Người quân y Trường Sa với bức tranh cánh chim hoà bình
Ở trên một cạnh tủ, ngay tại đầu giường của mình, anh dán một bức tranh vẽ những cánh chim hòa bình đang tung bay trên biển nước. Bức tranh ấy, với anh như một cõi riêng - nơi anh thường xuyên tựa vào để hy vọng, để tin yêu, và để nuôi trong mình những khát khao mới mẻ…
Bức tranh và niềm tin
Chủ nhân bức tranh - điều dưỡng viên Trần Phúc Tiến nói về tác phẩm của mình: "Một buổi chiều tháng 7/2009, ngồi trên đảo Phan Vinh (thuộc huyện đảo Trường Sa- PV), trong khung cảnh hoàng hôn lặng lẽ, tôi bỗng thấy nhớ nhà, nhớ vợ quá. Vì vậy, tôi đã vẽ hình ảnh một đôi chim bồ câu như là một cách để thể hiện nỗi nhớ của mình".
Cánh chim bồ câu chưa phải là tất cả của bức tranh. Ở bên cạnh đó, còn có hình ảnh của một cột sắt rất cao, mà theo lý giải của anh Tiến thì nó tượng trưng cho cột mốc chủ quyền. Ở phía dưới hình ảnh cánh chim và cột mốc sắt là những nét bút gằn, mô tả thần thái của những cơn sóng dữ. Anh Tiến cho kể lại: "Khi nhìn vào hình ảnh cánh chim, tôi nhớ đến vợ con, còn khi nhìn vào cột mốc chủ quyền tôi lại nhớ đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc". Việc anh dán bức tranh ở ngay đầu giường, để được nhìn thấy nó trong mỗi lần ngả lưng cũng chính là một cách tự nhắc nhở bản thân phải luôn biết dung hòa những tình cảm riêng với những trách nhiệm chung.
Kể tới đây, anh Tiến chợt nhớ lại những ngày làm "thuyết khách" với vợ, để có thể hoàn toàn yên tâm ra công tác tại đảo Phan Vinh như bây giờ. Cái ngày mà người vợ anh chỉ nghe tới chữ "đảo" là đã khóc, còn con gái anh mới 3 tuổi đầu, lại luôn phải sống trong cảnh ốm đau. Anh đã mất tổng cộng 7 ngày làm "thuyết khách" với vợ, và khi tôi hỏi điều mấu chốt nhất của màn thuyết khách là gì thì anh đã đưa ra một câu trả lời đầy lãng mạn: "Tôi nói với vợ là tình yêu và khoảng cách cũng giống như lửa và gió. Có thể, gió làm tắt lửa, nhưng cũng có thể gió sẽ làm cho lửa thổi lên mạnh mẽ hơn. Nhiều khi chúng ta cũng cần có một khoảng cách để chiêm nghiệm thêm về những xúc cảm của mình".
![]() |
Điều dưỡng viên Trần Phúc Tiến (trái) và tác giả. |
Đến bây giờ, sự chiêm nghiệm ấy đã dẫn đến những kết quả như thế nào? Trước câu hỏi, anh Tiến thổ lộ: "Bây giờ, ngày nào chúng tôi cũng gọi điện cho nhau, và càng thấy thương yêu nhau hơn. Vợ tôi không còn khóc nữa, mà luôn động viên tôi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực sự bây giờ, tôi thấy mình hạnh phúc".
Nhiều lần cứu chữa thương tích cho dân
Làm điều dưỡng viên trên đảo Phan Vinh, anh Tiến cùng những thành viên trong tổ quân y không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ, mà rất nhiều lần còn thực hiện những pha cứu chữa cho những cư dân đi biển. Anh kể lại: "Với các chiến sĩ sống trên đảo, do nhiều lúc phải đối diện với cảnh thiếu thốn nước ngọt và rau xanh nên những căn bệnh như nhiệt miệng, bong da, bạc tóc… vẫn hay xuất hiện. Song những căn bệnh ngoài da kiểu như vậy đã và đang được khắc phục đáng kể. Điều khó khăn nhất của chúng tôi là thi thoảng lại đứng trước những tai nạn bất ngờ của các ngư dân".
Cách đây chỉ khoảng hai tháng, một ngư dân bị cá kìm đâm sau gáy, đã khẩn cấp được đưa lên đảo. Và thế là sau một khoảng thời gian làm việc hết công suất, tổ y tế của anh Tiến đã tạm thời đưa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. "Nhưng đó chưa phải là vụ cấp cứu nguy hiểm nhất" - anh Tiến cho biết. Cuối năm ngoái, có một ngư dân ở Quảng Ngãi đã không may cho cả bàn tay vào máy xay đá ở trên tàu, và vì thế đã bị dập tay nghiêm trọng. Khi được đưa vào cấp cứu ở đảo Phan Vinh, bệnh nhân này đã phải đối diện với một chỉ số sinh tồn rất nguy kịch (mạch đập nhanh, huyết áp tụt, máu chảy ròng rã). Thực trạng ấy khiến tổ y tế của anh Tiến quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân ngay trên đảo. Và sau 7 ngày phẫu thuật và phục hồi, rốt cuộc bệnh nhân đã có thể rời khỏi đảo với một bàn tay lành lặn.
Anh Tiến nhớ lại: "Hôm chia tay chúng tôi, chia tay lính đảo, bệnh nhân khóc suốt vì cảm động. Bác ấy bảo, mình chẳng khác gì một người từ cõi chết trở về". Nhìn chung trong quãng thời gian hơn một năm sống và công tác tại đảo Phan Vinh, anh Tiến và những thành viên trong tổ y tế của đảo đã cứu giúp được khá nhiều trường hợp tai nạn nguy kịch như vậy.
Thay lời kết
Khi ngồi ở Phòng Quân y trên đảo Phan Vinh để tâm sự với anh Tiến, nghe anh kể về những lần cứu người của mình, rồi kể về bức tranh vẽ cánh chim hòa bình, cũng là khi tôi chợt nhận ra mình quả vô cùng bé nhỏ trước những người lính. Họ - những con người dũng cảm, kiên trung ấy đã vượt lên những hoàn cảnh cá nhân riêng lẻ để có thể thực hiện trọn vẹn những nghĩa vụ lớn lao