Gặp những “người hùng” của Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2
Trong vụ cháy thảm khốc tại chung cư mini số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội làm 56 nạn nhân tử vong và 37 người bị thương, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP Hà Nội đã cứu được 13 người.
“Lúc các nạn nhân thiệt mạng lần lượt được đưa ra ngoài, tôi phải cắn chặt môi để không bật khóc… Cảm giác bất lực vì chúng tôi đã làm tất cả, đã cố hết sức nhưng vẫn còn quá nhiều người không qua khỏi…” - Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2 đau xót khi chia sẻ với chúng tôi.
Trong vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra vào đêm 12/9, tại chung cư mini trên phố Khương Hạ, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2 đã cứu được tổng số 13 người.
“Đây là vụ cháy lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội, với số lượng người thiệt mạng cũng chưa từng có. Hơn chục năm qua, tôi cùng đồng đội đã tham gia nhiều vụ chữa cháy và CNCH nhưng khi đưa các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy này ra ngoài, tôi đã rất sốc, bởi số lượng ra vào liên tục, mãi mà không thấy dừng lại. Lúc đó, tôi và đồng đội đều cảm thấy đau xót và bất lực. Bởi dù đã cứu được một số người nhưng chúng tôi cảm thấy những điều đã làm được quá nhỏ bé, không thấm được so với thiệt hại đã xảy ra”- theo dòng cảm xúc, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh chia sẻ.
Khi nhận được thông tin về vụ cháy xảy ra tại phố Khương Hạ, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh cũng như các đồng đội khác vội vã lên đường làm nhiệm vụ. Khi ấy, họ chưa thể hình dung được tính chất nghiêm trọng của vụ cháy. Cũng như các lần nhận nhiệm vụ khác, trước mọi đám cháy, họ luôn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để sẵn sàng cứu người và tài sản nhanh nhất có thể.
“Tôi và một số đồng chí trong tổ chữa cháy được giao nhiệm vụ tiếp cận phía sau chung cư mini để thực hiện việc tìm kiếm, CNCH các nạn nhân còn mắc kẹt trong tòa nhà…” - Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh cho biết.
Khi anh và đồng đội có mặt thì phát hiện trên tầng 5 của chung cư có 4 nạn nhân đang đứng ở bên ngoài kêu cứu. Lúc này, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh và đồng đội phát hiện chiếc thang dây của một gia đình ở tầng 3 sử dụng để thoát nạn nên đã dùng để trèo qua ban công tầng 4, lên tầng 5 của tòa nhà. Sau khi tiếp cận, anh lần lượt đưa 4 nạn nhân đầu tiên đến địa điểm an toàn là tầng 6 của một căn nhà ở liền kề.
Sau khi đưa nạn nhân thoát ra ngoài, anh và đồng đội tiếp tục tìm cách tiếp cận các nạn nhân ở tầng 9. “Lúc này, khói đã bao trùm cả toà nhà, không thể nhìn thấy đường. Cùng với đó, do sức nóng của vụ cháy ở dưới bốc lên, chúng tôi không thể tiếp cận tầng 9 bằng cầu thang bộ”- Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh kể lại giây phút cam go.
Ngay sau đó, theo sự chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh cùng đồng đội thống nhất phương án, tiếp cận bằng cách trèo từ phía ban công ở ngoài. Khi tiếp cận tầng 9 của tòa nhà, anh cùng đồng đội phát hiện một nạn nhân là nam giới nằm bất tỉnh trên sàn nhà, gần ban công. Nhưng lúc này, tổ công tác không thể tiếp cận được vào khu vực ban công do ô cửa đã bị khoá.
Sau đó, anh cùng đồng đội tiếp cận phía đối diện của ban công. Khi mở cửa căn phòng, họ phát hiện có 5 người vẫn còn tỉnh; trong số đó có 2 cháu nhỏ khoảng 7-10 tuổi, hai cô gái trẻ và một nam thanh niên.
“Khi nhìn thấy 5 nạn nhân còn tỉnh, tôi vỡ oà trong cảm xúc, đồng thời cũng vô cùng thương cảm với hoàn cảnh của họ. Tôi và đồng đội bình tĩnh trấn an các nạn nhân, bởi vào thời điểm đó họ đang rất hoảng loạn và liên tục cầu cứu. Trong số đó, đáng chú ý là 2 bạn nữ, dù còn tỉnh nhưng sức khoẻ khá yếu, liên tục bị ngất. Tôi và đồng đội đã phải kéo các bình dưỡng khí từ phía dưới lên để duy trì sự sống cho nạn nhân…”- Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh nhớ lại.
Vào thời điểm đó, trời mưa to, những thanh sắt hàn tạm bợ bên ngoài tòa nhà khi đó trơn, trượt rất nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác…, để kịp thời cứu người, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh và đồng đội, mỗi người buộc một bạn nhỏ trên lưng rồi đu, bám các thanh sắt trên tường trèo xuống...
Sau khi giải cứu an toàn 5 nạn nhân, họ tiếp tục đưa người nam thanh niên đang nằm bất tỉnh trên sàn nhà ra bên ngoài. Trong sự nỗ lực không ngừng, Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh cùng đồng đội đã cố gắng giành giật sự sống của người thanh niên từ tay tử thần.
“Phía ban công này bị khoá cửa nên người thanh niên không thể ra được bên ngoài. Sau khi phát hiện người thanh niên vẫn thoi thóp thở, tôi và đồng đội đã dùng kìm cộng lực phá cửa, dùng dây tạo đai, buộc dây và đưa nạn nhân xuống dưới, kịp thời đưa đi cấp cứu…” - Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh cho biết. Sau đó, lần lượt các nạn nhân khác...
Trong thời điểm đó, có những lúc đôi tay của anh mỏi nhừ, cảm thấy nếu tiếp tục leo lên, leo xuống có thể trượt tay bất cứ lúc nào. Nhưng nghĩ đến những cư dân đang mắc kẹt trong khói lửa đang giành giật sự sống từng giây, từng phút, các anh lại gồng lên, vượt qua những mệt mỏi, khó khăn...
“Có người, có người…” cho đến bây giờ, Binh nhất Nguyễn Hải Đường không quên được cảm xúc vỡ oà khi tiếp cận tầng 8 của tòa chung cư mini. Trước khi tham gia nghĩa vụ Công an vào tháng 2/2023, Binh nhất Nguyễn Hải Đường đã tìm hiểu và biết về công việc của những người lính Cảnh sát PCCC & CNCH. Trước đó, anh cùng đồng đội đã tham gia một số vụ cháy nhưng đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
“Theo phân công, tôi làm nhiệm vụ ở mặt trước của tòa nhà. Vào thời điểm đó, mặc dù các lực lượng đã tích cực làm mát, song ban đầu các tổ công tác đều không thể tiếp cận sâu vào căn nhà từ lối tầng 1 do khói quá dày. Khi ấy, các lực lượng tham gia phải liên tục thay đổi người do thiếu khí…” - Binh nhất Nguyễn Hải Đường cho biết.
Khoảng 4h ngày 13/9,Đường được phân công tìm kiếm các nạn nhân. Dò dẫm trên những bậc thang tối om, anh và đồng đội không khỏi đau lòng trước những gì được nhìn thấy. “Ám ảnh nhất là tầng 6 và tầng 7 của tòa nhà, thi thể của các nạn nhân nằm la liệt ở khắp nơi…” - Binh nhất Nguyễn Hải Đường xúc động chia sẻ.
Khi đến căn nhà cuối cùng, anh và đồng đội vỡ òa khi nghe thấy tiếng người gọi ở bên trong. “Có người, có người”, sau tiếng hô, Đường cùng đồng đội vội lao đến mở cửa. Tại khu vực nhà vệ sinh của căn phòng, một cặp vợ chồng cùng cậu con trai nhỏ đang ngồi run sợ ở bên trong, gương mặt lấm lem. Ngay lúc đó, anh cùng đồng đội đã tiến hành dấp nước vào chiếc khăn rồi hướng dẫn người chồng bế cậu con trai ra bên ngoài. Sau nhiều giờ đối mặt với giặc lửa, đã thấm mệt, đôi chân của Binh nhất Nguyễn Hải Đường như muốn quỵ xuống nhưng anh và đồng đội vẫn cố gắng cõng người phụ nữ đưa xuống tầng 1...
Trong vụ cháy kinh hoàng này, cùng với đồng đội, Thượng úy Nguyễn Quốc Cường đã tham gia hỗ trợ đưa nhiều người từ tầng thượng của căn nhà 6 tầng liền kề xuống dưới đất. Cho đến bây giờ, anh vẫn không quên được cảm xúc khi nghe được câu nói thốt lên từ một cậu bé: “Cháu cám ơn các chú Công an PCCC”.
Trong đám cháy, Cường có nhiệm vụ hỗ trợ Thượng úy Phạm Trương Tuấn Anh trong việc thực hiện việc cứu nạn. Tuấn Anh di chuyển đến đâu, anh cầm lăng để làm mát cho đồng đội leo lên đến đó. Khi các nạn nhân được đưa xuống đến tầng thượng của nhà 6 tầng đối diện, Thượng úy Nguyễn Quốc Cường lại lần lượt cõng các nạn nhân từ đó di chuyển xuống tầng 1 an toàn.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Phạm Thanh Tâm, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực số 2 cho biết: Đội làm nhiệm vụ chữa cháy ở 5 quận và huyện gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng và Hoài Đức. Không chỉ làm nhiệm vụ CNCH trong đám cháy mà còn CNCH trong nhiều trường hợp khác nữa như đuối nước, tai nạn giao thông, mắc kẹt hố sâu…
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, họ phải đối mặt với không ít các nguy hiểm, đi kèm các vụ cháy, nổ là lửa, khói và khí độc, ảnh hưởng của sức nóng và nguy cơ sập đổ, khấu kiện bị tác động bởi lửa nên sức bền không chịu được nữa, dễ bị sập đổ... Nhưng dù trong bất cứ tình huống nào, họ vẫn cống hiến hết mình để giành giật thêm sự sống cho các nạn nhân.