Bộ sậu Trump phát hoảng vì cách hành xử của ông
- Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: Đảo lộn và hoài nghi
- Thách thức pháp lý từ sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Donald Trump
Điều trớ trêu là, tướng Flynn tuy có bề dày kinh nghiệm lâu năm về phản gián, nhưng về kinh tế, nhất là kinh tế vĩ mô, thì ông mù tịt. Flynn đã bảo Trump rằng ông không nắm rõ lắm về lĩnh vực này, rằng đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của ông, và gợi ý ông Trump nên tham vấn một chuyên gia về kinh tế thì hay hơn. Trump không mảy may quan tâm câu trả lời của tướng Flynn.
Đối với những người Mỹ kỳ vọng vào năng lực và sự giàu có của ông Trump để trở thành một Tổng thống Mỹ mang đến hình tượng mới cho nước Mỹ thì những gì ông thể hiện trong hơn 2 tuần lễ đầu nhậm chức quả là “thảm họa”. Ông đã thể hiện hình ảnh của một Tổng giám đốc doanh nghiệp nóng tính, đôi khi chú tâm vào những việc vặt vãnh, bận tâm đến việc được người khác tán tụng hơn là thể hiện cụ thể các chính sách điều hành của riêng mình. Và khi mọi việc không đi theo ý mình muốn thì lập tức đổ lỗi cho người khác.
Những việc nhỏ nhặt có thể khiến ông Trump rất vui nhưng đồng thời cũng có thể tạo nên cơn giận căng thẳng. Chẳng hạn, tờ New York Times viết rằng Trump thấy thích thú với hệ thống điện thoại trong Nhà Trắng, nhưng đồng thời ông cũng than phiền về các khăn lau tay trên chuyên cơ Air Force One vì chúng không đủ mềm mại.
Ông đặc biệt bị ám ảnh bởi cách thức các trợ lý của mình thể hiện trên các kênh truyền hình cáp. Các tổng thống tiền nhiệm thường không bận tâm theo dõi thư ký báo chí trả lời báo chí hằng ngày trên truyền hình, nhưng với Trump thì đó là một trong những việc cần làm thường ngày. Chẳng hạn như chương trình truyền hình trực tiếp “Saturday Night Lives” phát hằng tuần là một trong những mục “phải xem” trong lịch làm việc của ông.
Tổng thống Donald Trump. |
Eliot Cohen, thành viên Hội đồng An ninh quốc gia, đã phải thốt lên: “Tôi đã làm việc ở đây (Washington DC) 26 năm rồi. Tôi chưa từng thấy kiểu này bao giờ. Tôi không nghĩ đây là một tổng thống có tâm thần ổn định”. Đơn cử việc xem các báo cáo tóm tắt hằng ngày. Một trợ lý trong Nhà Trắng cho biết vị tổng tư lệnh nước Mỹ không thích đọc các bản báo cáo dài, mà bắt buộc tất cả đều không quá 1 trang A4. Báo cáo phải được trình bày theo kiểu gạch đầu dòng từng mục, nhưng không được quá 9 gạch đầu dòng mỗi trang.
Cách hành xử của ông Trump đã tạo môi trường thuận lợi cho những thông tin rò rỉ từ trong các cơ quan điều hành của ông, thậm chí ngay từ bên trong Nhà Trắng. Thông thường, rò rỉ thông tin xuất phát từ việc các nhân viên trong cùng cơ quan “phá” nhau để tranh giành địa vị hoặc muốn “dìm” những ý tưởng chính sách mà họ cho là có vấn đề.
Chính quyền của ông Trump mới qua 2 tuần đã xuất hiện một kiểu rò rỉ khác: Rò rỉ thông tin từ bộ sậu bên trong Nhà Trắng và các quan chức cố vấn - những người đang phát hoảng vì cách hành xử của ông. Thông tin về những cư xử của cá nhân ông Trump với với những người thuộc cấp trong chính quyền đã được tiết lộ cho tờ báo Huffington Post bởi những cá nhân làm việc ở các bộ phận bên trong Nhà Trắng.
Một số thông tin rò rỉ là biểu hiện của sự phản đối các chính sách của ông Trump, như cấm đi lại đối với tất cả những người đến từ các quốc gia Hồi giáo, một số khác có động cơ từ suy nghĩ rằng tất cả những lời nói, hành vi và những câu viết trên mạng xã hội Twitter thật sự là một mối đe dọa.
Khi ông Trump viết trên Twitter về công nghệ tên lửa của Triều Tiên khoảng 3 tuần trước khi ông lên nhậm chức, ông đã khiến cho bộ sậu an ninh quốc gia của Tổng thống Barack Obama hốt hoảng, nhốn nháo vì lo ngại rằng lời Twitter của ông Trump có thể kích động nhà lãnh đạo trẻ tuổi ở Triều Tiên.
Những thông tin rò rỉ đó đã cho công chúng thấy một chính quyền Mỹ hung hăng, dữ dằn. Chẳng hạn, hãng tin AP đã đưa tin chi tiết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto hôm 27-1, trong đó ông Trump đã buột miệng nói rằng Mexico có nhiều “kẻ vô dụng” và rằng ông có lẽ cần đưa quân đội Mỹ sang để giúp Mexico kiểm soát tình hình. Ngay sau đó, Nhà Trắng đã phải cải chính rằng: “Tổng thống đã nói đùa”.
Tiếp theo, ngày 28-1, tờ báo Washington Post đưa tin chi tiết cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, trong đó ông Trump đã giận dữ bác bỏ một thỏa thuận cho người tị nạn bị Australia bắt giữ được tái định cư ở Mỹ.
Tướng Mike Flynn - Cố vấn An ninh Quốc gia - lại phải cố vấn cho ông Trump về tiền tệ. |
Trong khi đó, tờ New York Times lại còn tô vẽ ông chủ Nhà Trắng như một “ông già lẩn thẩn”, ban đêm hay vận khăn tắm đi lang thang một mình trong Nhà Trắng, xem truyền hình cáp quá nhiều và hay trút giận qua những dòng Twitter cay độc.
Tất nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ hầu hết những thông tin báo chí đã nêu về cách cư xử thất thường của ông Trump. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những thông tin rò rỉ từ trong nội bộ Nhà Trắng của ông Trump là chuyện bình thường, và trong lịch sử nước Mỹ, các tổng thống mới nhậm chức thường hay kêu về chuyện rò rỉ thông tin.
Ngay cả ý kiến cho rằng ông Trump hiện tại không phù hợp với chức Tổng thống Mỹ cũng không phải chuyện mới mà đã được nói đến trong chiến dịch tranh cử. Trump vốn đã mang khẩu hiệu “chống lề thói truyền thống”, chủ trương hay đổi mọi nếp cũ đã làm trì trệ nước Mỹ, làm nước Mỹ bị yếu thế trước các đối thủ đang ngày càng hùng mạnh.
Và khi nhậm chức, ông giương cao ngọn cờ “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, theo cách mà ông nghĩ là đúng, là tốt nhất. Vì vậy, nếu ông có một vài cử chỉ, lời nói, hành vi hơi bất thường một chút thì có gì nghiêm trọng lắm đâu? Chẳng qua chỉ là “báo chí độc mồm độc miệng” - như chính Trump đã nói nhiều lần cả trước và sau bầu cử.