Gặp Trung tá hình sự 67 lần hiến máu cứu người

08:08 05/09/2022

24 năm hiến máu cứu người, Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy, Công an thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh không đặt chỉ tiêu cho mình phải hiến máu 70 hay 80 lần, mà anh sẽ hiến máu đến khi nào sức khoẻ không đảm bảo nữa mới thôi.

Người cán bộ Công an chân thành, giản dị đó đã 67 lần hiến máu cứu người, dù bận rộn ở cương vị công tác mới, nhưng nhiệt huyết hiến máu cứu người trong anh không khi nào vơi cạn, luôn sẵn sàng kể cả đêm hôm, nhận được điện thoại cần hiến máu gấp anh cũng sẵn sàng.

Trung tá Nguyễn Văn Lâm tại lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc vào cuối tháng 8/2022.

Tôi gặp Trung tá Nguyễn Văn Lâm khi anh ra Hà Nội dự lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 (anh là 1 trong 2 đồng chí được Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện Bộ Công an cử tham dự). Đây là lần thứ 2 anh nhận được vinh dự này, lần thứ nhất vào năm 2012. Khi tôi biết anh là Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế và ma túy mà vẫn nhiệt huyết hiến máu thì thấy khá bất ngờ. Ở tuổi của anh, lại thêm công việc bận rộn của một người chỉ huy cấp đội, phụ trách lĩnh vực kinh tế, môi trường mà vẫn dành lòng nhiệt huyết cho phong trào hiến máu, vẫn luôn đau đáu với những số phận khó khăn, những ca cấp cứu bệnh nhân TNGT hoặc người bệnh hiểm nghèo, sẵn sàng nửa đêm chạy tới bệnh viện hiến máu, tôi thật sự xúc động. Anh Lâm nói rằng, 24 năm qua, anh chưa từng tạm dừng hiến máu cứu người, dù bây giờ bận rộn, nhưng anh vẫn hiến máu đều đặn.

Nhiệt huyết ấy, tấm lòng nhân văn cao cả ấy bắt nguồn từ năm 1998, khi đó chàng trai trẻ Nguyễn Văn Lâm mới là chiến sĩ nghĩa vụ ở Cơ sở giáo dục Bến Giá (Cục V26 đóng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, sau này là Trại giam Trà Vinh). Thời điểm đó anh Lâm đang đi học ở Học viện Thanh thiếu niên miền Nam (TP Hồ Chí Minh), tình cờ chứng kiến một cháu bé ở An Giang bị ung thư máu phải lên TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Cha của cháu bé ngày ngày làm thuê nhưng cũng không cáng đáng đủ tiền thuốc thang. Người mẹ ở bệnh viện trông con nên kinh tế càng kiệt quệ. “Nhìn mái đầu không còn tóc do truyền hoá chất, cháu bé yếu ớt nằm trong lòng mẹ, tôi thương lắm. Biết cháu cần một lượng máu lớn, tôi xin bệnh viện xét nghiệm nhóm máu, rất may đã phù hợp và truyền máu cho cháu”, anh Lâm chia sẻ.

Từ đó trở đi, anh Lâm bắt đầu gắn bó với hiến máu tình nguyện. Khi anh làm Bí thư Đoàn Cơ sở Giáo dục Bến Giá, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh không chỉ là người đi đầu mà còn vận động được rất nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia hiến máu. Có lần anh đã kêu gọi, vận động được 18 người. Sau đó, phong trào lan toả rộng, số người tham gia tăng lên. Người ủng hộ cho việc làm ý nghĩa này là Đại tá Lê Sơn Điền, Giám đốc Cơ sở Giáo dục Bến Giá. Định kỳ hàng năm, Cơ sở đều tổ chức từ 2-3 đợt hiến máu, thậm chí có năm anh Lâm hiến máu tới 4 lần.

Với vai trò là Bí thư Đoàn cơ sở, anh Lâm đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh thành lập “Ngân hàng máu sống” và anh làm Chủ nhiệm CLB này trong 8 năm, bất cứ khi nào bệnh viện cần máu, nhóm máu gì, chỉ cần gọi điện thông báo, anh sẽ huy động lực lượng tiếp ứng ngay. “Có lần trong ca trực, lúc đó hơn 21h, nhận được điện thoại của BS Nguyễn Thị Anh Đào, Phó trưởng Khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh gọi có bệnh nhân bị TNGT nghiêm trọng cần truyền một lượng máu lớn, tôi báo cáo Thủ trưởng đơn vị và được cho ngay một chuyến xe chở tôi cùng 2 đồng chí nữa đến tiếp máu. Nhờ có máu và sự cứu chữa của các bác sĩ, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch”, anh Lâm kể lại. 

16 năm công tác tại Cơ sở Giáo dục Bến Giá, anh Lâm đã có một gia tài với hơn 40 lần hiến máu. Tôn vinh những cống hiến của anh, năm 2012, anh là 1 trong 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Lần đó ra Hà Nội dự lễ tôn vinh, anh Lâm đã hiến 450ml máu (người bình thường chỉ hiến 350ml).

Năm 2014, anh Lâm được điều động về Tổng cục 8, sau đó về Công an tỉnh Trà Vinh. Cuối năm 2021, anh được phân công về Công an thị xã Duyên Hải. Trong suốt những năm đó, mặc dù công việc nghiệp vụ vất vả, bận rộn, nhưng anh chưa từng gián đoán hiến máu. Ngoài Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh anh còn hiến máu tại Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang…

Phụ trách lĩnh vực kinh tế, môi trường, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đặc biệt là giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, thường xuyên tham gia cùng các ngành đấu tranh về lĩnh vực vi phạm môi trường, an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thị xã Duyên Hải, tình hình ANTT, kinh tế, môi trường ổn định, không phát sinh điểm nóng, không xảy ra vấn đề phức tạp, làm ảnh hưởng đến TTATXH.

Anh Lâm có một người vợ luôn thấu hiểu, ủng hộ anh hiến máu và làm công việc nhân đạo. Con gái anh 21 tuổi, đang là sinh viên Trường Đại học Kiểm sát (Hà Nội) cũng 3 lần hiến máu. “Bận rộn công tác, thời gian ở ngoài nhiều hơn ở gia đình, không có điều kiện bồi bổ sức khoẻ như trước đây, nhưng so với nhiều người khác, sức khoẻ mình còn tốt hơn, nên tôi muốn đóng góp máu của mình truyền cho người bệnh. Người bệnh khi họ biết đã được 1 cán bộ Công an hiến máu, ngoài giúp cứu sống tính mạng, còn mang ý nghĩa nhân văn và lan toả rất lớn, đặc biệt trong công tác vận động quần chúng, qua đó lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an trong lòng nhân dân”, anh Lâm tâm sự.

Với những đóng góp xuất sắc cho phong trào hiến máu nhân đạo, Trung tá Nguyễn Văn Lâm được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; 4 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, 8 lần Trung ương Đoàn tặng Bằng khen… Ngoài ra, anh còn 2 lần được Đảng uỷ Công an Trung ương tặng Bằng khen về thành tích xây dựng Đảng.

Trần Hằng

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文