Người thầy thuốc CAND cứu nhiều ca bệnh hiểm nghèo
17 năm gắn bó với nghề y, tham gia ghép thận từ ca đầu tiên, chứng kiến biết bao người bệnh cận kề cái chết rồi được cứu sống, ThS.BS Mai Tiến Dũng, Phó trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an luôn không ngừng học tập để triển khai những kỹ thuật mới nhất, tiên tiến nhất cứu chữa người bệnh. Đến nay, BS Dũng đã tham gia 30 ca ghép thận, cứu được nhiều người bệnh thoát khỏi tử thần, được vinh danh “Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu”. Ngoài tận tâm với nghề, hết lòng vì người bệnh, anh còn cùng các cộng sự làm chủ được những kỹ thuật mới nhất, xây dựng Khoa Ngoại Tiết niệu ngày càng phát triển.
Hạnh phúc sau mỗi ca mổ
Tới Bệnh viện 19-8 vào một ngày giữa tháng 2, BS Dũng dẫn tôi đi thăm phòng bệnh, có bệnh nhân nhìn thấy anh, dù vừa trải qua ca phẫu thuật chưa lâu, song vẫn cố gắng nắm tay bác sĩ để nói lời cảm ơn. Qua câu chuyện của anh với họ, chúng tôi nhận thấy, ngoài chuyên môn giỏi, anh còn là bác sĩ tận tâm và gần gũi với người bệnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân còn rất tín nhiệm BS Dũng. Điển hình là bệnh nhân Bùi Đăng T. (SN 1962, ở Đắk Lắk), vừa thấy anh là bật dậy bắt tay, nở nụ cười mãn nguyện nói: “Bệnh của tôi tốt lên rất nhiều rồi!”.
Nhiều năm trước, ông T mắc chứng bệnh khó nói – viêm tiết niệu. Ông đã điều trị ở nhiều bệnh viện lớn từ trong Nam, ngoài Bắc nhưng không hết triệu chứng, lúc nào cũng có cảm giác “tiểu buốt, tiểu rắt” khiến ông ngày càng chán nản, bi quan. Trong một lần ông ra Bệnh viện 19-8 điều trị, sau 2 tuần thấy hết các triệu chứng, ông rất vui mừng. 4 năm nay, thỉnh thoảng ông lại xuất hiện bệnh “khó nói”, tiếp tục đi các bệnh viện lớn điều trị, nhưng vẫn không đỡ. Cuối cùng ông quay lại Bệnh viện 19-8. “Ăn Tết xong chồng tôi xách vali ra gặp BS Dũng ngay. Ông ấy nói chỉ ra đây mới tin tưởng, chỉ BS Dũng điều trị mới yên tâm”, vợ ông T vui vẻ nói.
Ông T được chẩn đoán mắc bệnh bàng quang tăng hoạt, là một bệnh điều trị tương đối khó. Bệnh này gây ra rối loạn tâm thần nhẹ do bệnh nhân lúc nào cũng lo lắng, bi quan. Phác đồ đầu tiên mà BS Dũng điều trị cho người bệnh chính là điều trị tâm lý và hành vi. “Điều tôi thấy vui là bệnh nhân tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ - đây là khâu quan trọng nhất và tiên quyết nhất để quá trình điều trị thành công. Sau khi tâm lý bệnh nhân được ổn định và thoải mái, việc sử dụng thuốc đã rất hiệu quả. Chỉ một thời gian ngắn, triệu chứng của người bệnh đã đỡ 60%. Hiện tại bệnh nhân đã khỏi hẳn, các xét nghiệm chỉ số trở về bình thường, bệnh nhân rất vui mừng”, BS Dũng chia sẻ.
Kể cho tôi nghe về những bệnh nhân đã được anh phẫu thuật, sau này vẫn nhớ tới BS, thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi thăm, anh nói: “Đó là hạnh phúc nho nhỏ sau mỗi ca mổ cân não thành công”. Anh còn nhớ, ngày bệnh nhân N.M.N (SN 1969, Hưng Yên) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau đớn vùng thắt lưng do tai nạn lao động, được chẩn đoán thận bị vỡ trên nền sỏi niệu quản (trước đó anh N không biết mình có sỏi niệu quản), ứ nước thận độ 4. Bệnh nhân được đưa ngay lên phòng mổ cấp cứu.
“Đây là ca phẫu thuật khó vì trên nền bệnh lý vỡ thận do chấn thương, thận giãn độ 4, chúng tôi phải cân não giữa cắt hay để lại thận. Thường khi thận giãn độ 4 phải bỏ đi, nhưng nếu bảo tồn được thì không gì tốt hơn cho người bệnh. Trong quá trình mổ thấy nhu mô thận còn hy vọng, kíp phẫu thuật đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định khâu bảo tồn thận và lấy sỏi. Rất may mắn, bệnh nhân hồi phục tốt và được xuất viện. Ba tháng sau kiểm tra lại, tôi thấy thận của bệnh nhân co hồi tốt”, BS Dũng kể lại.
Ước mơ chinh phục kỹ thuật cao, mang lại niềm tin cho người bệnh
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2006, BS Mai Tiến Dũng về công tác tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện 19-8. Trong 5 năm công tác tại đây, anh có may mắn được bệnh viện cử đi học tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân và Học viện Quân y (chủ yếu về ghép thận); được tham gia học tập “cầm tay chỉ việc” từ các bậc tiền bối của Khoa Ngoại tổng hợp đã cho anh rất nhiều kiến thức. Kết thúc học tập trở về, anh đã thực hiện những ca nội soi cắt ruột thừa, cắt túi mật đầu tiên ở Bệnh viện 19-8. Sau đó, anh triển khai các kỹ thuật khác như khâu lỗ thủng dạ dày, cắt thận, nội soi tán sỏi, nội soi cắt tiền liệt tuyến, nội soi lấy sỏi sau phúc mạc…
Điều đặc biệt nhất trong thời gian này, đó là vào năm 2008, Bệnh viện 19-8 có chủ trương thành lập ekíp ghép thận, anh là 1 trong 4 bác sĩ ngoại khoa được cử đi học tại Bệnh viện 103, tại Singapore, Đài Loan và Bỉ. Sau 1 năm học tập trở về, anh cùng các bác sĩ đã tham gia vào ca ghép thận đầu tiên của Bệnh viện 19-8. Năm 2009, Bệnh viện 19-8 ghi dấu mốc vào bản đồ ghép tạng của Việt Nam khi ca ghép thận cho nam bệnh nhân hơn 40 tuổi ở Thái Nguyên thành công. Sau 3 ca ghép thận nhờ sự hỗ trợ của Bệnh viện 103, bắt đầu từ ca thứ 4, các bác sĩ của Bệnh viện 19-8 tự chủ hoàn toàn và ghép thận đã trở thành thường quy ở bệnh viện.
Đến nay, Bệnh viện 19-8 đã thực hiện được 30 ca ghép thận và cả 30 ca này đều có sự tham gia đóng góp công sức của BS Dũng. Anh là trưởng kíp rửa thận, có những ca anh tham gia cả 3 khâu: Lấy thận, rửa thận, ghép thận. Rửa thận là một trong những khâu quan trọng vì liên quan đến chống thải ghép và hồi phục thận sau này.
“Yêu cầu phải rửa thận sạch, máu của bệnh nhân cũ phải bỏ đi hoàn toàn, chỉ cần còn sót lại một chút xíu thì sau ghép, thận yếu dần và cả ca ghép coi như bỏ đi. Trong quá trình rửa, nếu phát hiện mạch và niệu quản có bất thường phải xử lý ngay”, BS Dũng cho biết. Chia sẻ với tôi, anh cho biết, cả 30 ca ghép thận ở Bệnh viện 19-8 đều thành công, đến nay các bệnh nhân đều khoẻ mạnh.
“Ngoài ghép thận cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CAND, bệnh viện hiện nay đã mở rộng ghép cho bệnh nhân có BHYT. Bệnh nhân suy thận phải chạy thận đang quá tải, nhu cầu ghép thận tại bệnh viện rất cao, nguồn tạng hiến chủ yếu từ người cho sống và là người thân để bảo đảm về vấn đề pháp lý”, BS Dũng cho biết thêm.
Là bác sĩ ngoại khoa có chuyên môn cao về thận, tiết niệu, BS Dũng không nhớ hết mình đã “sửa chữa” biết bao quả thận bị tổn thương cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân suy thận. Mỗi ca bệnh được cứu sống, BS càng thấy gắn bó với nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người.
Chia sẻ về BS Dũng, lãnh đạo Bệnh viện 19-8 đánh giá cao những đóng góp của anh cho sự phát triển của Khoa Ngoại tiết niệu. Năm 2013, Bệnh viện 19-8 thành lập Khoa Ngoại Tiết niệu, BS Dũng khi đó đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên về tiết niệu và anh là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng và phát triển khoa như ngày nay. Anh kể, những ngày đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng bệnh nhân rất ít. Nhưng chỉ trong vòng nửa năm, được sự quan tâm của Ban giám đốc Bệnh viện, trang bị những thiết bị hiện đại và tổ chức nhiều đợt cho các bác sĩ đi học ở các bệnh viện lớn trong nước, Khoa đã phát triển một số kỹ thuật bắt kịp được với thế giới.
“Đến nay chúng tôi hoàn toàn tự tin phẫu thuật tiết niệu không thua kém những cơ sở lớn ở trong và ngoài nước. Khoa đã triển khai được những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất như: Nội soi tán sỏi thận qua da, nội soi tán sỏi thận ống mềm, bốc hơi tiền liệt tuyến bằng laze, thắt tĩnh mạch vi phẫu trong điều trị vô sinh, nút mạch tiền liệt tuyến…, tạo được uy tín và niềm tin, thu hút ngày càng đông bệnh nhân”, BS Dũng vui mừng cho biết.
BS Dũng rất tự hào vì đã được học kỹ thuật mới, không chỉ thực hiện thường quy tại bệnh viện, mà còn hỗ trợ cho tuyến dưới, trên cơ sở phát triển toàn diện hệ thống y tế CAND. Đến nay, Bệnh viện 19-8 đã hỗ trợ Bệnh viện 199 và Bệnh viện Công an Tuyên Quang kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể.
Với những cống hiến cho nghề y, năm 2018, ThS.BS Mai Tiến Dũng được tôn vinh “Thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu”; hai lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kỹ thuật ghép thận thành công. Như anh chia sẻ, dự định thời gian tới Khoa Ngoại Tiết niệu sẽ phát triển thêm kỹ thuật tạo hình tiết niệu qua nội soi có hỗ trợ robot, sàn chậu nữ, nam khoa - đặc biệt trong hỗ trợ vô sinh nam, nâng cao chất lượng điều trị, đổi mới phục vụ người bệnh theo hướng chuyên nghiệp.