Những nữ cán bộ Công an trong “tâm dịch Sơn Lôi”

09:44 08/03/2020
Chúng tôi đến Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc sau 4 ngày lệnh cách ly ở xã Sơn Lôi được dỡ bỏ. Ngay tại cổng, cán bộ nữ đeo khẩu trang vừa làm công việc trực ban, vừa đo thân nhiệt, xịt khuẩn khử trùng cho những người ra, vào trụ sở Công an huyện.

Họ là những nữ cán bộ đã hơn 20 ngày nay từ khi trên địa bàn phát hiện ổ dịch gác chuyện riêng, xa con để trực đêm.

1. Năm 2016, Thiếu úy Trần Khánh Mỵ về công tác tại Đội CSĐT tội phạm về kinh tế ma túy, Công an huyện Bình Xuyên. Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày, Mỵ cùng 17 cán bộ nữ nhiều tháng nay được phân công nhiệm vụ trực ban, gác cổng. Công việc của họ là đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở Công an huyện 24/24h; tiếp nhận tin báo của nhân dân thông qua điện thoại - đường dây “nóng”, sau đó báo cáo lãnh đạo để cử tổ công tác xuống hiện trường…

Dịch COVID – 19 tràn về, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên trở thành “tâm dịch”, lập tức lãnh đạo Công an huyện phối hợp với các đơn vị chức năng tham gia chống dịch, 64 cán bộ, chiến sỹ nam của Công an huyện được huy động tham gia các chốt chặn khoanh vùng, cách ly tại xã Sơn Lôi. Lúc này, quân số ở đơn vị Công an huyện càng trở lên ít ỏi, gần như cán bộ nam đã phải tăng cường đến “tâm dịch”, số khác làm nhiệm vụ chuyên án giữ gìn ANTT, an toàn giao thông.

Trước sự việc cấp bách, 18 nữ cán bộ Công an huyện được giao thêm nhiệm vụ trực ban, gác cổng 24/24h.

Thiếu úy Trần Khánh Mỵ khử trùng cho người dân đến làm việc.

Thiếu úy Trần Khánh Mỵ chia sẻ, một ngày được chia thành nhiều ca trực, ban ngày thì ca trực 4 tiếng/người, ban đêm được rút ngắn, mỗi nữ trực khoảng 1,5 đến 2 tiếng để đổi ca. Bốt trực được đặt tại cổng gần với barie ra vào trụ sở Công an huyện. Mỵ cho biết, lúc đầu do chưa quen trực đêm nên nhiều chị em trực một mình phải uống chè, cà phê để “chống” ngủ gật.

Sau đó, công việc đã trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn. Vì chồng cùng làm đơn vị nhưng đang đi học Trung cấp CSND 1, do tình hình dịch bệnh nên từ Tết chồng Mỵ chưa thể về nhà thăm gia đình. Con chị mới hơn 1 tuổi, những ca trực đêm, Mỵ lại phải nhờ mẹ chồng trông hộ dù bà đang mắc bệnh tim.

Mỵ tâm sự: “Có hôm em trực về đến nhà đã 0h, con thấy mẹ về cứ nô đùa, ru thế nào cũng không ngủ lại, em thì mệt mà 4h con nó mới chợp mắt. Có những hôm con ốm, quấy thì cả hai mẹ con thức cả đêm. Sáng hôm sau, em lại vội vàng đi làm, trực ở đơn vị”.

Vất vả với con là thế, nhưng đến cơ quan, guồng quay của công việc dường như bao phủ, có những việc thường ngày do các đồng chí nam giới đảm nhiệm thì nay các đồng chí đi vắng, cán bộ nữ phải đảm nhiệm.

Mỵ kể lại, khoảng 0h ngày 4-3, khi đang trực em nhận được điện thoại của người dân thông tin về một nạn nhân nam bị tai nạn giao thông ở xã Bá Hiến bị đâm, đối tượng bỏ trốn. Tiếp nhận tin báo xong rồi báo cáo lãnh đạo, cử người xuống hiện trường thì bất ngờ có người phụ nữ hớt hải, khóc lóc chạy đến bốt đề nghị em bỏ điện thoại xuống nghe chị ấy trình bày... Dù đã giải thích đợi em làm xong công việc nhưng người phụ nữ này không chịu nghe, la hét, yêu cầu giúp vì chồng bị mất tích, cần phải giải quyết vụ việc của chị ấy trước...

Theo lời kể của chị này, nhà ở thị trấn Hương Canh, chồng đi uống rượu cả ngày, đêm đã khuya mà không thấy về nên chị ấy rất lo sợ chồng bị tai nạn, chỉ có trình báo Công an mới nhanh tìm thấy. Trước tình huống này, Thiếu úy Trần Khánh Mỵ mời người phụ nữ vào chốt gác trấn tĩnh tinh thần, khuyên chị chủ động gọi người nhà đi tìm có thể anh chồng vẫn đang ở quán…

Khoảng 10 phút sau, con gái chị này gọi điện thoại cho mẹ thông báo bố đã về tới nhà. Đến khi ấy, chị phụ nữ mới bối rối xin lỗi Mỵ vì trong lúc hoảng loạn đã kích động ảnh hưởng đến công việc của cán bộ…

Đây chỉ là 1 trong nhiều tình huống mà Mỵ và đồng đội nữ gặp phải trong ca trực đêm, có những lần nghe điện thoại, người dân gọi đến thông tin vụ trộm cắp xe máy hay vụ đánh bạc nhưng khi báo cáo lãnh đạo cử tổ công tác xuống thì họ lại gọi điện thoại đến đã tìm thấy xe máy, còn vụ đánh bạc xuống địa chỉ họ cung cấp nhưng không thấy.

Có lúc gặp phải người say rượu cứ 2 phút họ lại gọi điện thoại chửi bới, yêu cầu Công an phải xuống ngay hiện trường, rồi lại gọi đã đi chưa, đi đến đâu rồi… Nhưng cán bộ nữ vẫn không thể bỏ lỡ 1 cuộc điện thoại nào vì có khi lại là những vụ quan trọng mà người dân đang rất cần Công an.

Nữ cán bộ Công an huyện Bình Xuyên khử trùng cho người dân đến làm thẻ căn cước.

2. Với Trung úy Trịnh Thu Trang, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an huyện là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng Trang làm ở Công an TP Vĩnh Yên, do địa bàn có đông người nước ngoài làm việc nên phải tham gia chống dịch COVID-19 trực cũng không được về nhà, một mình Trang phải lo cho 2 con nhỏ, con trai đầu 3 tuổi, con trai thứ hai mới 1 tuổi rưỡi.

Tuy công việc trực gác vào ban ngày là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng khi được tăng cường vào ca trực đêm cùng các cán bộ nữ, Trang cũng không nề hà dù hai con còn nhỏ phải nhờ ông bà nội, ngoại cách nhau khoảng 15km trông giúp. Trang cho biết, để thuận tiện công việc, chị phải nhờ bà nội trông đứa 1 tuổi, còn đứa 3 tuổi nhờ bà ngoại trông hoặc khi ông bà ngoại đi làm lại phải nhờ người khác trông giúp. Có thời điểm công việc nhiều, đêm đêm Trang phải đi rà soát kiểm tra cơ sở lưu trú xem có người nước ngoài ở không, hay đi vào vùng dịch xã Sơn Lôi để kiểm tra nhân khẩu những người dân quay trở về xã…

Có dịp, đến 5 ngày Trang không thể về thăm con, chỉ dám gọi điện hỏi thăm con qua ông bà nội, không dám gọi điện thoại face time nói chuyện vì sợ con nhìn thấy mẹ lại quấy khóc đòi, nhất là đứa đầu sẽ không chịu ngủ, khóc đòi mẹ về mới thôi.

Theo lời kể của Trang, cậu con trai đầu không giống như bạn cùng trang lứa. Sau khi cưới, hai vợ chồng mong mỏi chờ đợi đứa con trai đầu lòng, nào ngờ trong một lần khám thai, Trang được bác sĩ thông tin thai nhi bị dị tật ở não sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Bác sĩ khuyên và để vợ chồng Trang tự lựa chọn. Thương con, Trang quyết định sinh con mà không can thiệp, dẫu sao nó cũng là con mình dù có bị khiếm khuyết.

Cứ thế 3 năm trời đằng đằng, vợ chồng Trang cùng làm trong ngành có những lúc trực phải thay nhau trông con vì con trai đã 3 tuổi nhưng không biết nói, giao tiếp hoạt động hàng ngày như em bé 1 tuổi, thần kinh yếu rất ít ngủ, chỉ sơ sẩy không biết con chạy đi đâu. Chăm đứa đầu vất vả là thế, đợt tham gia chống dịch COVID-19, đứa thứ hai của Trang cũng mới 1 tuổi rưỡi, chị vẫn cố gắng thu xếp hoàn thành nhiệm vụ.

Nữ cán bộ Công an huyện Bình Xuyên đo thân nhiệt cho người dân đến làm thẻ căn cước.

3. Thượng úy Nguyễn Thị Diệu Linh, Đội CSGT Công an huyện là một cán bộ nữ năng nổ trong công việc. Chồng chị làm ở Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc, được huy động tham gia trực chốt ở xã Sơn Lôi từ ngày 13-2 không về nhà. Ở đơn vị, Linh cũng xung phong vào ca trực đêm cùng với cán bộ nữ, hai con nhỏ đứa 4 tuổi, đứa 6 tuổi được gửi bác ruột. Nhiều lúc bác bận việc, những ngày có ca trực đêm, Linh cho các con đi ngủ sớm, sau đó khóa cửa ngoài lại để đi trực, xong ca trực mới trở về nhà.

Hầu như các cán bộ nữ của Công an huyện Bình Xuyên đều còn rất trẻ, ai cũng có con còn nhỏ, nửa đêm xong việc họ vẫn phải tranh thủ về với gia đình dù nhà cách đơn vị từ 8 đến 10km để trông con, không dám ngủ lại cơ quan do sáng ra còn tranh thủ lo cho con.

Công việc trực gác đêm để giữ gìn ANTT là công việc thường xuyên, họ không quản gian khổ bởi vì theo các chị em nói: “Cán bộ nam làm được, họ cũng làm được”. Hơn hết trong những lúc cao điểm như đợt dịch vừa qua, tập thể cán bộ chiến sĩ nữ Công an huyện luôn động viên nhau, cùng nhau chia sẻ vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Minh Hiền

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文