Công an quận Tân Bình với những chuyên án “bắt cóc” kỳ lạ
Đối với vụ án “mẹ bắt cóc con”, Công an quận Tân Bình có đủ cơ sở để khởi tố. Thế nhưng, xét thấy hậu quả chưa quá nghiêm trọng; hơn nữa, nếu bà bị khởi tố thì đứa bé không người chăm sóc... Vì thế, BCH Công an quận đã cân nhắc, không khởi tố.
Bắt cóc trẻ em để đủ “tiêu chuẩn” làm “Cái bang”!
Trong số những vụ án Công an quận Tân Bình khám phá, có một vụ mà động cơ gây án nghe thật buồn cười.
Chuyện xảy ra vào ngày 21/3/2004.
Lê Thị Mỹ Trang sinh năm 1980, quê Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu gọi anh Danh - thường trú ở phường 3, quận Tân Bình bằng cậu họ. Tạm trú nhà anh Danh, rồi sau đó nhà hàng xóm, được ít hôm, Trang bỏ đi. Trùng hợp một điều, ngày Trang ra đi, đứa con gái bé bỏng của anh Danh, cháu Nguyễn Thị Kim Tuyền, sinh 2002, cũng... biến mất.
Nhận định nhiều khả năng cháu bé bị bắt cóc bán cho những đường dây hành nghề "cái bang", lực lượng trinh sát đã được phân công tỏa đi khắp các nơi, từ cầu Mỹ Thuận, Tiền Giang đến tất cả các chùa chiền ở miền Tây, từ Cần Thơ, An Giang đến Sóc Trăng, Đồng Tháp... để lùng sục tung tích cháu bé.
Ngày 26/3/2004, nhận nguồn tin một phụ nữ bồng đứa bé có hình dạng như trên, đang ăn xin trước khu vực lăng Bà Chiểu, CSHS Tân Bình lập tức đến nơi thì đối tượng đã cao chạy xa bay, chỉ để lại cháu bé tội nghiệp đang đói lả. Lần theo dấu vết đối tượng, ngày 11/4/2004, tại thị trấn Ekannop (huyện Ekar, tỉnh Đắk Lắk), Công an Tân Bình đã bắt khẩn cấp Lê Thị Mỹ Trang.
Ngày phá xong vụ án, ai cũng ngạc nhiên vì không thể ngờ được rằng, hành vi phạm tội nghiêm trọng của Trang lại xuất phát từ một suy nghĩ hết sức... giản đơn và nông cạn. Thị khai, mục đích vụ bắt cóc chỉ nhằm để có đủ điều kiện... đi ăn xin!
6 ngày tìm ra cháu bé bị bắt cóc
Đó là trường hợp vụ bắt cóc cháu Vũ Minh Thông, cách đây 5 năm. 8h ngày 21/3/2000, cô chủ nhiệm lớp 2/1, Trường tiểu học dân lập Thanh Bình (phường 12, quận Tân Bình) phát hiện Vũ Minh Thông, sinh năm 1992 - thường trú 132/13, Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, quận Tân Bình - để cặp trên bàn nhưng không thấy vào học.
Trong lúc công an đang truy xét thì ông Vũ Ngọc Hải, cha cháu Thông, báo tin: Khoảng từ 13h30 - 14h30 ngày 24/3, đối tượng đã 2 lần gọi đến nhà tống tiền, buộc anh phải giao 200 triệu đồng. BCH Công an quận xác định đây là vụ án nghiêm trọng, tập trung chỉ đạo Lực lượng CSHS truy xét. Chuyên án được xác lập, 12 trinh sát được tung vào cuộc, trong đó có 4 trinh sát của Phòng CSHS Công an Tp. HCM được tăng cường cho Công an quận.
11h45 ngày 26/3, những kẻ bắt cóc hẹn anh Hải giao tiền tại sân bay Đà Lạt hoặc thác Prenn. Công an quận tổ chức trinh sát đưa anh Hải lên ngay Đà Lạt. Đối tượng không lộ mặt mà nhờ một người lái xe ôm đến gặp anh Hải để nhận vàng. Nhưng theo hướng dẫn của CSHS, anh Hải kiên quyết không giao vàng khi chưa thấy con, buộc tên “sứ giả” phải quay lại hỏi ý kiến.
Sau đó 15 phút, đối tượng dẫn em Thông từ khách sạn Thiên Lý 1 - số 24B Nguyễn Thị Minh Khai - nơi y cư ngụ, đến trước chợ Đà Lạt, mục đích để anh Hải thấy con thì giao vàng cho tên xe ôm. Nhưng ngay lúc đối tượng còn cách bùng binh chợ khoảng hơn 100 mét, CSHS đã xông ra. Theo lãnh đạo Ban chuyên án, điều nguy hiểm nhất là vào thời điểm bắt đối tượng, trong túi y chỉ còn đúng... 4.000 đồng. Chậm một tí thôi, tính mạng cháu Thông đã gặp nguy hiểm!
Bắt cóc chính…con mình để tống tiền chồng!
Trung tá Tạ Dũng, Đội phó đội CSĐT tội phạm về TTXH (trước đây là CSHS) Công an quận Tân Bình cho biết, trong số các vụ án bắt cóc mà các anh phá được thì đây là vụ án có nhiều tình tiết hy hữu nhất.
18h ngày 29/4/2003, ông Nguyễn Đăng, Trưởng phòng điều hành - Tổ chức Công ty đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, nhận một cú điện thoại sét đánh: “Con gái ông, cháu Nguyễn Thị Thùy Trang, đang trong tay chúng tôi. Không muốn cháu mất mạng, thì hãy chuẩn bị đủ 100 triệu đồng. Ba ngày sau, chúng tôi sẽ cho điểm hẹn. Nhớ kỹ, không được báo công an. Nếu không thì...".
Nhận tin báo, BCH Công an quận chỉ đạo Đội CSHS bằng mọi cách phải nhanh chóng phá án. Ngặt nỗi, quá hoảng sợ, khi công an liên lạc thì gia đình nạn nhân nhất quyết không tiếp. Sau nhiều lần cự tuyệt, ông Đăng bèn cho một cái hẹn tại nhà vị phó giám đốc công ty ông trên đường PĐL, Bình Thạnh. Nhưng khi anh em trinh sát đến thì... chẳng có ai!--PageBreak--
Trước thái độ bất hợp tác đó, tối ngày 29/4, Trung tá Hồ Văn Minh, Trưởng Công an quận, lệnh cho CSHS, CSĐT bằng mọi giá phải “vào được nhà, làm được việc” với ông Đăng, bà Ngọc. Tuy nhiên, khi cánh cửa vừa hé mở thì bên trong, mẹ ruột nạn nhân đã lăn đùng ra, giãy đành đạch kêu khóc, tuôn ra hàng tá lời lẽ quy trách nhiệm cho chồng và... Lực lượng Công an. Bà ta mắng chồng chẳng tiếc lời vì đã báo công an. Quay qua công an, bà tru tréo: “Con tôi mà có mệnh hệ gì thì các anh phải ra tòa, không yên đâu...!”.
Tuy chứng kiến mẹ nạn nhân tỏ ra đau đớn thảm thiết, song tế nhị quan sát, trinh sát phát hiện những dấu hiệu bất thường. Công an hỏi ông Đăng điều gì thì bà lập tức ngưng khóc, lắng tai nghe ngóng. Đã vậy, đôi lúc công an đang hỏi chuyện, bà còn “nhảy vào họng” ông Đăng như muốn khỏa lấp lời chồng.
Nhưng, thấy các trinh sát vẫn cứ “ngồi lì”, nên khoảng một tiếng đồng hồ sau, bà Ngọc bỗng đổi hẳn thái độ: “Thôi, chúng tôi không cần mấy anh nữa. Con tôi, đứa cháu tôi đã bồng về quê rồi". Chớp ngay sơ hở, Tạ Dũng tấn công ngay: “Cháu chị tên gì? Ở đâu? Chúng tôi sẽ cho xe đi đón...”. Đến đó thì bà Ngọc im thin thít mà không trả lời. (Trước đó, qua điều tra địa bàn, nhiều nguồn tin cho hay bà Ngọc đang mắc nợ). Thông tin đó cùng những thái độ, hành động không bình thường của bà Ngọc trong buổi làm việc khiến Tạ Dũng suy nghĩ nhiều. Anh bèn báo cáo lên BCH Công an quận...
23h30, toán điều tra viên rời tư gia ông Đăng. Tức thì, 15 phút sau, bà Ngọc cũng dẫn xe ra cửa, khép cổng và phóng đi. Từ nhà ông Đăng ra, hai trinh sát được phân công nán lại, bám theo bà Ngọc.
Thật bất ngờ, vào lúc 2h sáng ngày 30/4, khi bà Ngọc đến nơi hẹn thì màn kịch ngụỵ tạo... hé lộ. Thì ra, do ham mê đề đóm, lâm cảnh nợ nần nên bà đã đem giấy tờ nhà cầm cố. Đến hạn thanh toán, cùng đường, bà đã... làm liều: tự đưa con đem gửi người thân bên Gò Vấp, sau đó, nhờ một anh xe ôm gọi điện cho chồng tống tiền; đồng thời, gọi vào chính máy di động của bà để che mắt chồng và qua mắt công an. Vụ án nghiêm trọng này, Công an quận hoàn toàn có lý do khởi tố. Thế nhưng, xét thấy hậu quả chưa quá nghiêm trọng; hơn nữa, nếu bà bị khởi tố thì đứa bé không người chăm sóc... Vì thế, BCH Công an quận đã cân nhắc, không khởi tố.
Song, điều đáng tiếc, theo Trung tá Tạ Dũng cho biết, sau đấy không lâu ông Đăng cũng đã đệ đơn ly dị vợ. “Cũng tiếc cho hạnh phúc của họ, nhưng điều này nằm ngoài khả năng can thiệp của tụi mình!” - anh nói, đầy tiếc rẻ!