Ký ức thiêng liêng của Đại tá Công an chi viện chiến trường miền Nam

12:17 04/05/2020
Đại tá Nguyễn Huy Can trên đường ra thì chúng nổ mìn và nã pháo bắn theo liên tiếp. Ông đã bị dính pháo của địch, phải vào bệnh xá nằm điều trị hơn một tuần mới ra viện. Khi ra viện, ông được điều về huyện Tuy Phước, cũng là một trong những điểm nóng để gần dân, vận động nhân dân tham gia kháng chiến.


Đúng ngày 30/4/2020, chúng tôi đến nhà Đại tá Hai Can (tên thật là Nguyễn Huy Can) tại số 391 đường Lương Thế Vinh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. 

Ông là cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam. Giải phóng miền Nam, Đại tá Nguyễn Huy Can được bổ nhiệm các chức vụ: Trưởng Công an huyện Tuy Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Bình. Khi tách tỉnh, ông làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định. Năm 1995, ông trở ra Bắc làm Cục trưởng Cục Kho vận (có một thời lấy tên là Tổng kho vận tải) và nghỉ hưu năm 2008.

Tuy năm nay đã 72 tuổi nhưng giọng ông vẫn sang sảng. Hiện Đại tá Nguyễn Huy Can là Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7, phường Trung Văn (Nam Từ Liêm), Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam của phường. 

Dịp lễ 30/4 năm nay, giống như mọi năm, cứ ngày này ông và vợ là bà Phạm Thị Tứ, cán bộ Công an nay đã nghỉ hưu cùng các con cháu làm mâm cơm thắp hương, sau đó cả nhà quây quần nghe ông kể chuyện về thời chiến rất đỗi hào hùng mà Đại tá Nguyễn Huy Can từng tham gia nhiều trận đánh trong thời kỳ chống Mỹ.

Đại tá Nguyễn Huy Can và vợ - bà Phạm Thị Tứ.

Đại tá Nguyễn Huy Can nhớ lại, đầu năm 1972, ông là cán bộ Công an chi viện cho chiến trường, được Bộ Công an điều động vào chiến trường Bình Định. Khi đó, Bình Định là một tỉnh địch tập trung làm trung tâm chi viện quân sự, hậu cần cho Tây Nguyên. Địch thực hiện các kiểu chiến tranh lập ấp dồn dân, lập ra các chi khu, quân sự, tăng cường lực lượng Cảnh sát cho các cuộc đàn áp dân trong vùng các cơ sở cách mạng. 

Do ác liệt tra tấn, đàn áp dân nên một số cơ sở cách mạng bị bắt, phong trào gặp khó khăn, một số theo cách mạng nhưng lập trường không vững, chạy về làm tay sai cho địch, một số làm mật báo viên, đầu hàng địch (vừa hoạt động cho ta, vừa hoạt động cho địch). 

Với những thành tích tham gia cách mạng, Đại tá Nguyễn Huy Can được nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng 3, Huân chương Giải phóng hạng 3, Huân chương Chiến công, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Lúc đó, Đại tá Nguyễn Huy Can được phân công xuống khu Đông của tỉnh Bình Định là các tỉnh An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, Phù Cát. Nơi đây vô cùng khó khăn, phức tạp, vừa ác liệt trong chiến đấu giữa ta và địch, vừa phải tranh thủ làm tốt công tác dân vận, thực hiện xây dựng cơ sở hợp pháp trong lòng dân. Thời bấy giờ, khu Đông Bình Định gian khổ ác liệt, có câu ca dao “Khu Đông gạo trắng nước trong/ Ra đi đừng có ngày mong trở về”. 

Ông đã tham gia nhiều trận diệt ác thế bao vây của địch, một trong những trận đánh đó là cuộc Cảnh sát xã Bằng Châu, Đập Đá, An Nhơn. Vùng Đập Đá là thị trấn lớn của khu Đông Bình Định, địch hoạt động mạnh, kìm dân, bao vây dân không cho dân ra vùng tranh chấp để làm ăn, ngăn chặn sự giao tiếp giữa lực lượng cách mạng với dân… Do đó, phải diệt tên Cảnh sát xã và ấp trưởng, ấp phó để răn đe bọn ác ôn, bọn tề ngụy khác và tranh thủ mở rộng phong trào cách mạng. 

Tháng 3/1973, ông là cán bộ Công tỉnh Bình Định được tăng cường cho An ninh huyện An Nhơn cùng với huyện đội, đội công tác xã chuẩn bị đánh vào Cảnh sát xã, bắt một số tên tề ngụy… 3h sáng, ta nổ sung tấn công và điệp báo của ta dẫn lực lượng An ninh bắt bọn tề ngụy, tiêu diệt 2 tên, bắt 2 tên ác ôn ma tắc, ma ích là tề ấp, còn một số chạy thoát nên chúng tập trung phản công. Do lực lượng ta không cân sức phải rút ra ngoài, một số đồng chí bị thương. Tuy nhiên, đó là thắng lợi lớn vì ta đã mở được phong trào phá thế địch kìm kẹp dân, đưa dân ra vùng làm ăn, gặp gỡ với cách mạng. 

Đại tá Nguyễn Huy Can trên đường ra thì chúng nổ mìn và nã pháo bắn theo liên tiếp. Ông đã bị dính pháo của địch, phải vào bệnh xá nằm điều trị hơn một tuần mới ra viện. Khi ra viện, ông được điều về huyện Tuy Phước, cũng là một trong những điểm nóng để gần dân, vận động nhân dân tham gia kháng chiến. 

Những vết thương trên vai chưa lành thì ngay khi nhận công tác mới ở Tuy Phước, trong lần vượt đường 1A từ trên núi xuống "vùng trắng" để tập hợp lực lượng trong dân diệt ác, tề ngụy, ông một lần nữa bị dính đạn của địch, may mắn là vết thương chỉ vào phần mềm. Trong đợt này, đồng đội ông đã có người hy sinh.

Chuyện bắt mật báo viên 2 mang vừa làm cho ta, vừa làm cho địch trong vùng địch đó là tên Nguyễn Văn Kham, tức Mười Kham, ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Đối với Đại tá Nguyễn Huy Can, đó cũng là kỷ niệm khá ly kỳ. Khi ấy, Nguyễn Văn Kham chuyển tin cho đội công tác xã, thậm chí phát động dân ủng hộ hắn. Những trận đánh của ta bị lộ, ta bị tổn thất, một số cơ sở của ta cũng bị chúng bắt hoặc mất tác dụng. 

Để bắt Kham gặp nhiều khó khăn vì đội công tác xã là nơi biết nhà Kham nhưng lại là cơ sở của hắn, nếu thông báo lệnh bắt thì Kham sẽ bỏ trốn. Vì thế, gần Tết năm 1973 có lệnh của cấp trên phải bắt Kham, ta lập phương án vào phát động dân và thăm một số cơ sở hợp pháp đội công tác xã… Bấy giờ, Đại tá Nguyễn Huy Can là Ủy viên Ban An ninh huyện Tuy Phước trực tiếp điều hành 3 đồng chí An ninh tham gia bắt Kham. 

Để tạo bất ngờ, lực lượng An ninh không thông báo cho đội công tác xã biết việc vào nhà Kham. “Khi vào, chúng tôi mời Kham đi ra phía ngoài cần gặp, để trao đổi một số việc… Tuy nhiên, để tránh bị lộ không cho địch biết nên khi ra khỏi nhà hắn, chúng tôi phải đi ra đường lạch khác đưa về Khu căn cứ của An ninh huyện Tuy Phước. Ngay hôm sau chúng tôi mới thông báo, lúc đó đội công tác xã mới hiểu Kham là mật báo viên 2 mang” - Đại tá Nguyễn Huy Can kể lại.              

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, những tưởng Đại tá Nguyễn Huy Can sẽ được trở lại cùng gia đình thân yêu đoàn tụ với vợ Phạm Thị Tứ sau những năm chiến đấu ở chiến trường. Nhưng, khi vùng đất lửa được giải phóng thì cũng là ngày ông bị cảm thương hàn, phải nằm điều trị tại đơn vị. Dù sức khỏe yếu, ông vẫn phải làm công việc chuyên môn với trọng trách của Phó Công an huyện Tuy Phước phụ trách nghiệp vụ an ninh. 

Sức khỏe bình phục, ông định trở ra Bắc thì tổ chức Đảng và An ninh huyện Tuy Phước đã giữ lại với lý do ông từng là một cán bộ chủ chốt trong lực lượng, lại là người nắm vững tình hình trong dân từ trước đến nay, mong muốn ông tiếp tục xây dựng lực lượng An ninh trong thời bình. Đại tá Nguyễn Huy Can đã ở lại, gắn bó với mảnh đất mà nhiều lần ông chết hụt... 

Đến năm 1981, Công an tỉnh Bình Định đề nghị Bộ cho gia đình ông đoàn tụ, vợ và các con vào mảnh đất Bình Định sinh sống. Năm 1985, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Bình, sau khi tách tỉnh, ông về làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định. Thành tích của ông đã gắn với chiến dịch chống tội phạm hình sự và tổ chức phản động của chế độ Sài Gòn sau chiến tranh, điển hình là chiến dịch truy bắt nhóm "Bảo Long phụng quốc" của tên Huỳnh Bảo Long.

Minh Hiền

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文