Hàn Quốc: Phúc lợi xã hội và chiếc ghế Thị trưởng Seoul

11:35 22/10/2011

Oh Se-hoon, Thị trưởng thành phố Seoul - thủ đô Hàn Quốc, đã phải từ chức khi những hoài bão lớn lao trong sự nghiệp còn chưa đạt được. Nguyên nhân từ chức được cho là xuất phát từ một bước đi sai lầm của Oh trong cuộc tranh luận dai dẳng quanh vấn đề phúc lợi xã hội ở Hàn Quốc. Cú ngã của Oh đã bộc lộ một thực tế khắc nghiệt là không phải lúc nào công bằng xã hội cũng được hiểu theo một nghĩa nhất định. Trong chính trị có cách hiểu khác.

Bản lĩnh của những chính khách thực thụ

Oh Se-hoon năm nay 50 tuổi (sinh tháng 1/1961), tại quận Seongdong-gu, Seoul. Từng học qua Trường đại học Đối ngoại Hankuk và tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Triều Tiên, Oh thuộc thế hệ những chính khách sinh sau thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa. Oh bước chân vào chính trường từ năm 2000, khi đó ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 16, thuộc đảng Đại Dân tộc (GNP), cùng đảng với ông Lee Myung-bak. 6 năm sau, Oh được bầu làm Thị trưởng thành phố Seoul, kế nhiệm ông Lee Myung-bak vào ngày 1/7/2006 và tái nhiệm vào tháng 7/2010.

Tuy không phải là "ghế nóng", nhưng những chính khách từng ngồi vào chiếc ghế danh giá Thị trưởng Seoul đều có đặc điểm chung là có năng lực tốt và sau khi rời ghế, họ đều bước lên những địa vị lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc. Trong lịch sử 34 nhiệm kỳ Thị trưởng của Seoul, cho đến nay đã có 2 người trở thành Tổng thống (ông Lee Myung-bak và ông Yun Bo-seon, Tổng thống thứ 4 của Hàn Quốc), vài người làm Quyền Tổng thống (Goh Kun, Heo Jeong,…) và phần lớn làm Thủ tướng, trong đó ông Goh Kun có tới 3 lần làm Thị trưởng Seoul và 2 lần làm Thủ tướng Hàn Quốc.

Mỗi thị trưởng của Seoul đều có những thành tích và cá tính nổi bật riêng nên cũng được nhiều người nhắc đến. Chẳng hạn, Thị trưởng Goh Kun, sau này làm Thủ tướng và được mọi người gọi bằng biệt danh "ông ổn định" (Mr Stability) vì đưa ra những quyết sách quan trọng giúp Hàn Quốc ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Goh Kun là một công chức cần mẫn kiểu mẫu của Hàn Quốc, nổi tiếng là người cương trực, thẳng tính, từng bất phục tùng lệnh của Tổng thống Roh Moo-hyun đòi ông phải cải tổ nội các, và từ chức vào tháng 5/2004 để phản đối Tổng thống Roh.

Oh Se-hoon nổi tiếng là một người trung thực. Tờ Asia Times hôm 12/10 vừa qua có bài viết về sự kiện từ chức của ông và gọi sự việc đó là "sự chào thua của một người trung thực". Khi ngồi vào ghế Thị trưởng Seoul, Oh đã mặc nhiên được mọi người xem là "tổng thống tương lai", vì đương kim Tổng thống Lee Myung-bak cũng từng là Thị trưởng Seoul. Và mặc dù cùng đảng GNP với Lee, nhưng giới phân tích đều cho rằng Oh hoàn toàn khác Lee. Lee - biệt danh "Xe hủ lô" (Bulldozer) - thuộc thế hệ những chính trị gia bảo thủ, cổ hủ và xuất thân từ Tập đoàn Hyundai. Còn Oh là một luật sư, trẻ trung và cởi mở, nhiều sáng kiến hơn. So với người tiền nhiệm giàu thành tích và khá nổi tiếng, Oh không hề kém cạnh. Nếu như Lee đã biến Seoul thành một đô thị xanh của thế kỷ XXI, thì chính Oh là người đã mang lại cho Seoul một bộ mặt mới, mềm mại hơn, "dịu dàng" hơn.

Một trong những dự án được nhắc đến nhiều nhất trong 5 năm làm Thị trưởng Seoul của ông Oh là dự án khuyến khích người dân Seoul từ bỏ thói quen phụ thuộc vào nước đóng chai, chuyển sang dùng nước máy. ông cho triển khai dự án cung cấp nước sạch phục vụ người dân. Đích thân ông Oh trực tiếp dùng nước máy để uống nhằm khuyến khích người dân. Dự án đã giúp tiết kiệm nhiều thứ, tránh việc đầu tư lãng phí cho hệ thống nước máy của thành phố, đồng thời tiết kiệm chi phí sinh hoạt cho người dân Seoul do phải bỏ tiền mua nước đóng chai với giá đắt. Cho đến gần đây, dự án này đã tiến thêm một bước, đặt ra yêu cầu nước máy không chỉ "sạch" mà còn phải "ngon" nữa.

Oh còn là người đi đầu trong nỗ lực biến Seoul thành một trong những trung tâm về sáng kiến và sáng tạo toàn cầu, với những ứng dụng công nghệ cao hiện đại nhất. Đặc biệt, Oh đã cho xây dựng hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới trên sông Hàn, khu phức hợp giải trí - du lịch - thương mại trên hòn đảo này vừa mới khai trương hồi tháng 5/2011. Giới phân tích cho rằng, hòn đảo chính là "di sản" lớn nhất của Oh, tương đương với việc Lee Myung-bak khai thông dòng kênh Cheonggyecheon chảy xuyên Seoul.

Khu phức hợp đảo nổi trên sông Hàn - “Di sản” lớn nhất của cựu Thị trưởng Oh Se-hoon.

Thảm kịch "trưng cầu dân ý"

Oh Se-hoon đã từ chức Thị trưởng Seoul từ hôm 26/8/2011 nhưng mãi đến nay người ta vẫn chưa tìm được người thay thế ông ngồi vào chiếc ghế danh giá đó. Một cuộc bầu cử bổ sung sẽ được tiến hành vào ngày 26/10 tới. Đó là chuyện bình thường. Nhưng để tìm được một người có đủ trình độ và "xứng tầm" để quản lý, điều hành thủ đô Seoul - một trong những đô thị năng động nhất thế giới - là một điều không hề dễ.

Việc ông Oh từ chức Thị trưởng Seoul được xem là có nguyên nhân trực tiếp từ cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên tiếp tục duy trì bữa ăn trưa miễn phí cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 công lập của thành phố Seoul hay không. Các nhóm hữu khuynh bảo thủ lo rằng, nếu làm như thế sẽ khiến cho đất nước rơi vào tình trạng phá sản tương tự như một số nước ở châu Âu, trong khi những người theo phái tiến bộ cho rằng, việc chọn lọc đối tượng để trợ cấp (theo diện hộ nghèo) sẽ tạo ra tình trạng phân biệt đối xử, gây nên tâm lý mặc cảm vì bị đối xử thấp kém. Xã hội Hàn Quốc vốn rất nhạy cảm về vấn đề giàu nghèo và địa vị xã hội, cho nên lập luận này hoàn toàn có cơ sở.

Oh Se-hoon đứng về phía những người hữu khuynh, bảo thủ, cho rằng việc cung cấp suất cơm trưa miễn phí cho tất cả học sinh công lập, không phân biệt giàu nghèo "là điều sai trái, gây lãng phí lớn". Oh chống lại bữa cơm trưa miễn phí đó. Theo quan điểm của Oh, chỉ nên trợ cấp kiểu ấy cho những học sinh con gia đình dưới ngưỡng nghèo khó. Oh cho rằng, việc tài trợ miễn phí suất ăn trưa nên chấm dứt. Lập tức, Oh vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều giới, nhiều đảng phái chính trị. Quan điểm của Oh bỗng trở nên "thiểu số".

Ngay cả một bộ phận trong cùng đảng GNP cũng bày tỏ không đồng tình với Oh. Bỗng dưng thấy mình từ "người hùng" biến thành "tội đồ", Oh quyết không chùn bước, tung ra canh bạc cuối cùng: mở cuộc trưng cầu ý kiến dân chúng Seoul về vấn đề này. Ngày trưng cầu được ấn định là ngày 24/8/2011.

Trong những ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, các đường phố Seoul như một chiến trường, với rừng băng-rôn, khẩu hiệu, cả chống lẫn ủng hộ cuộc trưng cầu. Trong đó, chiếm đa số vẫn là những tấm biểu ngữ chống cuộc trưng cầu dân ý, gọi đó là cách tiêu xài lãng phí 18,2 tỉ won (tương đương 16,7 triệu USD) chi phí cho việc tổ chức cuộc trưng cầu. Thậm chí đảng Dân chủ (DP) đối lập còn tung chiến dịch tẩy chay cuộc trưng cầu. Kết quả cuối cùng, chỉ có 25,7% dân chúng Seoul đi bỏ phiếu, thấp xa so với yêu cầu phải có ít nhất 33,3% theo luật định. Tỉ lệ này khiến cho kết quả cuộc trưng cầu không được công nhận.

Mặc dù thất bại của cuộc trưng cầu không phản ánh "kẻ thắng người thua" rõ ràng, nhưng theo giới phân tích, người bị thiệt nhiều nhất không ai khác chính là Thị trưởng Oh. Người ta nói rằng, Oh đã đặt cược gần như toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình vào cuộc trưng cầu dân ý này. Và đây chính là lý do từ chức của ông Oh.

Tính đến thời điểm hiện nay ông Lee Myung-bak và ông Yun Bo-seon là 2 Thị trưởng Seoul đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc.

Phúc lợi xã hội và cuộc bầu cử năm 2012

Xét cho cùng, cuộc tranh cãi quanh bữa ăn trưa của các cháu học sinh tiểu học không chỉ là chuyện "cơm trắng và kim chi", mà xa hơn, đó còn là một "cuộc chiến" thật sự giữa các phe phái chính trị xoay quanh vấn đề bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng ở xứ kim chi. Công chúng Hàn Quốc đang gia tăng áp lực đòi các lãnh đạo chính quyền phải hành động hơn nữa để bảo vệ dân chúng trước tình hình kinh tế thế giới đang nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp "bảo vệ" theo kiểu sàng lọc đối tượng không được xem là giải pháp khôn ngoan ở Hàn Quốc. Giới chuyên gia kinh tế phân tích rằng, thoạt nhìn thì việc trợ cấp phúc lợi cho các đối tượng nghèo có vẻ hiệu quả trong việc thực thi mục tiêu giảm nghèo, nhưng về mặt chính trị thì phải xem lại. Nhiều người ở Hàn Quốc không ủng hộ giải pháp giảm nghèo này. Quan niệm về "giảm nghèo bền vững" chính là tạo điều kiện cho người nghèo tự vươn lên chứ không "cho ăn miễn phí" kiểu sàng lọc đối tượng của Thị trưởng Oh.

Ông Goh Kun, từng 3 lần làm Thị trưởng Seoul và 2 lần làm Thủ tướng Hàn Quốc.

Hàn Quốc sắp bước vào kỳ bầu cử Quốc hội (tháng 4/2012) và Tổng thống (tháng 12/2012), vấn đề phúc lợi xã hội lại được quan tâm như một chủ đề lớn. Các đảng phái chính trị tham gia tranh cử đều muốn vận dụng vấn đề này theo cách có lợi nhất. Và đảng nào nắm được tâm nguyện của cử tri về vấn đề này xem như sẽ nắm chắc phần thắng. Nhưng với việc kết quả của cuộc trưng cầu bị hủy (do không đủ tỉ lệ cử tri bỏ phiếu), các đảng phái đang bối rối vì không thể xác định được tâm ý của cử tri đi theo hướng nào.

Riêng đối với đảng GNP của đương kim Tổng thống Lee Myung-bak, việc tìm người thay thế ông đang diễn ra một cách sôi nổi. Trước mắt, bà Park Geun-hye, con gái của cựu Tổng thống Park Chung-hee, hiện đang dẫn đầu cuộc bầu chọn sơ bộ trong đảng GNP. Bà Park đã xác định quan điểm là tập trung và phúc lợi xã hội để giành phiếu trong các kỳ tranh cử sắp tới. Nhưng việc đưa ra những chính sách phúc lợi gì, áp dụng chúng như thế nào mới là vấn đề cần xem xét.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hiện tại mức chi cho phúc lợi xã hội của Hàn Quốc chỉ chiếm có 9% GDP, chưa bằng một nửa so với mức trung bình của OECD. Vì vậy, việc nâng cấp phúc lợi là yêu cầu cấp bách đang được đặt ra. Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế Hàn Quốc đang phát triển năng động, các chaebol (tập đoàn được  điều hành bởi một gia đình) ngày càng giàu thêm nhưng không tạo ra thêm việc làm lẫn nguồn thu thuế cho chính phủ, giải pháp tăng chi cho phúc lợi xem ra không mấy khả thi. Chỉ có tập trung giải quyết vấn đề thất nghiệp là cách tốt nhất để giảm khoảng cách giàu nghèo, nhưng vấn đề là phải làm sao giúp người dân tự mình tạo ra công ăn việc làm và tự tạo ra phúc lợi cho họ mà không cần sử dụng đến ngân sách

An Tôn - Quốc Vương (tổng hợp)

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文