Người đàn bà thép của ngành cảnh sát Pháp

15:31 27/11/2004
"Cảnh sát, nghề chỉ dành riêng cho đàn ông", khẩu hiệu thường xuất hiện trên áp-phích tuyển dụng nhân viên của Bộ Nội vụ Pháp, xem ra đã mất ý nghĩa khi Martine Monteil trở thành thủ khoa khóa đào tạo của Học viện Cảnh sát quốc gia năm 1976. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi mới đây bà được Chính phủ Pháp bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy ngành Cảnh sát tư pháp.

Sinh năm 1950 trong một gia đình có cha là thanh tra làm việc tại Biệt đội Cảnh sát truy tìm và can thiệp (BRI) của Bộ Nội vụ Pháp, ngay từ nhỏ, Martine Monteil đã bị cuốn hút bởi những chuyện kể về các vụ phá án của cha và các đồng nghiệp của ông mỗi khi họ tề tựu tại ngôi nhà của gia đình sau một đợt công tác.

Bà nhớ lại: “Tôi nghe như muốn tạc vào trí nhớ những câu chuyện của bố tôi và các bạn ông. Tôi đã hít thở cái không khí tràn ngập mùi hình sự ở trong nhà ngay từ hồi còn nhỏ”. Năm bà 17 tuổi, khi biết con gái tỏ rõ ý định trở thành thanh tra cảnh sát đặc nhiệm như mình, cha bà đã khuyên răn: “Không được đâu con, vì cảnh sát là nghề của đàn ông, nhất là cảnh sát đặc nhiệm!”.

Ấm ức nhưng vâng lời cha, bà Martine ghi danh học Đại học Luật. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, bắt chước bạn bè, bà xin làm việc tại các tập đoàn công nghiệp lớn và được nhận làm chuyên viên pháp lý cho Tập đoàn Chế tạo xe hơi Peugeot. Mấy năm làm việc ở đây, bà thấy rõ công việc bàn giấy hoàn toàn không phù hợp với mình. 

Cương quyết truy bắt tội phạm đến cùng, cả đối với những trường hợp khó có thể thực hiện được, đó là tính cách của bà Martine Monteil. Tháng 10/1982, một tên tội phạm nguy hiểm dùng súng cướp một xe chở tiền ở quận Saint-Denis, ngoại ô Paris. Bị phát hiện, tên cướp bỏ chạy trước sự truy đuổi của một đội BRI do Martine Monteil chỉ huy. Hắn chặn một xe taxi, bắn chết người tài xế rồi cướp xe tẩu thoát. Martine Moneteil, lúc đó đang mang thai tháng thứ sáu, quyết tâm phải bắt bằng được tên tội phạm. Lặn lội truy tìm, bà cùng đồng đội đã lần ra được dấu vết của tên tội phạm ở tận thành phố Strasbourg, cách Paris 350 km rồi bắt giữ hắn.

Năm 1974, khi biết tin lần đầu tiên Bộ Nội vụ cho phép đào tạo nữ thanh tra cảnh sát, Martine Monteil liền ghi danh. Hai năm sau, bà đỗ thủ khoa khóa đào tạo thanh tra tại Học viện Cảnh sát quốc gia Saint-Cyr-au-Mont-d'Or. Vô cùng tự hào trước những thành công bước đầu của con gái, cha bà đã tặng bà khẩu súng ngắn mà ông vẫn sử dụng. Từ đó đến nay, khẩu súng của cha và bức hình chụp bà mặc sắc phục cảnh sát trong lễ tốt nghiệp, đã trở thành những vật bất ly thân của bà.

Trước những bước thăng tiến nhanh trong nghề, bà không hề tự phụ cho rằng mình thuộc trường hợp ngoại lệ hay đặc biệt nào cả mà là do chính nỗ lực phấn đấu của bản thân và nhất là lòng yêu nghề. Bà luôn khẳng định với các đồng nghiệp: “Trước tiên, tôi là một nhân viên cảnh sát, sau đó mới là một phụ nữ”. Chính vì thái độ khảng khái này mà bà được các đồng nghiệp, các nhân viên thuộc quyền và cả giới tội phạm đặt cho cái tên “Người đàn bà thép”.

Trở thành đồng đội của cha ở BRI năm 1977, nhưng chỉ 10 năm sau, khi mới 37 tuổi, Martine Monteil đã trở thành chỉ huy của biệt đội cảnh sát đặc nhiệm này. 17 năm làm việc tại BRI, trong đó có 7 năm làm chỉ huy, bà trở thành một gương mặt sáng giá trong ngành Cảnh sát Pháp. Nhưng chỉ cho đến khi được bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy một biệt đội cảnh sát đặc nhiệm khác của Bộ Nội vụ là Biệt đội Cảnh sát chống băng nhóm tội phạm (BRB) thì bà mới phát huy hết năng lực của mình.

Là đơn vị cảnh sát mũi nhọn của Bộ Nội vụ, nên lúc đầu các "cao bồi" - tên gọi nhân viên BRB vì họ chỉ mặc toàn quần jean và áo da khi thi hành nhiệm vụ - cảm thấy khó chịu khi "bị" một phụ nữ tóc vàng, ăn mặc thanh lịch có dáng vẻ như diễn viên điện ảnh hơn là thanh tra cảnh sát đặc nhiệm. Vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau, họ phải tâm phục khẩu phục vì tính cách làm việc chuyên nghiệp và quyết đoán của bà Martine Monteil, nhất là sau đợt triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức ở miền Nam Pháp.--PageBreak--

Vào năm 1995, bà Martine dẫn hai đội đặc nhiệm thuộc loại “chiến” nhất của BRB là Đội 40 và Đội 21 xuống tận vùng Provence ở miền Nam để phối hợp với cảnh sát địa phương triệt phá các băng nhóm tội phạm đang làm rối loạn tình hình an ninh trật tự tại các thành phố Marseille, Nice, Toulouse qua các trận thanh toán đẫm máu. Chỉ trong vòng 6 tháng trấn áp, cảnh sát đã bắt giữ được 36 tên tội phạm, trong đó có những tên sừng sỏ như Jean Claude Dédé, Alessandro Page... và hầu như phá tan các băng nhóm tội phạm quan trọng.

Trên cương vị chỉ huy một đơn vị mũi nhọn trong công tác chống tội phạm có tổ chức, bà Martine cho rằng: “Không cần chơi trò mèo vờn chuột với bọn tội phạm mà phải giáng những cú đấm thẳng và chính xác vào mặt chúng sau khi đã nắm được nội tình của chúng. Nhân viên BRB phải nhanh hơn và mạnh hơn bọn tội phạm thì mới trấn áp được bọn chúng”.

Là người chỉ huy và là đồng đội, bà đã từng khóc trước sự hy sinh của một trong số các nhân viên thuộc quyền khi thi hành nhiệm vụ, nhưng bà cũng không khoan nhượng với các tiêu cực trong đơn vị, nhất là đối với những ai bị mua chuộc bởi những đồng tiền dơ bẩn của bọn tội phạm. Trong 3 năm chỉ huy BRB, bà Martine Monteil đã kỷ luật đến 6 nhân viên thuộc quyền cam tâm "bán linh hồn cho quỷ".

Năm 1997, bà Martine Monteil lại được giao nhiệm vụ chỉ huy một đơn vị cảnh sát ưu tú khác của Bộ Nội vụ, đó là Biệt đội Điều tra trọng án (CRIM). Đây là quãng thời gian bà xem là hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm cảnh sát của mình, bởi vì bà được tham gia phá những vụ án quan trọng trên cương vị là chỉ huy và là thành viên của CRIM. Nói về CRIM, bà Martine cho biết: “Trong ngành, người ta gọi CRIM là chiếc xe hủ lô chuyên càn lướt trên những đoạn đường gai góc nhất. Không có vụ án khó khăn nào mà CRIM chịu bó tay. Mọi dấu vết, mọi chứng cứ dù có mờ nhạt đến mấy vẫn được CRIM truy tìm đến cùng. Đối với CRIM, thời gian không còn là phạm trù quyết định của một vụ án, mà kết quả cuối cùng có phá được vụ án hay không mới là điều quan trọng”. Cùng với CRIM, bà Martine đã tham gia điều tra và phá những vụ án cực kỳ quan trọng như  cái chết của Công nương Diana vào năm 1997, truy bắt tên giết người hàng loạt Guy Georges từng gây kinh hoàng khắp phía tây thủ đô Paris vào năm 1998, phá vụ án về tên giết người hàng loạt Emile Louis tại tỉnh Yonne vào năm 2001, phá vụ án về tên giết người hàng loạt Patrice Allègre vào năm 2002 tại thành phố Toulouse...

Vào tháng 10/2002, Martine Monteil lại được bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy Lực lượng cảnh sát tư pháp (PJ) của thủ đô Paris. Là chỉ huy cao nhất của một trong những bộ phận quan trọng của ngành cảnh sát với 4.395 nhân viên thuộc quyền, giờ đây bà Martine Monteil phải ngậm ngùi chia tay với những năm tháng lăn lộn chống tội phạm ở BRI, BRB và CRIM, mà bà cho là sôi động nhất trong cuộc đời làm cảnh sát của mình. Nhiều người đánh giá rằng, với năng lực và lòng yêu nghề, bà Martine Monteil sẽ còn tiến xa hơn nữa... Điều này có thể  xảy ra bởi vì trong quá khứ từng có một Elisabeth Guigou, nữ Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên nổi tiếng với những cải cách quan trọng trong ngành  Tư pháp Pháp; một Michèle Alliot-Marie, nữ Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, thì tại sao lại không thể có một Martine Monteil, nữ Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước Pháp trong tương lai?

Văn Hoà (theo Paris Match)

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文