Thiếu tướng, GS, TSKH Nguyễn Đình Ngọc: Vinh quang là lặng lẽ

10:50 09/05/2006

Sẽ còn mãi hình ảnh Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học, một nhà tình báo bắt tay ai cũng rất chặt, lời nói sáng trong, đôi mắt sáng và ấm áp, một trí tuệ luôn ắp đầy sự cống hiến. Vinh quang dành cho ông, ấy là sự cống hiến lặng lẽ và mãi mãi sẽ còn giữ kín.

Phải đầu những năm 1980, do làm việc ở một ngành cơ mật của lực lượng Công an, tôi mới được biết đến Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc. Nhiều đồng đội đã nói với tôi về ông bằng những tình cảm nể trọng, nhiều câu chuyện pha chút huyền thoại khiến tôi, một người thuộc thế hệ sau, khi gặp ông lúc đó đang là một chuyên gia đầu ngành về toán học, máy tính quả thật không dám lại gần. Nhưng nhìn đôi mắt ông sáng quắc, trong veo, nhìn ai cũng toát lên sự thiện cảm thân thiện, khuôn mặt rung lên những nét thần thái trân trọng người mới gặp như mời gọi, cộng với lối ăn mặc giản dị, sạch sẽ nhưng thiếu sự chăm chút của một bàn tay phụ nữ đã cuốn hút tôi.

Vậy là Ban Chấp hành đoàn chúng tôi bàn nhau mời vị Giáo sư ấy đến nói chuyện với tuổi trẻ. Trong câu chuyện với Đoàn Thanh niên ở Hội trường Bộ Công an số 44 phố Yết Kiêu, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Đình Ngọc đứng trên bục với dáng người nhỏ thó rơm rớm nước mắt trong sự im lặng đến tuyệt đối: "Thưa các đồng chí! Tôi vụt thành người lớn trên một quả đồi lúc mới 16 tuổi năm 1947. Lúc ấy tôi nằm trong bụi cây, nhìn thấy lính Pháp châm lửa đốt nhà, cầm lưỡi lê và súng tàn sát bà con thân thích của mình mà không dám hét lên. Trái tim tôi vụt lớn và trở thành cán bộ điệp báo của Công an Liên khu 4 từ đó".

Có lẽ trong Điếu văn đọc trước linh cữu Thiếu tướng, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc ngày 8/5, những đồng đội thân thiết, những nhà khoa học, những người bạn trong và ngoài nước yêu quý ông sẽ không còn thời gian để kể thêm về những ngày người chiến sĩ điệp báo Nguyễn Đình Ngọc đã phải "nếm mật nằm gai" như thế nào trong lòng địch.

Gia đình ông ở làng Phượng Dực, Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, một làng vốn có nhiều văn nhân, kẻ sĩ. Vậy mà cha ông, một người yêu nước hết lòng đã bị giặc Pháp bắn chết trong một trận càn, chàng trai Nguyễn Đình Ngọc với trái tim rớm máu đã sớm có suy nghĩ phải làm gì để đánh đuổi thực dân, đem lại trí tuệ cho những người dân quê do yếu kém lạc hậu mà bị làm nô lệ.

Trong buổi nói chuyện ngày xưa ấy, ông kể rằng, bắt đầu từ Giám đốc Công an Liên khu 4 - Nguyễn Hữu Khiếu, chàng thanh niên khôi ngô, thông minh, giàu dũng khí Nguyễn Đình Ngọc được Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn để mắt tới và quyết định đào tạo "đánh" anh vào lòng địch tại miền Nam dưới sự điều khiển đơn tuyến từ miền Bắc tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Một chàng thanh niên "nhà quê", một thân một mình giữa lòng địch, nhưng Nguyễn Đình Ngọc đã tự mình làm nên tất cả, ông chúi mũi vào học hành với tâm vọng học giỏi để sau này lọt vào mắt xanh của địch, từ đó mà "chui sâu leo cao" giúp cho ngành An ninh. Vậy là ông cố học, nhịn đói để học, học thâu đêm đến mức đau cả dạ dày, thi đỗ và được cử sang Pháp du học.

Từ năm 1955 - 1966, nhiều lần Nguyễn Đình Ngọc mất hết liên lạc với An ninh miền Bắc, đến mức có người đã đặt câu hỏi, liệu người thanh niên yêu nước ấy có còn giữ được chí khí. Nhưng Nguyễn Đình Ngọc vẫn giữ nguyên tấm lòng son. Những ngày học ở Pháp, thật khó tưởng tượng là ông đã bảo vệ thành công 2 luận án Tiến sĩ toán học và địa lý học tại Trường Đại học Sorbonne của Pháp. Cũng thật khó tưởng tượng là thời gian này, ông là một người Việt Nam hiếm hoi làm giáo sư giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng của Pháp như Đại học Hải Công, Đại học Viễn Thông, Đại học Sorbonne...

Có lần ông kể với tôi, vì ông tự ái, tại sao người Việt Nam lại không thể giảng bài ở Pháp mà không nhìn vào giáo án. Thế là suốt nhiều đêm ông đã đọc và thuộc lòng giáo án đại học. Sáng hôm sau vào lớp, ông chỉ cầm một chiếc bút và thao giảng những kiến thức cao siêu trước sự ngạc nhiên của sinh viên nước ngoài.

Ông còn nhớ, sau nhiều ngày mất liên lạc ở Pháp, trong một đêm ở nhà trọ, ông mở sóng Đài tiếng nói và khóc trào nước mắt khi được nghe giọng nói của Bác Hồ phát biểu trong một chuyến thăm nước ngoài. Bác dừng lời, nhưng nước mắt ông vẫn tuôn trào rồi vội vàng len lén lau khi nghe có tiếng gõ cửa của khách lạ...

Những ngày ở Paris tráng lệ, dẫu mất liên lạc với tổ chức, nhưng trái tim ông luôn hướng về Tổ quốc, luôn ứa máu kỷ niệm chứng kiến tội ác của kẻ thù trên một quả đồi năm 1947. Vì thế, ông tạm biệt vợ và con trai ở Pháp, trở lại miền Nam trong những ngày đất nước còn chia cắt và nhiều năm giảng dạy ở Đại học Khoa học Sài Gòn để tìm mọi cách bắt liên lạc với An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Chiến tranh và nhiệm vụ cách mạng vô cùng cam go, có thể hy sinh bất cứ lúc nào, ông cũng không ngờ chuyến trở về tạm biệt vợ con ngày đó... trở nên xa vời mãi mãi... Có lần ông kể với bọn trẻ chúng tôi, ngày 3/9/1969, ông đang dạy ở Huế, lúc nghỉ trưa xuống nhà ăn, ông vừa bê bát cơm lên thì nghe một giáo sư "phía bên kia" ghé tai nói giọng buồn rầu "Cụ Hồ mất rồi!". Nguyễn Đình Ngọc ngước mắt lên, vội nuốt nước mắt vào trong vờ giữ khuôn mặt tỉnh bơ mà lòng đau nhói. Ông bỏ vội bát cơm, đi vội về phòng úp mặt vào tường mà khóc. Cho đến trước lúc từ biệt cõi trần, tiếc thay Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc cũng chưa một lần giải thích với ai nỗi đau đớn, cô đơn, sự nghiệt ngã của người làm tình báo là thế đó...

Có lẽ cũng ít người biết những câu chuyện huyền thoại kể về ông mà phần lớn là sự thật. Nhiều cấp dưới là đồng nghiệp trẻ của ông thường lượm lặt kể cho nhau nghe tài nghệ xem chiêm tinh của ông. Nghe đâu, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người được giới chính trị cấp cao chính quyền Sài Gòn hay cậy nhờ xem về hậu vận, ở một vị trí với uy tín vỏ bọc thuận lợi như thế, những tin tức tình báo chuyển về An ninh Trung ương Cục sẽ vô cùng có giá trị.

Càng leo cao, người tình báo như ông càng cô đơn trong thực hiện nhiệm vụ, đó sẽ là điều dường như Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc muốn gửi gắm cho đồng nghiệp trẻ. Bởi có thời gian, do hoạt động đơn tuyến, ông cũng bị đặt nhiều dấu hỏi; thậm chí đến sau giải phóng miền Nam năm 1975, nhiều người trong lực lượng Công an còn chưa biết Nguyễn Đình Ngọc là ai, cả khi năm 1988, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Khoa học và Kỹ thuật và tháng 10/1994 được phong hàm Thiếu tướng.

Mãi mãi xung quanh ông là một bức màn bí mật. Nhưng có điều này thì rất nhiều người biết, Giáo sư, TSKH Nguyễn Đình Ngọc là người đặt nền móng và phát triển có hiệu quả nhất mạng thông tin tin học, viễn thông trong lực lượng CAND. Ông cũng là người thiết tha và đam mê với công tác phát triển công nghệ thông tin của nước nhà khi mà dù bận bịu với chức vụ Cục trưởng Cục Khoa học Viễn thông - Tin học thuộc Bộ Công an, ông cũng sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng khoa học Ban chỉ đạo 49/CP - Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam. Có điều rất đáng khâm phục ở nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc, dù làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay to, ông đều dốc hết tài năng và tâm trí nhằm đạt tới kết quả tối ưu.

Trong nghề tình báo Việt Nam, cũng quả là hiếm có một người như ông, 49 năm công tác, chiến đấu liên tục trong lực lượng Công an. Lúc cô đơn lặng lẽ, lúc vinh quang một mình, bền bỉ giữ vững một niềm tin và trí tuệ để phấn đấu trở thành một Giáo sư, một nhà khoa học với 2 bằng Tiến sĩ khoa học được cả giới khoa học trong và ngoài nước nể trọng. Ông đạt tới đỉnh cao của khoa học không phải để tìm kiếm vinh quang mà cốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Luôn ngời sáng trong ông bản chất cao quý của người đảng viên cộng sản, người chiến sĩ Công an nhân dân tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, liêm khiết, giản dị, trung thực, thân ái với đồng chí, đồng đội, được mọi người kính mến

Hồng Thái - Vượng Hóa

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063 km. Công trình trọng điểm quốc gia này hoàn thành không chỉ kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh....

Giá vàng thế giới đêm 25/11 đột ngột rơi thẳng đứng, khiến giá vàng trong nước sáng 26/11 cũng bị lao dốc theo, mất tới 2 triệu đồng/lượng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文