Cựu Thủ tướng Malaysia vướng vòng lao lý

13:30 30/05/2018
Ngay sau khi trúng cử Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad đã cho mở cuộc điều tra nhắm vào người tiền nhiệm Najib Razak.

Một ngày sau khi đắc cử, ông Mahathir Mohamad đã ra lệnh cấm vợ chồng cựu Thủ tướng Najib Razak rời khỏi Malaysia để phục vụ điều tra liên quan tới vụ tham nhũng. Để dọn đường cho chiến dịch làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền tiền nhiệm, ông Mohamad đã sa thải Tổng chưởng lý Apandi Ali.

Ông Apandi là người đã xóa mọi cáo trạng đối với cựu Thủ tướng Najib Razak trong vụ bê bối năm 2016. Tân Thủ tướng Mohamad cũng thay thế người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia.

Cựu Thủ tướng Najib Razak đến trụ sở Ủy ban chống tham nhũng Malaysia ngày 24-5.

Tính đến nay, ông Razak đã trải qua 2 cuộc thẩm vấn. Gần đây nhất, sáng 24-5, ông Razak đã có mặt tại trụ sở Ban chuyên án thuộc Cơ quan chống tham nhũng nước này (MACC) vừa được tân Thủ tướng Mohamad thành lập trước đó vài ngày, để trả lời thẩm vấn lần thứ 2 liên quan tới Công ty SRC International - chi nhánh của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).

Hiện MACC đang điều tra các khoản tiền được chuyển từ Công ty SRC International sang các tài khoản cá nhân của ông Najib. Trước đó 3 hôm, ông Najib đã làm việc với nhóm điều tra trong hơn 4 giờ cũng tại trụ sở của MACC. Ban chuyên án này bao gồm cơ quan chống tham nhũng, cảnh sát và ngân hàng trung ương, chịu trách nhiệm xác định và tịch thu những tài sản bị cáo buộc là xuất phát từ các nguồn tiền tuồn từ Quỹ 1MDB.

Ông Najib Razak và vợ Rosmah Mansor tại bang Pahang ngày 28-4-2018.

Lực lượng đặc nhiệm này cũng sẽ chịu trách nhiệm tìm cách hợp tác với các cơ quan chấp pháp khác nhau ở Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Canada và các nước liên quan khác.

SRC International thoạt đầu là một chi nhánh của Quỹ 1MDB, nhưng đến năm 2012 đã được đặt trực tiếp dưới quyền quản lý của Bộ Tài chính Malaysia. Vào lúc đó, ông Najib Razak kiêm nhiệm cả hai chức vụ Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính.

Theo một số nguồn tin, hàng trăm triệu đôla thuộc quyền quản lý của SRC đã biến mất và đó chỉ là một phần trong vụ tình nghi tham nhũng lớn hơn tại Quỹ 1MDB.

2 cuộc lục soát đã được tiến hành tại những nơi ở khác nhau của gia đình cựu Thủ tướng Najib. Hôm 25-5, cảnh sát Malaysia cho biết đã tịch thu 114 triệu ringgit (tương đương 28,6 triệu đôla) và hơn 400 túi xách hàng hiệu tại căn hộ cao cấp của ông Najib Razak. Trước đó, ngày 18-5, cảnh sát Malaysia cũng đã thu giữ 284 thùng giấy carton chứa 72 túi xách hàng hiệu bên trong chứa đầy tiền và trang sức.

Ông Amar Singh, người đứng đầu cơ quan điều tra hình sự tội phạm kinh tế Malaysia, cho biết số tài sản trên được tịch thu tại tư dinh của cựu Thủ tướng Najib Razak và nhiều địa điểm khác, trong đó có cả các căn hộ của con trai và con gái của ông.

Ông Najib cầm quyền trong gần 10 năm cho đến khi thất cử hôm 9-5-2018. Quỹ 1MDB do cựu Thủ tướng Najib Razak thành lập năm 2009 khi mới lên nắm quyền với mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ông Najib bị cáo buộc biển thủ khoảng 640 triệu euro, song luôn bác bỏ cáo buộc này.

Dưới sự điều hành của tân Thủ tướng 92 tuổi Mahathir Mohamad, chính phủ mới đang điều tra do đâu mà hàng tỷ đôla đã biến mất khỏi 1MDB, trong lúc quỹ đầu tư này lại bị lỗ đến 10 tỷ đôla. 

Cảnh sát Malaysia khám xét một số căn hộ thuộc sở hữu của gia đình cựu Thủ tướng Najib Razak ngày 18-5.

Chính trong khuôn khổ cuộc điều tra đó mà ông Shukri Abdull, lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng Malaysia, bị ông Najib cách chức trước đây và vừa được chính quyền mới phục chức, đã tiết lộ những thông tin khó có thể chấp nhận được. Theo ông Shukri, vào năm 2015, khi cơ quan này chuẩn bị lập hồ sơ về ông Najib trong vụ biển thủ tiền của Quỹ 1MDB, lập tức cuộc điều tra bị chặn đứng, nhân chứng thì mất tích, nhân viên điều tra thì bị thanh trừng và đe dọa.

Bản thân ông Shukri thì bị mật vụ theo dõi, bị đe dọa bắt giam về tội âm mưu lật đổ chính quyền, thậm chí còn nhận được một viên đạn gửi đến nhà...

Theo tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, đã có 681 triệu đôla của Quỹ 1MDB được chuyển vào tài khoản riêng của một người, được nhận dạng như là “công chức số một của Malaysia”. Theo các nguồn tin Mỹ và Malaysia, người đó không ai khác là ông Najib Razak. Cựu Thủ tướng Najib bác bỏ thông tin và cho rằng ông không có bất kỳ hành vi sai trái nào.

Những người chỉ trích ông Najib thường cáo buộc là vợ ông chi tiêu xa hoa. Họ cho rằng bà ấy làm như vậy bằng tiền công quỹ. Vợ của ông Najib Razak, bà Rosmah Mansor, nổi tiếng là người chi tiêu thái quá, đặc biệt thích sưu tập túi xách và quần áo hàng hiệu.

Theo một tài liệu của Bộ Tư pháp Mỹ, gần 30 triệu đôla trong số tiền biển thủ được dùng để mua nữ trang cho bà Mansor. Những câu chuyện về chi tiêu xa hoa của gia đình ông Najib từ lâu đã là một điều nhức nhối đối với người dân Malaysia.

Thủ tướng nước này có mức lương cố định là 5.750 đôla/tháng và không thể đầu tư vào các doanh nghiệp hoặc cổ phiếu trong khi còn cầm quyền. Ông Najib có thêm khoản lương bổ sung hằng tháng là 4.030 đôla vì ông còn là nghị sĩ trong quốc hội.

Tuy chưa bị câu lưu, nhưng ông Najib và người vợ đã bị cấm xuất cảnh. Cuộc điều tra ông Najib tham nhũng vẫn đang được chính quyền Malaysia ráo riết tiến hành. Tân Thủ tướng Mohamad cho biết sẽ quyết tâm thu hồi lại số tiền bị thất thoát từ Quỹ 1MDB. Ngày 23-5, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết Quỹ 1MDB đã bị vỡ nợ.

Tương lai của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak quả là đang rất mù mịt bởi lẽ không chỉ bị nghi ngờ biển thủ công quỹ, thời gian tới cựu Thủ tướng Najib sẽ phải đối mặt với nghi án vụ ám sát cô Altantuya Shaariibuu, một người mẫu và thông dịch viên Mông Cổ 28 tuổi. Sự vụ bùng lên vào năm 2006, khi thi hài của Altantuya, bị gài chất nổ vỡ tan thành từng mảnh, đã được tìm thấy trong một khu rừng ở ngoại ô Kuala Lumpur.

Hồ sơ đã được khép lại sau khi 2 kẻ bị quy là thủ phạm, 2 sĩ quan cảnh sát, Azilah Hadri và Sirul Azhar Umar, thuộc đơn vị bảo vệ bộ trưởng đã bị tuyên án tử hình vào tháng 1-2015. Tuy nhiên, 2 người luôn khẳng định họ vô tội và bị hy sinh để bảo vệ người khác. Vụ cô Altantuya Shaariibuu bị thủ tiêu đã gây chấn động không những trong dư luận Malaysia mà cả tại Mông Cổ.

Tổng chưởng lý Malaysia Mohamed Apandi Ali vừa bị sa thải.

Phe đối lâp Malaysia trong nhiều năm qua kêu gọi phải điều tra đến nơi đến chốn sự vụ, vì 2 sĩ quan cảnh sát trên không thể đột nhiên hành động mà rõ ràng đã “thừa lệnh” người nào đó. Chính quyền Thủ tướng Najib khi đó luôn làm ngơ trước các yêu cầu mở điều tra.

Vụ án này đã được nêu trở lại hôm 19-5 với sự kiện chính Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa yêu cầu tân chính quyền Malaysia mang lại công lý và mở lại hồ sơ vụ ám sát đó.

Sự việc diễn ra năm 2002, khi Malaysia thương lượng mua 3 tàu ngầm Scorpène của Pháp. Năm đó, ông Najib Razak còn là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, trong lúc Altantuya là thông dịch viên và cũng là bạn gái của một nhân vật thân tín của ông Najib, doanh nhân, cố vấn về quốc phòng Abdul Razak Baginda.

Altantuya đã tham gia các cuộc thương lượng mua tàu ngầm. Hợp đồng tàu ngầm lên đến 1,1 tỷ đôla, với tiền hoa hồng là 134 triệu được phía đối tác Pháp rót cho một công ty bình phong của Abdul Razak Baginda. Thế nhưng hợp đồng này sau đó đã bị ngành tư pháp của Pháp ngăn chặn vì những tai tiếng tham nhũng.

Chính vụ tiền hoa hồng này đã gây nên cái chết của Altantuya vì cô đã đòi phần hoa hồng của mình, 500.000 đôla được hứa hẹn nếu vụ mua bán thành công, điều mà vợ của ông Najib cực lực phản đối.

Ông Najib Razak trước công luận luôn phủ nhận, khẳng định không hề quen biết Altantuya và cũng không hề có hoa hồng hay tham nhũng trong vụ mua tàu ngầm đó. Có điều là cuộc điều tra về cái chết của cô Altantuya, cũng như phiên tòa xét xử các nghi phạm đã bị nhiều quan sát viên đánh giá là không đáng tin cậy. Điều đó đã làm dấy lên mối nghi ngờ là chính quyền Malaysia đã cố bưng bít vụ việc để bao che cho ông Najib.

Đ.K. (tổng hợp)

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文