Kia
Mobifone

J Street và “cuộc chiến” vận động hành lang không cân sức

Thứ Hai, 23/11/2009, 23:55
J Street - một tổ chức Do Thái mới nổi ở Washington DC - đang nuôi tham vọng làm một cuộc "cách mạng" trong làng vận động hành lang Do Thái, đồng thời trực tiếp đe dọa vị thế độc tôn của Ủy ban Công vụ Mỹ - Israel (AIPAC) - tổ chức Do Thái lớn nhất và quan trọng nhất - trên "sàn đấu" Washington.

So với thực lực quá hùng hậu của AIPAC và các tổ chức Do Thái truyền thống ở Mỹ thì J Street quả là quá "mỏng", như chàng tí hon David so với gã khổng lồ Goliath. J Street hiện còn quá non trẻ, mới được thành lập vào tháng 4/2008, xét về thời gian hoạt động thì không thể so sánh với AIPAC với bề dày lâu đời hơn nhiều (thành lập từ thập niên 50 thế kỷ trước).

Thành viên ban đầu của J Street cũng chỉ có 3 người, một năm rưỡi sau tăng lên được 6 người. Ngân sách hoạt động của J Street cũng hết sức "bèo": 1,5 triệu USD vào thời điểm thành lập, và hiện nay vào khoảng 5 triệu USD, được huy động từ các “Mạnh Thường Quân” thuộc đủ mọi giới, kể cả những cá nhân, tổ chức không phải Do Thái.

Với một điều kiện nhân lực và tài lực như thế chỉ nói đến việc tồn tại thôi đã khó chứ chưa nói đến phải "đấu" với AIPAC và các tổ chức Do Thái khác. Thế nhưng J Street đã tồn tại được và đang ngày càng lớn dần lên. Cho đến kỳ đại hội đầu tiên diễn ra từ ngày 25/10 đến 4/11 vừa qua, J Street đã thật sự trở thành tâm điểm chú ý khi thu hút đến 1.500 đại biểu, trong đó có cả Cố vấn An ninh Quốc gia James Jones.

Từ trái sang: Isaac Luria, Giám đốc chiến dịch vận động; Rachel Lerner; Daniel Kohl và Giám đốc điều hành Jeremy Ben-Ami.

Theo giới chuyên gia, điểm mạnh nhất của J Street là biết khai thác triệt để sự tiện lợi, nhanh chóng và tính tiết kiệm của Internet để phục vụ cho việc huy động lực lượng ủng hộ từ khắp nước Mỹ. Từ khi thành lập cho đến nay, tổ chức này vẫn chủ yếu dựa vào e-mail để giao tiếp và liên lạc với các mạng lưới chân rết khắp nơi.

Điều quan trọng làm mọi người chú ý đến J Street là ở chỗ tổ chức này vận động hành lang cho Israel nhưng không giống, thậm chí trái ngược với các tổ chức Do Thái truyền thống (như AIPAC). J Street không theo đường lối bằng mọi giá phải giành được sự ủng hộ cao nhất ở Washington cho Israel.

AIPAC thậm chí còn cài cả điệp viên vào bộ máy chính quyền Mỹ (vài vụ điệp viên Israel cài cắm trong Bộ Quốc phòng Mỹ bị phanh phui mấy năm qua là một ví dụ). Còn J Street thì khác, tổ chức này đang có được cảm tình của Nhà Trắng hơn bất kỳ tổ chức Do Thái nào khác hiện nay ở Mỹ do có quan điểm phù hợp với các chính sách của Tổng thống Barack Obama đối với khu vực Trung Đông.

J Street ủng hộ giải pháp "2 nhà nước" mà Tổng thống Obama quyết thực hiện cho bằng được. Đối với vấn đề hạt nhân Iran, J Street cũng chủ trương không ủng hộ Israel dùng vũ lực để ép Iran.

Những gì J Street đang tiến hành vận động cho thấy tổ chức này đang thúc đẩy một cuộc "cách mạng" trong giới vận động hành lang Do Thái "thân Israel". Cuối năm 2006, một nhóm hoạt động từ thiện người Do Thái theo tư tưởng tự do, trong đó có Jeremy Ben-Ami (hiện là Giám đốc điều hành), họp nhau lại bàn chuyện tập hợp các tổ chức Do Thái tiến bộ thành một tổ chức lớn hơn, mạnh hơn để hoạt động hiệu quả hơn.

Và cái tên J Street được đề cập như một bản sao của "K Street" (phố vận động hành lang nổi tiếng ở Washington). Sự ra đời của J Street gần như trùng hợp với sự xuất hiện của Thượng nghị sĩ Obama trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2008. Khẩu hiệu mà J Street ngầm theo đuổi là "vì hòa bình và an ninh Israel" của mình.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các tổ chức Do Thái tiếp tục hoành hành Washington, tiếp tục nắm lấy yết hầu của nước Mỹ mà lèo lái, thì sự vận động của J Street có thể được ví như "liều thuốc" nhằm trung hòa những "độc tố" do các tổ chức Do Thái truyền thống tiêm vào guồng máy chính trị Mỹ.

Tuy nhiên, tình hình chung cho thấy chỉ mỗi J Street thì khó mà tạo được sự thay đổi nhanh chóng chiều hướng vận động hành lang Do Thái, cũng như một mình Tổng thống Obama thì khó mà thay đổi được nếp nghĩ cùng với hành động của guồng máy chính trị Mỹ đối với các vấn đề liên quan đến Israel và Trung Đông.

Việc nước Mỹ quá thân Israel không phải bây giờ mới có mà đã ăn sâu trong não của nhiều thế hệ chính khách nước Mỹ hàng chục năm qua, đến nỗi đã trở thành một thứ "luật" mà bất cứ tổng thống mới nào của nước Mỹ cũng đều phải ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc.

Cho đến nay, những chính sách, giải pháp mới của ông Obama ở khu vực Trung Đông vẫn chưa nhận được sự ủng hộ cần thiết của Quốc hội Mỹ, nơi mà lực lượng thân Do Thái không chỉ có ở đảng Cộng hòa mà cả một bộ phận khá đông trong đảng Dân chủ.

Và hiệu quả thúc đẩy hòa bình tại đây của ông cũng chưa thấy xuất hiện. Vì vậy, việc thay đổi nếp nghĩ "thân Do Thái" ở Washington, làm cho hòa bình thật sự ngự trị ở khu vực Trung Đông, để cho Israel không còn bị cô lập giữa cộng đồng khu vực như hiện nay,  đối với nước Mỹ mà nói còn khó hơn là phóng tàu thăm dò lên sao Hỏa!

Nó đòi hỏi thời gian rất lâu và nhiều thế hệ "Obama" sau này với quyết tâm cao mới hy vọng thực hiện được. Nhưng với nhiều "J Street" cùng hỗ trợ thì mọi việc có thể sẽ diễn ra nhanh hơn chăng?

An Châu (tổng hợp)

.
.