Chủ tịch ECB Mario Draghi: Ôm nợ cứu Eurozone
Khi giới chính khách đã tỏ ra bất lực hoặc thờ ơ, mọi thứ hiện tại phụ thuộc vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và quyền lực thực sự nằm trong tay một người duy nhất, Mario Draghi, Chủ tịch ECB. Ngày 6/9 vừa qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định mua lại trái phiếu chính phủ với số lượng vô hạn từ các quốc gia thành viên khu vực đồng euro (Euro zone - EZ) đang ngập trong khủng hoảng nợ công.
Dư luận bắt đầu dậy sóng, các trang báo tràn ngập những tiêu đề về sự hăng hái, sôi nổi của Mario khi muốn cứu EZ thay vì để xảy ra hậu quả sụp đổ không mong đợi. Quyết định của ông đang được dư luận tán dương vì nó thể hiện bản chất con người luôn lạc quan và đưa ra những giải pháp táo bạo đẩy lùi khủng hoảng. Người ta có quyền hy vọng vào phép màu mà Mario sẽ mang lại hòng chặn đứng hiệu ứng khủng hoảng đôminô đang dần lan rộng ra châu Âu, kéo theo nguy cơ bất ổn tài chính toàn cầu.
"Ẩn số" Mario Draghi
Mario Draghi được coi là nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến dai dẳng của châu Âu với khủng hoảng nợ công và tương lai ảm đạm của đồng euro. Ông lên nắm quyền ECB thay cho người tiền nhiệm Trichet vào tháng 11/2011. Ông đưa ECB đi theo một hướng hoàn toàn khác, vừa cứng rắn cương quyết, vừa mềm mỏng cẩn trọng với nỗ lực duy nhất là dập tan ngòi nổ của khủng hoảng tài chính có thể bùng lên bất kể lúc nào. Trong khi ấy, Mario vẫn tiếp tục hậu thuẫn những chính trị gia và đồng nghiệp ở các ngân hàng danh tiếng khác tại châu Âu.
Mario từng có hơn 10 năm làm việc tại Bộ Tài chính, là một trong những quan chức quyền lực nhất Italia, nổi danh với vai trò "hoa tiêu" cho những cuộc sụp đổ chính trị và tham nhũng ở bộ máy nhà nước. Năm 2005, ông trở thành Thống đốc Ngân hàng quốc gia Italia, "vật cản" của nhiều chính trị gia khi Mario luôn thúc ép họ làm việc minh bạch để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế và giảm thiểu nợ công.
Mario vốn có uy tín từ trước với các thành viên Hội đồng Quản trị ECB, nên không mấy khó khăn ông đặt chân được vào "cái tủ tiền" khổng lồ này. Theo học chuyên ngành kinh tế tại Mỹ, Mario được sự hậu thuẫn rất lớn từ Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Markel, đặc biệt là sau những cam kết bình ổn tài chính tại ECB trước khi nhậm chức. Với bà Markel, Mario sở hữu ý tưởng đậm chất Đức về chuyện thiết lập vòng an toàn cho nền kinh tế quốc dân. Không một nhân vật nào có thể đảm nhiệm vị trí chủ tịch ECB phù hợp hơn Mario Draghi, một con người điềm tĩnh, suy nghĩ cứng rắn và có tầm nhìn xa trông rộng.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mario nhanh chóng tạo nên danh tiếng trên trường quốc tế khi làm chủ tịch một kênh tài chính do G20 tổ chức nhằm xác định hướng đi cho ngành ngân hàng trước sóng gió khủng hoảng. Bằng hiểu biết sâu sắc về chính trị, Mario khiến các chính trị gia châu Âu kinh ngạc. Dư luận nhìn thấy ở con người này vẻ chững chạc, trải nghiệm và thấu đáo trong mọi phát ngôn, luôn rất quyết liệt trong các cuộc đàm phán. Ông trở thành người đi đầu trong mọi chính sách kiềm chế khủng hoảng, đồng thời cũng xoa dịu căng thẳng trong nội bộ EU để đạt được tiếng nói chung trong mọi hành động.
Kế hoạch "giải hạn" cho châu Âu
Mario Draghi đã thông báo chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước thuộc EZ, thay thế Chương trình thị trường chứng khoán (SMP) do ECB đưa ra hồi tháng 5/2010. Ông nhấn mạnh chương trình mới có tên gọi "Các giao dịch tiền tệ trực tiếp" cho phép chấn chỉnh những lộn xộn trên các thị trường trái phiếu chính phủ, theo đó ECB có thể mua trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn và thời gian đáo hạn từ 1-3 năm với điều kiện các nước liên quan phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của quỹ bình ổn và cơ chế tài chính châu Âu.
Mario cho cắt giảm lãi suất ngân hàng và tiếp tục hạ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75%. Dưới sự chỉ đạo của Mario, ECB bắt đầu tự tin cung cấp các gói cứu trợ khẩn cấp không giới hạn cho các ngân hàng ở châu Âu từ cuối năm 2011. Dư luận được phen kinh ngạc khi trong một thời gian ngắn, Mario đã mở cửa cho gần 550 ngân hàng với khoản tiền lên tới 490 tỉ euro.
Tuy nhiên, đầu năm 2012, các câu hỏi liên tiếp được đặt ra về tính hiệu quả của vốn vay. Mario cũng bộc lộ quan ngại về vấn đề các ngân hàng Tây Ban Nha rối như tơ vò, trong khi các nhà đầu tư trở nên lúng túng và hoảng loạn ở thị trường Hy Lạp chìm ngập những nguy cơ đổ vỡ vì nợ công.
Cuối tháng 5/2012, Mario buộc phải lên tiếng chỉ trích các lãnh đạo quốc gia châu Âu vì những giải pháp "cứu vãn tình thế" trở thành "quả bom" phá hủy tính ổn định cấu trúc EZ. Ông kêu gọi EU thiết lập một quỹ bảo hiểm ký thác nhằm trấn an người dân rằng, tiền của họ vẫn an toàn, và điều chỉnh lại hoạt động của các đại gia ngân hàng trên toàn châu Âu thay vì ở một vài quốc gia riêng lẻ.
Cuối tháng 7, Mario bất ngờ tỏ vẻ trấn an các nhà đầu tư khi tuyên bố ECB sẽ làm tất cả để bảo vệ sự sống cho đồng euro. ECB từng khẳng định nhiều lần rằng, sẽ cố gắng tháo bỏ các rào cản để hạn chế những dư chấn của khủng hoảng nợ, bảo vệ chính phủ các quốc gia EU. Mario gợi ý ECB sẽ tham gia thị trường trái phiếu để hạ thấp các khoản vay của từng quốc gia trên cơ sở duy trì khả năng bình ổn lãi suất của các ngân hàng con, từ đó kiềm chế những đột biến gây sốc về giá cả.
Mario đã ký quyết định thiết lập một hệ thống khung pháp lý mua lại trái phiếu từ các quốc gia bị vỡ nợ với số lượng vô hạn. Tuy nhiên điều dư luận quan ngại ở đây là thời gian cho thương vụ mua bán này không hề rõ ràng. Thậm chí các quốc gia "đang gặp hạn" sẽ phải cam kết chấp thuận những điều khoản bí mật để được hỗ trợ thoát nợ cũng như một vài thiết chế tài khóa khác đi kèm. Rõ ràng, ECB đang nắm đằng chuôi, tự soạn thảo những điều khoản chắc chắn sẽ được đồng ý và vấn đề hiện tại chỉ còn lệ thuộc vào lòng can đảm và vận may rủi của các quốc gia điêu đứng vì vỡ nợ.
Kế hoạch mua lại trái phiếu chính phủ của ECB nhằm ngăn chặn một hiệu ứng khủng hoảng đôminô lan rộng trên toàn châu Âu. |
Liệu Mario có mang tới một phép màu?
Dù là lựa chọn của các chuyên gia kinh tế nhưng Mario vẫn phải vượt qua những thử thách chính trị khi ông tới từ Italia, một quốc gia bị coi là vô trách nhiệm trước cơn bão nợ công châu Âu. Mario cũng phải giải trình trước Nghị viện châu Âu về thời kỳ còn gắn bó với Ngân hàng Đầu tư của Mỹ, Goldman Sachs, từ năm 2002 tới 2005. Goldman từng giúp Athens bí mật vay hàng tỉ USD để che giấu tình hình tài chính tệ hại khiến Hy Lạp trông có vẻ "khỏe mạnh" hơn thực chất, một điều kiện để dẫn đến "cái chết bất ngờ" khủng hoảng hiện nay.
Mario vốn chưa bao giờ trở thành tâm điểm khi luôn lặng lẽ ở phía sau hậu trường điều khiển hoạt động của ECB. Sống tại châu Âu, nhưng mọi quyết định trước kia của Mario ít khi hoặc thậm chí chưa bao giờ được chú ý. Tuy nhiên, chỉ bằng một quyết định trong một phiên họp kín và qua truyền thông, Mario hiện giờ lại trở thành niềm tin gần như duy nhất của châu Âu. Bấy lâu nay, ông vẫn ngầm chứng minh rằng, ECB đang vững mạnh, tạo ra cảm giác bình ổn làm điểm tựa cho các định chế tài chính và hệ thống ngân hàng châu Âu.
Trên thế giới, không ít người phỏng đoán ông chủ ECB sẽ gây hại bằng việc mua bán "vô tổ chức", làm giảm giá trị tiền tệ dẫn tới quá trình tự hủy của ngành tài chính quốc tế, đẩy cao lạm phát và gia tăng tình trạng thất nghiệp. Người ta lao vào tranh luận về tuyên bố của Mario, bất chấp những cải thiện của thị trường chứng khoán và vàng, vốn được coi là "chút ánh sáng le lói" do Mario tạo ra chỉ vài tuần trước.
Mario lẽ ra không nên ép buộc chính phủ các quốc gia châu Âu tự tìm lối thoát khôn ngoan cho cuộc khủng hoảng của họ, dù đó là phải đi vay hay bơm ngân lượng cứu giúp hàng xóm. Mario bị cho rằng đã vi phạm quy luật lấy chính sách tiền tệ (do ngân hàng kiểm soát) để giải quyết chính sách tài khóa (do chính phủ và cơ quan lập pháp kiểm soát), điều trước đây chưa ai thực hiện.
Chiến lược gia về lãi suất của Morgan Stanley, Laurence Mutkin, cho rằng chương trình của ECB chỉ có tác dụng kiềm chế lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha, Italia ở thời điểm hiện tại. Mutkin nhấn mạnh: Về dài hạn, kế hoạch vừa công bố có thể coi là ý tưởng "quá tồi" để giải quyết khủng hoảng EZ, có thể khiến châu Âu suy thoái sâu hơn.
Theo Bloomberg, đây là chương trình mua trái phiếu "vô trùng", có nghĩa là sau đó ECB sẽ thực hiện nghiệp vụ mua ngược số tiền đã bơm ra. Phương pháp này sẽ không triệt tiêu chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ bị giảm đi chủ yếu là do sự mập mờ. Nghiệp vụ mua lại có thể đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn tới thị trường. Trong khi đó, điều mà ECB cần làm bây giờ là phải gây ấn tượng cho nhà đầu tư với một chương trình quy mô lớn và rõ ràng mạch lạc. Sự cam kết càng lớn và mãnh liệt, sự can thiệp trên thực tế càng được giảm xuống.
Mario rất được lòng các lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là thủ tướng Đức Angela Markel. |
Nói không với sụp đổ để đứng vững sau khủng hoảng
Mario cho rằng những khoản vay nợ đáng báo động của Italia và Tây Ban Nha đi ngược lại những quy luật bình ổn của nền kinh tế. Theo đó, ECB sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm hai quốc gia trên sẽ không bị phạt bởi vì nhà đầu tư đang rất lo lắng vì tương lai mong manh của khu vực đồng euro, thậm chí hoài nghi về một sự sụp đổ sắp diễn ra. Dư luận tỏ ra bi quan khi yêu cầu Mario phải cam kết tuyệt đối rằng ECB sẽ làm tất cả để cứu sống các quốc gia bị cuốn vào khủng hoảng, và đó là điều kiện duy nhất để kết thúc cơn ác mộng này ở châu Âu.
Mario đang tiến một bước rất xa, khi ông không chỉ mở rộng vai trò của ECB mà còn thiết lập một châu Âu hòa nhập hơn bao giờ hết với các chính phủ tình nguyện từ bỏ tính độc quyền để hợp tác với nhau giải quyết vấn đề chung. Thậm chí, Mario buộc những kẻ chuyên chế bị bóp nghẹt bởi nợ công phải làm lành và nhờ tới sự cứu viện từ các chuyên gia tài chính, ngân hàng bị chính họ "đá" ra khỏi các chiến dịch tranh cử Quốc hội. Tin tốt là chương trình mua trái phiếu đã được 23 thành viên Hội đồng điều hành ECB ủng hộ, chỉ trừ có Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens vẫn còn đang "nửa tin nửa ngờ". Tuy nhiên, Mario vẫn tin tưởng kế hoạch này sẽ thuyết phục đồng nghiệp Đức, từ đó dập tắt mọi nghi ngờ về việc ECB bị dư luận coi là ngân hàng "vô dụng".
Ông cũng nhận được sự tán dương từ các nhà lãnh đạo châu Âu. Ông Cameron và bà Markel cho rằng, ECB đã hành động đúng với nhiệm vụ được giao là bảo vệ sự tăng trưởng ở châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Italia, Mario Monti, gọi đó là một bước tiến quan trọng đối với EZ.
Mario thừa nhận mỗi ngân hàng có nhiệm vụ riêng, nhưng quy lại đều phải giúp hệ thống tài chính khu vực hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ông quy trách nhiệm sang sự xuống cấp về đạo đức của tầng tầng lớp lớp chính trị gia, những hạn chế quản lý của chính phủ và nhận thức yếu kém của người dân. Với Mario, những người làm ngân hàng là hy vọng duy nhất hiện tại, dù họ có thể gây ra sai sót hay thất bại thì vẫn tạo nên những dấu ấn làm trụ cột cho nền tài chính toàn cầu.
Tuyên bố của Mario chưa phải đã chấm dứt khủng hoảng, nhưng sẽ tạo nên bước ngoặt đáng nhớ cho nền tài chính châu Âu. Sẽ phải mất nhiều năm nữa trước khi các nền kinh tế châu Âu và thế giới giải quyết triệt để các vấn đề chồng chất, tạo nên sự yên tâm và ổn định trong tâm lý các nhà đầu tư và người dân. Mario chưa thể chữa lành vết thương của châu Âu, nhưng ông đã và đang thực hiện lời hứa: Nói không với sụp đổ để tạo nên những không gian, tận dụng tư duy và tri thức để vực dậy sau những cơn địa chấn khủng hoảng toàn cầu