Những kỷ niệm xúc động về hai liệt sỹ CSCĐ qua lời kể của đồng đội

18:24 15/01/2020
Đã gần một tuần trôi qua kể từ cái hôm định mệnh đã cướp đi sinh mạng của 3 liệt sỹ CAND tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Song sự mất mát, tổn thất, khoảng trống mà các đồng chí để lại trong lòng người thân và đồng đội thì không gì bù đắp nổi. Những ngày cuối năm bộn bề công việc, cán bộ chiến sỹ (CBCS) Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Thủ đô, Bộ Tư lệnh CSCĐ Bộ Công an vẫn đang tất bật một nhiệm vụ thiêng liêng, chuẩn bị chu đáo cho Lễ tang của các liệt sỹ, sẽ được tổ chức vào sáng 16-1.

Có mặt tại nhà điều hành ở trụ sở Trung đoàn (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sáng 15-1, tôi bị bất ngờ bởi một vườn hoa phong lan treo khéo léo, đều đẹp bên trái toà nhà. Đi sâu vào khu vườn mới biết, phải có đến hàng trăm giò phong lan các loại được bố trí theo hình chữ L, phủ kín cả phía sau lưng khu nhà. Điều đặc biệt hơn, tất cả đều nhờ bàn tay sưu tầm, chăm sóc tỉ mẩn của Đại tá, liệt sỹ Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô. 

“Vậy là không còn nữa, một người đồng chí đồng đội thân thiết như anh em trong nhà mà ngày ngày cùng tôi uống chén chè, hút điếu thuốc và tâm sự về công việc, cuộc sống”, Thượng tá Phạm Phi Hùng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô xúc động nói. Chỉ vào vườn lan đã được hình thành từ cách đây 3-4 năm, anh cho biết, Đại tá Nguyễn Huy Thịnh trong đời thường rất yêu thiên nhiên, cây cỏ và đã tận tay chăm bón từng giò phong lan, nhiều giò nở hoa rất đẹp; cũng như từng nhiền lần hướng dẫn, chia sẻ anh cách chăm sóc loại cây này.

Thượng tá Phạm Phi Hùng và Trung tá Nguyễn Văn Đức bên vườn phong lan do Đại tá Nguyễn Huy Thịnh gây dựng và vun trồng.

“Đồng chí Thịnh xuất phát từ người lính được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm, bề dày trong công tác, cũng như có trình độ chuyên môn về quân sự, võ thuật, bắn súng, kỹ chiến thuật trong toàn lực lượng CAND. Bản thân anh đã huấn luyện nhiều thế hệ chiến sỹ nghĩa vụ vào lực lượng, tổ chức huấn luyện và thực hành các phương án diễn tập, phương án tác chiến có chuyên môn cao. Việc tổ chức huấn luyện, học tập và ra quân làm nhiệm vụ có chuyên môn sâu, rất tận tuỵ, trách nhiệm”, Thượng tá Phạm Phi Hùng chia sẻ. 

Từng là những người đồng đội sát cánh từ thời là Phó trưởng ban, Trưởng ban Huấn luyện đến vị trí Phó Trung đoàn trưởng hiện tại và phòng làm việc của hai người lại sát nhau nên anh và Đại tá Thịnh có rất nhiều kỷ niệm chia ngọt sẻ bùi, hỗ trợ lẫn nhau. “Nhớ nhất là thái độ rất cương trực, thẳng tính của đồng chí trong công việc. Còn ngoài đời thì khá hào hoa, lãng mạn, đồng chí hát nhạc đỏ rất hay”, anh kể.

Anh cho rằng, Đại tá Phạm Huy Thịnh trưởng thành từ người lính CSCĐ, sống chan hoà và được nhiều lớp thế hệ CBCS do đồng chí huấn luyện rất yêu quý, kính trọng; có những đồng chí giờ là lãnh đạo các cấp, chỉ huy các tiểu đoàn, trải dài từ miền Trung ra tận Tây Bắc... “Nhiều lần hai anh em tranh luận về công việc hay cuộc sống mới thấy đồng chí luôn hướng về gia đình. Năm 2017, con gái mình và con trai đồng chí Thịnh cùng đỗ đại học, cùng được lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ trao quà chúc mừng, rất vinh dự. Nhưng trong tâm khảm đồng chí vẫn canh cánh một nỗi lo khi vợ không có công ăn việc làm, con trai sau này xin việc khó khăn, ngành Công an thì đang tinh giản biên chế...”, giọng anh chùng xuống.

Các anh và đồng đội sẽ thay Đại tá Nguyễn Huy Thịnh chăm sóc vườn phong lan của người đồng chí yêu thiên nhiên, cây cỏ. 

Trung tá Nguyễn Văn Đức, Phó Đội trưởng Đội đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô là người bạn vào sinh ra tử, cùng được huấn luyện với Đại tá Nguyễn Huy Thịnh từ khi mới vào CAND, tháng 3-1992, tại Trung tâm Huấn luyện Võ Nhai (Quan Triều, Bắc Thái, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên).

 “Từ khi mới bước vào ngành, đồng chí Thịnh đã rất sôi nổi, năng nổ trong học tập và huấn luyện. Kết thúc đợt huấn luyện thì tôi về Tiểu đoàn 2, Cục Cảnh sát bảo vệ trong khi đồng chí Thịnh về đơn vị CSCĐ. Năm 1998 đồng chí về Tiểu đoàn 2 công tác thì đã là một trong những cá nhân nổi bật về kỹ chiến thuật, võ thuật của CAND nói chung...”, Trung tá Đức nhớ lại. 

Theo người đồng đội này, qua thời gian giữ các chức vụ thì đồng chí Nguyễn Huy Thịnh luôn bản lĩnh trong công tác, có nhiều tiến bộ qua các thời kỳ và được cấp trên tin tưởng. Quá trình tổ chức huấn luyện với vai trò đóng góp của đồng chí thì Trung đoàn CSCĐ Thủ đô cũng đạt được nhiều thành tích trong mỗi lần ra quân làm nhiệm vụ. 

Đồng chí Nguyễn Huy Thịnh (hàng 1, thứ hai từ phải qua) tại Chung kết Hội thao Bộ Tư lệnh CSCĐ năm 2016.

Phòng làm việc của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh ngay tầng 1 nhà điều hành đã được niêm phong lại, chờ bàn giao tài sản, vật dụng cho gia đình. Thế nhưng bóng dáng anh vẫn luôn hiện hữu trong câu chuyện của những người đồng đội, vườn phong lan bên hông nhà vẫn xanh tươi, nở hoa nhớ bàn tay anh tỉa tót, vun trồng...

Ngoài trụ sở cơ quan Trung đoàn và 1 Tiểu đoàn đóng ở Sóc Sơn, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô gồm 3 Tiểu đoàn khác đóng ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn CSCĐ số 1, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô đóng quân tại Phú Diễn, Hà Nội. Đơn vị vừa bàn giao hết tài sản, quân trang của Quân về cho gia đình, nhưng căn phòng rộng rãi mà hàng ngày anh em CBCS vẫn ngủ nghỉ, vào ra vẫn trừ chiếc giường trống cho Quân. “Từ khi xảy ra sự việc, anh em vẫn nhớ đến Quân, người đồng đội hiền lành, hoà đồng và luôn vui vẻ, xông xáo”, Đại uý Phạm Trung Hiếu, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn CSCĐ số 1 buồn bã nói.

Đại uý Phạm Trung Hiếu và Trung uý Hà Quốc Việt bên chiếc giường mà Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân từng nằm.

Được biết, Thượng uý Quân đi nghĩa vụ năm 2012, hai năm sau thì được cử đi học hệ đại học tại Trường Sỹ quan chính trị, Bộ Quốc phòng. Tại đây đồng chí là một học viên rất gương mẫu, tích cực học tập, rèn luyện. “Từ năm 2014 đến 2018 đồng chí Quân đều đạt kết quả học tập khá, rèn luyện tốt. Đồng chí còn là Uỷ viên Ban chấp hành Chi đoàn lớp ĐA3A, Hệ 2, Trường Sỹ quan chính trị, tham gia rất nhiều hoạt động đoàn, phong trào văn hoá căn nghệ, thể dục thể thao cũng như các kỳ thi Olympic lý luận Mác - Lênin, Olympic tiếng Anh...”, Trung tá Bùi Bá Luân, Chính trị viên Hệ 2, từng là chủ nhiệm lớp của đồng chí Quân cho biết. 

Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha từ năm 4 tuổi song Thượng uý Dương Đức Hoàng Quân đã vượt lên hoàn cảnh để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, dù là trong học tập hay huấn luyện chiến đấu. Tháng 8-2017, đồng chí được kết nạp Đảng trong trường. “Ngoài quản lý học viên, tôi thường hướng dẫn Quân tham gia ôn luyện tham gia các kỳ thi. Em rất nhanh nhẹn, chịu khó, những dịp Tết nhà trường tổ chức thi “Táo quân” và Quân cũng tham gia trong đội tuyển rất tích cực”, Trung tá Luân thông tin thêm.

Tốt nghiệp Trường Sỹ quan chính trị, tháng 9-2018, Dương Đức Hoàng Quân trở về Trung đoàn CSCĐ Thủ đô công tác và được bổ nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng. Ngay sau đó anh nhận nhiệm vụ đi công tác. Đến cuối tháng 12-2019 thì rút về đơn vị và tăng cường thực hiện nhiệm vụ ở Đồng Tâm. Thiếu uý Nguyễn Như Sáu, Phó Trung đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn CSCĐ số 1, Trung đoàn CSCĐ Thủ đô vẫn nhớ như in khoảnh khắc 3 đồng đội của mình hy sinh. 

Đồng chí Dương Đức Hoàng Quân được thầy giáo hướng dẫn thi thử trắc nghiệm khi còn học tập tại Trường Sỹ quan chính trị, Bộ Quốc phòng (năm 2018).

Sáng 9-1, khi lực lượng Công an đến cổng làng Hoành, xã Đồng Tâm, triển khai theo kế hoạch đảm bảo ANTT, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, pháo sáng, dao phóng… tấn công quyết liệt lực lượng Công an. Dù lực lượng chức năng đã dùng loa tuyên truyền, vận động các đối tượng buông vũ khí để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng các đối tượng vẫn quyết tâm tử thủ và ngoan cố chống trả bằng bom xăng, gạch đá, ném 3 quả lực đạn vào tổ công tác và rút về nhà Lê Đình Kình, Lê Đình Chức, Lê Đình Hợi.

Quá trình truy đuổi, các đối tượng dùng bom xăng, tuýp sắt gắn dao tiếp tục tấn công tổ công tác, khiến 3 cán bộ Công an bị thương, rơi xuống hố kỹ thuật sâu khoảng 4m, giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. “Chú Thịnh bị trẹo chân, có hô anh em ném lá chắn xuống, đồng chí Nguyễn Văn Hưng cạnh tôi thò đầu ra cửa sổ để thả lá chắn thì bị các đối tượng dùng dao phóng đâm sượt qua gáy, sau đó được anh em kéo vào. Các đối tượng dùng bom xăng ném vào hố thì ngay lập tức hai đồng chí cứu hoả gần đấy kịp thời phun hết 2 bình chữa cháy dập lửa”, Thiếu uý Sáu kể. 

Thế nhưng các đối tượng không từ bỏ ý định mà tiếp tục đổ cả chậu xăng xuống, dùng giẻ tẩm xăng và ném bom xăng xuống hố. Lửa bùng cháy dữ dội, bốc cao lên tận miệng hố và khiến 3 cán bộ hy sinh. Thiếu uý Nguyễn Như Sáu quay xuống tầng một xác định vị trí hố mà 3 đồng chí bị rơi xuống và dùng xà beng phá tường để cứu nhưng bức tường quá dày... 

“Lúc tôi từ tầng 1 chạy lên, sẵn sàng nhiệm vụ cứu người thì lửa đã bốc lên cao bỏng rát. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Cảm giác bất lực, thấy đồng đội mình hy sinh mà không làm được gì...”, Trung uý Hà Quốc Việt, cán bộ quân y của Tiểu đoàn CSCĐ số 1 bật khóc nức nở khi nhớ lại khoảnh khắc chứng kiến những người đồng đội gần trong gang tấc nhưng không thể cứu chữa.

“Về đơn vị đã 8 năm rồi, nhưng đồng chí Quân thời gian đi học và đi công tác nhiều, anh em ít người biết. Có điều ấn tượng trong chúng tôi là người đồng đội gần gũi, vui vẻ, luôn vồn vã mời chung hớp nước, sẻ chia cho nhau miếng lương khô giữa giờ nghỉ tập...”, Thiếu uý Nguyễn Như Sáu tiếp lời với ánh mắt đỏ hoe. 

Sáng 16-1, anh sẽ cùng đồng đội đến nhà tang lễ thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Quân và hai đồng chí đã hy sinh. Nhưng khoảng trống trong lòng những người ở lại không biết bao giờ mới lấp đầy...


Quỳnh Vinh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文