Từ săn bắt cướp đến Hình sự đặc nhiệm

07:02 27/04/2017
Đội Săn bắt cướp (SBC) của Công an TP Hồ Chí Minh được thành lập những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Cán bộ, chiến sĩ SBC gắn với nhiều chiến công để đời không chỉ góp phần làm nên “thương hiệu” SBC mà còn tạo được niềm tin trong nhân dân đối với lực lượng CAND.

Tiếp nối truyền thống của SBC trước đây, bằng nhiệt huyết và sự nỗ lực cố gắng hết mình, lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm ngày nay luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng hình ảnh TP Hồ Chí Minh thân thiện, an toàn và ổn định.

Vang bóng một thời

Sài Gòn TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng, tình hình ANTT vô cùng rối ren và phức tạp. Người dân vẫn còn ám ảnh bởi sự tồn tại, hoạt động của những băng trộm cướp hung hãn, nhóm xã hội đen có vũ trang khét tiếng hoạt động rất liều lĩnh, cướp của, giết người không ghê tay…

Trước tình hình ấy, tháng 3-1978, Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát Trị an - Hình sự (nay là Phòng Cảnh sát hình sự), Công an TP Hồ Chí Minh chính thức được thành lập. Tại các quận trung tâm, địa bàn phức tạp đều có  một Chi đội SBC. Đội trưởng SBC đầu tiên là Đại úy Võ Tấn Thành (Hai Thành), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Cảnh sát), Trưởng phòng Cảnh sát Trị an - Hình sự.

Khi đó, trinh sát SBC là những cán bộ, chiến sĩ tuổi đời không quá 30, gan dạ, dũng cảm, giỏi võ thuật, bắn súng và lái xe… Tất cả đều thấm nhuần nhiệm vụ của mình: Chủ động trấn áp, phòng ngừa và truy bắt nóng các đối tượng phạm pháp. Nhiều cán bộ, chiến sĩ SBC lập được nhiều chiến công xuất sắc về sau đã trở thành thần tượng của nhiều người dân, nhất là giới trẻ thành phố như Phan Thanh (tức Ba Tung), Trần Văn Năm (Năm Lửa), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn...

Sự xuất hiện đúng lúc của những chiến sĩ SBC rạp mình trên những chiếc xe Honda 67 rượt đuổi tốc độ cao, võ thuật cao cường, bắn súng điêu luyện; lập được nhiều chiến công lẫy lừng, bắt giữ hàng trăm tên cướp đặc biệt nguy hiểm, phá thành công nhiều vụ án phức tạp, đã giúp cho ANTT của thành phố nhanh chóng được lập lại.

Có thể kể một số vụ nổi bật gắn với “thương hiệu” SBC như khám phá 3 vụ án bắt cóc nổi tiếng tại Sài Gòn sau ngày giải phóng là: vụ bắt cóc tống tiền con nghệ sĩ Kim Cương, vụ bắt cóc em của bác sĩ Lã Hỷ và vụ bắt cóc em trai nghệ sĩ Thanh Nga mà hậu quả là vợ chồng nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Nga sau đó bị chúng bắn chết ngay trước cửa nhà…

Các trinh sát hình sự đặc nhiệm ngày nay luyện tập, khống chế tội phạm.

Theo Đại tá Phạm Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP Hồ Chí Minh (khi đó là Đội phó Đội Trọng án - SBC), trước khi thành lập Đội SBC thì Phòng Cảnh sát Trị an - Hình sự, tại đơn vị đã có Đội Trọng án.

Sau khi Đội SBC hoạt động một thời gian, để có thêm chiều sâu nghiệp vụ, đánh án có ban có nhóm nhằm “đào tận gốc trốc tận rễ” các băng nhóm tội phạm nên Đội Trọng án được ghép với Đội SBC thành Đội Trọng án - SBC. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quen gọi tắt là “SBC”.

Sau 10 năm chiến đấu lập nhiều chiến công, khi ANTT của thành phố đã chuyển biến tích cực, năm 1989 Đội SBC được giải thể để thành lập các đội nghiệp vụ phòng chống tội phạm. Cho đến những năm 2006-2007, tình hình tội phạm cướp giật trên đường phố có dấu hiệu phức tạp trở lại nên tháng 4-2008, Ban Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm.

Thực ra ai cũng hiểu Cảnh sát hình sự đặc nhiệm chính là lực lượng kế thừa của SBC. Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cũng xác nhận tính “kế thừa”, tiếp nối nhưng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm không phải là “bản sao” của SBC trước đây.

“Đó là những chiến sĩ tinh nhuệ, hành động bí mật, bất ngờ, khôn khéo, được nổ súng khi cần. Kiểu dạng tội phạm bây giờ đã khác xưa nhiều, chúng hoạt động có tổ chức với thủ đoạn tinh vi nên đòi hỏi trinh sát hình sự đặc nhiệm phải được đào tạo nghiệp vụ bài bản, được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và một số đặc quyền khác để thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ”, Thiếu tướng Minh nói…

Thống nhất một đầu mối

Thời gian qua, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm của Phòng PC45 luôn phối hợp với Cảnh sát hình sự Công an các quận, huyện tuần tra 24/24h, nắm tình hình, theo dõi, truy bắt đối tượng phạm pháp trên các địa bàn; đồng thời xác lập chuyên án đối với những băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm, cướp giật, cướp có vũ khí với phương châm là “chặn bắt tội phạm tốt hơn là đuổi bắt” nhằm đảm bảo ANTT và an toàn cho người dân...

Với những chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, họ luôn trau dồi, nâng cao nghiệp vụ, nắm bắt được quy luật hoạt động của các đối tượng… và đã lập được không ít chiến công.

Nổi bật là khám phá nhiều chuyên án lớn, trong đó có việc triệt phá băng nhóm tổ chức bắt giữ người trái pháp luật, cướp, cưỡng đoạt tài sản người nước ngoài do tên Nguyễn Thành Đô cầm đầu; triệt phá băng nhóm người Indonesia trộm tài sản bằng thủ đoạn đâm thủng lốp xe ôtô gây ra 6 vụ trộm với tổng số tiền thiệt hại gần 10 tỷ đồng; tóm gọn băng cướp trẻ với hơn 40 đối tượng liên quan do Đoàn Lê Hậu cầm đầu gây ra hàng chục vụ cướp giật…

Các trinh sát SBC trấn áp, bắt giữ tội phạm.

Để có những chiến công như vậy, mỗi chiến sĩ trinh sát hình sự đặc nhiệm được ví như những “chim ưng” trên đường phố. Thượng úy Nguyễn Thế Tiến, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm là một điển hình xuất sắc trong công tác chuyên môn. Anh đã cùng đồng đội trở thành khắc tinh của tội phạm.

Từ 3-2009 đến 2016, anh đã trực tiếp và cùng đồng đội tham gia khám phá hơn 150 vụ án hình sự, triệt phá 532 băng nhóm trong 16 chuyên án, bắt hơn 1.400 tên tội phạm. Tại Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm còn có trinh sát trẻ nhưng đã trực tiếp đối mặt bắt giữ hơn 100 đối tượng cướp giật nghiện ma túy đã bị nhiễm HIV…

Đầu năm 2017, để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và cũng với chủ trương thành lập một lực lượng đặc biệt, nối tiếp truyền thống thế hệ SBC huyền thoại, Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam theo phân hướng một cấp (thuộc Phòng PC45). Đội đã chính thức ra mắt ngày 25-1-2017, hoạt động trên 5 địa bàn gồm quận 7, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

Ngay sau khi Đội ra đời, các trinh sát đã nỗ lực tuần tra ngày đêm, khép kín địa bàn phụ trách, bắt giữ nhiều đối tượng cướp, cướp giật cộm cán, phá nhiều vụ án quan trọng; đóng góp đáng kể trong mục tiêu kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự xảy ra tại các quận huyện phía Nam thành phố. Riêng huyện Nhà Bè, từ đầu năm 2017 đến nay, không xảy ra án xâm hại sở hữu tài sản.

Hiện các Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm luôn phối hợp với Cảnh sát hình sự của Công an các quận, huyện, Cảnh sát cơ động có mặt trên mọi nẻo đường 24/24h, để đem lại bình yên cho thành phố.

Phú Lữ

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文