Xúc động chuyện nữ điều dưỡng Công an chăm sóc phạm nhân nhiễm HIV

08:45 26/02/2017
Chúng tôi gặp Trung uý Cao Phương Loan, cán bộ điều dưỡng của Đội Y tế và bảo vệ môi trường, Trại giam số 3 (Tân Kỳ, Nghệ An) khi chị đang tận tình thăm khám, cấp phát thuốc cho một nam bệnh nhân của trại.


Đợi chị xong để tranh thủ trò chuyện về công việc mới giúp chúng tôi hiểu thêm về khó khăn, vất vả của những cán bộ y tế trong trại giam – môi trường phức tạp và có những đặc thù riêng…

Chị cho biết, toàn Đội Y tế ngoài việc khám bệnh định kỳ, đột xuất cho toàn thể cán bộ, phạm nhân trong trại thì hiện còn quản lý 195 phạm nhân đang điều trị ARV của chương trình dự án quỹ toàn cầu, 23 phạm nhân điều trị lao, trong đó 17 phạm nhân lao thông thường và 5 phạm nhân lao đa kháng thuốc.

Đặc thù người bị lao, nhiễm HIV cần phải được hỗ trợ về vấn đề thuốc thang, nhất là thuốc bổ. Trong khi chế độ chính sách có hạn, nhiều phạm nhân bị gia đình bỏ bê nên chịu thiệt thòi. Việc cán bộ Đội Y tế vận động họ uống thuốc cũng vất vả do tư tưởng họ bất mãn, mặc cảm, tự ti.

Trung uý Cao Phương Loan chuẩn bị thuốc để cấp phát cho phạm nhân.

Đặc biệt, số phạm nhân điều trị lao kháng thuốc là vất vả nhất vì thời gian điều trị kéo dài hơn 20 tháng, tiêm liên tục trong 8 tháng và quá trình tiêm đau nên phạm nhân không hợp tác.

“Có phạm nhân lao kháng thuốc mỗi ngày tiêm 1 mũi, đau và chai hết cả tay, uống thuốc vào rất mệt trong khi việc bồi bổ sức khoẻ lại hạn chế nên có ý bỏ điều trị. Trại đã động viên, bồi dưỡng thêm mỗi phạm nhân nằm viện 10.000 đồng/ngày ngoài chế độ chung của nhà nước”, nữ điều dưỡng kể.

Có phạm nhân có biểu hiện tâm thần, khi thời tiết thay đổi thì cư xử không bình thường, không chịu uống thuốc còn ném trả lại, chửi bới cán bộ… Do đó các cán bộ y tế ở đây cũng phải vững vàng tâm lý và bao dung, cảm thông “như mẹ hiền”.

Là cán bộ nữ trực tiếp điều trị ở một trại giam toàn phạm nhân nam khiến Trung uý Cao Phương Loan gặp không ít khó khăn. Có những đêm chị phải thức trắng cấp cứu cho 4-5 phạm nhân, rồi những lần phạm nhân mắc bệnh nghiêm trọng, giữa đêm chị đang ngủ say mà nghe khẩu lệnh là bật dậy, đi cùng xe chở phạm nhân xuống bệnh viện tỉnh (ở TP. Vinh –PV) trong đêm, có khi đi từ đêm đến sáng…

Điều trị cho những phạm nhân “có H”, chị cùng đồng nghiệp luôn nhắc nhở nhau phải cẩn thận, do đó ở trại chưa từng có cán bộ phải điều trị phơi nhiễm. Phạm nhân ở trại nhiễm HIV hầu như ở giai đoạn cuối, cơ hội sống sót rất ít. Có người bị suy sụp tinh thần, không thiết sống nữa, thậm chí là bất cần, có ý định đe dọa cán bộ. Chị tìm gặp động viên, thuyết phục để họ tự nguyện đến điều trị, chấp nhận uống thuốc đúng giờ, đúng quy định của chương trình…

Từ ngày dự án quỹ toàn cầu đưa thuốc ARV vào trại thì số phạm nhân tử vong vì HIV giảm xuống rất nhiều, giúp tìm lại con đường sống cho nhiều người. Nhờ thuốc, có phạm nhân bị nặng, từ chỗ chỉ còn sống khoảng 1 năm nữa nhưng sau đó đã khoẻ mạnh lại, có thể cải tạo được.

Nhiều phạm nhân chăm chỉ điều trị, sức khoẻ dần được nâng lên. Trung uý Loan đã phân tích cho họ hiểu, trước đây HIV là bệnh nguy hiểm chết người, tuy nhiên hiện tại đã có phương thuốc để ức chế virus… Đến nay chị đã điều trị thành công và chuyển 45 bệnh nhân từng nhiễm HIV hết án trở về đời thường.

Về những kỷ niệm đặc biệt trong đời làm điều dưỡng ở trại, Trung uý Cao Phương Loan kể về một phạm nhân tên N.VC, quê ở Hưng Yên phạm tội sát hại bố đẻ, thụ án 15 năm.

Trong quá trình thụ án, anh này luôn bị ám ảnh bởi hành vi của mình, hoang tưởng, la hét ầm ĩ; thậm chí nhiều lúc động trời anh tự đập đầu vào tường, nghĩ ai đó đang giết mình…

“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ già yếu nên thời gian ở trại anh không hề được người thân thăm gặp. Anh chị em trong đội đã bàn nhau thỉnh thoảng quyên góp tiền mua cho anh thùng mì tôm, đường sữa, vừa để bồi bổ sức khoẻ, vừa động viên tinh thần. Khi chấp hành án xong, được trở về, anh cứ nắm tay tôi khóc mãi, gửi lời cảm ơn các cán bộ y tế vì đã luôn coi anh như người nhà chứ không phải một phạm nhân”, kể lại những phút giây xúc động, mắt chị ngân ngấn nước.

Có lẽ đối với những cán bộ y tế như Trung uý Cao Phương Loan thì những phạm nhân điều trị ở đây như người thân thiết. Họ vào rồi ra, đến rồi đi nhưng đều để lại một ấn tượng gì đó. Và cứu người, chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân đã trở thành công việc gắn bó máu thịt đối với chị - người không bao giờ rời trại…

Xen kẽ cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, Trung tá Thái Duy Cử, Đội trưởng Đội Y tế và bảo vệ môi trường Trại giam số 3 nhận xét: “Đồng chí Loan rất nhiệt tình, năng nổ trong công tác dù việc điều trị ARV cho phạm nhân nhiễm HIV và điều trị lao kháng thuốc rất vất vả. Chị đặc biệt nhạy bén trong xử lý các tình huống cấp cứu, phản ứng thuốc…”.

Hầu như ăn ở, công tác 24/24h trong trại nhưng nữ điều dưỡng vẫn vui vẻ, hạnh phúc với công việc. Chị nói, Trại giam số 3 là ngôi nhà thứ hai của mình, bởi vậy không yêu và không gắn bó sao được…

Quỳnh Vinh – Anh Hiếu

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文