Công an miền Trung vượt lũ giúp dân

11:17 21/10/2010
Phờ phạc vì thức đêm lâu ngày, áo quần sũng ướt do liên tục dầm mình trong nước, xấp xỉ nửa tháng qua, lực lượng Công an các tỉnh miền Trung đã căng mình dưới sự tàn phá của thiên tai, cùng hàng triệu người dân kiên cường vượt qua cơn lũ dữ.

Cảnh sát giao thông làm “cọc tiêu sống”

Trọn ngày 19, cho tới hết đêm về sáng ngày 20/10, quốc lộ 1A đoạn nối Vinh với thành phố Hà Tĩnh vẫn còn nhiều điểm chìm trong màn nước mênh mang. Hầu hết các loại phương tiện, nhất là xe tải ùn ứ, đỗ dài hàng cây số bên hai đầu Bắc, Nam.

Kiên quyết không cho xe cộ không đảm bảo yêu cầu qua đoạn đường nước ngập là mệnh lệnh tiên quyết được lãnh đạo Công an các địa phương truyền đạt tới lực lượng Cảnh sát giao thông, nhất là từ sau khi một xe khách bị nước lũ nhấn chìm vào rạng sáng ngày 18/10.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã lập 8 điểm chốt chặn đặc biệt nguy hiểm, hướng dẫn lái xe dừng đỗ để đảm bảo an toàn. Chống chọi cùng sự hung hãn của biển nước cuồn cuộn, anh em cán bộ chiến sỹ còn phải đối phó với cả thái độ chủ quan, không tiên lượng được hiểm nguy của cánh lái xe đường dài, nhất là một số tài xế xe khách thường xuyên chạy trên dặm dài thiên lý Bắc Nam.

Dù biển cấm đường đã được lập, rào chắn đã chăng, nhưng nhiều tài xế vẫn tranh thủ "rình" khoảnh khắc lực lượng chức năng không để ý, lập tức cho xe vượt chốt, khiến CSGT phải làm cọc tiêu sống, lao mình ra trước mũi xe chặn đầu.

Đại tá Bùi Xuân Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ: "Ai ít kinh nghiệm, nhìn màn nước tưởng bình yên, nhưng khi nước lũ đã lên, sẽ lên rất nhanh, nhanh đến độ không ai ngờ tới. Vậy mà nhiều lái xe cứ ngang nhiên lao qua các cung đường nguy hiểm, bỏ ngoài tai hiệu lệnh của CSGT. Thế nên mới có trường hợp, anh em CSGT đứng trước mũi xe, buộc lái xe lùi lại. Vừa qua khỏi vùng trũng, nước bất chợt ào ào giội về. Lúc ấy, lái xe mới hoảng hồn, bật cửa, khụy xuống ôm lấy CSGT mà vái lấy vái để. Chậm một tích tắc, nếu anh em mình thiếu triệt để, kiên quyết chưa hiểu hậu họa sẽ ra sao".

Mường tượng lại những giây phút ấy, Đại tá Bùi Xuân Thành còn rùng mình: "Không hiểu sao, cánh lái xe chịu cảnh lũ lụt miền Trung nhiều rồi mà vẫn bất cẩn, thiếu kinh nghiệm đến thế. Nhanh chậm tính bằng phút, kể cả bằng giờ đi chăng nữa, nhưng sơ sẩy, rủi ro thì có thể phải trả bằng chính mạng sống của lái xe và cả hành khách". 

Nhiều ngày giẫm chân, sinh hoạt ngay trên tuyến đường 1A, chưa được về nhà là tình trạng chung của cán bộ chiến sỹ Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh. Chân trần, lướt thướt do cả ngày phải bì bõm dưới nước phân luồng đường ngay lối vào thị xã Hồng Lĩnh, Thượng tá Phạm Khánh Toàn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh mệt mỏi: Nhiều ngày nay, tại 8 điểm nóng ngập sâu, xe không lưu thông được, lực lượng CSGT đã ứng trực suốt 24/24 giờ".

Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh làm “cọc tiêu sống” hướng dẫn các phương tiện.

Lũ khiến đường thành sông, cả không gian mênh mông chỉ còn là một mặt phẳng dập dềnh nước, nên nhiều điểm, CSGT đã đứng sắp hàng một, làm dải phân cách mềm định hướng cho các lái xe dò dẫm đi qua. Mỗi chiếc xe thoát khỏi điểm ùn ứ, là thêm những người đi xa sớm được trở về nhà, thêm nhiều lượng hàng hóa từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam mau chóng cập vào điểm đến.

"Trong khi đó", Thượng tá Phạm Khánh Toàn buồn rầu, "cả thành phố Hà Tĩnh chìm trong nước, nên nhà cửa của hầu hết cán bộ chiến sỹ trong phòng cũng chịu thảm cảnh chung. Tuy nhiên, chưa ai về được tới nhà để xem cớ sự ra sao. Mọi người đành phó mặc cho bố mẹ, vợ con tự xoay xở, định liệu".

Cho đến trưa ngày hôm qua (20/10) nước dần rút, đường thông trên toàn tuyến, huyết mạch giao thông hoạt động trở lại, nhưng CSGT vẫn chưa được rời vị trí, vì phải đề phòng sự cố tắc đường do các phương tiện đã phải nằm chờ vài ngày trời, đang rùng rùng tranh nhau tiến về phía trước.

Nhân dân còn trong "nớ", tôi về nhà sao được?

Lũ chồng lũ khiến nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, kể cả bà con ở những vùng ven sông, quanh năm sống chung với lũ cũng không còn sức để đương đầu. Hai trận lũ đến liền nhau khiến người dân xây xẩm mặt mày. Sự càn quét của thiên nhiên đã vượt quá sức chịu đựng của con người, khiến nhiều gia đình tuyệt vọng, buông xuôi. Giữa bối cảnh ấy, lực lượng Công an các địa phương đã cận kề, sát cánh bên người dân, cùng nhau gồng mình vượt lũ.

Mỳ tôm, nước uống liên tục được lực lượng Công an, Quân đội chuyển đến các hộ dân đang còn bị cô lập ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, người dân đã phải ăn mỳ tôm sống vì không có củi, không có điện; nên người dân rất cần bếp gas và bình gas mini để đun nấu...

Oằn mình đẩy con xuồng vào sát chân đường cái cho người dân leo lên, Trung tá Phạm Ngọc Thi, phụ trách công tác phòng chống lụt bão Công an Huyện Hưng Nguyên, Nghệ An khoát tay ra cả một vùng rộng lớn, lắc đầu ngao ngán: "Xã Hưng Lợi ngập sâu trong nước, bà con phải đưa hết trâu bò lên quốc lộ, lập lán trại cho chúng trú ẩn tạm qua ngày. Còn chính người dân vẫn chấp nhận tá túc ngay tại nhà mình, chờ tới giờ nước rút".

Hướng ánh mắt về phía hàng đàn dài trâu bò lũ lượt sắp hàng gặm cỏ, bờ đê, Trung tá Phạm Ngọc Thi chợt chùng giọng: "Mấy ngày nay tôi chưa về nhà, quẩn quanh hết xã này đến xã khác, ăn lương khô và mỳ tôm với bà con. Thôi thì cùng nhau vượt lũ".

Lép nhép trong màn nước, Trung tá Võ Đình Phượng, Công an huyện Hưng Nguyên cười héo hắt: "Gọi điện về nhà, bà xã bảo ngập hết rồi. Mọi người đưa nhau lên chạn (gác xép) ngồi tránh nước. Tôi muốn về nhà một lát quá, nhưng bà con còn trong nớ, đang nguy hiểm, nước uống không có, cái ăn không có, chúng tôi sao về được". 

Ứng trực 100% quân số, dàn đều quân xuống các vùng rốn lũ là chuyện thường ngày của lực lượng Công an ở miền Trung mùa nước nổi. Vốn là vùng quanh năm hứng lũ sông Lam, nhưng cường độ cấp tập của trận lũ vừa qua cũng khiến người dân huyện Nam Đàn trở tay không nổi.

Hơn 700 nóc nhà ở xã Nam Cát chỉ còn lấp lóa chóp mái ngói đỏ, hàng ngàn hec ta hoa màu trôi theo dòng nước. "Ở Nam Đàn, chưa đầy một ngày nước đã dâng lên tới 1,5 mét. Bà con mình hoạn nạn như thế, lực lượng Công an phải dốc hết sức lực, cùng dân vượt lũ", Thượng tá Lê Quang Thuyết quả quyết.

Quốc lộ 1 đã thông tuyến: Quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh bị cô lập trong nhiều ngày qua đã thông tuyến từ 12 giờ ngày 20/10. Cho đến thời điểm này (ngày 21/10), các phương tiện đã lưu thông bình thường. Hiện quốc lộ 1 không bị ách tắc, ùn ứ do lực lượng CSGT bám trụ 24/24 giờ để phân luồng, hướng dẫn. Lực lượng CSGT cũng yêu cầu người điều khiển các phương tiện tuyệt đối chấp hành các biển báo, biển chỉ dẫn, hiệu lệnh của CSGT để phòng ngừa tái diễn tình trạng tắc đường do phương tiện chen lấn, giành đường, đi không đúng phần đường…

Nhóm PV

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文