Chuyên án CM-12, một chiến công hiển hách của lực lượng an ninh Việt Nam:

Kế hoạch ĐN-10-"hậu" kế hoạch CM-12 (phần cuối)

08:25 22/07/2009
Trong Kế hoạch CM-12 và sau là Kế hoạch ĐN-10 công tác tham mưu tác chiến thực sự đóng vai trò rất lớn trong quá trình thực hiện. Nhiều cán bộ vừa làm nhiệm vụ tham mưu lại vừa trực tiếp tham gia các hoạt động tác chiến trong các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ của Kế hoạch rất có hiệu quả…

>>Phần 4

Thông qua Kế hoạch ĐN-10, ta cũng gửi những bức điện nêu lên những nét mới của tình hình kinh tế xã hội của đất nước để cho Lê Quốc Túy chế theo kiểu thu thập tin tức tình báo giúp Túy thêm tin tưởng và dựa vào "lực lượng nội địa" do ta điều khiển. Ta cho ĐN-10 "báo cáo" một số thông tin về đại hội Đảng, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, tình hình mở cửa cho Việt kiều về thăm và làm ăn ở quê hương, cho kinh tế tư nhân phát triển và một số vụ án như Trần Đình Thủ (Dòng Đồng công) lợi dụng tôn giáo hoạt động chống đối cách mạng… Ta cũng cho "báo cáo" về một số tình hình an ninh, xã hội ở Campuchia là chính quyền Campuchia cũng tăng cường an ninh để đối phó với hoạt động phá hoại của Khmer Đỏ… theo hướng có lợi cho việc triển khai Kế hoạch ĐN-10.

Du khách đến thăm tượng đài chiến công kế hoạch CM-12.

Về ý đồ của Lê Quốc Túy lập thêm một mảng để đứng chân tại Phnôm Pênh, được sự giúp đỡ của Bạn và Đoàn chuyên gia An ninh Việt Nam, ta cho người khảo sát, nắm tình hình. Lấy danh nghĩa F3 "báo cáo" cho Túy biết là nếu mua một căn nhà ở thủ đô Phnôm Pênh khả dĩ có thể sử dụng cho hoạt động phải mất khoảng 2 lượng vàng, trị giá 70.000 đồng Việt Nam. "Tổng hành dinh" hứa trước Tết sẽ gửi 200.000 đồng về để các toán sử dụng, trong đó có lo cho các "cơ sở" ở Campuchia…

Tương kế tựu kế, ta có kế hoạch thiết lập một đầu mối mới tại Campuchia để liên lạc với "Tổng hành dinh" của địch. Nhưng sau đó, ta nêu lý do khó khăn và đề nghị Lê Quốc Túy chỉ duy trì liên lạc với điện đài của toán K55 mà thôi. Về danh nghĩa, ta cho Túy biết coi như là K55 và toán SK111 đã gặp nhau và cộng tác với nhau để thực hiện sự chỉ đạo của "Chú Tư".

Lúc này, Lê Quốc Túy ráo riết cho thực hiện kế hoạch đưa một toán 8 tên xâm nhập vào Campuchia và chỉ đạo cho F3 và SK111 tìm bãi đổ quân. Lấy danh nghĩa nhóm SK-111 nhưng lại thông qua điện đài của ĐN-10, ta cho gửi một bức điện cho Lê Quốc Túy có nội dung như sau: "Kính trình chú Tư, hiện SK111 + SK112 đang ở tạm tại Phnôm Pênh. Khi lo giấy tờ hợp pháp xong sẽ chuyển về Satungchao, cách Kông Pông Som khoảng 30 km cũng thuộc tỉnh này. Sẽ thành lập cơ sở tại đây. Còn máy truyền tin hiện đang cất giấu tại đảo Kô Kang. Tại địa bàn Phnôm Pênh không thể liên lạc điện đài được. Tình hình tại điểm này rất căng…".

Lê Quốc Túy tiếp tục chỉ đạo K55 và SK111 "điều nghiên" tìm bãi đổ quân mới trên đảo Kô Kông (có lúc khác lại gọi là đảo Kô Tang). Đó là một hòn đảo hoang, không có người ở, thuộc tỉnh Kông Pông Som của Campuchia nhưng lại khá gần với đảo Phú Quốc của Việt Nam.

Ta cũng cho F3 và SK111 báo cáo với Túy là "đã xác định đúng điểm như THD đã báo, chú Tư cho toán công tác vào đảo này. F3 + SK111 sẽ đón từ 21 giờ đến 23 giờ. Không thực hiện kế hoạch ban ngày được vì không đảm bảo an ninh. Ngày thực hiện kế hoạch là 29-1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán) ngày chính. Ngày 31-1 (mùng 3 Tết) ngày phụ. Ám tín hiệu bằng đèn cộng 5 (tàu 3, trong 2), tàu ra hiệu trước. Hướng tàu vào bãi đổ là Đông Nam đảo - đậu cách đảo từ 200 đến 300 mét. Mỗi cán bộ phải mang giấy mới lên đảo được". Trong bức điện này, ta cũng cho F3 hỏi là "chú Tư" có đồng ý không? Cho biết số vũ khí sẽ mang bao nhiêu để có kế hoạch vận chuyển, chôn giấu? Số lượng vàng, đô la mang vào?...

Ngày 22/1/1987, Lê Quốc Túy chấp thuận kế hoạch ta vạch ra nhưng điều chỉnh là "cá" sẽ vào ngày mùng 2 Tết (tức là 30/1/1987), mang theo 100 kg thuốc nổ, 3 máy truyền tin, không có vũ khí, "tài chánh" sẽ ghi bằng giấy, "cá" sẽ bỏ lại. Tuy nhiên, sau đó do bị trục trặc nên toán K47 đến 3/2 (mùng 6 Tết) mới vào được. Ta đồng ý nhưng lấy lý do F3 và SK111 đi công tác vắng nên cho ĐN-10 đề nghị Lê Quốc Túy cho toán xâm nhập đúng ngày giờ quy định.

Để tổ chức đón bắt Toán K47 xâm nhập, ta lập kế hoạch đón bắt. Phương án tác chiến trong kế hoạch này được đề ra trên cơ sở nhận định của ta là chỉ có một tình huống địch sẽ thực hiện theo đúng kế hoạch của ta, nhưng ta cũng đề phòng hai tình huống đột xuất khác có thể xảy ra đó là:

Thứ nhất: Tàu xâm nhập đã vào điểm quy định nhưng K47 nghi ngờ và quyết định cho tàu quay trở lại: Trường hợp này ta cứ để tàu địch về, không truy kích, không nổ súng (cũng có khả năng tàu chúng quay trở ra một lúc để nghe ngóng rồi tiếp tục xâm nhập. Ta tiếp tục thực hiện kế hoạch theo tình huống 1).

Thứ hai: Tàu xâm nhập vào theo đúng điểm quy định do có những nghi ngờ nên K47 bắt F3 (K55) và đưa lên tàu đem về trung tâm. Trường hợp này giải quyết như sau: F3 và đồng chí Thanh (thuộc đội vũ trang hiện đang công tác ở Cục A29) nổ súng đánh trả. Lực lượng vũ trang trên đảo nổ súng yểm trợ, đồng thời 2 tàu của ta từ hai hướng Đông, Tây phải đón đánh tàu địch bằng được.

Kế hoạch đón bắt được phân công cho đồng chí Nguyễn Khánh Toàn chỉ huy chung. Đồng chí Việt Thanh chỉ huy trận đánh. Một số đồng chí như Trần Tôn Thất, Thi Văn Tám, Nguyễn Văn Biên, Màn Văn Hán, Hữu Ân, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Ngọc Từ, Thanh, Huỳnh Văn Đủ… tham gia kế hoạch này và được phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Ta đã bố trí lực lượng khảo sát, ém quân ở Phú Quốc từ trước đó khoảng một tháng. Mặc dù thiếu thốn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ an ninh không quản ngại và sẵn sàng thực hiện kế hoạch đón bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập ở một địa bàn mới. Đến ngày hẹn, ta cho hai tàu và lực lượng đón bắt tới đảo Kô Tang vào buổi sáng.

Khi vào đến gần đảo, do có sóng to, gió lớn, nên tàu địch bị va vào đá và chết máy. Một tên bị sóng hất xuống biển và mất tích. Gần đến sáng 4-2-1987, chúng mới đến đảo nhưng lại không đúng điểm hẹn ở phía Đông Nam đảo mà lại dạt vào phía Đông Bắc đảo. Khi đó, đồng chí Màn Văn Hán (nay là Đại tá, Phó Cục trưởng Cục A21) phát hiện thấy K47. Tên trưởng toán cũng nhìn thấy đồng chí Hán cùng F3 và SK111. Tên K47 thấy người của chúng vội vã giải thích việc bị trễ và đến không đúng điểm hẹn. Sau đó, đồng chí Hán dẫn cả ba đến điểm ta bố trí đón bắt. Sau đó, lực lượng của ta bắt gọn toàn bộ toán xâm nhập. Trận đánh kết thúc nhanh chóng và phía ta tuyệt đối an toàn.

Gần mười ngày sau, ta mới cho F3 liên lạc với trung tâm địch mặc dù biết Lê Quốc Túy nóng lòng chờ tin toán xâm nhập. Bức điện này có nội dung: "Trình chú Tư: F3 về Phnôm Pênh lúc 10h ngày 12/2, đang sốt rét nặng. Theo lời K47 kể, sau khi chia tay tàu Thái, tàu ta bị sóng to gió lớn làm HK314 rơi xuống biển chết. Do thời tiết, tàu vào đảo hướng Đông Bắc, lúc 19h 3/2 tàu bị chết máy do đụng vào bờ đá nên bị bể tàu. K47 bị thương bất tỉnh. HK 322 mất tích. Các HK khác đều bị thương ít nhiều chỉ kịp cứu người và một số đồ".

Phấn khởi sau khi tưởng toán K47 xâm nhập thành công, "Chủ tịch" Lê Quốc Túy quyết định thăng cấp "Đại tá" cho F3, tức K55 và "bổ nhiệm" "kiêm" chức "Chỉ huy trưởng lực lượng du kích vùng Tây Nam biên giới Việt - Miên. F14 được thăng "Trung tá" và chức vụ "Khu phó". "Đặc khu" F3 có quyền trực tiếp làm việc với "Chú Tư" và lập hệ thống liên lạc hàng ngày với các khu khác…

Như vậy, thêm một lần nữa Lê Quốc Túy lại rơi vào bẫy của ta mà không hề hay biết.

Từ cuối năm 1986 đến đầu năm 1987, về công tác chỉ huy, chỉ đạo của ta trong Kế hoạch ĐN-10 cơ bản vẫn duy trì được sự thống nhất và tập trung cao. Đơn vị An ninh K4/2 sau đó là lực lượng của Tổng cục An ninh ở thường trực phía Nam vẫn là chủ công tổ chức thực hiện Kế hoạch ĐN-10. Bộ phận Tham mưu Tổng hợp của Ban chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 do đồng chí Nguyễn Khánh Toàn phụ trách. Gọi là "Tham mưu tổng hợp" nghe có vẻ mang tính chất văn phòng vậy nhưng đây là một đơn vị tham mưu tác chiến thực sự. Hầu hết các thông tin của các đơn vị nghiệp vụ về Kế hoạch ĐN-10 được bộ phận này tổng hợp, phân tích, nhận định, dự báo, báo cáo và dự thảo các kế hoạch đấu tranh, phương án nghiệp vụ của ta. Trong Kế hoạch CM-12 và sau là Kế hoạch ĐN-10 công tác tham mưu tác chiến thực sự đóng vai trò rất lớn trong quá trình thực hiện. Nhiều cán bộ vừa làm nhiệm vụ tham mưu lại vừa trực tiếp tham gia các hoạt động tác chiến trong các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ của Kế hoạch rất có hiệu quả…

Đầu năm 1987, đồng chí Nguyễn Phước Tân, Trưởng ban Chỉ đạo Kế hoạch ĐN-10 được bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phản gián (nay là Tổng cục An ninh) và sau đó không lâu là các đồng chí Lê Tiền và Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm Phó Tổng Cục trưởng. Trong thời kỳ đồng chí Lê Tiền đi công tác và đồng chí Nguyễn Phước Tân sang Campuchia làm Trưởng đoàn chuyên gia An ninh Việt Nam, hầu hết công tác chỉ đạo trực tiếp Kế hoạch ĐN-10 cho đến khi kết thúc vào tháng 4/1988 là do đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đảm nhiệm. 

Về địa bàn hoạt động của Kế hoạch ĐN-10 chủ yếu là ở Đồng Nai, sau này có triển khai một số hoạt động Kiên Giang, An Giang và trên đất bạn Campuchia. Bí số của Kế hoạch ĐN-10 chính là viết tắt của hai từ Đồng Nai và ngày quyết định cho tiến hành kế hoạch đấu tranh này. Vai trò của Công an Đồng Nai cũng rất lớn trong Kế hoạch CM-12 và đặc biệt là Kế hoạch ĐN-10. Một số cán bộ của Công an Đồng Nai như các đồng chí Dương Tư (Tư Cang), Nguyễn Văn Khánh (Tám Khánh, nay là Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai) và một số đồng chí khác được lãnh đạo Bộ huy động trực tiếp tham gia Kế hoạch ĐN-10. Tham gia Kế hoạch ĐN-10 còn các lực lượng từ một số đơn vị và địa phương ở Nam Bộ.

Trong Kế hoạch ĐN-10, lãnh đạo Bộ và Tổng cục An ninh huy động một số lực lượng của các đơn vị nghiệp vụ, Công an một số địa phương như Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh… tham gia. Đơn vị trinh sát kỹ thuật đóng vai trò đắc lực cho thắng lợi của kế hoạch. Và không thể không nói đến sự phối hợp, hợp đồng tác chiến của lực lượng quân đội nói chung và quân báo Quân khu 7 nói riêng. Đặc biệt, ta đã làm tốt công tác hợp tác quốc tế với lực lượng an ninh Campuchia, đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch ĐN-10.

Trong hơn một năm kể từ khi toán K47 xâm nhập, Lê Quốc Túy vẫn tiếp tục cho huấn luyện và chuẩn bị đưa quân về Việt Nam theo đường Campuchia mà y tưởng đã thiết lập được cơ sở. Lê Quốc Túy có âm mưu thành lập các "đặc khu", "biệt khu" thành một hệ thống. Tất nhiên là những "đặc khu", "biệt khu" này chỉ tồn tại trong các bức điện của ĐN-10 và "tổng hành dinh" địch cũng như ảo tưởng của Túy. Vào thời kỳ này, Lê Quốc Túy thông báo cho lực lượng "nội địa" biết là đã có quan hệ trực tiếp với Mỹ và được Mỹ ủng hộ. Chúng nói Mỹ đã cử một "phái đoàn" đến "mật cứ huấn luyện" ở Thái Lan. Ý đồ của Túy là đến đầu năm 1988 sẽ tổ chức các chiến dịch xâm nhập mới bằng đường biển qua Campuchia và chỉ đạo cho lực lượng nội địa chuẩn bị bãi đổ, kế hoạch xây dựng các đơn vị vũ trang ở trong nước.

Trong một bức điện gửi cho lực lượng nội địa, Túy viết: "Bước vào năm 1988 chúng ta đang ở vào giai đoạn khởi đầu cho một cuộc cách mạng - Một bước đi thật khó khăn nhưng đầy hy vọng thành công…".

Nhưng đó chỉ là ảo vọng của Túy. Cũng qua Lê Quốc Túy thông báo cho ĐN-10, ta đã truy tìm, xác minh và bóc gỡ một số đầu mối của Túy ở trong nước. Tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy bị ta xóa sổ gần như hoàn toàn. Chỉ còn một số tên ở nước ngoài sống lay lắt và ảo tưởng vào Lê Quốc Túy và quan thầy của chúng.

Nhưng trong khi chưa kịp thực hiện những ý đồ mới, Lê Quốc Túy bị chết đột ngột ở Paris (Pháp) vào ngày 25/1/1988 vì trọng bệnh.  Bọn tay chân của Túy ở Thái Lan như rắn mất đầu, không có ai "lãnh đạo". Vợ Túy là Nhan Thị Kim Chi bay sang Thái Lan cốt chỉ để vớt vát chút ít tiền bạc của Túy và đã khuyên chúng giải tán.

Ngày 4/3/1988, tên Hiển, kẻ có quyền lực cao nhất sau Túy ở Thái Lan (tức là K36 và F2) gửi bức điện cuối cùng cho ĐN-10 với nội dung: "Đã đến lúc phải báo sự thiệt cho các bạn rõ là C4 mất không có để lại di chúc gì cả. Mặt trận ta không có người thay thế, hướng đi tới trong tương lai rất là xa vời... Vì thế, vì quyền lợi của tất cả chúng ta và sự sống còn của mình, chúng ta phải giải tán toàn bộ... ".

Kế hoạch ĐN-10 tự kết thúc. Sau đó ta cũng cho Mai Văn Hạnh được hưởng ân xá và cho trở sang Pháp sống đến cuối đời. Nhiều người đã từng tham gia tổ chức của Túy - Hạnh sau này được học tập, cải tạo và đã trở thành những công dân lương thiện.

Những thắng lợi của Kế hoạch CM-12 và ĐN-10 tiếp tục được phát huy trong thời kỳ mới của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần bảo vệ vững chắc nền an ninh của Tổ quốc trong bối cảnh mới, trên thế trận mới của thời kỳ hội nhập và phát triển

Trung Chính

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hết quý I/2024, thị trường bất động sản đã có thêm những tín hiệu tích cực khi sự quan tâm của người dân dành cho nhà ở đã tăng lên so với giai đoạn quý IV/2023. Theo đại diện Bộ Xây dựng, nguồn cung cũng đã tăng khi số lượng dự án hoàn thành và được cấp phép tăng lên. Tuy nhiên, nhận định về thị trường bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù đã có những chuyển động tích cực nhưng cơ bản thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc dù đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文