Nguyên soái Xôviết Georgy Zhukov: Võ công và chính công

16:19 01/12/2011
Ngày 19/11 vừa qua đã là kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh của danh tướng vĩ đại, Nguyên soái Xôviết Georgy Zhukov, người được coi là có công đầu trong chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, trên cơ sở những tư liệu mới được khai thác, vai trò và vị trí của vị Nguyên soái  lỗi lạc này đang được đánh giá thêm phần công bằng.

Tờ báo có mức độ phổ cập lớn ở Nga "Komsomolskaya Pravda" đã tổ chức một cuộc tọa đàm giữa bình luận viên quân sự Victor Baranets với Đại tướng Makhmud Gareyev, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự và nhà văn, nhà sử học Nikolai Dobruykha. Đây là cuộc tranh luận chưa có kết luận cuối cùng nên những tư liệu này cần được coi như để tham khảo.

Đại tướng Gareyev: Nguyên soái  Xôviết Zhukov là một danh tướng vĩ đại. Tôi nghĩ rằng, nếu khách quan so sánh mọi sự thì sau Đại Nguyên soái Suvorov không có một vị tướng thứ hai đạt được tầm cỡ như  thế.

Bình luận viên Victor Baranets: Thế ông dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá như vậy?

Đại tướng Gareyev: Về bất cứ một nhân vật nào, hơn nữa là về một danh tướng thì chỉ có thể đánh giá một cách khách quan dựa trên các công tích của họ. Và điều chủ yếu là những nhiệm vụ nào đã được đặt ra và với hiệu quả như thế nào những nhiệm vụ đó được xử lý. Trước cuộc trò chuyện này, ông đã sử dụng danh từ "Nguyên soái của chiến thắng". Dù tôi rất ngưỡng mộ Zhukov nhưng tôi chống lại việc dùng thuật ngữ này. Vì nói thế là không công bằng.  Không phải mình ông ấy làm nên chiến thắng. Chúng ta còn có Tổng Tư lệnh Tối cao và những Nguyên soái  khác nữa. Nhưng nói cho cùng, giữa đội ngũ danh tướng đã giành lấy chiến thắng này thì ông ấy vẫn có vai trò chủ đạo. Nhưng vai trò chính vẫn thuộc về Stalin và nói chung là thuộc về ban lãnh đạo quốc gia.

Nhà sử học Nikolai Dobruykha: Riêng đối với tôi thì, Nguyên soái Zhukov, đó là một danh tướng xuất sắc nhưng lại là một chính trị gia… tồi! Nghiên cứu các tài liệu của nửa cuối thế kỷ XX, tôi đã đi tới các kết luận khác nữa. Xin quý vị đừng ngạc nhiên! Tôi cho rằng, việc Liên bang Xôviết sụp đổ có nguyên nhân từ ông Zhukov! Bởi lẽ, chính ông ấy đã chống lại cái gọi là nhóm phản Đảng và giúp đưa lên cầm quyền một nhân vật như Khrusov. Và thế là chúng ta hôm nay đang phải có cái mà chúng ta đang có. Chính từ Khrusov đã bắt đầu mọi sự, như trước đây nguyên Chủ tịch KGB Semichasnyi đã từng nói với tôi. Mà chính Zhukov đã hỗ trợ cho  Khrusov. Nhưng mặc dầu như thế thì đối với tôi ông ấy vẫn là một danh tướng xuất sắc! Trong đội ngũ của Stalin thì không thể có những nhà lãnh đạo kém. Nếu ai đó kém thì không thể trụ lâu được trong đội ngũ ấy. Và Zhukov đã trụ lại được. Và không chỉ trụ lại được mà còn là người về sau đã được đứng ra tiếp nhận lễ duyệt binh chiến thắng. Và các ngôi sao vàng Anh hùng Liên Xô của ông ấy là xứng đáng, chỉ trừ ở lần thứ tư gắn với tên họ Khrusov  năm 1956. Đấy là sự việc liên quan tới diễn tiến chính trường...

Bình luận viên Victor Baranets: Ông vừa nói rằng, chính từ Zhukov, người đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Khrusov với những người đối lập, đã bắt đầu quá trình tan rã Liên bang Xôviết. Một lời buộc tội nghiêm trọng! Nhưng Zhukov thì có liên quan gì tới chuyện này nếu như sau Khrusov thì những người lãnh đạo Liên Xô lại là những Brezhniev, Andropov, Chernenko, Gorbachev?

Nguyên soái Georgy Zhukov duyệt binh mừng chiến thắng trên quảng trường đỏ, ngày 24/6/1945.

Nhà sử học Nikolai Dobruykha: Đó là những nhân vật, có thể nói là, thuộc về tuyến hai, về sức nặng chính trị thì họ không thể nào so được với những Malenkov, Molotov, Kaganovich. Chính những người này mới thực sự là sức mạnh của chính quyền Xôviết. Nhưng họ đã bị loại khỏi ranh giới của chính quyền đó và suýt nữa thì bị biến thành kẻ thù của nhân dân! Ở thời điểm đó đã có Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và các thành viên của Đoàn Chủ tịch đã bỏ phiếu đa số đồng ý cách chức Khrusov. Và chỉ có sự can thiệp của Zhukov mới dẫn tới việc Khrusov vẫn ở lại nắm được chính quyền.

Đại tướng Gareyev: Không thuyết phục! Ông "kéo tai" những lời buộc tội này đổ cho Zhukov! Ông ấy đâu có phải chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của đất nước!

Nhà sử học Nikolai Dobruykha:  Được rồi, tôi sẽ nói thêm để thêm phần thuyết phục! Quý vị có biết rằng, người ta lấy tư liệu từ đâu để soạn bản báo cáo vạch trần tệ nạn sùng bái cá nhân đối với Stalin ở Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Liên Xô hay không? Từ những lá truyền đơn chống lại Stalin của Goebbels! Chính gần như trích lại nguyên văn những lá truyền đơn của Goebbels mà người ta đã soạn nên bản báo cáo của Khrusov tại Đại hội lần thứ XX! Thưa ông Đại tướng, ông thấy thông tin này như thế nào?

Đại tướng Gareyev: Ngay cả nếu như thế thật thì đó cũng lại là các vấn đề của Khrusov chứ không phải của Zhukov! Mà hôm nay chúng ta lại đang nói về  Zhukov.

Đấy, ông vừa bảo, ông ấy là một chính trị gia tồi. Nhưng Zhukov không phải là một chính trị gia! Ông đã đúng về việc, một danh tướng ở tầm cỡ đó không thể giải quyết các vấn đề chiến lược nằm ngoài chính trị và ông ấy dĩ nhiên là biết cách định hướng trong chính trị. Nhưng ông không hề có chứng cớ nào về việc ông ấy không định hướng được trong chính trị. Cái thí dụ mà ông vừa nêu ra (về việc ông ấy đã giúp cách chức các ông Malenkov, Molotov và những nhà lãnh đạo khác) đã bác bỏ những gì ông nói. Vì sao? Vì rằng, nếu nói một cách bao quát hơn, thì nếu như những ông như Molotov, Malenkov, Kaganovich và những người khác còn ở lại nắm quyền lực thì tình hình đất nước có thể đã trở nên tồi tệ hơn. Vì như thế thì chúng ta đã không thể thanh toán được những điểm yếu đã tồn tại khi Stalin cầm quyền.

Ngoài mặt trận.

Hơn nữa, câu chuyện không phải ở Khrusov. Ngay từ năm 1952, khi Zhukov tới một cuộc tập trận, ông ấy đã cùng Nguyên soái Timoshenko trò chuyện. Tôi đã có mặt khi họ nói với nhau. Và họ đã nói thẳng ra rằng, nếu nhóm huynh đệ đó còn ở lại thì tình hình sẽ trở nên không thể tồi tệ hơn! Chính vì thế nên Zhukov khi ấy đã nghiêng về phía Khrusov...

Nhưng chúng ta hãy cùng nói về Zhukov như một chiến tướng. Zhukov là người sinh ra cho chiến tranh. Ông ấy trong chiến trận mới tinh hoa phát tiết. Ông ấy hơn bất cứ ai cảm nhận được rõ các chi tiết trong tiến triển chiến sự và biết nhìn thấy trước rất nhiều điều. Nhưng ông ấy không đắc dụng lắm trong thời bình. Khi ông ấy trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, ông ấy đã nghĩ rằng, nếu kỷ luật nghiêm khắc mọi người vì bất cứ một sơ sảy nào, vì bất cứ một sự cố nào thì mọi chuyện trong quân đội sẽ trở nên ổn thỏa… Và ông ấy đã tạo nên một không khí căng thẳng trong các lực lượng vũ trang đến mức người ta sợ cả đi tập trận - vì lúc nào cũng chỉ toàn cách chức, hạ quân hàm với cả tống cổ khỏi quân ngũ…

Bình luận viên Victor Baranets: Tại sao lại xảy ra chuyện, một người vốn thần tượng Stalin như Zhukov và rất được Stalin sủng ái bỗng nhiên lại quay ra ủng hộ đường lối của Khrusov trong việc vạch trần tệ nạn sùng bái cá nhân?

Đại tướng Gareyev: Zhukov đã không chống lại Stalin. Ông ấy chống lại cả một quá trình. Một quá trình không phải do một mình Stalin tạo nên mà cả Molotov, cả Malenkov đều nhúng tay vào. Và đặc biệt là Beria. Tất cả đều nhúng tay vào. Toàn bộ đội ngũ cán bộ chỉ huy quân đội đều tức quá trình đó, đặc biệt là những gì mà Beria gây ra. Và ngay cả khi chiến tranh còn đang diễn ra, họ đã âm thầm nói với nhau rằng, có một lúc nào đó cần phải kết thúc cái việc đó. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Beria đã bị dẹp đi, lập tức có sắc lệnh là, không một sĩ quan nào, không một chỉ huy quân sự nào bị đưa ra tòa nếu không có sự đồng ý của chỉ huy trực tiếp.

Bình luận viên Victor Baranets: Một số nhà lịch sử quân sự và dân sự khẳng định rằng, gần như tất cả các chiến dịch mà Zhukov chỉ huy thành công, đều do cấp dưới của ông ấy lập kế hoạch. Còn ông ấy thì dường như là chỉ "ăn sẵn", chỉ đưa đẩy một số việc, khéo léo "bày binh" trên chiến trường và giành lấy chiến thắng.

Đại tướng Gareyev: Điều này hoàn toàn không đúng với thực tế.  Nếu quý vị xem xét bất cứ một chiến dịch nào kỹ thì đều thấy không phải như thế. Thí dụ như cuộc chiến đấu bảo vệ Moskva. Làm gì có gì để Zhukov tới mà "ăn sẵn"? Ở thời điểm mà ông ấy từ Leningrad tới, đã bắt đầu chiến dịch Taifun, một số chiến tuyến của ta đã bị sụp đổ, mọi thứ đều mở toang trước quân Đức. Zhukov ở thời điểm đó đã như là bị rơi vào thảm họa. Ngay cả tôi cũng không thể tưởng tượng là có ai khác, kể cả Napoléon có thể tìm ra được giải pháp đúng trong bối cảnh đó, chống lại sức tấn công như chẻ tre của quân Đức và khôi phục lại các chiến tuyến. Nhưng Zhukov đã tìm ra được. Và sau này đến bất cứ đâu, ông ấy cũng tự làm rất nhiều việc, thay đổi rất nhiều thứ và đưa mọi sự trở về dòng chảy cần thiết.

Nhà sử học Nikolai Dobruykha: Dù không muốn làm giảm đi các tài năng cầm quân của Zhukov, tôi vẫn sẽ nói  rằng, xung quanh vị Nguyên soái này đã hình thành một số huyền thoại. Tôi muốn nói tới sự đánh giá mà các chính trị gia dành cho ông ấy. Trước đây, tôi từng kết thân với Feliks Chuyev, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "140 cuộc trò chuyện với Molotov". Chuyev đã kể nhiều điều thú vị với tôi. Thậm chí là rất sốc! Thí dụ như chuyện Molotov tiết lộ rằng, chính Zhukov đã đề nghị Stalin bỏ trống Moskva mùa thu năm 1941!

Bình luận viên Victor Baranets: Có bằng chứng về việc đó không?

Nhà sử học Nikolai Dobruykha: Molotov đã kiên quyết không để cho Chuyev ghi âm lại các cuộc trò chuyện. Nhưng Chuyev đã tìm cách lén ghi lại. Các câu chuyện của Molotov đã được ghi âm. Chuyện là thế này. Stalin gọi điện cho Zhukov và hỏi:

- Đồng chí có xẻng không?

Zhukov bối rối:

- Đồng chí Stalin, xẻng để làm gì ạ?

Stalin:

- Xẻng dùng để đào đất ấy.

Zhukov (lại vẫn bối rối):

- Có ạ, thưa đồng chí Stalin.

Stalin:

- Vậy thế này nhé, đồng chí Zhukov, hãy lấy xẻng đào mồ mình ở đây, nhưng chúng ta sẽ không chuyển Bộ Tư lệnh mặt trận ra xa Moskva!

Và sau cuộc nói chuyện điện thoại này, Zhukov đã hiểu ra rằng, không còn gì khác được nữa, hoặc là hy sinh và đào mộ mình trước, hoặc là phòng ngự thành công Moskva…

Tôi cũng cho rằng, trong trận chiến bảo vệ Moskva và nói chung trong cả cuộc chiến chống lại phát xít, vai trò của Zhukov đôi khi không như chúng ta vẫn tưởng. Và cả vai trò của Stalin nữa. Không phải Stalin chiến thắng mà là nhân dân do Stalin lãnh đạo đã chiến thắng. Có Stalin nhưng không có một nhân dân như đã có thì chúng ta cũng không thể chiến thắng được như đã chiến thắng…

Cũng phải nói rằng, về mặt con người thì Zhukov cũng có những điểm yếu không nhỏ.

Đại tướng Gareyev: Trong chuyện này thì tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Stalin đã có lần buột miệng nói rằng, nếu có thể liên kết tính cách cứng rắn, ý chí và tài năng tổ chức của Zhukov với sự tử tế và mối quan tâm đối với mọi người của Nguyên soái Rokossovsky thì chúng ta đã có được một danh tướng lý tưởng.

Nhưng dù sao thì danh tướng Zhukov vẫn là vĩ đại. Ông ấy biết cách tiên liệu trước tình hình…

Minh Huyền

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文