Phạm Văn Duyên - trọn đời học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

10:21 14/05/2016
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, cả cuộc đời Bác đã cống hiến cho dân tộc, hết lòng vì dân, vì nước. Dù đã đi xa, nhưng Bác đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá.

Trong đó, di sản tinh thần vô giá mà Bác đã để lại cho dân tộc ta đó là tư tưởng, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Người, để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Trong các thế hệ đó, Phạm Văn Duyên (tên thường gọi là Hai Duyên), nguyên Phó trưởng Công an huyện Long Thành, người cán bộ CAND trọn đời học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là tấm gương điển hình cần nhân rộng để các thế hệ trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ Công an học tập, noi theo.

Tôi đến thăm bác Hai Duyên để lấy tư liệu viết bài, tuy tuổi đã cao nhưng bác vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, bằng chất giọng miền Bắc đặc trưng, bác đã kể cho tôi nghe về quá trình tham gia cách mạng của mình.

Khi được hỏi, yếu tố nào đã tạo nên một "Hai Duyên", người cán bộ CAND được đồng đội và nhân dân tin yêu, bác trả lời rất tự nhiên: "Có nhiều yếu tố tạo nên nhân cách Công an cách mạng của bác, nhưng quan trọng nhất vẫn là tác phong làm việc gần dân, biết dựa vào dân, là sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Mà có được những đức tính này là do bác luôn tâm niệm trọn đời học tập, noi theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Trung tá Phạm Văn Duyên – Nguyên Phó trưởng Công an huyện Long Thành,Công an tỉnh Đồng Nai.

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Thái Bình, ngay từ nhỏ, cậu bé Duyên đã được người lớn kể về Bác Hồ với tác phong, đạo đức cùng với những hành động thiết thực, thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác. Đến khi được vào Ngành, năm 1959, chàng thanh niên Phạm Văn Duyên ngày càng trưởng thành hơn trong suy nghĩ, lý tưởng và hành động, càng thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ đối với CAND, càng nhận thức sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nguyện trọn đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Và, Phạm Văn Duyên càng vinh dự, tự hào hơn vì được trực tiếp gặp Bác Hồ vào năm 1964, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trong một lần bác về Thái Bình, nói chuyện, gặp gỡ cán bộ chủ chốt và đồng bào, chiến sĩ, động viên tinh thần chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Thái Bình. Đây cũng là lần gặp mặt Bác đầu tiên và cũng là duy nhất của ông, lúc đó ông được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh, mặc dù không được gần Bác nhưng dù chỉ ngắm nhìn Bác từ xa, được nghe Bác nói chuyện nhưng ông đã cảm nhận được tình cảm của bác với nhân dân, tác phong, đạo đức cách mạng của Bác.

Bác Hai Duyên tâm sự: "Hồi xưa, chưa có khái niệm về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, cũng chưa có những phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người như hiện nay. Nhưng các thế hệ, nhất là thế hệ thanh niên yêu nước bấy giờ, tất cả đều học tập, noi theo tấm gương đạo đức của Bác, từ tư tưởng, tác phong, lời nói cho đến hành động. Không ai bảo ai, không có các cuộc tuyên truyền rầm rộ nhưng lại rất hiệu quả, thiết thực. Đó là do sự tự ý thức, tự rèn luyện ở mỗi người".

Thực vậy, cả cuộc đời hoạt động cách mạng, bác Hai Duyên luôn thể hiện được phẩm chất đạo đức của người Công an cách mệnh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Mỹ ngụy tổ chức phản công, khủng bố, đàn áp dã man phong trào cách mạng ở miền Nam. Giữa thời khắc khó khăn đó, Phạm Văn Duyên đã không ngần ngại nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tháng 5-1968, về nhận công tác ở Trung ương cục miền Nam, sau đó về công tác ở Ban an ninh khu IV, rồi tiếp tục nhận nhiệm vụ về công tác ở Ban an ninh Nhơn Trạch. Từ đó, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Phạm Văn Duyên gắn liền với mảnh đất này, với người dân Nhơn Trạch, ông cũng xác định Nhơn Trạch là quê hương thứ hai của mình.

Phạm Văn Duyên với tác phong giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Phạm Văn Duyên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ cách mạng, tổ chức giao cho, kể cả những nhiệm vụ nguy hiểm đến tính mạng. Phạm Văn Duyên cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ, lĩnh vực công tác, kể cả trong thời chiến, thời bình, chưa bao giờ ông nề hà, ngại khó ngại khổ, việc gì có lợi cho cách mạng, cho dân đều ra sức làm, không cân đong, đo đếm thiệt hơn thể hiện tinh thần chí công vô tư, vì sự nghiệp cách mạng.

Ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, đầu năm 1980, vì không chịu hợp tác, tiếp tay cho Nguyễn Hữu Giộc (còn gọi là Mười Vân, Mười Giộc), nguyên Giám đốc ty Công an Đồng Nai và đồng bọn, người tình của y là Cyrnos Kim Anh tổ chức vượt biên để thu lợi bất chính, đang là Phó Công an huyện Long Thành, Phạm Văn Duyên bị điều về công tác ở Phòng Tổ chức cán bộ nhưng chờ mãi vẫn không được phân công công tác, ông phải về Nhơn Trạch làm rẫy. Khó khăn như vậy nhưng ông vẫn không ngừng phấn đấu, tự rèn luyện, tu dưỡng với mong muốn được phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Mãi đến năm 1981, khi Nguyễn Hữu Giộc và đồng bọn bị bắt, xử lý trước pháp luật về tội ác của mình, ông mới được bố trí lại công tác, đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng tham mưu an ninh.

Trong suốt quá trình công tác, kể cả khi đã nghỉ hưu, Phạm Văn Duyên luôn thể hiện được phẩm chất đạo đức của người Công an cách mệnh, cần, kiệm, liêm, chính. Đức tính này được thể hiện một cách tự nhiên, trong lời nói, suy nghĩ, hành động, trong mọi việc làm của ông, tự nhiên như cái tên Hai Duyên mà người dân Nhơn Trạch trìu mến gọi ông.

Năm 1972, sau khi lập được nhiều chiến công, được lãnh đạo tin tưởng, Hai Duyên được điều về phụ trách Đội di cư của 2 xã Vĩnh Thanh và Nhơn Thanh. Đây là nhiệm vụ rất mới mẻ và khó khăn bởi vì đồng bào Công giáo di cư vốn mặc cảm với cách mạng, lại luôn bị các thế lực Mỹ ngụy, đảng phái chính trị phản động tác động vì vậy nhiệm vụ xâm nhập vào quần chúng, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, xây dựng cơ sở mạng lưới, ổn định đời sống cho giáo dân… là nhiệm vụ rất khó. 

Nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, tác phong giản dị, hòa đồng, Hai Duyên đã từng bước tiếp cận, vận động quần chúng giáo dân, thiết lập mối quan hệ thiện cảm với giáo dân từ đó xây dựng được mạng lưới bí mật vững chắc trong cộng đồng này, vận động giáo dân ủng hộ cách mạng, không tiếp tay cho các đối tượng là chức sắc lợi dụng tôn giáo. Thậm chí, nhiều giáo dân đã xung phong tham gia cách mạng, chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Từ đó, Hai Duyên chiếm trọn niềm tin, tình cảm của giáo dân, hướng cộng đồng này ổn định làm ăn, phát triển kinh tế, hòa nhập với các cộng đồng dân cư khác. Sở dĩ Hai Duyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên đều nhờ vào tác phong, đạo đức của người Công an cách mạng cần, kiệm, liêm, chính và sự mưu trí, khéo léo, sáng tạo của ông.

Ông kể rằng, có những thời điểm, bọn phản động dùng tiền bạc, vật chất để mua chuộc, nhưng ông không nhận, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi, việc làm có hại cho dân, cho cách mạng. Nhiều giáo dân vì cảm phục, yêu mến cũng tặng quà cáp, trong đó có những món quà giá trị nhưng ông khéo léo từ chối, chỉ nhận những món quà quê, giá trị nhỏ để bà con vui lòng. Đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu, vui thú điền viên, nhưng nhiều giáo dân vẫn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho ông, tình cảm rất thắm thiết.

Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày, ông vẫn đạp xe đi chợ mua thức ăn về để bà nấu cơm, chăm sóc vườn tược, chỉ bảo, giáo dục con cháu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông có một người con trai và một cháu nội hiện đang công tác trong Ngành, con cháu ông đều mang đậm phong cách, tác phong, đạo đức cách mạng của ông, tích cực học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Mặc dù, trong quá trình hoạt động cách mạng, công tác, từng lập được nhiều chiến công, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen… nhưng Hai Duyên luôn xác định, ông tự hào nhất vẫn là: luôn nhận được sự tin yêu của đồng chí, đồng đội, của nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nhơn Trạch mà niềm tin yêu đó xuất phát từ chính đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của ông.

Có thể nói, trong xã hội, trong ngành Công an, có rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng với tôi, bác Hai Duyên là tấm gương điển hình, gần gũi nhất, cần phải nhân rộng, cần phải học tập trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Mạc Thị Trang

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文