Trung tá Công an hai lần “chạm mặt” tử thần
Điện Biên là địa bàn giáp biên, ¾ địa hình là đối núi, có hệ thống đường tiểu ngạch chằng chịt. Các ông trùm mua bán, vận chuyển trái phép “cái chết trắng” – ma túy thường coi đây là địa bàn trung chuyển ma túy. Từ khu vực “Tam giác vàng” – trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, bằng mọi cách các “vòi bạch tuộc” mang ma túy vào nội địa rồi đi nước thứ 3.
“Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy ma túy. Nên công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ở địa bàn luôn diễn ra cam go và quyết liệt”, Trung tá Trần Trung Kiên mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Xác định nếu bị bắt sẽ khó tránh khỏi bản ác nghiêm khắc của pháp luật, nên các đối tượng tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy luôn tỏ ra manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí chống lại lực lượng chức năng. Bởi vậy, với các anh – những người lính trên “tuyến lửa” ma túy phía trước luôn là hiểm nguy, thậm chí cả sự đổ máu giữa thời bình.
Trung tá Trần Trung Kiên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. |
Nghe Trung tá Trần Trung Kiên kể về 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, chúng tôi thêm hiểu công việc thầm lặng mà anh cùng đồng đội đang đảm nhận. Đôi mắt nghiêm nghị, giọng trầm, Trung tá Kiên kể về những lần “chạm mặt” tử thần.
Đó là một ngày cuối tháng 4-2007, khi cơn mưa rừng không ngừng đổ xuống các chòm bản huyện Điện Biên. Tiếng chuông điện thoại phòng trực ban thúc liên hồi. Từ đâu dây bên kia, giọng người đàn ông trung tuổi bất bình: “Thanh niên xã tôi (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) đang bị đầu độc bởi ma túy cán bộ ơi!”.
Linh cảm nghề nghiệp cho thấy rất có thể nơi đây đang tồn tại một “boong ke” chuyên cung cấp ma túy khiến người dân không khỏi bức xúc, nếu không xác minh, xử lý sớm, niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật sẽ giảm sút, Trần Trung Kiên nhanh chóng báo cáo lãnh đạo Phòng về việc xây dựng kế hoạch xác minh.
Sau đó, anh cùng đồng đội “nằm vùng” gần một tháng ở Núa Ngam nhằm thu thập thông tin. Đúng như nguồn tin báo về, ở Núa Ngam đang hình thành một “boong ke” chuyên cung cấp “cái chết trắng” do đối tượng Quàng Văn Biêng (trú tại xã Núa Ngam) cầm đầu. Biêng là đối tượng có 2 tiền án và bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.
Sau nhiều tháng phục bắt Biêng bất thành, rạng sáng 21-6-2007, biết tin Biêng đang ở nhà, Kiên cùng Tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Điện Biên lập tức triển khai kế hoạch vây bắt. Với bản chất liều lĩnh, manh động, nên vừa thấy các anh ập vào, Biêng vứt bỏ những gói ma túy phân lẻ để bán và dùng dao nhọn chống trả điên cuồng các trinh sát.
Quyết không để đối tượng trốn thoát, bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến với mình, anh lao vào quật ngã, tước hung khí trên tay Biêng. Khi bị tra tay vào còng số 8 cùng lượng lớn ma túy, đối tượng liền cười sặc sụa: “Mày sẽ đi theo tao thôi. Dao tao dính máu HIV đấy…!”.
Sau đó, anh được đồng đội đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên điều trị, uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Và chuỗi ngày về sau là quãng thời gian mà anh phải chống chọi với những cơn vật vã do tác dụng phụ thuốc điều trị, chống phơi nhiễm gây ra. “Ngày đó, khi uống thuốc chống phơi nhiễm, mọi sinh hoạt của mình bị đảo lộn rất nhiều. Nhiều lúc, cơ thể cứ như là đi… mượn vậy”, Trung tá Trần Trung Kiên nhớ lại.
Ngăn chặn tội phạm ma túy nơi vùng biên Điện Biên là một cuộc chiến không khoan nhượng, một mất một còn. Những người lính đánh án ma túy như anh luôn đối diện với hiểm nguy và mất mát. Để rồi vô tâm để lại cái lo lắng, sự bồn chồn cho người thân nơi quê nhà. Cũng trong những lần vây bắt các đối tượng, anh một lần nữa lại “chạm mặt” tử thần.
Sau khi điều trị chống phơi nhiễm HIV, vẫn trên địa bàn huyện Điện Biên, khi tiến hành bắt giữ đối tượng Sùng A Tùng có hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, anh bị người nhà đối tượng cùng đồng bọn là các con nghiện nhiễm HIV dùng hung khí dính máu chống trả anh cùng Tổ công tác.
4 đối tượng manh động sau đó bị khống chế. Lúc bàn giao đối tượng cùng tang vật tới đơn vị chức năng thụ lý cũng là lúc mà anh một lần nữa phải vào cơ sở y tế, uống thuốc chống phơi nhiễm.
Khó khăn là thế, hiểm nguy là vậy, song với Trung tá Trần Trung Kiên cũng như các cán bộ, chiến sĩ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy – Công an tỉnh Điện Biên, khi còn tội phạm ma túy nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì nhiệm vụ của các anh còn ở phía trước.
Những ngày đầu năm 2018, qua công tác nghiệp vụ, anh phát hiện một đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia với số lượng đặc biệt lớn theo trục “Tam giác vàng” qua Lào rồi mang về tiêu thụ ở tỉnh Điện Biên, Lào Cai gồm nhiều đối tượng cộm cán, nên đã tham mưu lãnh đạo Phòng báo cáo Ban Giám đốc xác lập chuyên án đấu tranh. Sau một thời gian củng cố tài liệu, nắm rõ quy luật hoạt động của đường dây này, sáng 27-3-2018, tại phường Na Lay, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Tổ công tác do Trung tá Kiên làm Tổ trưởng đã tiến hành bắt giữ đối tượng Sùng A Nếnh, 28 tuổi, ở bản Nà Nếnh A, xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên).
Nếnh đảm nhận vai trò “chim mồi” đi trước dò đường, do vậy phương án chặn đầu, chặn đuôi, khóa chặt vòng vây nhanh chóng được thiếp lập. Đúng như kế hoạch vây bắt, ngay sau đó, Trung tá Kiên cùng các trinh sát phát hiện đối tượng Vừ A Nhìa (23 tuổi, trú tại bản Cồ Dề B, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) và Giàng Nhìa Cấu (29 tuổi, ở xã Văn Chan, huyện Sam Ngao, tỉnh Tak, Vương quốc Thái Lan) điều khiển xe ôtô mang BKS 29A-3782x có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Kiểm tra cốp xe ôtô phía sau, Tổ công tác phát hiện 4 bao tải đựng 135 bánh heroin có khối lượng khoảng 48kg, 500.000 viên ma túy tổng hợp (khối lượng gần 50kg) cùng nhiều tài liệu, vật chứng liên quan khác. “Sau đó, tôi đã chỉ đạo điều tra viên đấu tranh với các đối tượng và làm rõ đối tượng cầm đầu đường dây này là Vừ A Dũng (37 tuổi, trú tại xã Na Ư, huyện Điện Biên) cùng nhiều đối tượng trong đường dây”, Trung tá Trần Trung Kiên cho biết thêm.
Những kỷ niệm đánh án ma túy nơi “tuyến lửa” Tây Bắc của anh còn rất nhiều, tôi vẫn muốn được nghe thêm. Nhưng với đặc thù công việc của mình, anh lại “khất hẹn” tôi vào một dịp khác vì phải rời đơn vị đột xuất. Tôi hiểu, sự khẩn trương, bận rộn trong công việc của anh và đồng nghiệp chính là sự nỗ lực nhằm đẩy lùi “cái chết trắng”, góp yên bình cho cuộc sống người dân trên địa bàn.
Với những thành tích đạt được, Trung tá Trần Trung Kiên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2011), Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2008), hai lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2013 và 2017) cùng nhiều Bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh v.v.. |