Phá án cũng cần tấm lòng

20:00 19/07/2010
Trong sự nghiệp của mình, tham gia "đánh" hàng trăm hàng ngàn vụ án các loại, nhưng các chiến sĩ Công an vùng biên vẫn đau đáu một nỗi niềm, đó là ngày càng xuất hiện những vụ trọng án xảy ra do thiếu hiểu biết... Đối mặt với những "kỳ án" này, cán bộ Công an không chỉ là người bảo vệ pháp luật, họ còn trở thành những tuyên truyền viên, hay đảm nhiệm vai trò là những "chuyên gia" của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau…

Thực tế công việc, các chiến sĩ Công an nơi miền ngược phải chứng kiến nhiều vụ án, ở góc độ nào đó có thể coi là kỳ án, để lại hậu quả đau lòng, nhưng hung thủ vẫn bình thản, ngô nghê, bởi họ vẫn nhầm tưởng mình vừa "thay trời hành đạo", loại bỏ một người xấu ra khỏi cộng đồng!?. 

Cách đây chưa lâu, Công an huyện Mường Chà nhận được đơn tố cáo của cháu Mùa Thị N. (do một người viết hộ), ở bản Đề Tinh I, xã Si Pa Phìn tố cáo cháu bị đối tượng Hạng A Màng hiếp dâm. Công an đã vào cuộc để điều tra, xác minh và được biết, cháu Mùa Thị N. mồ côi cha từ năm lên 8, mẹ cháu là Vàng Thị Mỷ, 51 tuổi, nghiện hút ma túy đã đem… bán cháu N. cho Hạng A Màng với giá 1,2 triệu đồng. Do Hạng A Màng không có tiền mặt, nên hai bên thoả thuận đổi cháu N. bằng một con ngựa đực 2 năm tuổi.

Hạng A Màng đã có vợ và 3 mặt con. Thời kỳ đầu mua cháu N. về, Màng bắt cháu phải làm lụng cực kỳ vất vả. Cháu N, 13 tuổi nhưng cơ thể non nớt nhỏ hơn cả đứa trẻ lên 8, N. cao 1,3m, nặng chưa đầy 30 kg. Một vài lần đi làm nương, ngủ lại lán, cháu đã bị Màng xâm hại. Khi bị bắt, Hạng A Màng vẫn ngô nghê nói với các cán bộ Công an rằng: "Mình bỏ tiền bằng một con ngựa để mua nó, thì mình muốn làm gì nó cũng được chứ, sao cán bộ lại bắt mình!?".

Một thực tế "ám ảnh" các điều tra viên miền ngược những năm gần đây, chính là tội phạm xâm hại trẻ em ở cùng cao gia tăng một cách đáng lo ngại. Hủ tục tảo hôn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông, đã khiến cho cơ quan bảo vệ pháp luật "dở khóc dở cười", có những vụ án, ban đầu 2 đứa bé tự nguyện "yêu" nhau, sau vì một lý do nào đó, "nhà gái" lại đâm đơn kiện con gái mình bị … hiếp dâm!?; nhiều cháu bé mới 13 - 15 tuổi đã "yêu" và tự nguyện về sống với nhau, khi cơ quan Công an vào cuộc, thật khó mà giải thích thấu đáo cho người dân, bởi ngay cả bố mẹ những đôi vợ chồng trẻ con ấy vẫn một mực khẳng định "chúng nó yêu nhau, thích nhau thì phải cho nó lấy chứ sao lại bắt đi tù"!

Đối mặt với những "kỳ án" này, cán bộ Công an khi đó không chỉ làm việc với vai trò là người bảo vệ pháp luật nữa, vô hình trung các anh đã trở thành những "chuyên gia" tuyên truyền, cán bộ dân số, tư pháp v.v… Nhiệm vụ của các chiến sĩ Công an miền ngược là phải làm sao tuyên truyền, nâng cao ý thức và sự tự giác chấp hành pháp luật của bà con dân tộc. Trong cách xử lý phải hợp lý vẹn tình, hài hòa giữa luật pháp và luật tục, phù hợp phong tục tập quán, tuyệt đối tránh mâu thuẫn giữa các dân tộc với nhau, hay làm phức tạp thêm tình hình. Đặc biệt, một kinh nghiệm các điều tra viên miền núi hay triệt để sử dụng, đó là tranh thủ được già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong việc xác minh, điều tra, xử lý các hành vi phạm tội mà đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Các trinh sát Phòng PC45 gặp gỡ người dân.

Thượng tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Điện Biên (nguyên Phó trưởng phòng PC45) tâm sự, có lẽ trong đời làm Cảnh sát hình sự của mình, vụ án mà anh nhớ nhất là cái lần anh đã để cho tình cảm lấn át lý trí. "Nhưng nếu cho tôi làm lại thì chắc tôi vẫn sẽ làm như vậy thôi" - anh tâm sự. Ngày ấy, ở bản Nậm Ty (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) liên tục xảy ra các vụ mất trộm máy thủy điện nhỏ. Sau khi điều tra, anh xác định thủ phạm là đối tượng Giàng A Súa. Để ổn định tình hình, một quyết định được đưa ra là sẽ bắt Súa về hành vi trộm cắp tài sản.

Nhưng khi đến nhà, anh Cảnh ứa nước mắt, khi nhìn túp lều lụp xụp của gia đình Súa và 3 đứa trẻ, đứa mặc áo thì không mặc quần, đứa có quần thì không có áo đang... bốc cám trong cái máng lợn; vợ Súa thì đang ốm nằm trong lều. Và anh cực kỳ phân vân: bắt Súa thì bản thân mình được "ghi công", cuối năm có cái báo cáo với lãnh đạo. Mà không bắt thì nhỡ có đoàn kiểm tra về phát hiện "lọt người lọt tội" thì công đâu chẳng thấy, "tội" đã sờ sờ ra trước mắt. Nhưng nếu bắt anh ta thì ai sẽ chăm sóc cái gia đình kia, ai sẽ nuôi lũ trẻ khốn khó kia? Chúng nó cũng chỉ bằng tuổi con mình thôi chứ mấy!

Sau đấy, anh nhờ người nhắn tin cho Súa biết là hôm đó anh đã đến và quyết định không bắt anh ta. Về đơn vị, anh báo cáo lại vụ việc, và xin ý kiến là sẽ vận động anh ta đầu thú, quan điểm là xử lý khoan hồng để anh ta có cơ hội làm lại cuộc đời… Gần 3 năm sau, có việc quay lại bản Nậm Ty, điều ngạc nhiên là gia đình Súa đã không chỉ đủ ăn, mà còn mua được cả trâu, bò về nuôi, 3 đứa trẻ đều được đi học. Không biết độc giả nghĩ như thế nào, song chúng tôi cho rằng đôi khi không bắt một con người, lại là cứu cả một gia đình.

Ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, Thượng tá Nguyễn Quang Vinh - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự chỉ ngồi mỉm cười. Thế rồi nếp nhăn trên quầng trán của người đã có tới hơn 30 năm gắn bó với máu me, tử thi chợt giãn ra, khi ông kể về một kỷ niệm trong cuộc đời làm án của mình.

Đó là vào khoảng những năm 1993 - 1994 tại bản Lếch Cang, xã Mường Lạn (Tuần Giáo) xảy ra một vụ trộm. Đối tượng Tòng Văn Pấng do đói quá đã làm liều, lên nương của người khác đào trộm gần chục kg sắn. Không ngờ Pấng bị bắt tại chỗ. Và kẻ kia cũng không phải tay vừa, bắt được Pấng, hắn đã dùng hung khí đánh anh này tới chết. Thế rồi tên này còn lấy dao cắt thi thể Pấng ra thành nhiều mảnh đem… chôn khắp nơi. Vụ án chỉ được phát hiện khi một người dân thấy con chó của mình đang “đánh chén” một vật gì giống như là… bàn tay người.

Thượng tá Vinh cùng đồng đội đã phải đào bới một diện tích hàng ngàn mét vuông để thu cho đủ số mảnh thi thể nạn nhân Pấng. Sau khi đã có kết quả khám nghiệm, mặc dù chẳng ai yêu cầu, song Thượng tá Vinh vẫn tỉ mẩn ngồi từ sáng đến tối khâu lại mười mấy mảnh thi thể của Pấng thành hình người rồi mới giao lại cho người nhà đem đi chôn…

Vũ Mạnh Hà

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

Chuỵện xảy ra đã gần 60 năm nhưng bây giờ được nghe kể lại, vẫn thấy nóng hổi. Các chiến sĩ biệt động thành Nha Trang: Võ Đình Thu, Bùi Chạn, Huỳnh Văn Khoa giờ đã trên dưới tám mươi. Một ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tôi và các ông đã gặp Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh.

Thừa Thiên Huế đang vào mùa cao điểm xây dựng với nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai đồng loạt nên nhu cầu vận chuyển nguồn vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến nguy cơ xe vi phạm quá khổ, quá tải có thể xảy ra. Nhận thức rõ nguy cơ tai nạn, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã và đang tập trung tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm…

Đây là thông tin được Bộ Xây dựng khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2024 ngày 26/4. Bộ Xây dựng cho biết, trước tình trạng giá chung cư tăng bất thường từ đầu năm 2024, đặc biệt trong thời gian ngắn vừa qua, cơ quan này đã thành lập đoàn kiểm tra tại một số chung cư đang được rao bán với giá rất cao ở Hà Nội. Tuy nhiên, trái ngược với dư luận về việc thị trường tăng "nóng", thực tế lượng giao dịch rất ít.

Hôm nay, Bắc và Trung Bộ tiếp tục hứng chịu nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, nhiều nơi trên 41 độ C. Nắng nóng đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là sức khỏe.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文