đã khó, công việc của một "giáo viên dạy lại" còn khó hơn nhiều.

Phần lớn các em vào đây đều từng vi phạm pháp luật và có tới 80% sinh ra trong những gia đình, không hoàn thiện, có em vào trường còn chưa biết cầm đũa, cầm bát, không biết chào hỏi… Cầm tay, chỉ việc, ngày lại ngày, Đại úy Quý nhẫn nại, dùng tình yêu thương của mình để cảm hóa những cậu bé, đang chông chênh giữa những ngã rẽ cuộc đời. Chị dạy cho các em học chữ, học kỹ năng sống rồi biết yêu thương mọi người. 

Công việc của một giáo viên "dạy lại" ở Trường Giáo dưỡng số 2 đòi hỏi các chị phải thường xuyên đi sớm về khuya. Không quản ngại vất vả, bằng cái tâm và tình yêu thương đối với các học trò, những "cô giáo" - chiến sỹ Công an như Đại úy Hằng, Đại úy Quý đã giúp các em học trò dần dần trưởng thành và có thể đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời

Xuân Mai

Vụ án Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế và nhiều cán bộ có liên quan về hành vi nhận hối lộ trong đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả vừa qua đã gây rúng động dư luận. Điều khiến công chúng lo lắng là sự suy giảm nghiêm trọng lòng tin vào cơ quan lẽ ra phải là tuyến phòng thủ đầu tiên, vững chắc nhất cho sức khỏe cộng đồng.

Liên tiếp trong thời gian qua, lực lượng chức năng tại khu vực biên giới, cửa khẩu phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển hàng lậu. Triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra giám sát cửa khẩu, đường mòn lối mở trên khu vực biên giới, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của Đảng. Thấy rõ giá trị, sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không ngừng tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng của Người.

Liên quan đến vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ cát ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn từ giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng lên mức trúng đấu giá bất thường là hơn 370 tỷ đồng, chiều 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về đấu giá".

Tiểu khu 416 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai được biết đến từ lâu là điểm “nóng” về khai thác vàng trái phép. Có những thời điểm nơi đây có đến hàng trăm người dân đổ xô vào khai thác vàng. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, đốt máy móc, lán trại… nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.