Khi chị em làm trinh sát ma túy

09:16 06/03/2015
Các chị em làm công tác trinh sát ma túy thường được mọi người gán cho cái tên thân thương là “ông”, bởi khi vào trận, họ cũng dũng mãnh như nam giới.

Một lực lượng chiến đấu mà công việc cực kỳ vất vả, khó khăn, nhưng nếu không có các cán bộ nữ thì rất khó hoàn thành công việc: đó là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Bởi trong nhiều chuyên án ma túy đòi hỏi phải có nữ trinh sát thì mới có thể xâm nhập vào hang ổ của tội phạm, hoặc đeo bám, bắt giữ các đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy là nữ.

Các chị em làm công tác trinh sát ma túy thường được mọi người gán cho cái tên thân thương là “ông”, bởi khi vào trận, họ cũng dũng mãnh như nam giới. Ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) từng vinh danh những nữ trinh sát như  “ông Lý” (chị Nguyễn Thị Lý, nguyên Phó Phòng 1); “ông Ngân” ( Phạm Thị Ngân, nguyên  cán bộ Phòng 2), “ông Hà” (Nguyễn Thu Hà, cán bộ Phòng 3)…

Đại tá Đàm Thị Lê, Trưởng phòng PC47, Công an tỉnh Cao Bằng giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Ở Điện Biên có “bông hoa thép” Ngô Thị Thủy, Phó Phòng PC47, Công an tỉnh Điện Biên. Vùng biên giới Cao Bằng có “nữ tướng” Đàm Thị Lê, Trưởng phòng PC47, nữ Trưởng phòng PC47 duy nhất trong cả nước… Họ đã từng tung hoành trong các trận đánh, đã vào tận… hang hùm bắt tội phạm và không ít lần trực diện với súng đạn và máu nhiễm HIV (vũ khí nguy hiểm của bọn tội phạm ma túy).

Đại tá Đàm Thị Lê, nữ chỉ huy của Phòng PC47, Công an tỉnh Cao Bằng rất giỏi võ thuật và bắn súng, chị đã từng có mặt trong một số cuộc thi bắn súng của lực lượng CAND.

Thượng tá Nguyễn Thị Lý, nguyên Phó Phòng 1, Cục C47 cũng thế, trong vụ triệt phá tụ điểm ma túy nhức nhối ở xóm liều Thanh Nhàn, một mình chị hai tay bắt giữ 2 đối tượng nữ, trong khi vẫn phải tránh những chai bia ném ra để giải cứu cho vợ từ chồng một đối tượng.

Trong tư thế vẫn kẹp chặt hai đối tượng, quỳ chân xuống để đỡ các chai bia ném liên tiếp, chị đã bị các mảnh chai vỡ đâm vào chân, gây chảy máu. Nhưng phải đến khi đưa hết các đối tượng lên xe đặc chủng của lực lượng Công an, thấy lành lạnh ở chân, nhìn xuống, chị mới thấy máu chảy từ lúc nào…

Có người nghĩ rằng, làm nữ trinh sát ma túy thì khó có một hình thức… mềm mại. Nhưng nếu nhìn Đại tá Đàm Thị Lê, bạn sẽ hiểu rằng, suy nghĩ của mình chưa đúng. Chị có suối tóc dài mềm mại và giọng hát rất hay. Nếu nhìn chị hát, khó ai hình dung ra đó là một “nữ tướng” của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đã từng vật lộn với một gã trùm buôn ma túy to cao, đá tung khẩu súng AK trong tay gã và khóa tay an toàn tên tội phạm. Nhưng là phụ nữ, bên cạnh bản lĩnh và bàn tay thép trong việc truy bắt và xử lý tội phạm, Đại tá Đàm Thị Lê vẫn có những trăn trở và cách làm án theo kiểu… phụ nữ.

Chị cho biết, Cao Bằng là một tỉnh biên giới có hơn 300km đường biên, các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội... thường móc nối với các đối tượng tại Cao Bằng hình thành đường dây khép kín, hoạt động với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng...

Tất cả những điều đó luôn là trăn trở của lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, đòi hỏi chị và đồng đội phải luôn bám sát địa bàn, làm tốt công tác nắm tình hình, bóc gỡ từng đường dây, triệt xóa các điểm bán ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nghiêm khắc của những người làm công tác bảo vệ pháp luật thì chị và đồng đội còn có sự mềm dẻo, thấu lý đạt tình, kiên trì phân tích để các bị can nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

Trong những năm qua, bản thân chị Lê đã vận động được nhiều quần chúng, các đối tượng đã từng có hành vi phạm tội quay trở lại làm ăn lương thiện, làm cơ sở tai mắt cho lực lượng Công an, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, khám phá nhiều đường dây mua bán ma túy lớn.

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, bản thân chị Lê đã trực tiếp cùng anh em trong đơn vị phát hiện bắt giữ, điều tra 130 vụ với 185 bị can phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ gần 200 bánh heroin, 20kg ma túy dạng đá, 1.860 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí phương tiện tài sản khác có liên quan.

Gần đây nhất, vào ngày 5/2, chị Lê đã chỉ đạo các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị phát hiện, bắt giữ 156 bánh heroin do Triệu Đức Hanh, 46 tuổi, trú tại xã Bằng Vân (Ngân Sơn, Bắc Kạn) vận chuyển. Với chiến công này, đơn vị đã được Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Đối với nam giới, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đã vô vàn khó khăn. Đối với những nữ chiến sỹ Công an trên mặt trận ấy, khó khăn thách thức còn nhân lên gấp bội. Đó là những chuyến công tác dài ngày, bao lần đối mặt với bọn tội phạm côn đồ, liều lĩnh, áp lực công việc đã khiến nữ trinh sát ma túy - những người vợ, người mẹ trong gia đình phải thầm lặng hy sinh hạnh phúc riêng tư. Đó là sự đe dọa trả thù của bọn tội phạm, không chỉ với họ, mà còn với gia đình, con cái họ. Đó là nỗi lo lắng khi chẳng may bị dính máu của bọn tội phạm nhiễm căn bệnh HIV/AIDS…

Song vượt lên trên tất cả, các chị luôn kiên định với nghề nghiệp mình đã chọn, khắc phục mọi khó khăn, không ngại hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng đồng đội lập nên thành tích xuất sắc, góp phần giữ gìn bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà. Họ như những bông hoa đẹp của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, của lực lượng Công an, lặng lẽ tỏa hương, lặng thầm cống hiến.

Đối với các nữ Cảnh sát ở các đơn vị trực tiếp chiến đấu, để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà ngành giao phó, họ phải hy sinh hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí đôi khi họ không thể làm được những công việc bình dị nhất của một người vợ, người mẹ. Mỗi nữ Cảnh sát trong một lực lượng chiến đấu lại có những vất vả, gian truân và hy sinh riêng.

Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi xin được điểm về công việc của những nữ cảnh sát ở một số lĩnh vực như: trinh sát ma túy, quản giáo ở trại giam, cảnh sát cơ động… để bạn đọc có thể hiểu được rằng, họ đã và đang nỗ lực chiến đấu, hy sinh vì sự bình yên của người dân…

T. Hòa

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文