Giữ vững an ninh, góp phần phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Phát triển du lịch “sạch”, bền vững trên nền tảng an ninh, an toàn (bài cuối)

07:12 03/01/2024

Lời Toà soạn: Thời gian qua, các Nghị quyết của tỉnh Lai Châu đều xác định du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của địa phương. Định hướng này hoàn toàn phù hợp khi dư địa phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang xoay quanh 3 trục chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch.

Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024), đồng chí Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu đã trả lời phỏng vấn Báo CAND, đánh giá những nét nổi bật về phát triển kinh tế, xã hội tại (KTXH) địa phương; vai trò nòng cốt của Công an tỉnh Lai Châu trong bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), an ninh du lịch, tạo môi trường ổn định, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của tỉnh. Báo CAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (người ngoài cùng bên trái) nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo dự kiến phương án nâng cấp hạ tầng giao thông tại xã Hồ Thầu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và thu hút du lịch tại Lai Châu. 

PV: Năm 2023, bức tranh kinh tế Lai Châu có nhiều khởi sắc, đồng chí có thể chia sẻ thông tin về những kết quả phát triển kinh tế- xã hội nổi bật của tỉnh?

Đồng chí Tống Thanh Hải: Năm 2023, UBND tỉnh Lai Châu, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực cố gắng, khắc phục khó khăn trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng và đi vào chiều sâu; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết... Các chỉ tiêu KTXH năm 2023 cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Nổi bật là, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp được quan tâm chỉ đạo; quyết liệt thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, nhất là trồng rừng, trồng chè, cây ăn quả, dược liệu; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225 nghìn tấn, bằng 100% kế hoạch; trồng chè mới vượt 1,2% kế hoạch, trồng cây ăn quả vượt 214,8% kế hoạch, trồng rừng mới vượt 10,9% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 52,3%, đạt kế hoạch đề ra. Tỉnh tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; trong năm có 13 dự án thủy điện hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy 205,4 MW; Nhà máy chế biến mủ cao su đã đi vào hoạt động sản xuất, bắt đầu có sản phẩm chế biến thô về mủ cao su. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 6.267,8 tỷ đồng, bằng 81,8% kế hoạch.

Công tác quản lý đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng KTXH. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; du lịch có bước phát triển mạnh mẽ. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.086 tỷ đồng, vượt 1,7% so với dự toán Trung ương giao, bằng 85% dự toán HĐND tỉnh giao. Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục, y tế, được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 3,9%, vượt 0,3 điểm % so với kế hoạch, cao hơn 0,2 điểm % so với năm 2022. Bên cạnh đó, Tỉnh chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, số dự án thu hút trong năm tăng so với cùng kỳ năm trước…

Những kết quả nổi bật nêu trên cũng là minh chứng cho sự phát triển bền bỉ của tỉnh qua 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004-1/1/2024); góp phần cùng cả nước phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch COVID -19; ghi dấu ấn trong chặng đường 20 năm chia tách, thành lập, xây dựng và phát triển của tỉnh.

Công an xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ứng dụng chuyển đổi số vào công tác, góp phần đảm bảo an ninh du lịch.

PV: Trong sự phát triển chung của địa phương có đóng góp không nhỏ của ngành du lịch. Đồng chí cho biết, hiện nay, tỉnh đang có những mô hình du lịch nào hoạt động hiệu quả nào?

Đồng chí Tống Thanh Hải:  Năm 2023, thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển; du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, tổng lượt khách du lịch, doanh thu tăng cao, tổng lượt khách vượt 27,4% kế hoạch, doanh thu du lịch vượt 24,3% so với kế hoạch đề ra. Có được kết quả đó là do Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ trong và ngoài nước; đã tăng cường hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch sẵn có; tập trung nguồn lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch địa phương để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV (nhiệm kỳ 2020- 2025) đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 về Bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy); HĐND tỉnh Ban hành Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch (Nghị quyết 59 của UBND)...

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các chính sách nêu trên, hiện nay, Tỉnh đang tập trung định hướng hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch mà Lai Châu có thế mạnh đó là: Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên núi và dưới lòng hồ; du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm và du lịch gắn với nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình, sản phẩm du lịch của Lai Châu hiện nay đang hoạt động hiệu quả có thể kể đến như: Khu du lịch Cầu kính Rồng mây, Khu du lịch đỉnh đèo Ô Quý Hồ và đặc biệt là các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới như: Bản Thẳm, Bản Lao Chải của huyện Tam Đường; Bản San Thàng của TP. Lai Châu; Bản Vàng Pheo, Bản Sì Thâu Chải trải nghiệm giá trị thiên nhiên, văn hoá dân tộc Dao và sản phẩm dù lượn để ngắm toàn cảnh thung lũng Bình Lư và thị trấn Tam Đường; Bản Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ (trong đó, Bản Sin Suối Hồ đã được công nhận bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam, sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh năm 2019 và năm 2023 đã được tổ chức Du lịch ASEAN công nhận là Bản du lịch cộng đồng tiêu biểu của ASEAN).

Ngoài ra, còn có thêm sản phẩm chợ phiên vùng cao: Chợ phiên/chợ đêm San Thàng (TP Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên bản Nậm Pắt, chợ đêm Ta Gia (huyện Than Uyên) với điểm nhấn là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao và sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục đỉnh cao: đỉnh Pusilung (cao 3.083m); đỉnh Putaleng (cao 3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m); du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Bản Chát, Huổi Quảng, Vịnh Pá Khôm, Vịnh Ta Gia (Than Uyên)…

PV Báo CAND trò chuyện với người dân bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu về mô hình du lịch cộng đồng.

PV: Thưa đồng chí, để Lai Châu là điểm đến thân thiện, an toàn, thu hút mạnh mẽ đầu tư và khách du lịch có đóng góp của Công an tỉnh Lai Châu trong công tác đảm bảo ANTT tại cơ sở, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đảm bảo an ninh du lịch như thế nào?

Đồng chí Tống Thanh Hải: Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài nước tham gia. Tỉnh đã và đang phát triển du lịch theo hướng du lịch “sạch”, bền vững trên nền tảng văn hoá và bình yên về ANTT. Tỉnh đánh giá cao vai trò quan trọng, nòng cốt của lực lượng Công an tỉnh Lai Châu cùng với các lực lượng Quân đội đóng quân trên địa bàn và các đơn vị liên quan đã bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH, tạo môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, đối ngoại của địa phương, trong đó có bảo đảm an ninh du lịch.

Có thể khẳng định rằng, năm 2023, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và của Tỉnh về công tác bảo đảm ANTT, Đảng ủy Công an, Ban Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng Công an tỉnh tổ chức thực hiện toàn diện các mặt công tác Công an với quyết tâm cao nhất. Tổng kết phong trào thi đua “ Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023, Công an tỉnh vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Trong những thành tích, chiến công đó không thể không nhắc tới vai trò của Công an tỉnh Lai Châu trong đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch.

Cụ thể, Công an tỉnh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác, cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về âm mưu, phương thức, thủ đoan chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch gắn với phương thức phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn như tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, truyền thông, mạng Internet, facebook, zalo; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền lồng ghép với các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố…

Các lực lượng đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh, chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp về ANTT các khu, điểm du lịch, bảo đảm an toàn cho 100% các sự kiện, lễ hội du lịch, các hoạt động xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực du lịch; phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác bảo đảm ANQG, TTATXH trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.

Công an tỉnh hiện đang duy trì hoạt động 3 loại mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ: “Bản du lịch sinh thái an toàn về ANTT” tại điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; “Điểm du lịch sinh thái phát triển kinh tế bảo đảm ANTT” tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn; “Khu du lịch Cầu kính Rồng mây tự quản, bảo đảm ANTT” huyện Tam Đường và đã nhân rộng ra 5 mô hình tại các điểm du lịch khác nhau…

Công an xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu chia sẻ với PV Báo CAND về nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên địa bàn, góp phần phát triển du lịch.

PV: Để gắn việc giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa với phát triển du lịch hiện đại, thời gian tới, tỉnh đề ra phương hướng gì để phát triển du lịch một cách nhanh, hiệu quả nhưng vẫn mang tính bền vững, thưa đồng chí?

Đồng chí Tống Thanh Hải: Cùng với triển khai quyết liệt các mặt công tác trọng tâm của tỉnh trong năm 2024 và những năm tiếp theo, để đảm bảo phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 04; HĐND tỉnh Ban hành Nghị quyết số 59 như đã nêu ở trên. Theo đó, Tỉnh xác định giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh là nguồn lực cho phát triển KTXH, nhất là phát triển du lịch. Lấy bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp là cốt lõi để xây dựng môi trường môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn có khả năng cạnh tranh cao.

Đặc biệt là, phát triển du lịch cộng đồng theo quan điểm lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể thực hiện và là người được thụ hưởng các chính sách về phát triển du lịch cộng đồng. Văn hoá là nguồn lực để phát triển du lịch và thông qua du lịch tôn vinh, lan toả, quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá các dân tộc đến du khách trong nước và quốc tế…

Để ngành du lịch của tỉnh có những bước phát triển hơn nữa trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước, tạo thế và lực mới để Lai Châu tiếp tục vững bước đi lên.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Anh Hiếu- Ngô Khiêm (thực hiện)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文