Công an đưa sản phụ vượt lũ đi sinh con an toàn

08:59 04/11/2020
Chỉ trong vòng 10 ngày, người dân Quảng Bình đã phải gồng mình chống chọi với 3 đợt lũ lụt lớn. Nhiều ngày liền, mưa như trút nước xuống vùng cát Quảng Bình đã gây nên trận đại hồng thủy trăm năm giờ mới xuất hiện.

Giờ nước lũ đã rút, nhưng đến các làng quê vùng lũ, người dân vẫn thường nói với nhau về những hình ảnh cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an. Những người đã không quản hiểm nguy, nhiều ngày liền đạp sóng, vượt lũ để ứng cứu người dân đến nơi an toàn, bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con. Đặc biệt trong lũ lớn, rất nhiều sản phụ đến kỳ sinh nở đã được cán bộ, chiến sĩ Công an chở che, đưa vượt lũ đến các cơ sở y tế sinh con an toàn…

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, tại nhiều địa bàn của huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn… tỉnh Quảng Bình nước lũ bất ngờ đã dâng cao từ 3-5m nhấn chìm hết ruộng nương, hoa màu, nhà cửa của nhiều người dân. Trong đêm tối, nước lũ mênh mông, người dân chỉ biết cầu cứu bằng cách gọi điện thoại, lên mạng xã hội kêu gọi cứu nạn. 

Người dân nhiều nơi kêu cứu, chính quyền các địa phương đã phải huy động tổng lực để cứu dân trong đêm. Tuy nhiên, công tác ứng cứu gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến xấu, mưa to, gió lớn, nước ngập sâu và chảy xiết. Hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc tại nhiều địa phương đã bị mất.                                         

Hơn 100.000 nhà dân bị ngập trong lũ, việc cứu hộ, cứu nạn, di chuyển hàng vạn người dân hết sức khó khăn… Nhưng với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã huy động tối đa quân số phối hợp với lực lượng Quân đội, Biên phòng đóng trên địa bàn xuyên đêm cứu dân trong lũ dữ.

Cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình vượt lũ đưa sản phụ đến cơ sở y tế để sinh con.

Trong những ngày qua, người dân ở Quảng Trạch, Quảng Bình vô cùng cảm phục đối với Đại tá Phan Thanh Sơn-Trưởng Công an huyện Quảng Trạch cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Giữa đêm tối mịt mùng, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Quảng Trạch đã không quản ngại hy sinh vượt dòng nước lũ sông Gianh để cứu nạn, cứu hộ an toàn nhiều nhà dân khi nước lũ lên nhanh ngập đến gần chạm nóc nhà. Đặc biệt, các anh đã vượt lũ dữ để đưa nhiều sản phụ trở dạ đến viện sinh con an toàn. Nụ cười của gia đình các sản phụ, tiếng khóc chào đời của trẻ thơ như đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ quên đi sự hung hãn của dòng nước lũ.

Khoảng 17h30' ngày 19/10, sản phụ Hồ Thị Liên (28 tuổi) đang nằm chờ sinh tại Trạm y tế xã Cảnh Hóa trong tình trạng quá ngày dự sinh, nước ối đã cạn, sản phụ chỉ còn cách chuyển lên tuyến trên để đẻ mổ cứu mẹ và con. Gia đình sản phụ hốt hoảng gọi đi nhiều nơi, điện thoại tìm thuê những người dạn dày sông nước, nhưng ai cũng chối từ không dám mạo hiểm khi nước lũ đang mỗi lúc một lên cao. 

Nhận được tin báo, Đại tá Phan Thanh Sơn tức tốc gọi thêm cán bộ, chiến sĩ cùng mình quyết định vượt lũ xuống ngay địa bàn nơi sản phụ sắp sinh. Khi vượt qua được dòng nước lũ đưa sản phụ Hồ Thị Liên đến Bệnh viện đa khoa bắc Quảng Bình an toàn, Đại tá Phan Thanh Sơn mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chỉ sau ít phút, điện thoại lại đổ chuông dồn dập, khi cán bộ, chiến sỹ trong vùng tâm lũ báo về: Tại thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch có 2 sản phụ khác cũng đang có dấu hiệu chuyển dạ và 1 bé gái bị đau ruột thừa, người nhà điện thoại Công an cầu cứu. 

Trong đêm tối, Đại tá Phan Thanh Sơn lại cùng cán bộ, chiến sĩ của mình vật lộn trong mưa lũ để đưa hai sản phụ là chị Cao Thị Huệ (26 tuổi); Nguyễn Thanh Trà (26 tuổi) cùng trú tại xã Quảng Phương, và cháu Nguyễn Ngọc Phương Trang (8 tuổi) đau ruột thừa, trú tại phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn đến bệnh viện sinh nở và mổ cắt ruột thừa an toàn. Nhiều người nhà của các sản phụ và cháu bé cứ cầm tay thật chặt, không ngớt lời cám ơn cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Trạch.

Trong những ngày mưa lũ, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Bình đã có mặt tại các rốn lũ trắng đêm để cứu dân, cứu tài sản của nhân dân. Giữa cơn mưa xối xả của đêm tối, Thượng tá Lê Văn Hóa-Trưởng Công an thị xã Ba Đồn và cán bộ, chiến sĩ cùng đơn vị như Thượng úy Nguyễn Khánh Linh, Trung úy Trần Tuấn Tài, Trung úy Từ Huy Hòa, Thiếu úy Mai Xuân Thành, Thượng úy Đặng Huy Hoàng, Thượng úy Nguyễn Thái Quý… đã đưa hàng trăm người dân vượt lũ đến nơi an toàn. Công an thị xã Ba Đồn cũng đã đưa 3 sản phụ vượt lũ sinh con. 

Nhận được điện thoại cầu cứu từ phía người dân, cán bộ, chiến sỹ Công an xã Quảng Lộc và Quảng Hòa đã cắt lũ dùng bè đưa các sản phụ Đinh Thị Tương (SN 1989), trú xã Quảng Lộc, Hoàng Thị Vân (SN 1993), Nguyễn Thị Phương (SN 1994) đến cầu Quảng Hải, tiếp đó Công an thị xã đã đưa các sản phụ đến bệnh viện sinh con an toàn.

Nhiều người dân đã khóc vì xúc động khi gặp Đại tá Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình và cán bộ, chiến sỹ chèo đò vào tận vùng tâm lũ cứu hộ, cứu trợ cho bà con.

Thượng tá Cao Ngọc Lâm-Trưởng Công an huyện Minh Hóa, Quảng Bình cả chiều dầm mình trong mưa lũ cùng cán bộ, chiến sỹ để sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, khi các cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Minh Hóa vừa chuẩn bị bữa cơm tối thì điện thoại lại đổ chuông dồn dập khi người dân gọi có sản phụ sắp sinh trong lũ. 

Các chiến sỹ Công an đã kịp thời sử dụng xuồng máy đưa sản phụ Trương Thị Thu, ở thôn 2 Kim Bảng qua sông đi bệnh viện cấp cứu kịp thời, bảo đảm được tính mạng, sức khoẻ cho mẹ con. Tiếp đó, trong đêm, các anh lại dùng xuống máy và xe ôtô chuyên dụng đưa chị Hồ Thị Núc, ở bản Ba Loóc, xã Dân Hoá bị điện giật do cột điện bị sạt lở nghiêng xuống và cụ ông Trương Văn Thân, 88 tuổi, ở thôn 3 Kim Bảng bị tai biến đi cấp cứu kịp thời…

Trắng đêm ngày 19/10, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo và trực tiếp cùng Công an huyện Lệ Thủy tiếp ứng 4 ca nô công suất lớn cao tốc đến địa bàn tâm lũ Lệ Thủy và Quảng Ninh để cứu dân. Lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương công tác cứu hộ, cứu nạn tại các vùng bị ngập sâu. 

Tại địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, nước ngập sâu hơn 2m, hàng ngàn nhà dân ngập chìm trong lũ. Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình cùng cán bộ, chiến sỹ đã ứng cứu, di dời 150 người dân đến nơi an toàn. Hỗ trợ hàng trăm thùng lương khô, nước uống cho người dân. Tại huyện Quảng Ninh, lực lượng Công an ứng cứu kịp thời hơn 200 người dân ở địa bàn bị ngập sâu đến nơi an toàn.

Đại tá Nguyễn Tiến Nam-Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ, dù có khó khăn đến mấy, thiên tai bão lũ có nguy hiểm đến đâu, cán bộ, chiến sĩ Công an cũng phải sẵn sàng có mặt. Khi khó khăn nhất, khi vất vả nhất là khi dân cần cán bộ, chiến sĩ Công an có mặt bên cạnh nhất. Vì vậy, nhiều ngày qua dù là thứ bảy, chủ nhật nhưng hầu hết 100% cán bộ, chiến sĩ Công an Quảng Bình từ Ban Giám đốc đến mỗi người lính đều về cơ sở, về với bà con trước đó thì cùng nhân dân chống lũ, giờ lại hỗ trợ, giúp đỡ bà con từng bước ổn định cuộc sống sau lũ lụt.

Dương Sông Lam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文