Nghị lực phi thường của nữ Trung tá Công an

14:03 13/03/2018
Phải đội tóc giả vì mắc căn bệnh hiểm nghèo, đã có lúc Trung tá Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Thọ mất niềm tin vào cuộc sống...

Nhưng chính những biến cố thăng trầm ấy của cuộc đời đã giúp chị có động lực để chiến thắng bệnh tật và hoàn thành xuất sắc công việc. Chị là tấm gương điển hình của Công an tỉnh Phú Thọ tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của tỉnh; vinh dự được Bộ Công an lựa chọn tham gia Hội nghị điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an toàn quốc năm 2015.

Không những thế, năm 2016, Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương còn được Tỉnh ủy Phú Thọ lựa chọn là cá nhân điển hình phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và được Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ trao tặng danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu giai đoạn 2012-2016. 

Trên tất cả những điều đó, thông điệp mà chị gửi đến đồng nghiệp và bạn bè là niềm đam mê công việc và là nghị lực vươn lên không biết mệt mỏi của một nữ chiến sỹ Công an. 

1. Đặt bút viết về người nữ Đội trưởng, trong đầu tôi nhớ như in buổi đầu tiên tiếp xúc với chị. Đó là một buổi chiều muộn cách đây 3 năm. Lần đó tôi đang thực hiện loạt bài về những tấm gương điển hình tiên tiến trong lực lượng CAND thì nhận được điện thoại của đồng chí Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Phú Thọ.“Đây sẽ là nhân vật để lại cho nhà báo nhiều cảm xúc khi tác nghiệp...”, lời giới thiệu của anh đã cuốn hút tôi...

Quả đúng, chị đã gây ấn tượng với tôi ngay từ giây phút đầu gặp gỡ. Nhìn cách chị làm việc, ân cần, tỉ mẩn khi hướng dẫn người dân cách khai báo thủ tục hành chính, không ai biết rằng người nữ đội trưởng ấy đang mang trong mình căn bệnh trọng. 

Câu chuyện về nghị lực, lòng đam mê và sự cống hiến hết mình của người nữ Đội trưởng ấy đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ đối với tôi mà còn lan tỏa đến những người đồng chí, đồng đội đã ngày đêm sát cánh với chị trong công việc. 

Sau này, có dịp lên công tác tại Công an tỉnh Phú Thọ, thông qua những người đồng nghiệp của chị, tôi vẫn thường thăm hỏi sức khỏe và rất vui khi biết chị đã vượt qua những ngày tháng khó khăn nhất. 

Căn bệnh đã được khống chế, sức khỏe chị dần ổn định và năm 2017, chị được đề nghị tặng giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Nhưng khi tôi đặt vấn đề viết về chị, chị lại bảo rằng có nhiều tấm gương dũng cảm nữa trong lực lượng Công an đang ngày đêm phấn đấu hy sinh...

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, từ nhỏ, những câu chuyện của cha,  là người thầy giáo thương binh về những năm tháng hào hùng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã thấm đượm trong tâm hồn Dương. 

Vì thế, vào năm 1997 cô sinh viên giỏi Toán Nguyễn Thị Thùy Dương sau khi thi đỗ cùng một lúc hai trường là Học viện An ninh và Đại học Ngoại thương Hà Nội, đã chọn theo con đường binh nghiệp. 

Sau 5 năm tốt nghiệp, chị được điều động về công tác tại Đội trinh sát, phòng chống gián điệp, Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Phú Thọ. Đối với một nam giới, công việc này vốn dĩ không dễ dàng thì với những người phụ nữ thật khó khăn, trở ngại... Bởi công việc của lính trinh sát đòi hỏi chị phải thường xuyên có mặt ở địa bàn để nắm tình hình.

Chia sẻ với chúng tôi, chị bộc bạch: Đây cũng là quãng thời gian vất vả nhất của tôi vì vừa phải lo hoàn thành công việc ở đơn vị, vừa phải chu toàn việc nhà do chồng công tác ở trại giam thường xuyên vắng nhà mà địa bàn được phân công phụ trách lại ở xa. 

Rời nhà từ lúc sớm tinh mơ, tới lúc tối nhọ mặt người chị mới trở về trong khi con còn nhỏ, chị cố gắng hoàn thành công việc trong ngày để không phải ngủ lại qua đêm ở địa bàn. Chính niềm đam mê cháy bỏng kết hợp sự  mềm mỏng, nữ tính của chị đã tác động, cảm hóa nhiều đối tượng có tư tưởng diễn biến sai lệch biết hồi tâm, chuyển ý; đồng thời thu thập được nhiều nguồn tin, chủ động tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác nắm tình hình, góp phần giữ gìn vững an ninh nông thôn tại địa bàn được phân công phụ trách.

Khi Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Phú Thọ thành lập, chị được điều động về đơn vị mới với vai trò là Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh. Với tâm nguyện “Giúp dân là giúp mình”, chị đã có nhiều sáng kiến trong công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm đến mức thấp nhất việc đi lại của người dân; góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an đất Tổ trong lòng nhân dân. 

Chị chính là người đề xuất tổ chức làm thêm giờ ngày thứ bảy để trực tiếp giải quyết hồ sơ, thủ tục cho công dân. Sau khi đề xuất được Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ phê duyệt, chị và đồng đội đã không quản vất vả, làm thêm ngày, thêm giờ để công dân không phải đi lại nhiều lần và không để tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết. 

Cùng với những người đồng đội của mình, người nữ Đội trưởng ấy đã có mặt ở hầu hết các địa bàn, giúp những người già, người bệnh hiểm nghèo làm thủ tục cấp hộ chiếu.

Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương.

2.  “Bữa nay, bố trực... hai chị em mình ở cùng với nhau nhé” – là câu nói đã trở thành thói quen của hai đứa trẻ, con Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương mỗi dịp cuối tuần, khi mẹ về Hà Nội điều trị bệnh, còn bố thì trực cơ quan không về. Mạnh mẽ là vậy nhưng nhìn cảnh hai con tự chăm sóc nhau, chị cũng thấy lòng mình trùng xuống. Rồi những năm tháng cực nhọc ấy cũng qua đi. 

Giờ bệnh tình của chị đã qua giai đoạn nguy hiểm nhưng hai tháng một lần, chị vẫn đều đặn xuống Hà Nội trị xạ để ngăn chặn mầm bệnh. Theo chỉ định của bác sỹ, ngoài việc điều trị theo phác đồ, chị còn phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo khác về ăn uống, tập luyện nhưng phần vì kinh phí, phần vì công việc nên hai tháng một lần, chị mới có điều kiện xuống Hà Nội điều trị. Hai đứa trẻ cũng vì thế mà trở nên tự giác hơn. Con gái lớn của chị năm 2016 đạt huy chương vàng cuộc thi giải toán trên mạng Internet, cấp quốc gia.

Được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ quan tâm, đơn vị tạo điều kiện, Trung tá Nguyễn Thị Thùy Dương lại như thấy mình càng phải nỗ lực hơn để không phụ lòng mong mỏi, tin cậy của mọi người. Chị chủ động xin bác sỹ sắp xếp cho mình được trị xạ vào cuối tuần, để hàng ngày vẫn đi làm như người bình thường.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tình trạng công dân xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê có diễn biến phức tạp. Đối tượng tham gia phần nhiều là người dân sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp. 

Không quản vất vả, chị cùng đồng đội lặn lội xuống địa bàn thực hiện tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức... Với sự nỗ lực của chị và Đội Quản lý xuất cảnh, trong những năm trở lại đây tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động đã có những chuyển biến tích cực. 

Không dừng lại ở đó, chị còn có những sáng kiến mới, cách làm hay, góp phần phục vụ nhân dân. Trong đó phải kể đến việc đề xuất với Ban Giám đốc đồng ý cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh kết nối mạng nội bộ với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp sử dụng hệ thống“Tra cứu tàng thư căn cước công dân điện tử” trong quá trình xét duyệt hồ sơ công dân đề nghị cấp hộ chiếu. Đây là biện pháp rất có hiệu quả trong công tác cải cách hành chính và công tác phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. 

Nhắc đến chị, một đồng đội chia sẻ: “Chúng tôi luôn thấy ở chị một ý chí sắt đá. Hàng ngày ngoài công tác chuyên môn, chị kiên trì tập luyện để nâng cao thể lực cho mình, không để gia đình, người thân lo lắng… Chính nghị lực chiến đấu với bệnh tật của chị đã truyền cảm hứng cho tất cả chúng tôi. Nhắc chúng tôi và nhất là các bạn trẻ hãy biết trân trọng cuộc sống, có niềm tin để cống hiến”.

Xuân Mai

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文